Nếp Sống Đạo

Đạo Phật là con đường để đi đến chân thật, nên chỉ chấp nhận những ai thiết tha với sự chân thật và yêu thương tha nhân như chính bản thân mình, không còn phân chia ta người, thương yêu, thù hận

Cuộc sống và công việc

Trong cuộc đời, có lẽ một câu hỏi mà thông thường chúng ta phải hỏi là phải cống hiến điều gì? Chúng ta cứ mải suy nghĩ về những điều mà có thể đạt được từ công việc, một chức vụ… mà quên đi rằng chúng ta sống có nghĩa là chúng ta phải cống hiến. Nhiều lúc vì một cảm xúc nào đó ta có thể đặt câu hỏi mà không cần phải có sự trả lời từ chính tâm hồn mình, chúng ta cứ mãi truy tìm về tương lai mà quên đi thực tại. Mỗi công việc đều có thể đem lại cho ta một nguồn vui sống, một sự quan tâm thiết thực cho những người khốn khó hơn. Công việc thường mang lại cho ta giá trị vật chất, nhưng nếu giá trị vật chất đó chỉ sử dụng cho mình và người thân yêu của mình thì niềm hạnh phúc sẽ rất nhỏ. Nhưng nếu ta biết chia những thành quả từ công việc mà ta có được cho những con người bất hạnh hơn ta như những cụ già neo đơn, các em bé mồ côi và những người tàn tật thì giá trị hạnh phúc trong ta sẽ được nâng lên rất nhiều lần. Chúng ta cũng nên biết rằng cuộc sống cho ta công việc, nhưng công việc phục vụ lại cho nhu cầu cuộc sống. Chúng ta sống là phải làm việc vất vả và cũng từ công việc vất vả ấy cho ta biết được giá trị của sự khốn khổ, điều chúng ta học được từ sự khốn khổ có thể chuyển hóa chúng ta.

Công việc, nói cho cùng cũng một nhu cầu giải trí và cao hơn nữa, nó còn có thể là một pháp môn tu. Vì công việc sẽ giúp chúng ta lãng quên đi những giao động trong tâm hồn và những sự buồn chán trong lúc rỗi rảnh, giúp chúng ta tìm về với chính mình nhiều hơn. Từ những công việc lặt vặt như dọn dẹp sau bữa ăn, rửa chén bát khoan thai trong chánh niệm… sẽ giúp ta phát triển định lực và thật sự sống một cách có ý nghĩa. Trong xã hội hiện đại của chúng ta, lối sống thường rất vội vã. Cho nên, những hạnh phúc, khổ đau khi tiếp xúc với công việc cũng đa dạng và phức tạp hơn. Nhưng nếu ta có thể làm mọi công việc một cách có chính niệm thì ta đạt được nhiều hạnh phúc trong công việc.

Tình yêu chân chính

Sống trên đời này, ai cũng có người thương yêu mình và mình thương yêu người. Nhưng thế nào mới là một tình yêu chân thật? Một tình yêu đúng nghĩa phải được phát xuất từ một trái tim rộng lớn và một tuệ giác rất cao. Chớ thứ tình yêu mà phần lớn người ta thường nghĩ đến và mơ tưởng về nó chỉ là một thứ cảm xúc trần tục tạm bợ chỉ hiện hữu trong nhất thời. Sự yêu thích đó cuối cùng rồi cũng đi đến chán ghét và phiền muộn, nó mang bản chất của sự ràng buộc và đau khổ. Hạnh phúc như thế thường gắn liền với đau khổ, đây quả là một sự bất hạnh lớn của kiếp người.

Tuy thế, chúng ta không thể phủ nhận hay đè nén những cảm xúc đó. Chúng ta đừng quá phụ thuộc và đồng hóa mình với chúng, để rồi chúng ta phải đánh mất đi cái bản chất đẹp đẽ của chính mình. Muốn vậy thì chúng ta phải luôn giữ tâm hồn mình trong sự tỉnh giác. Hai người yêu nhau, nhưng cuối cùng rồi một trong hai người phải ra đi hay chết, người còn lại sẽ thật đau khổ, khóc than, tưởng nhớ mãi. Cố chấp vào một thể xác đã đổi thay là đau khổ, chớ không phải là tình yêu. Khi chúng ta quán xét rõ được điều này thì không còn cố chấp hay bám víu vào đó nữa, lúc đó, chúng ta cảm nhận được sự phù du của tình yêu mang bản chất của tham ái. Nhận rõ được điều này thì tâm trí chúng ta có thể sẽ phát khởi lên một tình yêu mới, cao đẹp hơn, thánh thiện hơn, vượt ra ngoài những cảm xúc giả tạm để đến với một tình yêu chân chính, tràn đầy trí tuệ và vị tha, đó là tình yêu thương con người vô điều kiện.

