Đọc qua ba nhân cách lớn của cụ Trần văn Hương, vị tổng thống cuối cùng của miền nam nước Việt lòng tôi cảm kích vô cùng. Nhớ lại những ngày sau khi miền nam đổi thay chế độ, biết bao gia đình đi vào con đường huyệt tận, thân nổi trôi như cánh bèo dạt về vùng khô cháy, sống chết chỉ là trò chơi của ách nước tai trời. Chúng tôi, những nhân viên ngân hàng vô cùng may mắn, được giữ lại làm việc tại trung ương 79 Hàm Nghi Sài Gòn, là trụ sở chính, nhờ vậy chúng tôi ít bươn chải hơn và có dịp tiếp xúc với những nhân vật tên tuổi lớn trong chính phủ miền nam, hoặc đối diện trước những người nổi tiếng mà ngày trước chúng tôi chỉ được thấy qua báo chí ảnh hình.
Ngày đó, tôi không biết nhiều về giáo lý của Đức Thế Tôn, không hiểu gì luật nhân quả trong kiếp nhân sinh, không biết khi giúp người thì được gọi là gieo trồng ruộng phước. Tôi làm những điều tốt vì mình bị quá nhiều khổ sở khó khăn, thấy họ cũng cùng hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề, cùng là dân miền nam như mình và cũng bị gian truân mất hết, nên dẫu chân tiếp tục bước trên đường dài mõi mệt, tôi giúp gì được cho ai thì kể như đã đem đến cho họ ít nhiều an ổn. Chính vì thế mà những bạn bè cùng làm việc chung 10 tầng lầu của Việt Nam Thương Tín rất thương và tin tưởng tôi.
Tôi gặp được cụ Trần văn Hương khi cụ vào ngân hàng nộp giấy tờ xin rút ít tiền trong trương mục của cụ để chi dùng. Có lần người cháu của cụ là nhân viên làm việc nơi đây, nhờ tôi bán dùm cặp ngà voi từ xưa còn lưu lại, cụ đã từng trưng bày mỹ thuật vật ấy nơi phòng khách của mình. Ôm cặp ngà voi được bọc trong bao vải cẩn thận, lòng tôi xót xa vô hạn. Tôi không muốn trao cặp ngà voi ấy cho lái buôn hay những người có tiền mà thiếu lòng nhân hậu, ít ra họ cũng phải biết trân trọng đồ cổ, nhất là món đồ của một vị tổng thống vừa mất nước sa cơ.
Lúc đó tôi muốn giữ lại cặp ngà nhưng hoàn cảnh không cho phép, vì tôi cũng xác xơ túng thiếu. Ngại làm trầy hoặc hư hao nên tôi ngồi xích lô đến gặp người bạn cũng từng làm việc trong ngân hàng ngày xưa. Nay anh đã mở một văn phòng kiến trúc, nơi đó quy tựu những bàn tay tài hoa trước năm 75 cũng như tất cả những họa viên tài giỏi, những người mà chế độ mới không dùng vì họ không hiểu được giá trị của nhân tài. Tôi ôm bộ ngà voi đi vào mà nước mắt trào tuôn vì tư cách lịch sự tao nhã của người mua và sự nâng niu trân quý của anh với món đồ kỹ niệm. Nét mặt cảm động của anh đã nói lên phút nao lòng quay quắt của đời người rồi cũng nhòa nhạt tàn phai, nhưng tim anh đang có một cụ Trần văn Hương tiết tháo chính nhân quân tử, xứng đáng là vị tổng thống cuối cùng của niềm nam nước Việt. Cảm ơn anh thật nhiều! Anh Cao Hữu Tùng kiến trúc sư Việt Nam Thương Tín! Sau này khi rời Việt Nam anh cũng đem theo cặp ngà voi đó, là một kỷ niệm vô giá với cụ Hương.
Hôm sau tôi gặp cụ và được cho một hộp kẹo chocolate, đó là lộc quá lớn với tôi nên muốn chia cho mỗi người một viên kẹo để cùng nhau thưởng thức. Ngậm vị ngọt trong miệng như tình thương mà cụ luôn dành cho quê hương và dân tộc. Tôi đem hộp kẹo đến văn phòng kiến trúc, một căn biệt thự nguy nga trên dưới lầu đều có bàn làm việc. Đến giờ nghĩ bạn bè thường họp lại bên nhau, ai cũng có chữ sư hay sĩ đi kèm theo tên họ. Đàn bà chúng tôi cũng thân thiện bên nhau, chỉ có 4 người: vợ của anh Tùng, vợ của cậu anh Tùng (chồng bà là phi công phản lực cùng phi đoàn với chồng tôi, hiện ở tù), một chị làm ngân hàng cùng tôi (chồng thuộc binh chủng nhảy dù đã tử nạn trong trận mùa hè đỏ lửa) và tôi, chồng cũng đi tù. Anh Tùng từng nói với tôi:
– Thưa chị, bây giờ cuộc sống khó khăn quá, phần đông các bà vợ ngụy đều không thể trọn vẹn chờ chồng, xin chị hãy sống như một người đàn bà xưa trọn vẹn chờ chồng và một lòng chung thủy, để sau này tôi có thể theo gương đó mà dạy dỗ các con tôi. Và ai đó nếu có nói các bà vợ ngụy đều hư hết thì tôi sẽ nói còn một người vẫn một dạ thờ chồng là chị.
