Phật Học Ngụ Ngôn – Bách Dụ Kinh

100. CẢNH SỐNG TRÊN ĐỜI

Khi đức Phật ở trong vườn trúc thành La-duyệt-kỳ (Ràjagrha), một hôm Ngài cùng các đệ-tử nhận lời thỉnh của thiện-tín vào thành thuyết-pháp. Thuyết-pháp xong, chiều về giữa đường Ngài gặp một người chăn trâu, đương đuổi đàn trâu lớn vào thành. Ngài thấy con nào con ấy no-béo, lồng-lộn đâm-húc nhau, Ngài liền đọc bài kệ:

Lăm-tăm roi nhắc trên tay,
Chăn-nuôi mong để có ngày thịt, sơi!
Già đi, chết lại…, chuyển-dời,
Chiếc thân chăm-chút đợi thời ra đi!
Góp-gom tài-sản chi-ly,
Dù ai, ai mặc, suy-vi chẳng từ!
Ngày, đêm sống tưởng lặng-tờ,
Mệnh-căn tự-hủy từng giờ không hay!
Cuộc đời trong giấc ngủ say,
Ao sâu giọt nước, ẩm đầy bao lâu?

Đức Phật về đến vườn trúc, rửa chân rồi ngồi vào tòa cũ. Tôn-giả A-Nan tới trước cúi đầu làm lễ bạch: “Lạy đức Thế-Tôn! Vừa rồi, khi đức Thế-Tôn đi đường Ngài có nói bài kệ, con không hiểu ý-nghĩa ra sao kính mong Thế-Tôn giáo-hóa cho!”

Đức Phật bảo: “Này ông A-nan, ông có trông thấy người chăn trâu đuổi đàn trâu vào thành không?” Tôn-giả A-Nan bạch: “Lạy đức Thế-Tôn! Con có trông thấy!” Đức Phật bảo: “Ông A-Nan, nhà nuôi trâu ấy, họ có đến nghìn con, ngày ngày họ sai người ra ngoài thành tìm cỏ non, nước tốt đem về nuôi cho béo, hàng ngày họ chọn những con béo đem giết thịt. Tính ra những trâu họ đã giết đến quá nửa rồi. Thế mà những con trâu còn lại không hề biết gì mới lồng-lộn, đâm-húc nhau và gào-rống như thế. Ta thương nó không biết gì, nên Ta nói bài kệ ấy!”

Đức Phật bảo: “Ông A-Nan, cứ gì đàn trâu ấy, người đời cũng thế! Người đời chỉ chấp chặt cái “ta”, không biết đến lẽ “vô-thường”, ham-đắm ngũ-dục, nuôi-nấng thân mình, vui lòng thỏa ý lại tàn-hại lẫn nhau; khi vô-thường oán-kết từ xưa vụt đến, mờ-mịt không biết gì, thời có khác chi đàn trâu kia vậy!”
Trong giảng-đường khi ấy có hai trăm vị Tỳ-Khưu còn vương tính tham-lam sự cúng-dàng nghe đức Phật nói pháp ấy tự thẹn, cố-gắng sửa-chữa, được đầy-đủ thần-thông và được quả vị A-la-hán.

Mọi người trong giảng-đường vui, buồn xen lẫn, làm lễ Phật rồi lui.

Tôi tạo bộ luận này,
Hòa-hợp lời vui cười;
Thêm, bớt lời chính-thực,
Quán nghĩa hợp hay không.
Tựa như thuốc độc đắng,
Hòa-hợp cùng thạch-mật;
Thuốc để phá-hoại bệnh,
Luận này cũng như vậy.
Đùa-cười trong chính-pháp,
Như thuốc độc-dại kia;
Nhưng, chính-pháp của Phật,
Vẳng, định soi sáng đời.
Như uống thuốc thổ ra,
Dùng vị Tô [47] nhuận thể;
Nay tôi đem nghĩa ấy,
Tỏ bày lẽ “tịch-định”.
Như thuốc A-già-đà, [48]
Dùng lá cây gói, phong;
Thuốc thoa chỗ độc rồi,
Lá cây vứt bỏ đi.
Đùa-cười như lá bọc,
Thực-nghĩa nằm ở trong;
Trí-giả dùng chính-nghĩa,
Đùa-cười nên bỏ đi! [49]

