Ngày Vía Đức Đại Thế Chí Bồ Tát

13 tháng Bảy Âm lịch hằng năm, không hiểu sao ngày Vía các vị Đại Bồ tát như Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền, Quan thế Âm, hay Địa Tạng Vương tôi đều nhớ nằm lòng mà chỉ mỗi Ngài Đại Thế Chí Bồ tát thì tôi lại hay quên để rồi khi Lễ Vu Lan qua rồi tôi mới chợt nhớ lại và tự trách mình … “năm nào cũng vậy…! Đành phải chờ tới năm sau …”

Năm nay có lẽ các vị hộ pháp muốn hộ niệm cho tôi nên vừa đầu tháng Bảy là trong đầu tôi đã hiện lên các chữ “ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT” nó đậm đà đến nỗi tôi phải gạch dưới thật đậm ngày 13/7 âm lịch tức 23/8 trong các tờ lịch treo tường để nhắc nhở tôi đừng quên…

Và có lẽ đó cũng là một cách làm cho tôi phải nhớ đến câu nói của Bồ Tát trong kinh Lăng Nghiêm để sửa lại bộ óc hay quên của tôi và để cho tôi phải sám hối với các bạn hữu trong bài viết này về được khai ngộ thêm.

Theo Kinh Lăng Nghiêm, trong chương “Đại Thế Chí Bồ tát Niệm Phật Viên Thông“, Bồ tát Đại Thế Chí nói: “Ta nhớ lại trong vô lượng kiếp trước, có Phật ra đời tên là Vô Lượng Quang, Vô Biên Quang, Vô Ngại Quang Phật, Diệm Vương Quang Phật, Thanh Tịnh Quang Phật, Hoan Hỷ Quang Phật, Trí Huệ Quang Phật, Bất Đoạn Quang Phật, Nan Tư Quang Phật, Vô Xưng Quang Phật, Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật. Trong kiếp đầu tiếp nối mười hai vị Phật ra đời, vị Phật sau cùng là Phật Siêu Nhật Nguyệt Quang, dạy tôi niệm Phật, tôi nhập vào chính định, nên gọi là niệm Phật tam muội”.

Nếu như hai người cùng nhau nhớ niệm chẳng buông lơi, chẳng thất niệm thì sẽ theo nhau như bóng với hình, không bao giờ rời xa được. Còn nếu một người nhớ mãi còn người kia cứ quên thì dầu gặp nhau cũng thành không gặp, dầu thấy nhau cũng như không thấy.

Chư Phật thương nhớ chúng sinh như mẹ nhớ con. Nếu con cứ trốn lánh, thời mẹ dầu có nhớ cũng không làm sao được. Nếu con cũng nhớ mẹ, như mẹ nhớ con, thời mẹ con đời đời không xa nhau.

Nếu tâm chúng sinh nhớ Phật niệm Phật thời hiện tiền cùng đương lai quyết định thấy Phật, gần kề bên Phật, không cần tu trì phương pháp chi khác mà tự đặng minh tâm kiến tính. Như người ướp hương, thân có mùi hương, đây gọi là “Hương quang trang nghiêm”. Ngày trước lúc tôi tu nhân, do tâm niệm Phật mà được chứng nhập Vô sinh nhẫn. Nay ở thế giới này, nhiếp người niệm Phật về Tịnh Độ.

Theo Cố Hoà Thượng Tuyên Hoá trong Quê Hương Cực Lạc: “Bồ tát Đại thế chí chỉ tu pháp môn Niệm Phật, chỉ một câu Phật hiệu mà nhiếp thâu sáu căn tịnh niệm nối tiếp được vào Tam ma Địa Tịnh niệm chính là không khởi một niệm gì khác chỉ nhất tâm niệm, niệm niệm tương tục mỗi niệm chẳng rời tịnh niệm, tâm tâm tương ưng với Tâm Phật“.

Cũng cần giải thích vì sao gọi là Hương Quang Trang Nghiêm, theo HT thì người đời thường dùng hương thơm để bôi xoa lên thân thể cho thơm, người niệm Phật thì dùng Phật hiệu để xông vào mãnh đất tâm của mình để tương ưng với pháp thân và trí Huệ Phật.

Trong bức tranh vẽ “Tây Phương Tam Thánh“, Bồ Tát Ðại Thế Chí cầm cành hoa sen màu xanh đứng bên tay phải Ðức Phật A Di Ðà, bên tay trái là Bồ Tát Quán Thế Âm cầm nhành dương liễu và bình tịnh thủy. Trong kinh sách hai vị Bồ Tát hiện thân cư sĩ nữ hai bên Ðức Phật A Di Ðà tượng trưng Từ Bi và Trí Tuệ.

