Tiến sĩ Andrew Olendzki, từng được đào tạo tại khoa Nghiên cứu Phật học tại Đại học Lancaster (Anh quốc) cũng như tại Đại học Harvard (Hoa Kỳ) và Đại học Sri Lanka. Hiện tại, ông là Tổng biên tập Tạp chí Minh Sát Tuệ (Insight Journal), Giám đốc điều hành và học giả uy tín tại Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Barre, tại Barre, Massachusetts. Ông là tác giả của cuốn sách “Tâm Bất Tận” (Unlimiting Mind), một tác phẩm luận giải về tâm lý học thực nghiệm cơ bản của Phật giáo.
Phải chăng đạo đức đã được lắp đặt vào guồng máy của thế giới tự nhiên?
Những nghiên cứu có được trong vài thập kỷ qua đã cho thấy một kết quả hết sức thuyết phục rằng sức khỏe thể chất chịu sự tác động bởi chất lượng của các chất dinh dưỡng mà ta hấp thụ, những hoạt động thường ngày mà ta tham gia vào, và những thói quen dẫn dắt hành vi của chúng ta. Chất lượng này được đo lường trên bàn cân mà kim định lượng sẽ giao động giữa sự lành mạnh và không lành mạnh. Nếu chúng ta ăn uống thực phẩm không lành mạnh, tham gia các hoạt động không lành mạnh và phát triển những thói quen không lành mạnh thì dĩ nhiên những gì ta nhận được sẽ là những kết quả không lành mạnh. Ngược lại, thay thế đời sống không lành mạnh bằng đời sống lành mạnh thì quy luật vận hành của vấn đề nêu trên cũng sẽ không đổi. Đây quả là vấn đề thuộc về nhận thức đối với các quy luật sinh học của thế giới tự nhiên chứ không liên quan đến những quy định đạo đức hay giáo điều tôn giáo.
Những nghiên cứu gần đây chứng minh rằng biểu hiện của quy luật trên cụ thể hơn nhiều trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần. Khi chúng ta được sai sử bởi những ý định lành mạnh, suy nghĩ song hành với tư duy lành mạnh và phát triển hệ thống niềm tin, tín ngưỡng một cách lành mạnh thì đời sống chúng ta trở nên lành mạnh hơn, hạnh phúc hơn. Ác cảm, đại diện tiêu biểu nhất cho các cảm xúc không lành mạnh. Một khi, nó đã có thể tạo nên những thay đổi cụ thể về tâm sinh lý nơi ta trong một thời gian ngắn thì về lâu về dài nó cũng sẽ dai dẳng bên ta để tiếp tục bức hại ta và mọi người xung quanh. Một người thường xuyên phiền muộn, hoặc kẻ luôn trưởng dưỡng lòng oán hận trong tâm thì không đời nào nếm được vị ngọt hạnh phúc. Và nếu một người luôn bực bội và có thói quen thường tìm lỗi người khác trong mọi hoàn cảnh, lâu ngày đến mức hình thành nên tính cách, thì chắn chắn người này không thể nào duy trì được các mối quan hệ tốt đẹp với mọi người. Nguyên lý này cũng diễn ra tương tự với sự sợ sệt, lo âu, tủi thân, ám ảnh, bứt rứt, những hành động thỏa mãn tham muốn tự ngã, và hàng loạt các trạng thái cảm xúc liên quan đến sự không lành mạnh về mặt tinh thần.
Ở đây tôi nghĩ rằng chúng ta đang đương đầu với vấn đề nhận thức cơ bản về sự vận hành như thế nào của thế giới tự nhiên. Có phải quy luật tâm lý cũng tự nhiên được vận hành? Sẽ chẳng hữu ích gì nếu ta cố gắng quy kết rằng đây là những vấn đề phức tạp thuộc lĩnh vực cảm xúc, hoặc diễn đạt những vấn đề này bằng ngôn ngữ tôn giáo hữu thần. Chỉ cần nhận thức được rằng “cái gì được sanh khởi, cái đó nhất định phải hoại diệt”; những vận hành của thế giới vật chất cũng tương tự như những quy luật vận hành của tâm. Ví như: “Khi hành động của bạn bị sai sử bởi những tham muốn không lành mạnh, thì kết quả mà bạn nhận lãnh cũng sẽ không lành mạnh”, hoặc “Nếu bạn thường xuyên phát khởi những suy nghĩ thiện lành, thì những tập quán lành mạnh của tâm thức này ngày càng được trưởng dưỡng”, hoặc “Nếu bạn làm xuất hiện các tâm bất thiện thì nơi bạn tâm thiện sẽ vắng mặt và ngược lại”.
Đức Phật đã tuyên thuyết về sự vận hành của tâm như sau: Thiện lành và hạnh phúc như là một quá trình phát triển tự nhiên của việc nuôi lớn sự hiểu biết. Hai kệ ngôn đầu tiên của Pháp Cú Kinh đã ghi:
“Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo”.
“Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo,
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình”.
