Tha Thứ

Dáng người đổ nghiêng xuống lề đường lênh láng nước trong cơn mưa của một phụ nữ sau cú va mạnh bởi chiếc xe máy vừa phóng ào đi làm Vũ dừng lại. Phía trước là ngõ phố anh sống nhưng gương mặt tái xanh của người phụ nữ dưới vô vàn tia nước mưa xóa nhanh sự lúng túng nơi Vũ và ánh sáng của ngọn đèn đường giúp anh đỡ người phụ nữ lên, đặt vai cô tựa vào gốc cây bên cạnh.

Cái chớp mắt của người phụ nữ làm ngưng cuộc điện thoại Vũ gọi tới tổng đài cấp cứu. Trong cố gắng đứng lên của cô, Vũ nghe một tiếng kêu rất khẽ vẳng ra từ sự kìm nén và gượng dậy có nhiều sức lực hơn cả sự giúp đỡ của anh.

– Tôi ở  trọ trong ngõ này. Cảm ơn anh…

– Nhà tôi ở gần cuối ngõ, vậy tôi có thể đưa cô về…?

***

Cảnh phim thứ ba mươi mốt không quay được. Nữ diễn viên chính không diễn được cảnh đâm dao vào ngực của người chồng phản bội. Đâm chính con người gieo đau khổ vào mọi ngóc ngách trong đời sống của mình mà run rẩy tột độ thế kia là không đạt yêu cầu diễn xuất. Thử lại, nhưng khi vung con dao với sự phẫn uất ấy cũng sẽ không tạo nên ấn tượng gì mới lạ trong khán giả khi xem cảnh phim này. Thử đến lần thứ ba với vẻ thản nhiên, lạnh lùng thì người không chịu nổi cảnh quay chính là đạo diễn.

Vũ ngồi nơi hàng hiên với suy nghĩ đã quay trở lại không cách gì cưỡng nổi về khoảng thời gian anh là người đàn ông đau khổ nhất thế gian. Con người hình như đã quên hoặc cố tình quên một hạnh kiểm quan trọng vào loại bậc nhất là tránh làm tổn thương người khác. Người phụ nữ được anh xem là viên ngọc quý của riêng mình đã đi khỏi ngôi nhà này khi anh và đứa con trai vừa lên hai đang ôm nhau ngủ, lên chỗ đặt trước trên chuyến bay đưa cô qua Pháp sống với một doanh nhân thành đạt. Đơn độc trước những giấy tờ giải quyết việc ly hôn mang tính thủ tục, Vũ chới với cõng con trai về nhà, giữ lại trên lưỡi mình câu nói, -“Từ nay, cha con mình trở thành hai thầy tu để tóc trong nhà mình”. Và cũng từ đó, con trai của Vũ cũng chỉ mỉm cười với cha của mình nhưng nét vẽ đầu tiên của cậu bé Hoàng ở lớp mẫu giáo là đường viền khuôn mặt của người mẹ. Ông bà nội chăm sóc Hoàng, cô giáo dạy dỗ Hoàng, vậy là Vũ trở về nơi xuất phát, đau đớn nhận ra cái bóng của mình vẫn ở đó với nỗi cô độc ngày càng lớn. Bởi chưa từng có ý nghĩ trả thù người vợ đã đẩy mình về lại cái bóng của mình nên Vũ không lường trước được việc thất bại của cảnh quay giết nhân vật là người phản bội trong phim của anh. Mà hôm nay báo chí lại đưa tin về một vụ giết người nữa, như thể con người đã quên tính người cùng sự tổn thương.

Hoàng đi cùng người phụ nữ vào sân trước ánh mắt sinh động trở lại của Vũ khi nhìn thấy cậu bé nắm chặt bàn tay của người phụ nữ. Khi đã là hàng xóm của nhau, thỉnh thoảng Vũ vẫn cảm thấy bất ngờ, hoặc ngạc nhiên bởi người phụ nữ. Như bây giờ, sau khi đã chào bố, cậu bé Hoàng chạy vào nhà xem phim hoạt hình thì người phụ nữ đứng lại bên Vũ, lặng im cùng anh làm nên một cuộc trò chuyện không lời.

Cô rất khác với thành phố này. À không, cô rất giống thành phố này thuở trước, thanh bình và nhạy cảm, nơi những bộ phim kinh điển đã tìm thấy âm thanh và ánh sáng hay nhất và đẹp nhất. Và Vũ là sự pha trộn hôm qua và hôm nay của thành phố này, trầm tĩnh và năng động, đam mê và cương nghị. Và cô đã gặp anh nhờ lòng trắc ẩn trong suốt mà cô chưa từng nghĩ sẽ đến với mình trong suốt hành trình ra khỏi nỗi tuyệt vọng lớn lao do tình yêu gây nên. Cô mang vào những giây phút thưa chào anh trên ngõ phố, những lần trao vào tay anh cậu bé Hoàng vừa gặp cô khi được ông nội đưa về nhà mùi hương tinh khiết của loài hoa sen ở nơi cô làm việc chuyên cung cấp nhụy sen ướp trà.

Cuộc sống náo nhiệt trong thành phố và sự bận rộn của công việc làm phim chưa nói với Vũ một điều rằng, bên trong con người của chính cô gái giản dị kia là một câu chuyện bi thương mà chỉ có sự thanh nhã của cô mới ngăn được những biểu hiện sân hận sau lần tan vỡ cay đắng trong tình yêu. Chỉ có những nhụy sen ban sáng và những trang viết buổi tối mới biết cô đến thành phố này để tránh sự quẫn trí của một phụ nữ trước những thác ghềnh của tình yêu mà cô vừa trải qua.