Tôi đã hứa với người bạn tốt đó. Bạn nào có biết lòng tôi chỉ một dạ sắc son, thề nguyện trọn đời chỉ duy nhất chờ chồng, đâu cần phải nói ra.
Trên lầu của phòng vẽ họa đồ hôm nay đầy đủ tất cả những khuôn mặt thân quen. Anh Tùng bước vào cùng với một người đàn ông lạ, anh giới thiệu đây là thương gia đã bị đánh tư sản mấy lần, bây giờ không còn gì hết. Tan sở trên đường đi ra đón xe bus, âm vang từ sau lưng tôi:
– Thưa bà.
Tôi quay lại và vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra đó là người đàn ông hôm qua đã gặp ở văn phòng của anh Tùng. Lúc tôi trao viên kẹo, người này nâng niu và giữ mãi trên tay.
– Anh cần gì ?
– Tôi đói bụng quá!
– Anh muốn ăn gì ?
– Tôi thèm một tô phở ở đường Pasteur.
Một nơi xa xôi rừng thiêng nước độc, biền biệt trong trại tù cải tạo, chồng tôi cũng hay sớt chia phần ăn cho những người đói khổ ngoài rào, dù anh vẫn lao động vất vả với tấm thân gầy hao đầy vơi và luôn thương nhớ vợ con. Ý nghĩ về chồng bất ngờ nổi dậy làm đau nhói con tim, tôi bước lên xe bus và bảo người đó đi theo. Đến nơi tôi không ăn mà chỉ ngồi đợi ông dùng cho xong tô phở, vì thật ra tôi không có nhiều tiền. Lương tôi phải nuôi một người chị chồng (thấy tôi nghèo quá chị không nỡ bỏ rơi tôi) và 2 con còn nhỏ. Tôi là người lớn tuổi nhất và nghèo nhất trong 4 người đàn bà đến văn phòng anh Tùng hôm đó. Tại sao ông này không chọn ai mà lại chọn tôi nhỉ. Cứ mỗi chiều ông đều đón tôi với thái độ lễ phép, thật ít nói và lúc nào cũng đói. Ông không trả nổi tiền một vé xe bus và đòi ăn thứ này rồi thèm ăn thêm thứ khác. Tôi nhịn phần ăn sáng của mình để dành tiền bao ông. Tôi nghĩ đàn bà là phải hy sinh cho chồng con, nhưng nay người bạn này nghèo đói quá nên giúp được thì tôi cứ giúp, đến khi nào chẳng giúp được nữa thì đành nói tiếng không. Có hôm ông muốn tôi đưa ông đi xem lá số tử vi và tướng số, là nơi mà mọi người trong nhóm khen hay và ai cũng đều đến đó rồi. Tôi than thầm trong lòng, ông có biết là đắt tiền lắm không. Nhưng rồi tôi cũng đưa đi và vui vẻ ra ngồi một chỗ riêng, tôi không muốn dính vào đời tư của ông nên để ông được tự nhiên. Mỗi khi đến văn phòng kiến trúc, tôi và ông cùng đi, chẳng ai thắc mắc hay bàn tán gì về chúng tôi cả.
Một chiều tan sở mọi người cùng đến văn phòng kiến trúc trên lầu đã được dọn thật sạch sẽ gọn gàng ngăn nấp, tất cả đều an tọa dưới sàng. Anh Tùng dắt 2 em nhỏ một gái một trai khoảng 16 tuổi vào. Trước kia các em học trường quốc gia âm nhạc nhưng nay không còn được tiếp tục học. Anh muốn giúp đỡ các em, vì tế nhị không muốn cho 2 em biết nên anh mang hai em tới hát và đàn cho cả nhóm nghe. Lâu lắm rồi mới nghe lại những bản nhạc rúng động hồn tôi, các em đàn hát chơi vơi đưa chúng tôi ngụp lặn về khoảng trời xưa cũ, một thời sum vầy huyên náo với tình bằng hữu chấp cánh bay cao. Bốn người đàn bà chúng tôi đều cảm động, ngăn không được lệ trào nên len lén đưa khăn lên lau những giọt nước mắt muộn màng. Chiều nay người đàn ông đó cũng đón tôi, trong tay là một bọc lớn:
– Thưa bà, mình ghé qua chợ trời được không?
