Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa – Chương 3.3

Tuy vậy các nhà Ðại thừa cũng công nhận rằng các vị A-la-hán có thể sống thanh tịnh trong trạng thái A-la-hán hay Niết bàn của Tiểu thừa, nhưng theo các nhà Ðại thừa, đó là một lý tưởng thấp kém, một mục đích ích kỷ, thiếu tình thương. Tập Pundarìka tuyên bố rằng sau khi các vị A-la-hán chứng Niết bàn, các Ngài không muốn ẩn trốn luôn luôn trong trạng thái này, vì chỉ là một chỗ an nghỉ tạm thời. Ðến giai đoạn này, Các Ngài có thể chứng được chân thực tánh của vũ trụ và những năng lực, những đặc thái của một đức Phật và một đức Phật không thể phân biệt khác với thật tánh ấy. Do vậy các vị A-la-hán lại tinh tấn thực hành những bổn phận còn lại và cuối cùng trở thành đức Phật, nghĩa là chứng được Niết bàn chân thực. Nay các Ngài mới nhận thức rằng ba giới mà mình cố gắng thoát ly không có hiện hữu chân thật mà chỉ là những sự phân biệt tưởng tượng (parikalpanà). Ba giới được thấy trong mười phương chỉ là những ảo ảnh tưởng tượng, do vậy không sanh, không diệt hay không thay đổi, không có triền phược hay giải thoát, không có ánh sáng hay tối tăm, vì chúng không thật có như những mộng mị hay ảo ảnh, mọi lời tuyên bố về chúng đều không thích hợp. Nếu không chứng ngộ sự vật trong thế giới này như vậy, thời không có thể chứng được Niết bàn. Một người phát Bồ đề tâm không bao giờ tự nghĩ mình đang ở trong samsàra hay nirvàna. Như vậy một vị A-la-hán muốn chứng được sự thật tuyệt đối không nên nghĩ mình đã vượt ra khỏi ngoài samsàra và an trú ở nirvàna. Như vậy tập Pundarìka nêu lên một cách rõ ràng sự sai khác giữa Niết bàn Tiểu thừa và Niết bàn Ðại thừa.

Sự hiện hữu của Ngã bị phủ nhận nhưng Niết bàn không phải là đoạn diệt

Gần đây các vị học giả cố gắng nêu rõ từ những đoạn văn trong tập Nikàya nói về Nirvàna, ý nghĩa gì đức Phật nói đến vấn đề này, hay ý nghĩa gì mà đạo Phật Nguyên thủy bắt đầu. Các vị học giả đầu tiên đi tiền phong trong nghành Phật học như Childers, Burnuof và Hardy, những vị này thường giải thích Nirvàna theo nghĩa đoạn diệt hay Ucchedavàda, một tà kiến mà các Phật tử nguyên thủy chống đối. Giáo sư La Vallee Poussin cho rằng kết luận này của các nhà học giả là kết quả không thể tránh được, vì các vị Phật tử nguyên thủy không chấp nhận sự hiện hữu của Ngã.

Quan điểm về Ngã và sự xác nhận Vô ngã trong văn học Phật giáo nguyên thủy nêu lên một vấn đề phức tạp như sự giải thích về Niết bàn, vì quan điểm của vấn đề này phần lớn dựa vào vấn đề kia. Chúng tôi sẽ nêu lên ở nơi đây sơ lược vị trí của các nhà Phật tử nguyên thủy đối với vấn đề Pudgala (ngã). Các vị Thượng tọa bộ tuyên bố rõ ràng dứt khoát rằng năm uẩn là những pháp căn bản và tự đó tác thành thế giới.

Các uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức sẽ giữ đúng vị trí nguyên thủy của mình, không tương thuộc nhau nếu không có vô minh xen vào và tạo thành (sankhata) từ năm uẩn một hữu tình với ý niệm “ngã”. Khi nào và như thế nào, vô minh này về sự thật – năm uẩn luôn luôn tách rời nhau và không tác thành một cá thể – phát sanh và đem lại vô hạn thống khổ, không được một vị đạo sư nói đến cho đến đức Phật (purimà koti na pannàyati avijjàya). Rõ ràng, chỉ có năm uẩn này tác thành ra một loài hữu tình, không có pháp thứ sáu để được xem là ngã hay linh hồn. Nhưng không ai phủ nhận được sự kiện là trong năm uẩn, thức uẩn (vinnàna) là uẩn tích cực nhất và đóng vai trò chính yếu tác thành một loài hữu tình (nàma rùpa: Danh sắc). Danh sắc do duyên hành (Sankhàrà) mà sanh, và hành do vô minh sanh. Theo Ngài Buddhaghosa , lòng tin có một ngã khởi lên với Upàdàna (thủ), vòng chuyền thứ chín trong sợi giây chuyền nhân duyên. Như vậy, xung quanh Upàdàna (thủ) xoay vần sanh và diệt của đời sống ở thế gian. Lòng tin có một ngã (ahankàra) chỉ là quan niệm sai lầm của những người thiếu huấn luyện tin rằng một trong năm uẩn là ngã (attà). Lòng tin này tương đương với quan niệm sai lầm về Ahankàra như các luận sư Sàmkhya và Vedànta. Quan niệm về ngã (attà) như vậy cũng đều là ảo tưởng như quan niệm ahankàra của hệ thống triết học Bà-la-môn.