Giọng nói của tác giả kịch bản khi trả lời qua điện thoại về việc không thay đổi cảnh giết nhân vật bội tình trong phim siết nhẹ những suy nghĩ của Vũ. Là khuôn mặt thứ hai của một người, giọng nói ấy khiến Vũ cảm thấy mình may mắn khi anh chưa gặp tác giả kịch bản này.

– Cái chết này không gây được sự thương xót và điều làm tôi lo là có thể ấn tượng và cảm xúc thẩm mỹ mà cảnh phim mang lại sẽ không tốt.

Vũ nói khi người phụ nữ gặp anh gần như bất động với trang kịch bản trên tay. Trên mặt bàn ngổn ngang những băng, đĩa phim truyện đã bị anh xáo tung để tìm một khoảnh khắc trả giá do sự phản bội của con người.

– Và anh không thích cảnh phim đó?

– Tôi muốn có một đặc điểm nhân văn để bộ phim sâu sắc hơn, lôi cuốn hơn.

– Vậy anh có hành động phim nào để thay thế?

– Tôi buộc phải khóa chặt tư duy của mình về nó bởi tác giả kịch bản không đồng ý với ý muốn đó của tôi.

– Thế còn quyền năng của một đạo diễn?

Vũ đặt trang kịch bản xuống mặt bàn và quay nhìn người phụ nữ đang nói chuyện làm phim với mình. Hình như đang có một lớp sương mù nào đó che khuất cảm giác sửng sốt của Vũ trước ngôn ngữ khá chuyên nghiệp của cô. Và, anh nghĩ tới sự ương ngạnh không hề che đậy trong giọng nói của tác giả kịch bản khi gặp ánh mắt đượm một vẻ u sầu nhè nhẹ đang hướng vào mình.

– Có lẽ, tôi là một đạo diễn rất ít quyền năng. Còn em, làm sao em biết đến quyền năng của đạo diễn?

Nỗ lực thuyết phục tác giả kịch bản về việc tiết giảm mức độ trả thù trong phim của Vũ lần nữa gặp phải sự cưỡng lại kín đáo và chắc chắn. Điều kỳ lạ là dù không nhắc tới liệu cảnh trả thù ấy có giúp làm nên sự ăn khách của bộ phim hay không nhưng tác giả kịch bản vẫn nhất quyết từ chối mong muốn và gợi ý thay đổi hành động giết người trong phim của Vũ.

– Trả thù bằng cái chết cũng là một tình cảm nguyên thủy và là một khía cạnh trong bản chất của con người. Cái chết ấy trong phim là cần thiết và là cái chết nhìn thấy được. Cái nhìn thấy được thì không đáng sợ, đạo diễn ạ, ngay cả cái chết. Chỉ có cái chết không ai nhìn thấy mới đáng sợ, như cái chết của tình cảm, của yêu thương và hy vọng…

Vũ im bặt.

Vậy mà lúc này Vũ ngăn mình nổi giận trước vẻ im lặng của người phụ nữ khi nghe anh nhắc tới sự ương ngạnh sâu sắc của tác giả  kịch bản. Với cảm xúc ấy, anh bước ra khỏi phòng sau tiếng gọi của bố và, hai cha con cùng nhau nói chuyện trên khoảng hành lang thanh vắng.

Ý nghĩ tìm xem cậu bé Hoàng đang làm gì trong buổi chiều thứ Bảy của con trẻ đưa người phụ nữ đi ra cửa trong vài hình dung âu yếm và thương mến. Đến lúc ấy, khi phải dừng lại trên ngưỡng cửa, cô nhận ra mình có định mệnh một cách logic và thầm kín với sự tha thứ khi nghe Vũ đang nói với bố của anh rằng anh vẫn sẵn lòng chào đón người mẹ của con trai của mình trở về trong ngôi nhà họ đang sống.

– Đơn giản vì cô ấy là mẹ của con trai của con, thưa bố.

***

Trâm đặt từng hộp trà sen vào chiếc làn mây trong ý nghĩ những tách trà thơm luôn làm cho những cuộc đoàn viên thêm phần trọn vẹn. Mẹ của cậu bé Hoàng vẫn chưa trở về và một sự hồi sinh trong cuộc sống cô đơn của cô chỉ mới bắt đầu nhưng mơ hồ đâu đó trong những linh cảm êm dịu vừa trở lại với cô đã có bóng dáng của một bình nguyên rộng mở. Ở đó, có một con đường xa lạ đang chờ cô bước tiếp.

Vũ mở cửa. Chiếc làn mây chao nhẹ trong tay của người phụ nữ trước khi cô đặt nó lên bàn.

– Tôi phải đi nên tôi đến chào anh. Đây là quà tạm biệt và cũng là cách chúc phúc của tôi với gia đình anh. Và dù ở đâu, tôi sẽ luôn tìm xem phim của anh mỗi khi có thể…

Giữa những hộp trà vuông vức vàng ươm màu gỗ, Vũ gặp tập kịch bản đã quen thuộc với anh đến từng dòng chữ nhưng đang còn thơm mùi mực mới. Vũ hối hả giở đúng cảnh phim thứ ba mươi mốt. Giữa trang giấy trắng tinh ấy hiện rõ một nét bút ấn tượng viết gọn tên gọi của một trong những giá trị vĩnh cửu được con người tạo nên sau mỗi lần đau đớn: Tha thứ!
Truyện ngắn của Nguyễn Bội Nhiên
www.giacngo.vn
This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.