Tăng-già thời Đức Phật – Chương II

Giới luật càng lúc càng tăng do những cản trở ngại gặp phải trong quá trình hình thành Tăng-già, sống chung giữa các Tỳ-kheo, tiếp xúc với cuộc đời của Giáo đoàn. Từ năm thứ mười sau khi đức Phật thành đạo, số lượng Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni trong Giáo đoàn đã lên tới năm, bảy ngàn vị, chia ra nhiều nhóm Tăng-già ở nhiều địa phương. Từ đó, ta có thể suy số Phật tử tín đồ lên đến hàng triệu vào thời điểm ấy, so với tổng số dân của các vương quốc Ấn Ðộ bấy giờ, từ vĩ tuyến 23 trở lên chỉ chưa tới mười triệu vào thời ấy.

Như thế, Giáo đoàn Phật giáo và quần chúng Phật tử hiển nhiên đã lớn mạnh vào bậc nhất so với các tôn giáo khác thời bấy giờ. Có thể kể, tôn giáo lớn nhất thời ấy là Bà-la-môn giáo, vốn có từ trước rất lâu và vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến tất cả các tôn giáo khác, đến đa số quần chúng, sau đó là Kỳ-na giáo, được hình thành trước thời đức Phật, phát triển trong thời Phật và cả về sau thời Phật. Cuối cùng là Phật giáo đang vươn lên, tương đương với Kỳ-na giáo và đang có chiều hướng lấn lướt hơn.

Trên đây là một sơ phác về việc hình thành Tăng-già. Trên nguyên thể, Phật, Pháp, Tăng là một, cho nên Tăng-già hình thành là một tất yếu. Nhưng Tăng-già hình thành trong cõi đời, sinh hoạt trong hoàn cảnh của pháp hữu vi, cho nên phải gặp những khó khăn, đòi hỏi phải khéo léo trong tổ chức, sinh hoạt… những vấn đề này nhằm thành tựu hai mục tiêu:

1. Tăng-già phải tiến tới việc tất cả thành viên đều đạt Thánh quả, giải thoát.

2. Tăng-già phải gìn giữ và truyền bá Phật pháp để cứu độ, khiến cho con người tiến tới việc chấm dứt khổ đau, giải thoát.

Như vậy, sinh hoạt của Tăng-già vừa có tính cách cá nhân, vừa có tính cách xã hội. Cả hai nhân tố ấy trên nguyên thể, không mâu thuẫn nhau, nhưng việc thực hiện để thành tựu cả hai không phải là dễ dàng.

Thích Chơn Thiện

http://www.budsas.org

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.