VÔ HỌC NHÂN KÝ (Phẩm Thứ 9 của Kinh Pháp Hoa)
Thời mới bắt đầu đọc tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa, khi đọc đến các phẩm thọ ký Tôi thường đọc lướt qua cho nhanh vì không thể nào hiểu được yếu nghĩa thâm hậu của các danh hiệu Phật và khi đến danh hiệu Ngài ANAN thì tôi lại tự hỏi sao quá dài. Giờ đây khi đã nghiên cứu và đọc được các kinh sách giảng luận của nhiều danh tăng thì tôi lại cứ đọc đi đọc lại đoạn Phật thọ ký cho Ngài trong kinh và còn chép lại những lời giảng mật nghĩa đó vào một cuốn cẩm nang cho mình “CUỘC ĐỜI CỦA CÁC THÁNH TĂNG” để từ đó có thể lấy đó làm thước đo mức học và hành trì của một Phật tử tại gia … Nhất là từ khi có duyên đọc được quyển Kinh Pháp Hoa Giảng luận tập 1 và 2 của Cố HT Thích Thông Bửu và tác phẩm của Hellmut Hecker người Đức đã biên soạn về cuộc đời của Các Thánh Tăng từ lâu trên mấy chục năm nay nhưng chỉ mới xuất bản 3 quyển (hai quyển trước nói về Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên), riêng quyển thứ ba cuộc đời Thánh Tăng Ananda đã được Ni Sư Ayya Khema dịch ra Anh ngữ 1990 và tác giả Nguyễn Điều dịch ra Việt Ngữ và xuất bản 1991 thì bốn câu kệ mà nhà sư Belatthassa (một vị A La Hán) làm phép xuất gia cho Ngài đã đọc lên thì tôi nghe lòng mình dạt dào một niềm vui khó tả.
Như thân phận làm trâu trong khổ ách
Dù trên vai mang nặng một chiếc cày
Nhưng vẫn cố tiến lên từng bước một
Thì Sa Môn xin chớ ngại gian nguy
Ngày với tháng chỉ là Tầm thước Thánh
Đo chiều cao công đức Kẻ Tu Trì …
Theo Nguyễn Điều dịch thoát
Tôi liền chép vào cẩm nang mình nguyên văn đoạn Phật thọ ký cho Ngài như sau… Bấy giờ Đức Phật bảo Anan “Ông ở đời sau sẽ đặngthành Phật hiệu là SƠN HẢI HUỆ TỰ TẠI THÔNG VƯƠNG NHƯ LAI, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế tôn. Ông sẽ cúng dường 62 ức Đức phật, Hộ Trì Tạng Pháp sau chứng đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh Giác giáo hoá 20 nghìn muôn ức hằng hà sa các chúng bồ tát làm cho thành đạo Vô thượng Chánh đẳng chánh giác. Nước tên là THƯỜNG LẬP THẮNG PHAN. Cõi đó thanh tịnh đất bằng chất lưu ly. Kiếp tên DIỆU ÂM BIẾN MÃN.
Đức Phật đó thọ mạng Vô lượng nghìn muôn ức A tăng kỳ kiếp, nếu có người ở trong nghìn muôn ức vô lượng A tăng kỳ kiếp tính đếm vô số kể chẳng có thể biết được Chánh pháp trụ đời gấp bội, thọ mạng Tượng pháp lại gấp bội chánh pháp.
Anan, Đức Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương Phật đó được vô lượng nghìn muôn ức hằng hà sa các Đức Phật Như Lai ở 10 phương đồng ngợi khen công đức của Ngài.
Và Đức Phật vì thấy tâm niệm của các Bồ tát có vẽ khó hiểu tại sao Anan có Nhơn duyên gì mà được thọ ký quá ưu ái như thế nên Phật đã giải thích như sau.
Các Thiện nam tử, ta cùng Ông Anan ở chỗ Đức Phật KHÔNG VƯƠNG đồng phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Anan thường ưa học rộng, còn Ta thường tinh tấn cho nên Ta đã thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà Anan thì Hộ Trì Chánh Pháp của Ta và cũng sẽ Hộ Trì Pháp Tạng của các Đức Phật Như Lai giáo hoá thành tựu các chúng Bồ tát. Bổn nguyện của Ông như thế, nên được thọ ký dường ấy.
Theo Cố HT Thích Thông Bửu thì Bổn nguyện của Ngài chính là Lời Đại Thệ nguyện của Ngài trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm (xem vào đoạn cuối bài này) riêng 9 chữ Danh hiệu Phật của Ngài mỗi chữ là một bí pháp. Ngài nguyện phụng sự chúng sanh chứng đắc thành Phật, số đông nhiều như số cát sông Hằng, một bậc siêu quần bạt chúng (Đức Phật đã xác nhận trong kinh Tăng Nhất A Hàm 3; 78 Anguttara Nikyaa n.3; 78. Anan có một nghệ thuật nghe pháp rất đặc biệt không thể tìm ra một người thứ hai trên thế gian này) mà lúc nào cũng đóng vai giả vờ phàm tăng để xin Phật giảng nghĩa hầu giúp chúng sinh có được phần nào tinh ba của trí huệ Phật.
