Chiều, đường phố tấp nập, tiếng còi xe inh ỏi, khói bụi, sự chật chội, hối hả đã trở thành “đặc sản” mà người ta vẫn hay nhắc khi nói về nơi này.
Ngắm Sài Gòn trong một buổi chiều ươm nắng vàng, đứng từ tầng cao nhất của một tòa nhà cao tầng, thành phố hiện lên trong tôi như viên ngọc thô vừa được mài giũa xong, rạng ngời khoe sắc óng ánh.
Tết ở Sài Gòn – Ảnh minh họa
Tôi bỗng thấy yêu đến lạ cái “phố thị” mà người ta vẫn hay gọi là “chốn phồn hoa đô hội”, điểm đến của bao khách thập phương mưu cầu hạnh phúc, sung túc.
Được sinh ra và lớn lên tại nơi đây nên Sài Gòn trong tôi lại khác, giản dị và thân thương đến ngỡ ngàng.
Người ta trách người Sài Gòn sống hiện đại quá, rồi sinh ích kỷ, chỉ biết đến vật chất. Vậy chớ đi đường, thấp thoáng đâu đó nghe tiếng nhắc nhở nhẹ nhàng: “Gạt chống xe lên chị/anh ơi”. Thân thương lắm, tình người vẫn đong đầy, mộc mạc vô cùng.
Người ta còn bảo người Sài Gòn thực dụng lắm, phải đấu đá nhau mà tồn tại trong cái bể cá chật chội ấy. Vậy mà, có ai đó vừa bỏ dở công việc của mình để đưa một người xa lạ bị tai nạn vào bệnh viện, ai đó vẫn hy sinh tuổi xuân, cơ hội lập nghiệp, tìm đến trẻ em đường phố, cưu mang và đem lại cho chúng những cuộc đời mới, v.v…
Sài Gòn vậy đó, trong cái chật chội ấy, tình người vẫn len lỏi và tìm đến với nhau đấy thôi.
Không như Huế cổ kính thơ mộng, hay một Hà Nội với bề dày lịch sử, văn hóa, Sài Gòn rất trẻ, bao giờ cũng đổi thay như thể tìm lại những góc hoài niệm trong thành phố hiện đại này là một điều khó khăn. Nhưng bất kỳ ai đã từng sinh sống và làm việc ở mảnh đất này, rồi sẽ yêu những cái “chất” rất riêng ấy của Sài Gòn: trẻ, phóng khoáng và chân thành.
Những tháng cuối năm, đường phố được trang hoàng lộng lẫy, chuẩn bị thay áo mới mừng xuân, đón Tết. Tết đã thấm nhuần như một phần “không thể thiếu” trong tâm tư những người con Việt Nam nói chung ở khắp chân trời và dân Sài Gòn nói riêng.
Cái “hồn” Tết ở Sài Gòn có gì đó khó diễn tả lắm, nôn nao và rực rỡ, tươi tắn, rộn ràng như nhịp đập của thiếu nữ lần đầu tiên biết rung động…
Khép lại một năm, người đạt được cái này, tiếc nuối cái kia. Nhưng tất cả cũng đã qua. Điều quan trọng nhất là điều qua ấy để lại cho ta những gì, nó sẽ nuôi lớn ta hay vùi ta xuống khổ đau. Vì thế, dẫu cuộc sống vô thường đến dường nào, hãy sống can đảm, cống hiến trọn vẹn cho những mùa xuân đi qua đời mình, không để phí hoài một phút giây quý giá nào:
Ta làm con chim hót Ta làm một cành hoa Ta nhập vào hòa ca Một nốt trầm xao xuyến Một mùa xuân nho nhỏ Lặng lẽ dâng cho đời Dù là tuổi hai mươi Dù là khi tóc bạc… (Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải)Lời thơ gợi tôi nhớ đến hình ảnh các chư tôn đức Tăng Ni ngày đêm phụng sự Phật sự không nề hà vất vả, lặng lẽ, âm thầm dâng hiến cho đời không biết bao nhiêu “Mùa xuân nho nhỏ” mang đầy lợi lạc cho chúng sinh, không đo đếm được.
Mỗi người trong chúng ta, ai cũng là con chim, chiếc lá trong bức tranh tổng thể mùa xuân, mùa xuân nhỏ gộp lại sẽ tạo tác nên những mùa xuân lớn cho đời.