“Sống là động mà không xáo động
Sống là thương mà chẳng vấn vương”
.

Sống điềm tĩnh

Duy trì sự điềm tĩnh, tập trung vào một điểm duy nhất là một hình thức tĩnh tâm mà ở đó, ta và vật là một chớ không còn là hai nữa. Để có được mức độ tập trung này, không phải muốn là có được mà chúng ta phải thực tập nó vào mọi hoạt động của chúng ta sống trong cả sự đi đứng, nằm ngồi. Nếu thực tập đều đặn như vậy, khả năng tập trung ngày sẽ càng cao, kéo dài được sự điềm tĩnh này thì sự thành công trong công việc của chúng ta ngày càng lớn và đời sống của chúng ta mỗi lúc càng được thăng hoa.

Định tâm là cách thanh lọc tâm hồn của mình bằng cách chọn lựa đối tượng cho sự tập trung cả thân khẩu ý của chúng ta vào chính đối tượng đó. Nên trong các chùa, ta thường thấy tôn tượng đức Phật Thích-ca Mâu-ni ngồi nghiêm trang trong tư thế kiết già mắt nhìn xuống, đó là một điển hình của việc tập trung thiền định. Điềm tĩnh là bước thấp nhất của thiền định. Nếu trong cuộc sống, chỉ cần ta đầy đủ sự điềm tĩnh, thì tất nhiên ta sẽ là người có tự tin và giàu nghị lực để thành công nhiều trong mọi việc.

Sống chân thật

Ai đi đến đạo Phật với ý tưởng quyền uy, danh vọng… nhất định họ sẽ rất hoài công, vì đạo Phật không có những thứ đó.
Nhưng với những người tìm đến đạo Phật để tìm lại chính mình, tìm hiểu bản chất của đời sống, thì họ sẽ rất lợi ích, vì họ sẽ tìm thấy một tia sáng, một con đường trên hướng đi về thực tại uyên nguyên của suối nguồn vi diệu.

Đạo Phật là đạo chân thật, những người đến với đạo Phật phải là những người khát khao sự chân thật. Muốn đến với chân lý thực tại thì phải xa rời những giả dối hư huyễn, và xa lìa hết giả dối hư huyễn thì thực tại sẽ hiện tiền.

Nói như thế không phải là chúng ta phải rảo chân đi tìm, đi kiếm một sự thật ở ngoài những cái hư dối ấy, mà sự thật tức là những cái hư dối và những cái hư dối ấy tức là sự thật. Một khi hiểu được cái hư dối kia thì cùng lúc ấy, chúng ta đã lìa được huyễn cũng là biết được sự thật.

Những gì chúng ta ra công xây dựng từ vô lượng kiếp trong quá khứ đã qua thật quá sức kiên cố. Đi về thực tại là chúng ta đi ngược lại con đường cũ, nghĩa là phải ra tay phá vỡ tất cả những gì mà chúng ta đã dày công xây dựng. Và đó là một lớn lao phải đương đầu, vì đây là việc làm đầy gian nan thử thách, cần phải vượt muôn trùng khổ đau. Muốn được vậy thì chúng ta cần phải có đầy đủ nghị lực, có một cái thấy và sự hiểu biết đúng pháp.

Thành kiến sở chấp lâu đời đã ăn sâu bám chặt vào mỗi chúng sinh, bây giờ chúng ta phải tự lột, phải nạo bỏ nó đi để cho mình được đẹp đẽ hơn. Nhưng khổ nỗi, vì quá mê mờ nên chúng ta lại cho nó là một gia bảo bất ly thân thể rồi chúng ta phải khổ vì nó.

Người tìm đến đạo Phật với sự mong mỏi quyền uy, danh vọng… chính họ đã đi vào con đường mà Phật từ bỏ, hay nói đúng hơn là cần phải hủy diệt. Họ đã đi ngược lại mục đích của đạo chân thật, thì làm sao có thể đến với đạo Phật được!

Đạo Phật là con đường để đi đến chân thật, nên chỉ chấp nhận những ai thiết tha với sự chân thật và yêu thương tha nhân như chính bản thân mình, không còn phân chia ta người, thương yêu, thù hận… Những người ấy đang đi trên con đường chân thật, và đang sống nếp sống chân thật.

Tác giả Thích Nhuận Thạnh
Theo: Nếp Sống Đạo

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.