Qua sự thọ ký của Đức Phật cho Tôn Giả Anan ta thấy rằng: Y Báo và Chánh Báo không căn cứ vào trình độ học thức hoặc tu chứng mà trả lời bằng một đáp số đó là TOÀN BỘ CUỘC SỐNG, đó là Bổn nguyện, đó là Thực hành.
Cũng cần nên tìm hiểu thêm về tên THƯỜNG LẬP THẮNG PHAN.
Thắng Phan là lá trường phan mà vua thường ban cho luận sư nào thắng được tất cả các đối thủ trong một cuộc thi tranh luận bàn về luật luận của các kinh sách.
Cũng theo sách của tác giả Người Đức thì Anan được gọi là Kho tàng Pháp Bảo, Ông được nỗi tiếng nhờ có đủ năm nền tảng trí thức thượng thừa.
1- nền tảng thứ nhất: nghe nhiều hơn ai hết, nghe gần như toàn thể lời Phật dạy.
2- nền tảng thứ hai: Ông đã nhớ nhiều hơn ai hết, Ông đã nhớ đầy đủ những lời Phật dạy.
3- nền tảng thứ ba: Ông đã hiểu nhiều hơn ai hết, hiểu cả hệ thống Pháp nào kể luôn ý nghĩa súc tích khi phối hợp các Phật ngôn trước và sau một cách song đối hay thứ tự.
4- nền tảng thứ tư: Ông là người tin tưởng nơi pháp bảo của Đức Phật , tin tưởng chắc chắn nhất trên tất cả mọi học thuyết.
5- nền tảng thứ năm: là thị giả cần cù dẻo dai nhiều nghị lục trong việc hầu hạ 1 bậc Toàn Giác.
Cũng như Ngài đã đạt được Sati (là khả năng tự biết lại những gì đã trôi qua ) Anan trong kiếp chót trí nhớ Sati này đã biến thành Sampa Janna tức là Ông không phải chỉ nhớ suông đến những điều Ông đã học thuộc lòng mà Ông còn cảm thấy cái tác dụng của nó nữa để khi gặp lại bất cứ ai Ông biết Tuỳ theo trình độ tri thức của mỗi người nghe mà diễn đạt từ thấp tới cao, từ nông cạn đến sâu sắc từ thô kệch đến vi tế chứ Ông không phải nhắm mắt lập lại một cách hỗn độn không thứ tự.
Như vậy Bổn nguyện Ngài Anan hùng vĩ và siêu việt quá. Thực hành của Ngài bao la quá.
Chúng ta hãy đọc cả trăm lần Bổn nguyện của Ngài để tạ ơn Ngài để thấm sâu vào lòng…
Diệu trạm Tổng trì Bất động Tôn
Thủ Lăng Nghiêm vương thế hy hữu
Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng
Bất lịch tăng kỳ hoạch Pháp Thân
Nguyện kim đác quả thành BỬU VƯƠNG
Hoàn độ như thị hằng sa chúng
Tượng thử thân tâm phụng trần sát
Thị tắc danh vi báo Phật ân
Phụng thỉnh Thế Tôn vị chứng minh
Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập
Chung bất ư thử thủ NÊ HOÀN
ĐẠI HÙNG, ĐẠI LỰC, ĐẠI TỪ BI
Hy cánh thẩm trừ vi tế hoặc
Linh ngã tảo đăng Vô Thượng Giác
Ư thập phương giới tọa đạo tràng
Thuấn nhã đa tánh khả tiêu vọng
Thước ca ra Tâm vô động chuyển….
Sở dĩ Tôi nguyện chép lại Công Đức sâu xa của Ngài đến với các bạn vì biết đâu trong một lần nào đó các bạn cũng như tôi đã một lần được sinh vào thời Đức Phật còn tại thế và đã được Ngài Anan thuyết phục Đức Phật để cho phép nữ giới xuất gia và ảnh hưởng của Ngài không thể nghĩ bàn , có thể nói cao cả hơn trăm ngàn vạn triệu công Đức sâu xa khác cho chúng sanh hiện đời và mãi ngàn sau.
Và cũng nhờ trí nhớ siêu việt của Ngài đã ghi lại toàn bộ lời giảng của Đức Phật từ khi kết tập kinh điển lần đầu cho đến nay chúng ta mới có dịp đọc tụng những lời giảng ấy mặc dù Phật Nhập Niết Bàn đã hơn 2562 năm rồi và cũng theo lời của Cố Hoà Thượng Thích Trí Tịnh “Thị kinh tức thị Phật”.
Nguyên xin dâng bài viết này hồi hướng đến khắp pháp giới chúng sinh đều thành Phật Đạo.
Huệ Hương (mùa Phật Đản 2642)