Học Và Hành Trong Nếp Sông Tôn Giáo

Thầy Thích Đạo Quảng (chính giữa trong 5 vị áo vàng) cùng Đạo tràng chùa Tam Bảo – Ảnh do NT – Văn Nghệ PGHN chụp và post giới thiệu

Dẫn nhập:

Vấn đề giáo dục trong sinh hoạt tôn giáo và giáo dục đại chúng giữa đời thường đã được đặt ra từ thuở rất xa xưa, kể từ khi tôn giáo mới ra đời. Đa số các tôn giáo đều chủ trương rằng, giáo dục trong tôn giáo để ban truyền kiến thức cho một nhà tu hay một tín đồ tương lai cần phải được tách biệt với nền giáo dục phổ thông công cộng. Bởi vậy, các tôn giáo lớn xưa nay, thường có một hệ thống giáo dục riêng của họ. Càng về sau, nền văn minh nhân loại càng phát triển theo chiều hướng khoa học thực nghiệm thì khuynh hướng giáo dục của các tôn giáo cũng phải chuyển mình từ phương hướng gieo rắc sức mạnh thần linh (Khải huyền: Mythologization) sang phương hướng dẹp bỏ bớt các điều lý giải huyền hoặc (Giải huyền: Demythologization).

Đạo Phật được xem là tôn giáo gần với sự kiện và kiến thức khoa học thực nghiệm nhất cũng đã tạo lập một thế quân bình giữa kiến thức phổ thông vá các tín điều, tín lý nội điển. Từ vài nghìn năm trước, các luận sư, thiền sư, danh tăng Phật giáo là những học giả, văn nhân, thi nhân của thời đại đương thời.

Riêng Phật giáo Việt Nam thời cận đại, các danh tăng là các học giả tiếng tăm và có những công trình trước tác giá trị trong thế giới văn bút, học sĩ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều giáo phái và bộ phái Phật giáo hiện đại ban hành những điều lệ riêng để cấm hay giới hạn việc các tu sĩ, tăng ni theo học các chương trình phổ thông ngoài đời dựa trên căn bản giới luật rằng, người đi tu nên chuyên tâm học hành theo kinh sách nội điển để khỏi bị tán tâm và đa mang, dính mắc việc đời.

Thực tế đương đại có khuynh hướng mềm dẽo hơn, rằng, tăng ni tài phải là người tinh thông các tạng kinh điển và giữ gìn giới luật nghiêm minh đã đành, nhưng ngoài ra cần cái sở học đại chúng để làm phương tiện cập nhật và thích hợp trong quá trình hoằng dương và ứng dụng Phật học.

Đặc biệt từ sau năm 1975, khi Phật giáo Việt Nam có cơ hội tiếp cận với xã hội Âu Mỹ thì nhu cầu và khả năng học thuật, nhất là khả năng nói tiếng ngoại ngữ của điạ phương sinh hoạt trở thành một nguyên tắc và phương tiện không thể thiếu trong công cuộc hoằng dương Phập Pháp vào xã hội phương Tây.

Bài viết “Học và Hành Trong Nếp Sống Tôn Giáo” của Thầy Thích Đạo Quảng là một trường hợp tham khảo (Case Study) về trường hợp ứng dụng sự giáo dục phổ thông trong sinh hoạt tôn giáo. Ban biên tập Văn Nghệ Phật Giáo Hải Ngoại xin trân trọng giới thiệu bài viết với quý độc giả trong tinh thần khiêm tốn học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm thường lệ. BBT-VNPGHN.

HỌC VÀ HÀNH TRONG NẾP SỐNG TÔN GIÁO

Học để khoe khoang bằng cấp, học vị hay học để phụng sự, phục vụ cho đời” là một khái niệm có khoảng cách từ vế nầy sang vế kia còn xa lắm. Khi thông tin từ Guardian, qua họp báo ngày 12 tháng 03 năm 2019, cho biết những điều “thâm cung bí sử” rằng: Những ngôi trường hàng đầu nước Mỹ như Yale, Georgetown, Stanford và Southern California… đang bị điều tra vì nhận tiền “hối lộ” qua hình thức “giúp đỡ hay ủng hộ trường” nhưng cái thâm ý là “dọn đường cho con em mình vào trường học nổi tiếng” hay nói một cách bình dân dễ hiểu hơn là “mua trường”. Đây quả là điều cần được suy ngẫm cho tất cả chúng ta nhất là những người đang đi học hay có con em đang ở giữa vòng quay của học vấn.

Tôi sang Mỹ theo gia đình vào năm 1994 với vốn tiếng Anh là vài từ vựng cho vui mà thôi. Tôi không quên lời khuyên quá chân tình của Sư Ông Thích Thanh Từ trong những ngày được đi theo Sư Ông ở thành phố Houston, tiểu bamg Texas vào tháng 10 năm 1994. Sư Ông dạy: “Nếu Chú tính chuyện ở lại bên đây luôn thì nên ráng học cái tiếng nói của người ta. Chứ mấy ngày qua đi chỗ này chổ kia người ta nói gì, tôi chỉ biết cười và nhờ người thông dịch mới biết là họ nói gì.” Con thấm thía lời dạy đơn giản mà minh triết của Sư Ông lắm vì Sư Ông không dạy học tiếng Anh hay tiếng Pháp mà Sư Ông dạy học “cái tiếng nói của người ta..