Thế nhưng người Phật tử nào khi gặp hiểm nguy thường niệm danh hiệu Quan Thế Âm bồ tát hơn là Đức Đại Thế Chí có lẽ chúng ta chưa ai đến giai đoạn để cầu trí tuệ hơn là cái hạnh vô uý của Ngài Quán Thế Âm để giúp cho mình tăng thêm sự can đảm, sáng suốt để vượt qua mọi gian nguy, mà trong số đó có tôi…

Cho đến một ngày tôi được đọc những câu này trong kinh Quán Vô lượng Thọ mới biết mình quả thật chưa đủ duyên để gặp Ngài.

Hình tượng của Bồ Tát Đại Thế Chí theo như ghi chép trong Quán Vô Lượng Thọ kinh: Thân lượng lớn bé của ngài cũng khác so với Bồ Tát Quán Thế Âm, toàn thân ngài tỏa ra một màu vàng tím sáng lấp lánh, có thể soi chiếu khắp quốc phổ thập phương, khiến cho chúng sinh hữu duyên được tận mắt nhìn thấy. Chỉ cần nhìn thấy được một tia sáng nhỏ nhoi phát ra từ lỗ chân lông của ngài, cũng như đã thấy được ánh sáng quang minh tịnh diệu của chư Phật thập phương.

Nhờ một dịp may tôi được một đạo hữu tặng cho cuốn Kinh Đại Bi Liên Hoa (Kinh Bi Hoa), và vô tình đọc được tiền thân của Ngài tôi mới thấy quả thật mình rất vô duyên khi không chịu học hỏi một việc gì cho đến nơi đến chốn.

Theo đó tiền thân của Đại Thế Chí Bồ Tát là Ni-ma vương tử, người con thứ hai của Chuyển luân vương Vô Chánh Niệm (sau này là Đức Phật A Di Đà). Bồ tát được Phật Bảo Tạng thọ ký rằng, trong đời vị lai vô lượng vô biên kiếp, sau khi Đức Phật Biến Xuất Nhất Thiết Công Đức Sơn Vương Như Lai nhập niết bàn (tức Quán Thế Âm Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai), Đại Thế Chí Bồ tát sẽ thay ngài tiếp quản chánh pháp và thế giới phương tây, thành Phật hiệu là Thiện Trụ Trân Bảo Sơn Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn.

Đại Thế Chí Bồ Tát còn được gọi là Đắc Đại Thế Bồ tát, Đại Tinh Tấn Bồ tát, Vô Biên Quang Bồ tát,Linh Cát Bồ tát,… hay vắn tắt là Thế Chí.

Ngài là vị Bồ tát thường dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp mọi loài, khiến chúng sanh mười phương thế giới thoát khổ đau, thành tựu đạo quả Bồ đề. Đắc Đại Thế Bồ tát vì Bồ tát có hạnh nguyện đại hùng đại lực đại từ bi, dùng hạnh nguyện này để trụ trong Ta bà thế giới, điều phục và tiếp độ chúng sanh cang cường.

Chỉ liệt kê ra bao nhiêu đấy thôi ta mới thấy được uy lực của Ngài và nếu ta theo phương cách của tu nhân do tâm mà niệm Phật và luôn nhớ tưởng tới Ngài chắc chắn khi lâm chung sẽ được ngài nhiếp dẫn về Tịnh độ với điều kiện trong hiện đời tu thập thiện giới và một lòng niệm Phật thì vị Bồ Tát này lấy ánh sáng trí tuệ phổ chiếu tất thảy, khiến cho chúng sinh rời xa ba cõi ác, đạt được sức mạnh vô thượng. Vì khi ngài di chuyển, thế giới thập phương như đang xảy ra một cơn địa chấn, cho nên mới gọi là Đại Thế Chí.

Đời người, mỗi một cảm xúc đều là một cái hộp tối của tâm hồn. Đời người, mỗi một trạng thái đều là hiển hiện của tâm linh. Đó cũng chính là góc khuất của tâm tình. hôm nay nhân được dịp được một sự bí ẩn nào nhắc nhở tôi, xin kính trình vài điều thô thiểu mà tôi học được để hy vọng mọi người đều được kết duyên với Ngài Đại thế Chí cũng như Đức Đạt Lai Lạt Ma thường kết duyên với Đức Đại Trí Văn Thù Sư Lợi…

Nam mô Đức Đại Thế Chí Bồ Tát Ma Ha Tát

Huệ Hương
23/8/2018

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.