Một cánh chim đã tìm về Cố Quận
Biết đời mình rong rêu
Thì ngại gì mưa nắng
Biết nẻo về tang trắng
Ngại gì bàn tay không.
Đứng trước ngọn gió đông
Cười cành hoa năm cũ
Đôi khi mình du thủ
Để thấy mình mênh mông.
Biển dẫu động ngày đêm
Sóng tan về với nước
Ta một đời xuôi ngược
Thoảng bóng gầy khôn nguôi.
Nay mượn thân cát bụi
Sống trọn kiếp phù du
Bước ngang bờ hư thực
Ca lên lời thiên thu. (Thông Nhã)
***
Ở Melbourne mùa đông trở nên lạnh lẽo lẻ loi hơn khi cánh chim yêu dấu của tôi đã ra đi, nên tôi tìm đến Queesland có ánh mặt trời cùng tia nắng ấm để vơi đi nỗi cô đơn khắc khoải.
Ta giờ đây, ngồi ôn bao kỷ niệm
Sầu mênh mang thương nhớ cũng mênh mang
Tóc bạc màu tình cũng đang chết lịm
Sương rơi nhiều…buồn trắng cả không gian. (N.P. Ngọc An)
Mở vali, soạn một số giấy tờ cần thiết trước lúc rời nhà, tôi thấy một phong bì lớn từ Mỹ gởi cho anh. Từ năm 1963 đến 1973, rất nhiều giấy chứng nhận học Anh văn ở Mỹ và nhiều bằng lái máy bay như C47, T28, A1 Skyraider, A1 37.
Ngày di tản vào Sài Gòn tôi chỉ đem Passport của anh, thẻ vào cửa ngân hàng của tôi và giấy khai sanh của 2 con. Tất cả đều để lại, vì tôi không nghĩ một lần ra đi là tất cả chẳng còn gì. Ngày anh đi cải tạo tôi cũng nghĩ 1 tháng rồi về, con gái nhỏ khóc khi đêm vắng hơi cha, tôi bày cho con mỗi chủ nhật đếm 1 ngón tay. Con đếm chưa hết 5 ngón tay thì ba sẽ về.
Người ta yêu cũng một chiều tạm biệt
Tiễn người đi mà lệ ứa hai hàng
Đời phi công vẫn một lòng tha thiết
Với non sông đang rũ một màu tang. (Nguyễn Phan Ngọc An)
– Me ơi ! con đếm đủ 10 ngón tay và luôn cả 10 ngón chân nữa, Ba đâu rồi ? Con muốn ba!
Bé khóc òa. Tôi ôm con, vừa đau lòng vừa mắc cỡ vì không ngờ con âm thầm đếm thật, bây giờ không biết dỗ dành bé sao đây? Anh đi tù thật rồi! Những địa danh anh ở sao xa lạ quá! Nào là Hoàng Liên Sơn, Hà Nam Ninh, Thái Sơn, Yên Bái Thái Nguyên. Quá khác so với những vùng trời quen thuộc anh đã bay qua như Pleiku, Kon Tum, Phù Cát, Tuy Hoà, Qui Nhơn v.v…
Em đang sống hay là đang tồn tại???
Mà mỗi ngày lại cảm thấy chênh chao
Nỗi nhớ anh như sóng biển thét gào
Cứ trào dâng trong lòng cao chất ngất. (Phương Tâm)
Những ngày anh trong tù miền Bắc, em ở lại miền Nam, mình cùng chung một dãy hình cong chữ S trên đất mẹ Việt Nam, nhưng trăm ngàn khó khăn khi thư từ qua lại. Ba tháng mới nhận được một lá thư, chữ anh không đầy trang giấy. Trong thư, những danh từ xa lạ học tập lao động, không có những lời nhung nhớ thương yêu, không có những cái hôn ở cuối thư cho vợ hiền. Em đã cố vui vì con, em như một loại hoa khô héo, cần không khí, cần tia nắng ấm, cần giọt nước, cần bàn tay săn sóc, cần ánh mắt, em cần anh.