Tôi đã lắng nghe và quyết tâm học để hiểu một ngôn ngữ mới, làm phương tiện cần thiết tại đất nước mà Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức cho mọi lĩnh vực đời sống của xã hội Hoa Kỳ. Nếu cộng lại 3 năm học ESL (English as a Second Language), 5 năm cho chương trình Cử nhân Tâm lý học, 2 năm cho Thạc sĩ Tâm lý trị liệu, và 7 năm cho chương trình Tiến sĩ Tâm lý học là tôi có tổng cộng 17 năm cắp sách đến trường kể từ khi đến “Miền Đất Hứa.” Thành thật mà nói là hơn 17 năm cắp sách đi học và gần 25 năm định cư tại Hoa Kỳ, tôi vẫn chưa hiểu hết “tiếng của người ta.” Ngôn ngữ là xương sống và máu huyết của văn hóa, cho nên hiểu trọn vẹn ý nghĩa thâm sâu của một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của mình là một công trình lý thuyết và ứng dụng suốt đời. Cho dù bây giờ đang dạy học cho chương trình Psy. D (Doctor of Psychology) của trường The Chicago School of Professional Psychology tại đại học Xavier University, New Orleans, bản thân tôi vẫn phải hết mình vật lộn để hội nhập làm sao cho được “hiểu hết tiếng của người ta”.

Trong một khía cạnh giới hạn và tương đối của đời sống, tôi có được nỗi hân hoan là đã không phụ lời khuyên rất chân tình và đầy đạo vị của một bậc Thầy biểu tượng từ bi và trí tuệ. Vốn xuất thân là con nhà nông ở vùng quê cày sâu cuốc bẫm, nhưng tôi lại thích học; muốn học để có những hiểu biết căn bản làm vốn sống cho đời mình. Thế nhưng lớn lên trong khung cảnh “cái khó bó cái khôn” nên dẫu tôi có cố gắng đến mức nào thì cũng khó chen chân vào môi trường đại học. Nhưng khi có cơ hội đến Mỹ thì quả nhiên như văn hào Tony Morrison viết: “Mỹ là vùng đất hứa vì nơi đây là sân cỏ làm mặt bằng cho mọi sự thi thố tài năng và đam mê học hỏi được thể hiện trong tự do và bình đẳng.” Chỉ có thể trên đất Mỹ, ở lứa tuổi quá trung niên, người ta – và may mắn trong đó có tôi – cặp sách đến trường hồn nhiên và tươi mát như thuở học trò. Nếu có ý chí, một đứa trẻ tay không cũng có thể đi học, vay loan, mượn tiền của tư nhân hay nhà nước mà đi học cho đến lúc thành tài tiến sĩ, bác sĩ là chuyện bình thường khắp nơi trên 50 tiểu bang của Mỹ.

Xã hội Mỹ là xã hội mở tung cánh cửa đại học cho mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ và ngành nghề khác nhau. Tôi may mắn được học với những người Thầy Cô giáo có lương tâm và nhiệt huyết từ những lớp căn bản cho đến những chương trình cao học hay tiến sĩ sau này. Điều quí giá mà tôi học hỏi trong suốt mấy mươi năm đi học đó là học theo sức của mình để không bị áp lực “bằng cấp” hay học xong rồi mà “treo bằng ngắm cho vui thì không nên.” Tôi cám ơn và nhớ mãi Dr. John B., người Thầy dạy tôi khi còn học chương trình 4 năm ở Georgia State đã nhắn nhủ rằng: “Các em học trường nào không quan trọng bằng học như thế nào vì bằng cấp ở các trường danh tiếng chỉ có lợi thế cho khi ra trường đi xin việc làm, nhưng sau đó thì thực lực mới là quan trọng.” Tôi nghiệm ra một điều nếu mình không giỏi thật sự mà vào trường nổi tiếng thì bơi không kịp với người ta cũng như không hay rất dễ bị chìm xuồng!

Tôi vừa đọc được một bài báo sáng nay nói con rể của Tổng thống Hoa Kỳ được vào học Havard vì có bố tặng cho trường 2 triệu rưỡi đô la. Điều nầy đã nói lên một điều là tâm lý thông thường, ai cũng thích bản thân mình hay con em vào học trường nổi tiếng. Nhưng trong số 5000 đại học và cao đẳng ở Hoa Kỳ thì cũng chỉ có một vài chục trường là nổi tiếng trên toàn thế giới mà thôi.

