Thế Nào Là Đúng Thời Và Chưa Phải Thời

Một diều làm tôi chú ý nhất khi đọc vào phẩm Tựa của Kinh Đại Bát Niết Bàn ta lại thấy 10 đoàn thể gồm hết “tứ thánh” và “lục phàm”. Đoàn thể nào đến viếng thăm cũng đều áo não khóc than buồn khổ và xin dâng cúng thức ăn món uống đến Như Lai để chia tay Như Lai vĩnh viễn mà Phật không thọ nhận của ai hết chỉ vì CHƯA PHẢI THỜI.

Theo HT Thích Từ Thông trong Trực chỉ đề cương Đại Bát Niết Bàn kinh trang 22: “CHƯA PHẢI THỜI” cũng có nghĩa là đại chúng chưa hiểu gì về Như Lai, chưa hiểu Như Lai nên Như Lai chưa hứa nhận.

Tỳ Gia thành lý bất tằng sanh !
Ta La thọ gian bất tằng diệt ….

Và lạ lùng thay Như Lai Thế Tôn lại chấp nhận phẩm vật cúng dường của Cư sĩ Thuần Đà có nghĩa là ĐÃ PHẢI THỜI chăng?

Đúng vậy cư sĩ Thuần Đà là đối tượng PHẢI THỜI vì Thuần Đà đã được Như Lai nhận lễ vật dâng cúng thọ dụng trước khi nhập Niết Bàn và cũng chính Thuần Đà cũng được tiếp nhận những lời dạy bảo sau cùng của Như Lai với muôn ngàn Tỳ kheo và các Bồ Tát trong chúng hội.

Ta có đọc tụng mới biết danh tự Thuần Đà theo Trung Hoa, nghĩa là Diệu Nghĩa Là một cư sĩ có tu tập hạnh lành, muốn trồng sâu gốc rễ Đại thừa , mong thu hoạch quả giải thoát, giác ngộ… và theo như ta đã biết Giác Ngộ, Giải Thoát là tuyệt phần mà một cư sĩ khó có tư cách để dự phần vào đó nên Ông đã tha thiết bạch Phật như sau: “Kính bạch Đức Thế Tôn ví như một nông dân nghèo có thửa ruộng tốt, có trâu khỏe, cày bừa sạch cỏ, giống thóc đã sẵn chỉ còn chờ một trận mưa ….và Kính bạch Thế Tôn nông dân nghèo đó chính là con. Con khẩn cầu xin Thế Tôn ban cho con một trận mưa Pháp”.

Như vậy ta đã tìm gặp trong Đại Bát Niết Bàn một tư tưởng về nhân bản về quyền con người tuyệt đối nâng cao, tuyệt đối bình đẳng. Bình đẳng giữa Nam và Nữ, giữa tại gia và xuất gia… Hơn thế nữa còn nâng trình độ kiến giải của một cư sĩ lên ngang hàng với Bồ tát khi cho cuộc đàm luận với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi.

Thiện ác là do người… Giải thoát, Giác ngộ hay không là do người, không luận giai cấp, chủng tộc, màu da cho đến hình thức đầu tròn áo vuông… miễn là Tâm đã xuất gia chưa?

Vì trong lời dạy của Đức Phật sau đó có chỉ rõ: “Việc làm của Bồ tát tuy khác nhau lộ trình đi, nhưng lại gặp nhau nơi mục đích đến. Khác nhau ở hình thức, đồng nhau ở nội dung”.

Hoà Thượng Thích Từ Thông trong một bài pháp thoại về kinh Đại Bát Niết Bàn đã giảng rằng, một người tu thật sự là một người mà nhất cử nhất động lúc nào kinh điển cũng ở trong đầu, nếu lỡ một lời nói thì biết sai tức khắc …..

Giáo lý đã được ở trong tâm mình thì mới gọi là học Đạo và rất dễ được khinh an.

Cũng học được nơi trang 6 của tác phẩm “Hướng về Đông Phương mầu nhiệm” của HT Thích Bảo Lạc như sau: “Người có tâm tu học thật sự là người đầy tính khiêm cung nhã nhặn, không tự mãn trước một thành quả lớn lao cũng như không thối chí sau một việc làm thất bại. Họ là chiến sĩ của tình thương luôn luôn thể hiện tấm gương đạo đức, qua nhiều việc làm cụ thể thiết thực và hậu quả chắc chắn… Không khoa trương ồ ạt, không vận dụng tiềm năng có sẵn để làm hậu thuẫn cũng như không cần ai biết tới công việc làm của họ.

Những người như thế mới xứng đáng là Phật tử, là con của Đức Phật (Đấng Điều Ngự trượng phu và là Bậc Thầy của trời người) thì dù họ là Phật Tử hay Tăng Già cũng điều thể hiện được tâm nguyện Bồ Tát như nhau”.

Theo thiển ý mạo muội của một kẻ hậu bối từ rất lâu ta đã tiếp nhận những lời dạy từ những nguyên tắc sống của danh nhân mà nay cũng có thể áp dụng vào việc tu học miễn là ta có một cái nhìn mới mẻ trong từng THỜI – VỊ – TÍNH như sau:

• Người nào mà mình gặp trong đời đều là người đáng gặp.
• Chuyện gì đã xảy ra đều tất nhiên phải xảy ra.
• Chuyện gì xảy ra cũng bắt đầu đúng lúc của nó.

Và hãy theo đuổi cho được lý tưởng tu tập của mình vì biết rằng không có gì vô vị bằng đời sống không có lý tưởng. Phải vạch lấy một lối đi theo lý tưởng của mình dù biết rằng tìm được lý tưởng không phải là một chuyện dễ… vì tìm được lý tưởng là trước hết TA PHẢI TÌM ĐƯỢC TA.

Bởi thế cho nên đôi lúc tôi tự mình hỏi thầm những câu hỏi không lời đáp như thế này để biết khi nào mình sẽ gặp đúng thời… đây? Bạn có khi nào gặp những lúc thẫn thờ vẫn vơ như tôi chăng?

Từ lâu có nghe biết… THỜI – VỊ – TÍNH,
Nhưng làm sao gọi đúng nghĩa ” Gặp Thời ”
Phúc Đức mình hưởng được… lặng lẽ vơi
Bạn tâm giao ngậm ngùi xa… Ai tri kỷ ?

Chênh vênh hụt hẵng tìm về… Đạo lý
Sống hài hoà theo lý tưởng uyên nguyên
Tháng năm vô thường đợi… một chữ Duyên
Bình minh chuyển… kìa hoàng hôn lại đến !

Thế thì nếu mình không gặp được cơ hội ngay lúc còn trẻ để giác ngộ sớm khi đi tìm ánh Đạo thì dù không thành công được may ra cũng sẽ có tâm thiện lành để xây dựng một chút hạnh phúc nơi đời sống thường nhật phải tốt hơn là đợi khi tuổi đã xế chiều hoàng hôn thì Thời có đến để làm gì?

….

Bạn nghĩ sao ? Chúng ta cùng tư duy nhé ….

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.