Trong Kinh Song Tầm (Trung Bộ Kinh – số 19) đức Phật cũng đã dạy rằng: “Một người, người ấy thường suy tư, quán sát vấn đề gì, thời tâm sanh khuynh hướng đối với vấn đề ấy” và “Nếu một người, người ấy thường suy tư, quán sát vấn đề gì với tâm bất thiện, không phải bằng tâm thiện, thời vị ấy xu hướng tư tưởng bất thiện”. Sức khỏe tinh thần theo lời dạy nguyên thủy của đức Phật đơn giản chỉ là vấn đề của việc nhận diện rõ ràng, thuần thục quá trình vận hành theo bản năng của tâm, và sau đó dùng sự hiểu biết cùng trí tuệ để dần dẫn dắt chúng viễn ly những ý niệm, suy nghĩ, tư tưởng, tập khí bất thiện để chúng trở nên những ý niệm, suy nghĩ, tư tưởng, tập khí thiện. An bình hạnh phúc là một kỹ năng mà bất kỳ ai cũng có thể sở hữu, bởi chỉ cần khi ta khéo huấn luyện tâm này thì nó sẽ tự nhiên hiển lộ.
Đến đây tôi bỗng có một suy nghĩ thú vị: Phải chăng những nguyên lý để thiết lập sự lành mạnh cho thể chất và tinh thần được vận hành ra sao thì đối với đạo đức cũng vận hành như thế? Thái độ chúng ta ra sao khi nhận thức rằng đạo đức được lắp đặt vào guồng máy thế giới tự nhiên chứ không phải được đính lên như một món đồ để trang trí?
Tiến sĩ Andrew Olendzki
Phần đông tôn giáo và triết học Phương Tây đã mô tả thế giới vật chất bằng cách gắn liền với những quy luật khách quan của thế giới tự nhiên, trong khi mối liên hệ của đạo đức và hành vi con người với thế giới vật chất là điều gì đó rất mờ nhạt. Đạo đức là một phẩm chất không do con người quyết định, là một thứ gì đó mà bản thân nó không hề gắn với luật nhân quả để trở thành một phần của giới tự nhiên. Tuy thể xác là tự nhiên nhưng tâm hồn là siêu nhiên. Do đó, nhiệm vụ của khoa học là tìm hiểu những hoạt động của thế giới vật chất, còn đạo đức là lĩnh vực vô cùng tinh tế, nhạy cảm thuộc về các tôn giáo. Sự phân chia này có thể dẫn đến việc xuất hiện một thế giới với kỹ thuật công nghệ đỉnh cao, song được xây dựng bởi những con người với đạo đức thấp kém.
Quan điểm Phật giáo cho rằng, thân – tâm – hành vi của con người có vai trò như nhau, đều là một phần của thế giới tự nhiên. Và quan niệm về sự lành mạnh được nhận thức trên phương diện thân và tâm ra sao thì phương diện đạo đức cũng có thể được nhận thức tương tự vậy. Về bản chất, đối với Phật giáo, ý thức đạo đức gắn liền với khái niệm thiện. Những khái niệm tốt và xấu, được dịch là thiện (kusala) và bất thiện (akusala), không được định nghĩa như những lý tưởng hay những chân lý mà được hiểu là kết quả mà một người tạo nên cho bản thân và người khác. Với món ăn này, sức khỏe ta rồi sẽ cường tráng hay hao mòn? Suy nghĩ như sau, tâm ta sẽ trở nên thiện hay bất thiện? Và khi hành động như vậy, ta đang xây dựng hay phá vỡ hạnh phúc tự thân và tha nhân? Cả ba suy nghĩ kể trên đều được bắt đầu bằng một nhận thức về sự lành mạnh mà sở dĩ nhận thức này có được là nhờ vào sự hiểu biết một cách rõ ràng về luật nhân quả.
Cố nhiên, đạo đức là một phẩm chất của đời sống mà chúng ta cần phải trau dồi để đời sống thăng hoa. Sự xuất hiện của tự ngã trong chúng ta càng nhiều thì khổ đau chúng ta gặt hái càng nhiều từ những hành động bị dẫn dắt bởi tham, sân, si. Thế nên càng đẩy lùi tự ngã ra xa đời sống bao nhiêu thì ta càng nhận diện được tác động của những suy nghĩ, lời nói, hành động lên tự thân ta và mọi người xung quanh rõ ràng bấy nhiêu. Khi hành động được tịnh hóa không còn mảy may chút nhiễm ô bởi những độc tố của tâm thức thì cũng là lúc trí tuệ có mặt. Bấy giờ, những ý niệm thiện lành sẽ phát khởi một cách tự nhiên, tự nhiên đến mức mọi hành động do ta tạo ra đều được bắt nguồn bằng tác ý chân chánh.
Tiến sĩ Andrew Olendzki – Chuyển ngữ: Tường Hiếu
Theo: daibi.vn
[*] Tựa đề bài viết đã được người dịch đổi lại cho dễ hiểu hơn. Nguyên tác: Moral Health. Nguồn: Tricycle.com