Việt dịch: HT Thích Tâm Châu

http://vinhnghiem.de

________________________________________

[1] Bộ này chính tên là “Bách-Dụ Kinh”. Nội-dung toàn bộ đều là lời thí-dụ, ngụ-ý răn dạy những người ngu-si, không hiểu, để đi thẳng vào đường hiểu-biết chân-chính, nên nay đổi là “Phật-học Ngụ-ngôn”.
Bách-Dụ Kinh là cuốn kinh số 209 (tập 4, trang 543-) Trong Đại-Tạng-Kinh. Bộ kinh này chia làm 4 quyển, do ngài Cầu-Na-Tỳ-Địa (Ấn-Độ) dịch chữ Phạm ra chữ Hán, trong đời Tiêu-Tề.
Bộ kinh này có vài điểm khác-biệt: 1/ Phần “Chính tôi được nghe…” để cuối quyển nhất, chứ không để đầu kinh như thường-lệ của các kinh. 2/ Dưới đề-mục kinh và bài kệ cuối kinh lại đề tên “Tôn-giả: Tăng-già-tư-na soạn” mà theo thông-lệ kết-tập trong các kinh đã có “Chính tôi được nghe…” thời không có soạn-giả. 3/ Lẽ ra kinh Bách-Dụ phải đủ 100 bài thí-dụ, nhưng đây chỉ có 98 bài. Mặc dầu có những điểm khác-biệt trên nhưng, trực-nhận nội-dung bộ này toàn là những lời ngụ-ý răn dạy rất hay, chúng tôi lược-dịch để cống-hiến Phật-tử. Bổ-khuyết vào chỗ khác-biệt trên, chúng tôi đem đoạn “Chính tôi được nghe…” lên đầu kinh cho hợp; rút 2 bài ở kinh khác thêm vào sau cho đủ 100 bài và, không chia riêng quyển như cũ nhưng, có ghi lại nơi chú-thích mỗi khi hết quyển để tiện bề tìm hiểu (lời dịch-giả).
[2] Xem kinh Quán-Âm thụ-ký đã giải.
[3] Dị-học Phạm-chí: Những người Bà-la-môn có những học thuyết kỳ lạ, khác đạo Phật.
[4] Ngũ-giới: Năm điều răn: không sát-sinh, không trộm-cắp, không tà-dâm, không nói dối và không uống rượu.
[5] Tu-đà-hoàn (Srotàpanna-phala): Trung-Hoa dịch là “Nhập-lưu, Nghịch-lưu, Dự-lưu” và có nghĩa là vị tu-hành đi ngược dòng sinh-tử, phàm-phu đã được dự vào dòng Thánh-đạo. Đây là quả thứ nhất trong 4 quả-vị của Thanh-Văn. Bậc Thanh-Văn tu Tứ-đế chứng 4 quả là: 1/ Tu-đà-hoàn. 2/ Tư-đà-hàm (Sakràgami), Trung-Hoa dịch là “Nhất-lai”: còn phải một lần sinh Nhân, Thiên. 3/ A-na-hàm (Angàmi), Trung-Hoa dịch là “Bất-lai”: không phải sinh trong Dục-giới. 4/ A-la-hán (Arahat), Trung-Hoa dịch là “Vô-sinh”: không còn sinh-tử.
[6] Giai-cấp tu-sĩ Ấn-Độ-giáo. Xem kinh Niết-Bàn giải rõ.
[7] Đến đây là hết quyển nhất.
[8] Đệ-tử Phật tu Tứ-đế. Xem chú-giải nơi kinh Quán-Âm thụ-ký.
[9] Ngũ-uẩn: Còn gọi là ngũ-ấm: sắc, thụ, tưởng, hành, thức, 5 thức này tạo thành vật-thể.
[10] Ngũ-dục: 5 món dục vọng của-cải, sắc-đẹp, danh-vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. Hoặc là: sắc, thanh, hương, vị, xúc; 5 trần-cảnh.
[11] Tu-sĩ. Xem kinh Niết-Bàn đã giải rõ.
[12] Do-tuần (Yojana): Số lượng đo-lường của Ấn-Độ xưa. Mỗi Do-tuần 16 dậm, mỗi dậm 576 thước tây. Như thế ước-lượng mỗi Do-tuần chừng 9.216 thước tây.
[13] Đoạn trên dụ: Người đời bị nhiều phiền-não đau-khổ về thân-tâm trong vòng sinh-tử. Muốn tránh khỏi, người đời tu theo Phật-pháp nhưng, vì cho thân mình quá quí-trọng không tiến tu được.