– Ông muốn bán gì ?
– Áo lạnh.
Chợ quần áo nằm ở con đường sau lưng ngân hàng. Chúng tôi cùng đến đó, và ông đã bán xong chiếc áo.
– Hôm nay tôi bao bà. Tôi muốn ăn một bữa cơm Việt Nam.
Chúng tôi đến quán cơm bà Cả Doai, nơi đó nổi tiếng những món ăn thuần túy Việt Nam. Ăn xong ông mua một con vịt quay và bánh mì gởi về cho các con tôi. Ông đưa cho tôi một miếng giấy nhỏ có ghi địa chỉ.
– Đây là địa chỉ của tôi ở Đài Loan. Sáng mai tôi và gia đình sẽ rời Việt Nam bằng máy bay, bà nhớ cất thật kỹ, bất cứ lúc nào thoát ra khỏi VN là phải liên lạc cùng tôi liền, nhớ nha.
Tôi kể cho anh Tùng nghe và đưa anh xem tờ địa chỉ.
– Chị cất đi. Anh đó là người Tàu bị đánh tư sản mấy lần. Anh ấy có 2 bà vợ. Anh giàu lắm! Vẫn còn của, ở Đài Loan cũng có cơ sở nhưng để qua mặt công an theo dõi nên anh bám theo chị xin ăn. Tôi không dám nói vì sợ chị biết thì chị sẽ không giúp.
Rồi dùng đủ mọi phương tiện trong nhóm chúng tôi lần lượt ra đi. Kỳ này người đón tôi là Đinh Xuân Ninh, cậu của anh Tùng, người phi công phản lực cùng phi đoàn với chồng tôi. Chúng tôi ra nhà hàng Mỹ Cảnh ở bến Bạch Đằng ngồi uống nước, tôi nói với anh vài hôm nữa tôi sẽ đưa các con tôi vượt biên, đây là người quen tổ chức có tính cách gia đình. Vừa khi đó một chiếc máy bay lướt ngang đầu, anh nhìn lên với ánh mắt buồn rười rượi! Lòng tôi chùng xuống trong nỗi niềm thông cảm bời bời của một loài chim đã gãy cánh đường mây. Đôi mắt đó làm tôi mất ngủ cả đêm. Sáng hôm sau, đến gặp vợ chồng anh Ninh và tôi nhường chuyến vượt biên cho họ. Trong tay là điện tín báo gia đình anh Ninh đã đến bờ bến tự do, tôi đi tìm anh Tùng cho hay. Anh mừng lắm và nói với tôi:
– Chị cũng nên tìm chỗ nào chắc chắn mà đem hai cháu vượt biên, tôi cũng sẽ đi. Bây giờ trong nhóm chỉ còn chị và tôi thôi.
Biết trước người bạn cuối cùng trong nhóm cũng sẽ ra đi. Hôm đến văn phòng kiến trúc, nhân viên thân tín của anh Tùng trao cho tôi lá thư anh Tùng để lại với một số tiền. Lá thư nắm chặt trong tay nhưng tôi không dám đọc vì tôi biết chắc mình sẽ khóc dọc đường. Tôi muốn về nhà ngay, tôi muốn ôm hai con, muốn ôm người chị chồng, người đã luôn bên cạnh tôi, lúc tôi giàu sang cũng như lúc tôi thật cơ hàn nghèo khổ. Với tôi, chị không phải là chị chồng mà là người thân ruột thịt máu mủ của tôi. Chị tin tôi, hiểu tôi và những người bạn của tôi chị đều thân thiện cả. Bạn bè đã ra đi tìm tự do hết rồi! Tôi tự bảo lòng nhất định phải kiên cường trong thời gian chờ đợi. Quả thật những khó khăn đã hun đúc rèn luyện tôi phải trực diện với vai trò người vợ, người mẹ cho được chu toàn. Đôi khi lủi thủi lẻ loi trong vạn biến hóa của đời thường, tôi hay tự an ủi mình rằng đó mới là một đoạn đời thi vị chứa đầy đủ cung bậc của tình cảm bi thương buồn tủi, để sau này tuổi già bóng xế, ít ra mình cũng còn chút gì gọi là một thời để nhớ.
Diệu Ngọc