Bài Viết Về Mẹ Trong Lễ Tôn Vinh Tình Cha Tình Mẹ 2018

Ngày lễ Vu Lan vừa qua là dịp để chúng ta tưởng nhớ về công lao của những người Cha người Mẹ. Thiên chức làm Mẹ vô cùng cao quý, nhưng lại cũng lại lắm gian nan. Và hy sinh nhiều hơn nữa là những người Mẹ Việt Nam. Hôm nay tôi được phép lên đây để trình bày đôi điều về người Mẹ của mình, một trong những người Mẹ VN gian nan, nỗi trôi đau khổ cùng với vận nước. Một người đàn bà Việt Nam trong thời chiến.

***

“Bây giờ tội nghiệp Mẹ tôi
Tám mươi ba tuổi xếp đôi cánh cò
Mùi của Mẹ quanh co giường chiếu
Mùi trần ai khô kiệt xác thân
Mùi da xương bên ướt Mẹ nằm
Để cả đời bên ráo con lăn
Khuya nay quỳ xuống ôm chân
Mẹ ơi đã lạnh toàn thân
Mất rồi!”

Nhà thương là một sân khấu thu nhỏ nhưng phản ánh đầy đủ những bước ngoặc trong cuộc đời của con người. Tôi đã phải trực diện cái sân khấu sanh bệnh lão tử của đời người này trong hơn 3 tháng ra vào bệnh viện thăm mẹ tôi khi bà lâm trọng bệnh.

Mẹ tôi bị xuất huyết não chỉ vài ngày trước dịp Lễ Giáng Sinh năm 2013, và đã ra đi vĩnh viễn, sau khi hưởng được một sinh nhật sau cùng trong nhà thương tại Brisbane.

Mẹ tôi sinh tại Hải Phòng. Khi đất nước bị chia cắt vào năm 1954 mẹ tôi theo gia đình vào Nam. Là một cô gái tuổi vừa mới lớn mẹ tôi đã tình nguyện nhập ngũ vào binh chủng Nhảy Dù. Đây là một quyết định khác thường khi phái nữ không bắt buộc phải đi lính trong thời loạn ly ấy. Đây cũng là một quyết định ngược lại ước muốn của gia đình.

Điều này phần nào đã nói lên cá tính cương quyết và tinh thần bất khuất của một người phụ nữ Việt. Trong quân ngũ bà đã lấy được bằng nhảy dù với nhiều sô nhảy biểu diễn khắp nơi. Và cũng chính trong binh chủng Dù bà đã gặp bố tôi và tôi là đứa con đầu.

Là một người vợ, người mẹ và cũng là một người lính, mẹ tôi đã phải chu toàn bao nhiệm vụ và vai trò có những đòi hỏi nhiều khi mâu thuẫn với nhau. Ngay lúc đang mang thai đứa con đầu lòng là tôi thì bà đã vẫn phải đi trực thăng công tác ở Huế và khắp Quân Khu I.

Tuổi thơ của tôi vì vậy phải bú sữa đặc có đường của quân tiếp vụ nhiều hơn sữa mẹ. Tuổi thơ của tôi phải giựt mình vì tiếng bom đạn hơn là được ngon giấc trong tiếng ầu ơ của mẹ. Nhưng tôi đã học được phần nào cá tính kiên cường, lòng dũng cảm từ một người mẹ Việt Nam.

Và tôi luôn luôn tự hào về mẹ tôi. Phận nữ nhi mà không quản ngại việc gánh vác kiếm cung.

***

Là đàn bà nhưng tôi chưa bao giờ thấy mẹ tôi khóc trước mặt người ngoài. Ngay cả khi mẹ tôi phải đi chôn cất đứa con gái còn trẻ của mình, dù lúc ấy bà tuy sống nhưng cũng như đã chết.

Ít khi nào tôi nghe mẹ tôi than thở, chỉ trừ hai lần trong đời bà. Lần thứ nhất là vào cái ngày cuối cùng của tháng Tư Đen năm 1975 khi chỉ có hai mẹ con với nhau. Lúc ấy trong mệt mõi và tuyệt vọng giọng của bà vẫn chứa đựng nỗi uất hận và có phần tự than trách chính mình trong cái trách nhiệm chung đã để mất nước.

Mẹ tôi tánh ít nói và vô cùng chịu đựng về thể xác lẫn tinh thần. Tôi nhớ mãi ngày bà đưa tiễn tôi vượt biên tại Vũng Tàu. Không biết có phải vì quá lo âu hay không thì đang trong lúc dặn dò tôi bà đã thổ huyết những ngụm máu tươi ngay trên bãi cát trắng. Lần đầu tiên trong đời tôi mới thấy được máu sao lại có thể có màu tươi như thế. Có hỏi nhưng bà cũng không cho biết tại sao. Bà chịu đựng đã quen rồi.

Bà luôn chịu đựng trong âm thầm nhưng cương quyết trong hành động.

***

Qua 3 tháng, qua một khoảng thời gian rất ngắn ngủi này chúng tôi đã phải trải qua bao thăng trầm cảm xúc. Đầu tiên là sự sợ hãi, cuống cuồng lo lắng khi mẹ tôi lâm trọng bịnh. Kế đến là những bực dọc, lo âu khi mẹ có vẽ không được chăm sóc, thuốc men theo ý mình. Rồi những tia hy vọng lại lóe lên khi mẹ hồi phục phần nào mặc dù bác sĩ có lẽ đã bó tay. Nhưng những vui mừng đó lại phải sớm nhường bước cho sự ngỡ ngàng, để đi đến việc chối bỏ sự thật mặc dù bà đã xuống dốc một cách nhanh chóng. Rồi bám víu. Rồi tuyệt vọng đến cùng cực. Và rồi đã phải nhìn thẳng vào và chấp nhận sự thật, dù đấy là một sự thật bế tắc.

Cuối cùng là cái khổ đau khi phải bất lực nhìn bà ra đi. Có lẽ ít có sự tra tấn nào đau khổ sánh bằng khi phải chứng kiến từng giờ, từng ngày nối tiếp mẹ của mình héo khô không đồ ăn, không nước biển để rồi lịm dần vào hôn mê. Dù đau khổ biết bao khi biết sắp sửa phải mất đi người yêu quý nhất trong cuộc đời này thì mặt khác tôi cũng có lúc phải tự hỏi mẹ có nên ra đi ngay bây giờ để có thể chấm dứt tức khắc những khổ đau, dày vò thân xác hay không.

***

Từ đây sẽ không còn bao giờ được đánh tam cúc với mẹ vào những dịp đầu năm để được nhìn bà cười hả hê khi kết được tốt đen. Từ đây sẽ không còn người mẹ kiên cường, bất khuất nhưng lại luôn lo lắng chăm sóc cho đàn con:

“Cây cau già ngoài sân chết đứng
Ngọn trầu không héo úng rụng rời
Gió khóc ngoài giậu mồng tơi
Tre trúc quờ quạng tìm hơi Mẹ già
Mẹ hiền đi chuyến chợ xa
Mùi Mẹ cánh Hạc bay ra cõi Trời
Con thành đứa trẻ mồ côi
Lặng chiều nhang khói tìm hơi Mẹ hiền”
(Thơ Nguyễn Văn Anh)


Kiều Tiến Dũng

Melbourne, 1st September 2018

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.