[14] 5 phép thần-thông: Thần-túc, Thiên-nhãn, Thiên-nhĩ, Tha-tâm, Túc-mệnh. Thêm “Lậu-tận-thông” là 6.
[15] Thiên-nhãn: Con mắt đắc-đạo trông suốt hết thảy.
[16] Đầu-đà (Dhùta): Tàu dịch là “Đẩu-tẩu” có nghĩa là đập giũ sự tham-trước về ăn, mặc, nơi ở. Hạnh này chuyên tu về khổ-hạnh.
[17] Tứ-ý-đoạn: Tức là chính-cần. Xem quyển Bước Đầu Học Phật giải rõ.
[18] Sám-hối: Hối-lỗi. Xem quyển Bước Đầu Học Phật đã giải.
[19] Sáu tình: Tức 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
[20] Đoạn trên nói: Cần diệt vọng-tâm là hơn.
[21] Đoạn trên nói: Cần tự-giác, tự-độ.
[22] Tỳ-xá-xà: Tên một loài quỉ trên cõi trời Trì-Quốc, Trung-Hoa dịch là “Điên-quỉ” (con quỉ điên-cuồng).
[23] Đến đây hết quyển thứ 2.
[24] Pháp-thân: Tấm thân chung cùng trong sự-sự, vật-vật. Xem quyển Bước Đầu Học Phật giải rõ.
[25] Diêm-la: Gọi đủ là Diêm-ma-la-xã (Yama-Rãja) Trung-Hoa dịch nghĩa là “phọc”” trăng-trói các tội-nhân. Theo Pháp-Uyển Châu-Lâm thì Diêm-la-vương trước kia là Tỳ-Sa Quốc-vương đánh nhau với Duy-Đà Như-Sinh-Vương không nổi, tức, thề sẽ làm Địa-ngục-chúa để trị tội. Và, có 18 người bầy tôi cùng thề phụ-tá, chủ-sự 18 ngục.
[26] Đoạn trên nói: Đã là “vô-vật” – không có vật gì – thì phải không còn có lời nói của “không”, không còn có hình-tướng của “không”, không còn có ý-nguyện về “không”, không còn hành-động tạo-tác về “không”, mới là “không”. Như “giải-thoát”, phải giải-thoát cả cái “thấy”, cái “biết” của giải-thoát mới là “giải-thoát”. Nghĩa là không còn chút vọng-niệm biểu-lộ ra lời nói, hành-động!
[27] 14 câu nạn-vấn của ngoại-đạo hỏi, Phật không đáp vì không là sự-thực: 1/ Thế-giới và ta là thường ư? 2/ Thế-giới và ta là vô-thường ư? 3/ Thế-giới và ta cũng là hữu-thường cũng là vô-thường ư? 4/ Thế-giới và ta là phi hữu-thường, phi vô-thường ư? 5/ Thế-giới và ta là hữu-biên ư? 6/ Thế-giới và ta là vô-biên ư? 8/ Thế-giới và ta là phi-hữu-biên, phi vô-biên ư? 9/ Sau khi chết có thần-thức đi ư? 10/ Sau khi chết không có thần-thức đi ư? 11/ Sau khi chết cũng có thần-thức đi, cũng không có thần-thức đi ư? 12/ Sau khi chết cũng chẳng phải có thần-thức đi, cũng chẳng phải không có thần-thức đi ư? 13/ Đời sau là thân hay là thần? 14/ Thân khác, thần khác ư?
[28] Phật-hội: Nơi tụ-hội nghe Phật thuyết-pháp.
[29] Đoạn trên nói: Ngoại-đạo hay có tư-tưởng thiên-lệch cố-chấp. Chấp mọi pháp là thường còn mãi mãi không mất, hay chấp mọi pháp chỉ có nhất thời rồi tan-diệt hẳn. Trái lại, Phật-học đều hướng về trung-đạo (đạo-lý trung-dung) không thiên-chấp bên nào.
[30] Đoạn trên nói: Tâm thức chúng-sinh luôn luôn chuyển-biến và tương-tục không phải như ngoại-đạo cho “tâm-thức” là thường còn mãi mãi không thay đổi, hay cho là đoạn-diệt hẳn.