Phụ đính của Ngài Thế Thân vào chương tám của tập Abhidharmakosa và phần đầu của tập Kathàvatthu đã so sánh rất nhiều quan điểm nguyên thủy của đạo Phật về lý thuyết linh hồn hay ngã. Sự thật trong các tập Nikàyas, sự hiện hữu của linh hồn hay ngã không bị phủ nhận một cách cương quyết khi trả lời những câu hỏi thẳng về vấn đề này (28). Theo quan điểm của các Phật tử nguyên thủy, không có một pháp được gọi là linh hồn hay ngã, theo ý nghĩa truyền thống của chữ này trước khi Phật giáo được thành lập, nghĩa là một thực thể thường còn bất biến. Ông Shwezan Sung đã nói: “Trong đạo Phật, không có người hành động ngoàisự hành động, không có người suy tư ngoài sự suy tư. Nói một cách khác, không có chủ thể nhận thức sau tâm thức. Trong đạo Phật, chủ thể không phải là một đối tượng nhận thức, thường còn mà chỉ là một trạng thái tâm thức tạm bợ”. Quan điểm này giống với quan điểm của Bergson về tâm, linh hồn, tinh thần hay bản ngã. Theo Bergson, tâm hay linh hồn “không phải một thứ thực thể thường còn, có thực chất, mà từ đó các trạng thái tâm thức được kết liền nhau như với một sợi dây … các trạng thái tâm thức tự nơi mỗi trạng thái là một tâm thức toàn diện trong một giai đoạn của sự diễn tiến không ngừng của tâm thức. Chúng không phải là những phần hay những mảy mún của tâm, thành phần của một tiếp tục vô tận, mà không có lý do gì, chúng ta xem như là một phần tử và gọi nó với một tên riêng biệt” (29).

Trong đạo Phật, quan niệm về linh hồn như một ngã thể vĩnh cửu không những sai lầm, mà còn tác động như một chướng ngại cho sự hiểu biết về tánh giả tạm và vô thường của sự vật ở đời. Khi đạo Phật mới ra đời, danh từ Atman đã trở thành rất phổ thông với những đặc tánh do các luận sư của tiền upanishad gán cho, đến nỗi các Phật tử không biết gì làm hơn ngoài sự phủ nhận hoàn toàn càng nhiều càng tốt sự có mặt của Atman để gột sạch khỏi tâm trí của quần chúng mọi tư tưởng đã ăn sâu bám rễ; ngoài ra, đạo Phật đươc xây dựng với tiền đề (premises) rằng mọi sự vật, ngoài Niết bàn, là ảo ảnh, cho nên không thể có một linh hồn chân thực, nhưng đạo Phật không thể từ chối danh từ Atman, vì các tác phẩm đạo Phật có nói đến các luận sự Phật giáo sẽ dùng các danh từ phổ thông để trình bày giáo lý của mình. Các vị này muốn nhấn mạnh vào tâm trí dân chúng rằng có sự tiếp tục các Khandha (uẩn), duy trì bởi Nghiệp (Karma), nhưng không có gì thường còn, bất di bất dịch và bất hoại để liên tục sự tiếp nối ấy. Giáo sư Stcherbatsky diễn tả như sau: “Một pudgala (ngã nhân) mà các hệ thống khác tưởng tượng là sự hiện hữu của một nguyên tắc tâm linh thường còn, một linh hồn (atman), sự thật chỉ là một tổng hợp những pháp hay sức mạnh (samskàrasamùha) và một giòng tâm thức (Santàna). Ngã nhân ấykhông chứa đựng gì thường còn hay chắc thật. Pudgala ấy là vô ngã” (30). Ðịnh nghĩa của linh hồn này đã đánh vào tận gốc mọi quan niệm của môt thức thể thường còn và hoàn toàn giúp đỡ mục đích của đạo Phật, nghĩa là nêu rõ không có gì trường cửu chắc thật ở trên đời này để mà bám víu, và vì vậy con người cần phải tạo một tâm trí để hướng đến Niết bàn, không cần phải bám víu một cái gì trong giai đoạn trung gian.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.