Gần 20 năm trước tôi có cơ duyên tiếp xúc với một số Tăng Ni theo học ngành Phật học và Cán sự Xã hội ở trường Harvard là ngôi trường nổi tiếng nhất ở Mỹ. Từ đó, tôi nghiệm ra một điều áp dụng cho mình rằng: Tôi không muốn mình đổi ngành học để được vào trường danh tiếng rồi “treo bằng ngắm cho vui” thì uổng quá! Tôi thích học ngành Tâm Lý học (Psychology) mà điểm vào Harvard cho ngành Psychology thì tôi không đủ sức. Cám ơn một Ni Sư người Việt Nam khuyên tôi nên đổi qua ngành học Social Works hay Buddhism thì sẽ dễ được vào Harvard hơn. Tôi cũng thích trường danh tiếng lắm chứ nhưng chợt nhớ lời dặn của Dr. John B; và đồng thời, cũng may là tôi biết mình không đủ giỏi để vào trường giỏi thì nên kiếm trường vừa sức mà học thì không phải “mặc cảm nhảy lầu tự tử hay lui vê quê cũ dấu thân nơi vùng quê.”

Có lẽ một số cha mẹ thường có suy nghĩ là muốn con em mình vào học trường có danh có tiếng nên cách này hay cách khác để đưa con cái của mình được vào trường đại học có tiếng như một “niềm tự hào cho gia tiên giòng tộc” nhưng cha mẹ đâu có biết áp lực ở học đường nhất là những trường “có danh có tiếng” thì thật sự “càng cao danh vọng, càng tày gian nan”. Thực tế đã chứng minh một điều đáng sợ, đó là các trường nổi tiếng nhất thì tỷ lệ sinh viên tự từ cũng cao nhất.

Trường đời hay trường Đạo cũng đều có những điểm giống nhau. Nếu đi xuất gia mà chọn lựa một vị Thầy “nổi tiếng” thì có khi cuộc đời tu hành trở thành “trôi nổi” bởi cái lý do đi Tu không xuất phát từ động cơ chính đáng và ngay thẳng. Trở lại chuyện đời riêng mình, tôi xin được nêu ra một cách chân xác để người đi sau rút kinh nghiệm. Bản thân tôi, khi vào Thường Chiếu xuất gia là vì tôi ngưỡng mộ nếp sống rất chân chất và ngay thẳng của Sư Ông Thích Thanh Từ. Những năm đầu 1990’s Thiền Viện Thường Chiếu còn mộc mạc và đơn sơ lắm. Sư Ông cũng không có bằng cấp gì ở trường đời và cũng không có địa vị gì ở trong Giáo Hội, nhưng Sư Ông lại có một phong cách hiền hậu, chân tình hiếm có, và tha thiết tu hành vì lợi ích cho bản thân và nhiều người có hữu duyên. Cho đến bây giờ hầu như tất cả quý tăng ni xuất gia với Sư Ông Thanh Từ đều kính ngưỡng Người như một vị đại ân sư.

Khi đi tu, tôi có đuọc chút duyên lành là bên cạnh các cấp học theo nội quy, tự viện, tôi còn được đi ra bên ngoài để học. Chương trình học tự do ngoài đời tuy không giống với nếp ăn, nếp nghĩ trong tự viện, nhưng vẫn rất phong phú và mang nhiều lợi lạc cho kẻ tu hành. Chương trình học phổ thông đại chúng vẫn trang bị đầy đủ ngôn ngữ và kiến thức căn bản cho con đường tu tập và chia sẻ kinh nghiệm sống theo lời Phật dạy, nhằm mang lại lợi lạc và bình an cho mình và người. Tôi luôn nhắc nhở chính mình rằng, bằng cấp, học vị, học hàm… cũng chỉ là những phương tiện phù vân và rất dễ tô vẽ thêm cho cái ngã tướng vốn đã quá dày đặc với kiếp làm người. Mong đừng lấy chữ nghĩa, bằng cấp để tô đậm thêm cho bản ngã của chính mình. Hãy lấy ngôn ngữ, kiến thức hay bằng cấp làm phương tiện hữu ích cho con đường hành hoạt của mình. Đừng bao giờ dựa vào phương tiện học vấn, danh vị để làm thành ý nghĩ của đời sống . Chỉ có khi nào quên đi hình tướng và danh vị mới không mâu thuẫn với nếp sống khiêm tốn và lễ độ vốn là điều cần thiết cho tất cả mọi người, nhất là người tu sĩ Phật giáo trong mọi thời đại. Học hành và thành tựu học vị đối với người đi tu là tạo thêm phương tiện thiện xảo để hành đạo giúp đời. Vì thế, ý hướng đem cái sở học để khoe khoang là tự ý tách rời vai trò và trách nhiệm của người đi tu để tự độ thắng vô minh và độ tha bớt khổ. Hãy lấy việc học để làm phương tiện phụng sự cho chính mình và cuộc đời.

Baton Rouge, Mar. 13, 2019
Thích Đạo Quảng

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.