Anh đã xa – phố không còn nắng
Chỉ mưa về réo gọi đời nhau
Bốn bức tường, không gian quạnh vắng
Ôm nỗi sầu ủ kín hồn đau
Ngày đã xa – đêm không còn mộng
Tiếng thở dài vang vọng giấc khuya
Loài thạch sùng nằm im bất động
Con nhện buồn giăng lưới bên kia. (Vũ Hữu Toàn)
Em hiểu, là vợ của người phi công em không làm anh thất vọng, vì đã là hoa, không nhất định phải lẫy lừng khoe sắc, nhưng biết tỏa hương thơm ngan ngát cho đất trời.
Ở trong tù anh đã chịu muôn ngàn đau khổ vì đói khát và bệnh tật, vì làm việc rất nặng nề cộng thêm bị áp đảo tinh thần v.v… Thư anh gởi về xin nhiều loại thuốc bởi 2 chân anh bị sưng, ngứa, đau nhức, chảy nước vàng. Đầu, tay, chân buốt lạnh tê cóng và nứt nẻ, mỗi buổi sáng phải đi cưa gỗ trong rừng sâu. Em chạy tìm nhiều loại thuốc anh cần, đem ra bưu điện gởi không được vì không có phiếu gởi quà, em như người điên vì sợ bệnh làm anh ngã gục. Em đâu biết rằng người phi công như loại cây cổ thụ, có thể cành lá không tốt tươi nhưng rất kiên cường đứng thẳng. Em viết thư cầu cứu các cháu bên Pháp gởi thuốc thẳng đến trại tù cho anh, may mắn làm sao! Thuốc cũng đến được tay anh.
Tình ta đó, muôn đời câu bất diệt !
Đêm thu dài em viết những vần thơ
Gởi về anh nơi chốn ấy xa mờ
Bao ngày tháng ước mơ còn xa quá. (Nguyễn thị Liên)
Khi chuyển trại gặp một vị tuyên úy Phật Giáo ở cùng đội, anh học được cách sống thật giản đơn là loại tài sản của một bậc chân tu cao quý với khí chất hiếm hoi, không mấy ai có được. Từ đó anh bắt đầu đơn giản mọi nhu cầu, đơn giản trong cách nhìn nên lòng anh khoáng đạt, bao la. Anh bắt đầu niệm Phật theo từng hơi thở ra vào, theo từng động tác, từng bước chân nên việc vất vả nặng nhọc như hạ những cây to hay cưa xẻ gỗ lớn ra từng miếng, không làm anh chán nản, lo sợ, buồn phiền như những ngày trước, vì nay anh biết cách sống chánh niệm trong từng giây phút hồn nhiên, bằng lòng và chấp nhận hiện tại như một trãi nghiệm cuộc đời.
Trúc nương theo gió lay
Lòng trúc không xao động
Sự đời dẫu đổi thay
Tâm vẫn thường rỗng lặng. (Viên Minh)
Ở miền Nam em tình cờ biết được chỗ mua những phiếu gởi quà. Vậy khi em có tiền của người thân gởi về là anh có quà, anh sống lặng lẽ như một dòng nước qua bao thác ghềnh nhưng dòng nước vẫn trong suốt, thanh tịnh, hiền hòa. Như cuối năm 1973, cuộc di tản từ Kon Tum về Sài Gòn, anh được Không Đoàn cử là nhân viên điều hành cho dân chúng cao nguyên lên máy bay di tản. Đối diện cùng tháng ngày bấp bênh nội chiến của quê hương, không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn, nên khi dân giàu có đút lót bạc tiền mong giành quyền ưu tiên đi trước, anh đã dứt khoác từ chối sự hối lộ này.
Ngày ngày gần vị chân tu, lòng anh mở rộng thêm, anh chia phần ăn mình đến bạn bè cùng cảnh ngộ. Có một ngày anh chia phần quà em gởi cho một người đàn bà có bầu gầy yếu xanh xao đứng ngoài hàng rào kẽm gai, nơi anh đang bị tù.