[31] Đây hết quyển thứ 3.
[32] Sổ-tức-quán (Ànàpànà) Quán-tưởng bằng cách đếm hơi thở.
[33] Tỳ-đà-la (Vetala): Thần-chú làm quỉ nhập vào thây người chết trở dậy đi giết người.
[34] Quả này tại Ấn-Độ, như quả đào nhưng không phải đào.
[35] Tẩy-tịnh: hai chữ này có nhiều ý-nghĩa khác nhau: 1/ Thân-thể bẩn-thỉu không chịu tắm gội như phái Bà-la-môn tu khổ-hạnh xưa, nay cần phải tắm rửa cho sạch-sẽ. 2/ Thân-tâm làm nhiều tội-lỗi, cần phải gột-rửa cho sạch-sẽ. 3/ Rửa hậu-môn khi đi đại-tiện (đi tiêu, đi cầu) cũng gọi là “tẩy-tịnh”.
[36] Bồ-đề (Boddhi): Có nghĩa là giác-ngộ.
[37] Tam-thừa: Giáo-pháp của Phật tùy-theo căn-cơ chúng-sinh mà hóa-độ nên có cao, thấp khác nhau cũng như ba cỗ xe (Tam-thừa) tùy theo trọng-lượng nhiều, ít mà chuyên-chở. Ba cổ xe ấy là: Đại-thừa, Trung-thừa, Tiểu-thừa. Tiểu-thừa: Thanh-Văn tu Tứ-đế, Trung-thừa: Duyên-Giác tu 12 nhân-duyên, Đại-thừa: Bồ-tát tu Lục-độ.
[38] Lục-giới: Tức lục (6) đại: Địa, thủy, hỏa, phong, không, thức. Xem kinh Duyên-Sinh giảng rõ.
[39] A-tu-la (Asura): Một loài quỷ-thần Trung-Hoa dịch là “Phi-thiên”.
[40] Khuyên: là vật người ta dùng đeo tai cho đẹp. Khuyên có nơi còn gọi là “Cúc, hoa, toòng-teng v.v…”
[41] Trung-ấm: Theo Phật-học, người ta do ngũ (5) ấm: sắc, thụ, tưởng, hành, thức tụ-họp cấu-tạo mà thành. Nó còn là “sinh”, nó tan là “tử”. Tử (chết) nhưng không phải mất hẳn, nó theo nhân làm ra mà đi chịu quả-báo. Trong khi nó chưa đi chịu báo, thời-gian ấy Phật-học gọi là “Trung-ấm-thân”.
[42] Tâm-số-pháp: Tức “Tâm-sở-hữu-pháp” là những tâm phụ-thuộc vào tâm-vương trong Duy-Thức-học.
[43] Khâm-bà-la: Tên một thứ áo của Ấn-Độ. Áo này dệt vừa lông, vừa tơ.
[44] Ma-ni (Mani): Tên một thứ ngọc. Tàu dịch là “Như-ý”. Ma-ni theo nhà Tề dịch còn có nghĩa là “lỗ hổng ở dưới nước”
[45] Đoạn trên dụ: Người tu muốn được giải-thoát, phải quán-sát lý trung-đạo, nghĩa là quán-sát đạo-lý trung-dung không thiên-chấp vào “có, không”, không nghiêng vào “Niết-bàn, sinh-tử”, … mới được. Ở đây người ngu không biết quán lý, mò-mẫm, tìm-kiếm trong thế-giới, chúng-sinh “hữu, vô”, thời chứng-ngộ sao được!
[46] Tới đây là hết 98 bài thuộc quyển thứ 4 kinh bách-Dụ. Để quy-kết bằng lời Phật cho hoàn-bị bộ kinh, chúng tôi xin thêm hai bài 99, 100 này mượn trong kinh Pháp-Cú Thí-Dụ (lời dịch-giả).
[47] Tô là váng sữa. Lấy sữa bò, sữa dê chế làm đồ ăn gọi là “lạc”, trên món lạc có một từng sữa đóng đông lại gọi là “Tô”.
[48] A-già-đà-dược (Agada): Trung-Hoa dịch là “Bất-tử-dược” (thuốc không chết).
[49] Toàn bài kệ này là phần cuối-cùng của kinh Bách-Dụ gồm có 98 bài ở trên. Theo giọng bài kệ và có tên ghi dưới bài kệ thời chính là Tôn-giả: Tăng-già-tư-na soạn.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.