Vì thế, nếu người trẻ có lý tưởng sống thì lý tưởng đầu tiên nên nghĩ đến là “cống hiến”, chứ không phải là lý tưởng trở thành ông nọ bà kia để được tận hưởng hết thảy thú vui của cuộc đời. Tìm thấy lý tưởng, ta sẽ tìm thấy được con đường đưa mình tới sự phát triển toàn diện. Khi tìm được lý tưởng tức là tìm được hạnh phúc. Lý tưởng không phải là điều gì đó mơ hồ, cao siêu, không thực, lý tưởng có sẵn trong chúng ta, nó chỉ đợi mình đến khám phá mà thôi.
Thời gian gần đây, người ta không khỏi thất vọng với lớp trẻ có khuynh hướng sống vội, hùa theo những văn hóa trào lưu, thần tượng ca sĩ, hay phải thất kinh với những cái chết vô lý vì nông nổi giận hờn, những tội phạm tuổi đời quá trẻ…
Giá trị văn hóa bị suy thoái bởi không nhỏ một lớp thế hệ không được định hướng.
Giá như những hạt giống Bồ-đề tâm được gieo sớm, người trẻ được định hướng sống đúng đắn, có lý tưởng thì trái lành thiện căn sẽ càng nhiều. Xã hội sẽ không phải thất kinh, xót xa và chán nản với thế hệ tương lai của mình như thế.
Tôi nghĩ không phải đợi tới khi tóc đã chuyển sang hai màu, công thành danh toại, người ta mới nên tu học, mới tìm về nương tựa 3 ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng. Dưới góc nhìn của kẻ sơ cơ học đạo, tôi cho rằng mục đích cuối cùng của tu học không gì khác ngoài tu sửa nhân phẩm, hoàn thiện và phát triển bản thân mình ở mức độ cao nhất. Vậy nên, phải càng sớm thì càng tốt. Nếu không đạt tới quả vị giải thoát thì hạt giống Bồ-đề tâm sẽ ra hoa thơm ngát, đủ để cuộc đời này bớt đi khổ đau và đắng cay…
Nhìn lại 1 năm, tôi được tu học, tham gia những chương trình, Phật sự dành cho giới trẻ, tôi càng biết ơn các chư tôn đức Tăng, Ni, những người đại diện cho đạo Giải thoát đã ra sức, ngày đêm uốn nắn, tưới mát những “tâm chúng sinh” đầy đau khổ, phiền não của chúng tôi.
Lớp trẻ chúng tôi biết mình được đặt niềm tin rất nhiều. Nếu trước đây, xã hội trong mắt tôi được định hình bằng con mắt hình thức, đi Vespa, lướt iPad, nghe iPhone mới là người thành đạt, thì giờ đây nó đã được định hình lại bằng con mắt “từ bi, trí tuệ”. Thành đạt trong cuộc sống là thực hiện được hoài bão và hoàn thiện nhân phẩm của mình. Chỉ cần mình phát triển hoàn thiện, những điều kiện vật chất sẽ đến với mình như lẽ thường nhiên, mà Phật giáo gọi là “hội đủ duyên lành”.
“Đài sen sắc tỏa trong ngần Phật tâm, Phật tánh ngày xuân trở về Giã từ sân hận, u mê Tâm hồn thanh tịnh, cõi về lành an”.Hiện nay rất nhiều bạn trẻ quy y Tam bảo để tìm cho mình một lý tưởng, định hướng sống đúng đắn. Tiêu trừ phiền não, giải tỏa stress, âu lo chỉ là một phần trong mục đích tu học, để tiến đến sự hoàn thiện bản thân mình. Mong sao cho vườn tâm của mỗi người con Phật luôn nở hoa thơm ngát, kịp khoe sắc cùng mùa xuân tươi đẹp đang đến.
Mùa xuân là mùa hội tụ những cái đẹp, của đất trời, của hoa cỏ, của tâm tư lòng người. Mùa xuân mang đến người nhiều an lạc nhất bởi khi ấy người ta biết “sống chậm” lại để thưởng thức cuộc sống, mà hàng ngày đã vội vã lướt qua.
Để mùa xuân không chỉ là những ngày đầu Giêng, mà có thể là bất cứ ngày nào trong năm, thì chỉ cần lòng ta luôn ngập tràn từ bi và trí tuệ rộng lớn để nhìn cuộc đời thật rộng rãi…
Khi tâm Xuân, thế giới sẽ Xuân!
Chúc Sài Gòn và những người con Sài Gòn một mùa xuân Di Lặc an lạc, luôn tươi trẻ và tràn trề sức sống.
Viết cho Sài Gòn. Cho những ai đã, đang và sẽ yêu Sài Gòn
Nguyễn Đặng Hồng Quế
http://www.giacngo.vn