Vô minh, minh cũng một vần
Rời trần ta lại vào trần thong dong
Biết đâu diệu hữu chân không
Làm người, làm Thánh cũng đồng chữ tâm. (Viên Minh)
Ở trong Nam, em cũng giúp đỡ những cán bộ già nua, nghèo khó họ tập kết về. Em nghĩ họ cũng vì nước non nhưng họ đã đi lầm đường, bây giờ là họ phải trả, nên em nhận đơn lấy lời phê rút tiền cho thân nhân họ để người cán bộ già, nghèo kia sau những năm bỏ bê gia đình nay ít nhất cũng làm được một điều tốt cho vợ con. Mọi người đều nhờ bà con bên phe thắng trận làm đơn bảo lãnh người thân ở tù.
Gia đình 2 bên nội ngoại mình không có dòng họ bên kia, nên em tự làm đơn bảo lãnh chồng mình, ai cũng nói em điên, ngụy quyền lại bảo lãnh ngụy quân.
Anh ơi ! Đơn em làm cũng được thẩm quyền bộ nội vụ và bộ công an Hà Nội trả lời, gần như mỗi 2 tháng em làm lá một đơn, lúc tên em, tên ba, tên má, tên chị Năm, có khi tên các con, chỉ cần đưa ngân hàng nơi em làm và phường khóm xác nhận, có nhiều con dấu đỏ là được.
Mai anh về, quê hương mình còn đó
Hái dùm anh một nhánh cỏ bên đường
Để lên môi nhắm thử một tình thương
Có còn vị mặn mà như ngày cũ. (Hoa Độ)
Ngày anh được thả về cuối năm 1982, em đi làm về vác chiếc xe đạp lên tận lầu 2, nhà mình rộng quá nên chính phủ chia cho mọi người vào ở chung. Anh vội bước ra khi em vừa để xe dựa vách, nhìn em, ánh mắt anh nói lên muôn ngàn thương nhớ. Em ào đến, chúng ta ôm nhau, hai con cũng ùa vào, gia đình ta thành một khối.
Anh chỉ ở một đêm, 5 giờ sáng đưa anh ra bến xe sắp hàng mua vé để anh về Mỹ Tho thăm ba má. Anh ở lại nhà cùng ba má 1 đêm rồi sáng lại lên Sài Gòn, để ngay chiều đó chuẩn bị đi xuống tàu vượt biên. Anh hối hận vì biết ra đi lần này không bao giờ gặp lại má em, người mà anh thương như mẹ ruột. Trên đường từ Bắc trở về, túi không tiền, dù xe lửa có ngừng ở Nhatrang nhưng anh của em, là bác sĩ, đã chết trong tù rồi, nhà cũng mất luôn, không người quen và không có phương tiện, làm sao anh về tận Hòn Khói thăm má em được, má sẽ không trách anh đâu!
Con chẳng biết nói thế nào mẹ hiểu
Chẳng còn ai hiểu hết chuyện đời con
Non nước đó vẫn còn đầy dâu biển
Núi sông đây sao giữ được vuông tròn. (Trần Trung Đạo)
Anh quá ngạc nhiên khi thấy con trai mừng rỡ vì sắp vượt biên. Sao em dạy con trẻ hận thù? Anh nhìn em bằng ánh mắt trách buồn. Anh lầm rồi! Không phải con hận thù, lý do từ 75 đến nay, 2 con không được đến trường học bởi lý lịch ngụy quân của cha mẹ. Các con đang mơ ước một sân trường rộng có cây cao bóng mát trong tiếng chim líu lo chuốt giọng trên cành, nhất là có bạn bè thầy cô vui vẻ, không phân chia chế độ.
