Tăng-già thời Đức Phật – Chương II

Chương hai

Sự thành lập Tăng-già

1. Giáo đoàn Tỳ-kheo

Truyền thuyết nói về bốn dấu hiệu: sinh, già, bệnh, chết (khổ) và vị Sa-môn (giải thoát) mà thái tử Siddhattha (Tất-đạt-đa) nhìn thấy ở bốn cửa thành sau những lần đi dạo đã sơ phác cho ta nội dung suy tư của thái tử để cuối cùng khiến Ngài quyết định rời bỏ ngôi báu, cung điện, vợ con…, những thứ mà trần gian gọi là hạnh phúc để lên đường tầm đạo. Bên dòng sông Anoma, sau khi từ giã người hầu cận trung thành là Chandaka (Xa-nặc) và con ngựa Kanthaka (Kiền-trắc) quý giá, thái tử cắt tóc, đổi vương y để nhận bộ cà-sa hoại sắc, Ngài đã trở thành một tu sĩ, một Sa-môn. Thế rồi sau sáu năm kiên trì, nỗ lực tu tập, sống đời ẩn sĩ, Ngài đã chứng ngộ, trở thành vị Ðại Sa-môn, sống đời Sa-môn, lãnh đạo giáo đoàn gồm những vị Sa-môn.

Vị Sa-môn (Samana) thường được hiểu là một tu sĩ, là người siêng làm điều thiện (cần giả), người dứt bỏ nghiệp ác (tức giả), người sống nghèo khổ, không có gì cho riêng mình (bần giả). Nhưng để hiểu rõ hơn, cần phải đề cập đến một số từ khác liên hệ đến từ Sa-môn.

Từ Sa-môn và hình ảnh vị Sa-môn đã trở thành quá quen thuộc vào thời Phật, nhất là tại các quốc gia đang phát triển ở phía Nam và Ðông Nam Trung Ương, nơi ghi dấu chân đức Phật trong những năm sinh trưởng, tu tập, hoằng hóa của Ngài, nơi ngày nay đã trở thành Thánh địa của Phật tử bốn phương, hình ảnh các vị tu sĩ của tất cả các giáo phái sống lang thang, khất thực xuất hiện ở khắp nơi, từ nơi rừng sâu, núi cao, từ vùng thôn quê đến thành thị ở Ca-tỳ-la-vệ, Ca-thi, Câu-tát-la, Ðằng-già, Ma-kiệt-đà…

Hình ảnh một vị ẩn cư nơi hoang vắng được thấy khắp nơi trên thế giới, nhất là thời xưa, họ được ghi lại trong các chuyện cổ, thần thoại…, đấy là các ẩn sĩ, hiền triết, thuật sĩ, phù thủy, các vị Tiên, Thánh, …. và việc các tu sĩ lang thang khất thực tuy là một đặc điểm của văn hóa Ấn Ðộ cổ, vẫn không phải là điều xa lạ, với các nơi khác trên thế giới. Suốt thời Trung Cổ ở Âu châu, các tu sĩ Thiên Chúa giáo cũng áp dụng hạnh khất thực. Thánh Francois d’Assise (1182 – 1226) là trường hợp điển hình: vị sáng lập dòng Franciscaine này vốn là con một đại thương gia, giàu có vào bậc nhất, đã quyết định sống nghèo khổ, cùng với rất đông đệ tử theo hạnh lang thang khất thực.

Nhưng, lùi xa hơn nữa trong quá khứ bằng cách đọc lại các bộ kinh Vedas, rải rác cơ hồ ta thấy bóng dáng của các bậc Thấu thị (Rsi), nhưng tuyệt nhiên, việc sống tách biệt, lang thang không nhà, sống bằng khất thực đều không được nêu tới. Hơn nữa, tại sao lại tìm hình ảnh của các vị “rời bỏ gia đình thân thuộc” ở kinh Vedas khi mà Bà-la-môn giáo nguyên thủy chủ trương cuộc sống chỉ ở một giai đoạn mà thôi, và gia chủ đã được kinh nêu cho đầy đủ những bổn phận phải làm để hoàn tất vai trò của một tín đồ ngoan đạo, để cuối cùng hòa hợp được với Brahman?

Sang đến các bộ Upanisads, ta mới thấy hình ảnh các tu sĩ khất thực, từ bỏ cuộc đời, và đời sống không nhà được coi là điều kiện cao nhất, lý tưởng nhất để đạt đạo. Trong 108 bộ Upanisads, không kể những bộ không tìm lại được, có mười bảy bộ bàn tới việc “từ bỏ đời sống” (Sannỳasa). Các vị thực hiện nếp sống này được gọi bằng nhiều danh từ: Bikkhu, Sannyàsin, Parivarajaka, Avahate và Paramahamsa (theo liệt kê của Sukumar Dutt, Buddhist Monks and Monasties of India, George Allen and Unwin LTD, London, 1962). Bộ Chandogya và bộ Brahadàrayaka giải thích thêm: “Những con người biết đến Phạm Thiên, từ bỏ sự ham muốn về con cái, giàu sang, của cải, và trở thành Khất sĩ (Bhiksàcaryam Caranti)”. Trong bộ Mundaka có ghi: “Những ai sống trong rừng, được thanh tịnh nhờ khổ hạnh, và những ai biết và được cho biết, sẽ trở thành những Khất sĩ”.