Anh đi cùng con trai và người em trai nuôi em mới nhận, vì sau chuyến vượt biên, em ấy không còn trở về nhà được nữa. Rồi tàu anh đã đến bờ bến tự do. Một tháng sau, 3 người rời trại tỵ nạn đến Úc, anh vội vã kiếm việc làm. Em và con gái cũng tìm đường vượt thoát, đúng 9 năm sau ngày mất nước, gia đình mình mới được đoàn tụ nơi nước Úc giàu lòng nhân bản.
Quê hương diệu vợi mờ nhân ảnh
Đất khách bao la gợi nỗi phiền
Trăn trở năm canh buồn viễn xứ
Biết ai ta gởi chút tình riêng! (Hoa Độ)
Anh không sống cho riêng anh mà chỉ lo cho mẹ con em và 2 bên nội ngoại ở quê nhà. Anh khéo léo tế nhị hướng dẫn cả nhà vào đường đạo, ăn chay trường, các con ra ngoài có quyền ăn mặn. Mỗi chiều, anh đều đưa em đến chùa đọc một thời kinh cùng Phật tử, đêm về anh giảng cho em những đoạn kinh mà em chưa hiểu. Anh biết nhược điểm của em hơn cả em nên cứ khuyến khích và chỉ cách em rèn luyện để tiến bộ. Anh đặt anh vào vị trí các con để hiểu chúng nhiều hơn. Các con có quyền tự chọn ngành và sự đam mê cho hợp với căn bản đạo đức, phải biết tôn trọng mọi người chính là tôn trọng bản thân mình.
Biết em thắc mắc vì ngày xưa anh nghiêm nghị và rất ít cười, đến nỗi các bạn trong phi đoàn 524 đặt biệt danh anh là Mộ Địa, nay sao anh lại vui vẻ và hay cười như vậy. Anh nói không có niềm vui nào bằng sự tự tại trong tâm hồn mình, một kiếp sống quá ngắn ngủi, bây giờ anh đã hiểu nên dể mỉm cười, đâu còn bận lòng chuyện thắng bại nữa. Sống thật với tất cả những gì ta có, biết nhìn thẳng vào hai mặt tốt xấu là bản chất trung thực của cuộc đời thì nội tâm mới không cầu toàn, nụ cười luôn rạng ngời vì biết thích ứng với sự vận hành của pháp mới là minh.
Trải qua những bước thăng trầm
Mới hay bậc trí giữ tâm làm đầu
An nhiên giữa cuộc bể dâu
Khổ đau nhẫn được, đạo mầu chẳng xa! (Viên Minh)
Năm 1985 Chùa Hoa Nghiêm ở vùng Đông Nam Melbourne thành lập ở Springvale vùng chúng mình ở, lúc đó nơi này còn vắng vẽ cô liêu, thầy trụ trì gồng mình vỡ đất sơ khai từng ngày biến chuyển tốt đẹp hơn khiến lòng người hớn hở hân hoan, nơi đây sẽ là nhà tâm linh, đủ tầm cở giúp thế nhân sống đời an lạc và độ các hương linh tìm đến bờ an nơi cõi tịnh.
Anh khuyến khích em và vợ chồng anh chị Bé, 4 người cùng trồng hoa Vạn Thọ bán mỗi độ xuân về, làm tiệc chay gây quỹ cho chùa và thành lập thư viện. Chùa mở tiệm cơm chay Thanh Tâm, anh không ngần ngại đưa hai vai ra gánh vác, bước đầu anh in những tờ quảng cáo rồi 4 người chia nhau đi bộ bỏ vào từng thùng thư của dân cư trong vùng, anh kiêm luôn thâu ngân viên một thời gian dài, sau đó anh chỉ vẽ tường tận cho sư cô Phước Tính thế anh.
Anh thường nói đã hơn nửa cuộc đời lo bảo vệ gian sơn tổ quốc là làm trọn bổn phận người trai thời loạn. Nay nước đã mất, tuổi đã già, mỗi người nên tận dụng thời gian này để khi nhắm mắt không còn tiếc nuối. Tâm anh thật sự luôn hướng về quê hương, về đất Phật.
Chùa mở khóa tu trên núi hay dưới biển, anh là người 4 giờ sáng mang thức ăn từ chùa đến nơi tu để những tu sinh điểm tâm đúng giờ, anh ở lại cùng các Phật tử giúp 2 buổi ăn trưa và chiều cho hoàn tất, dọn dẹp xong anh trở về chùa báo cáo lại những điều cần thiết cho ban trai soạn, để chuẩn bị cung ứng thích hợp cho ngày kế tiếp đến khi mãn khóa tu.
Cảm ơn nhé! một đời gió nổi
Cuốn phăng tôi đến một chốn bên trời
Thế gian nhé!một lần xin sám tội
Quỳ nơi đây mà ôm siết con người! (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
Anh đã tìm cho mình con đường đi và cách sống, anh bỏ thuốc lá, không đi chơi, không uống rượu. Những ngày tết Nguyên đán, lễ Phật đản hay Vu Lan, anh và anh Bé hướng dẫn từng chiếc xe ra vào carpark. Dù nắng nóng hay rét căm căm vẫn chạy tới chạy lui giúp xe có nơi đậu vững vàng. Những buổi tối giao thừa, anh âm thầm đi chung quanh chùa xem xét, hầu sớm chặn đứng mọi biến động xảy ra để giữ cho không khí chùa được an toàn. Giao thừa xong, anh ở lại phụ thầy trụ trì cùng các Phật tử dọn dẹp, tháo lều, làm vệ sinh cho sân chùa thật sạch, đến 4 giờ sáng vợ chồng mình mới về nhà. Thế mà 9 giờ sáng mùng một tết mình đã có mặt ở chùa, cứ như vậy từ ngày chùa Hoa Nghiêm mới mở cho đến ngày anh ra đi.
Anh bày ra làm báo tường, bổn phận em là chụp hình những buổi lễ, các khóa tu và sinh hoạt của chùa. Anh Bé cảm hứng làm thơ từ những hình em chụp cho anh đánh máy ra, chị Bé cùng em trang trí thêm hoa và cảnh, vì vậy sau những buổi lễ chùa luôn có báo tường với những hình ảnh mới. Anh còn chọn hình những Phật tử làm công quả để làm DVD ghép nhạc cảnh, tặng riêng cho từng người, thêm CD Phật Pháp để khuyến khích họ thường đến chùa và hiểu về Đạo Phật.
Các anh em tôi mà tình Thầy nghĩa Đệ
Có nhớ nhau xin cạn một chung trà
Đời còn đẹp khi ta còn giọt lệ
Đời khổ đau nên sinh-tử-tình-ca! (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
Rất nhiều lần làm việc chung với anh chị Bé, anh giảng về chữ tu thật đơn giản làm sao, đó là biết rõ mình đang làm gì trong từng hành động thực tại hiện tiền, sáng suốt nhìn thái độ của tâm khi trực diện mọi hoàn cảnh để thấy ra hai mặt thiện ác chỉ là hai mặt của cuộc đời. Có như vậy mới trãi nghiệm được thế nào là thanh tịnh để biết cõi ta bà này đẹp một cách diệu kỳ.
Một phen buông hết ngôn từ
Buông luôn cả một chữ như trên đầu
Thong dong thực tại nhiệm mầu
Niết-bàn, sinh tử… biển dâu khác gì ! (Viên Minh)
Một hôm sư cô Huệ Thanh đưa ý kiến, em xin phép thầy trụ trì lập ra đạo tràng đi Kinh Hành Niệm Phật mỗi sáng chủ nhật, nhưng anh lại là người đứng ra phân việc theo khả năng từng người và dạy đánh Chuông Mõ, Khánh. Rồi chỉ từng bước đi thong dong cho thân, tâm, ý nhất như. Sau thời đi kinh hành anh mới xuống trực văn phòng, vừa bán Phật cụ vừa trả lời điện thoại và giải quyết những việc thông thường, để thầy có thời gian chu toàn buổi lễ.