Rải rác trong Upanisads, ta gặp được những danh từ, ý nghĩa có thể chuyển đổi cho nhau được; Sannyàsin (kẻ hoàn toàn tước bỏ hết mọi sự), Parivaràjaka (kẻ lang thang không nhà cửa, không bà con thân thuộc), Bhiksu, Bhikkhu (kẻ không sở hữu, sống bằng khất thực).

Upanisads đã biến đổi một quan niệm sống và tu tập của Vedas bằng cách chia ra ba giai đoạn sống chứ không phải chỉ một. Ðó là “1) Tận lực nghiên cứu các kinh Vedas, 2) Ẩn cư, 3) Luôn luôn sống trong nhà của vị Thầy. Ai theo ba giai đoạn trên trong cuộc sống sẽ được hưởng phúc mà sanh vào các cõi trời. Tuy nhiên, kẻ nào an trú một cách kiên định vào Phạm Thiên (Brahman) sẽ đạt bất tử”.

Như thế, khó có thể xác định “sống đời không nhà”, “lang thang, khất thực”… thuộc vào giai đoạn nào trong ba giai đoạn trên và “an trú một cách kiên định vào Phạm Thiên” là kể chung cho ba giai đoạn hay nên kể là một giai đoạn thứ tư?

Dù sao, những vị lang thang khất thực được nói đến trong Upanisads cũng chỉ là những mẫu hình lý tưởng, thiếu tính chất thực, cụ thể của một con người sống trong xã hội. Và tính chất cụ thể này về sau mới được thể hiện, nhất là ở các giáo phái ngoài hệ thống Vedas, Vedanga như các phái Lục sư hoặc rất nhiều phái khác mà sử sách không kể hết. Ðó là chưa kể một số bộ hay một số nội dung Upanisads được viết sau thời Phật hay Kỳ-na (Jainism) đã cố gắng tô đậm thêm hình ảnh các vị Khất sĩ. Như trên đã nói, vào thời Phật, có rất nhiều đoàn tu Khất sĩ. Trong những cuộc chẩn tế được tổ chức ở các đô thị, người ta thấy từng đoàn Khất sĩ đủ mọi giáo phái, xen lẫn với biết bao nhiêu là kẻ du đãng, ăn xin… do lười biếng, do trốn tránh pháp luật, do tâm lý thiên lệch, v.v… Có điều, các tu sĩ Khất sĩ thường được phân biệt hẳn do thể cách, vẻ dáng, thái độ ung dung, điềm đạm, thanh thoát, đặc biệt các vị thường có bình bát được giữ gìn rất cẩn trọng, và về sau, cùng với bộ y trở thành vật tượng trưng cho sự truyền thừa trong tông môn. Những vị nổi bật với tính cách đạo đức cao vời, được mọi người gọi là “những kẻ tinh tấn trong đời sống tâm linh”, tức là Samana (Sa-môn). Khi một Sa-môn được nhiều người trọng vọng, nổi bật trong các Sa-môn khác thì được gọi là Bà-la-môn (Brahmana). Nhưng Bà-la-môn còn là danh từ để chỉ đẳng cấp cao nhất của xã hội, chỉ người tu theo Bà-la-môn giáo, cho nên, để phân biệt, người ta gọi vị Sa-môn theo Bà-la-môn giáo là Sa-môn Bà-la-môn (Samana Brahmana), còn những vị Sa-môn khác thì chỉ gọi là Sa-môn mà thôi.

Khi đức Phật thành đạo, đi giáo hóa chúng sinh trong hình ảnh một vị Sa-môn, người ta gọi Ngài là Ðại Sa-môn (Maha Samana) và gọi các tu sĩ đệ tử Ngài là các Sa-môn Thích tử (Sakyaputtàya Samanas). Còn các đệ tử tu sĩ của đức Phật thì tự gọi mình là Bhikkhu (Tỳ-kheo), là từ rất gần với từ Bhiksu (Bí-sô, Bật-sô) nghĩa là kẻ lang thang, Khất sĩ, kẻ rời nhà để đi vào đời sống không nhà (Agàrasmà anagàriyani pabbajati). Và, cộng đồng những vị Tỳ-kheo (Bhikkhu) hay chỉ một nhóm Bikkhu được gọi là Bikkhu Sangha (Giáo đoàn Tỳ-kheo, Tăng-già Tỳ-kheo).

Từ trong các kinh Vedas, một nhóm người tu hành được gọi là Sangha hay Gana. Cả hai từ này về sau dùng lẫn lộn để chỉ những cộng đồng Khất sĩ của bất cứ môn phái nào. Và, cuối cùng giáo đoàn của đức Phật tự nhận là Sangha và giáo đoàn Kỳ-na (Janism) tự nhận là Gana. Danh xưng này về sau được xem là chính thức của Phật giáo và Kỳ-na giáo.

Tỳ-kheo và đoàn Tỳ-kheo (hay Giáo đoàn Tỳ-kheo mà mãi về sau này chúng ta gọi là Giáo hội Phật giáo) vốn là một thực tại, một cơ thể sống, hình thành và phát triển trong cộng đồng xã hội bấy giờ theo cái nguyên lý sống tự nhiên. Và đã là một cơ thể sống thì Tỳ-kheo, Giáo đoàn Tỳ-kheo hay Giáo hội Phật giáo sẽ còn phát triển, mang sắc thái đặc biệt của mình với những tổ chức, nhân sự, sinh hoạt, thành quả… xứng đáng biểu hiện một tôn giáo lớn vào bậc nhất của loài người.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.