Biết em thích hoa hồng, anh và các con đã chọn lọc hương thơm lộng sắc màu nồng ấm để thành lập vườn hoa hồng thắm trước sân nhà, cũng là quà của mấy cha con tặng để cảm ơn em những ngày tháng anh ở trong tù, cảm ơn em thân cò lặn lội, là một người đàn bà Việt Nam biết chu toàn bổn phận, từ đó ở xóm mình gọi biệt danh em là bà bảy hoa hồng.
Cám ơn Em người vợ ân cần
Đã chăm sóc thương anh bao ngày tháng
Dẫu giông tố bão bùng vùng sân hận
Tàn phá anh, em cuồng nộ bẽ bàng
Cám ơn tất cả mọi người là ánh sáng
Soi rõ đêm đen, cháy bỏng tâm hồn
Thù hay bạn cũng là vận mạng
Đốt lửa Tạ Ơn ngàn đoá hoa hồng (Trần Minh Hiền)
Anh tôn trọng niềm đam mê của em nhưng luôn luôn anh nhắc em đừng để thân mệt và đầu óc căng thẳng, phải tập ngồi thiền, nhìn tâm để thấy lời nói mình có thể mang đến hạnh phúc hay khổ đau cho người khác, luôn quay về tỉnh thức khi đối xử với tha nhân.
Ra đi khắp bốn phương trời
Tìm ai mỏi gót muôn đời còn xa
Ta về gặp lại tình ta
Dấu chân viễn mộng chỉ là phù vân! (Viên Minh)
Anh cùng ông trạng sư Đinh sĩ Trang bắt đầu dịch các Kinh Kim Cang, Kinh Duy Ma Cật, kinh Pháp Hoa, kinh Pháp Cú (có phần tiếng Anh và tiếng Pháp), kinh Lục Tổ Huệ Năng, Pháp Bảo Đàn kinh.
Những hành thiện trong quá khứ của anh và những lời kinh anh dịch vẫn còn đây, làm chứng nhân cho công đức vô lượng như tiếng chuông tỉnh thức giúp thế nhân chuyển mê thành giác.
Thắp lên một nén hương lòng
Phút giây sinh tử mênh mông bể sầu
Dương trần trắng cuộc bể dâu
Kim Cang vẩy mực rạng màu chân như.
Còn lời nào để nói về anh nữa đây, anh đã gồng gánh lo toan hết cho em những bữa cơm gia đình hạnh phúc, biết làm mái ấm cho em nương tựa để tránh cơn bão lũ cuộc đời, là người lái đò dạy cho em bài học sâu xa về Đạo, là ánh sáng quét sạch những mờ mịt của bóng đêm em, anh cứ mỉm cười cho em hiểu thế nào là tâm nhẫn, có biết sống thong dong ở cõi ta bà mới sâu sắc an nhiên đi về cõi tịnh.
Buông mình theo chiếc lá rơi
Phiền lao trăm nỗi thả trôi nước dòng
Qua bờ với chiếc đò không
Như con hạc trắng chơi rong kiếp người. (M. Đ. Triều Tâm Ảnh)
Hôm nay em ghi lại những điều anh đã làm cho em và cho mọi người, anh đã biết cách sống, đem hết cuộc đời của mình cống hiến cho Quốc Gia và Phật Pháp. Anh ra đi để lại bao nhiêu sự luyến tiếc của gia đình và mọi người.
Một ngày tình bỗng khói sương
Tôi về gom chút tàn hương cuối trời (Phạm Anh Dũng)
Đêm ngày em vẫn nhớ anh và đang theo bước chân anh để rồi một ngày ta gặp nhau dưới ánh hào quang của chư Phật.
Thu tàn rồi lại đông sang
Bước chân lữ khách dặm ngàn tha hương
Phút giây chợt thấu vô thường
Cúi đầu sụp lạy dặm trường đã qua. (Tâm Bửu)
Trương kim Báu (Diệu Ngọc)