Tăng-già thời Đức Phật – Chương V

2. Tăng-già Yết-ma (Sangha Kamma)

Tăng-già Yết-ma là một thủ tục, tổ chức mang màu sắc đặc biệt của Phật giáo trong giới Tăng-già. Mục đích và nguyên nhân hình thành tổ chức và thủ tục này có thể được nhận ra dễ dàng khi ta xét đến hình thức và nội dung thực hiện của nó.

Kinh thuật lại rằng sau khi cướp ngôi của vua cha là Bimbisàra (Tần-bà-sa-la), vua Ajàtasattu (Â-xà-thế) của nước Magadha tuyên chiến với xứ Vajji (Bạt-kỳ). Nhà vua sai đại thần là Vassakàra (Vũ Xá) đến hỏi ý kiến đức Phật về sức mạnh của xứ Vajji để liệu xem có thể tiến quân đánh chiếm ngay xứ này hay không. Dĩ nhiên đức Phật không bao giờ muốn có chiến tranh nên ngài đã khéo léo dùng cách hỏi Ananda về từng điểm do Ngài nêu ra, theo đó có thể định được sự hưng thịnh của mốt quốc gia. Theo các câu trả lời của Tôn giả Ananda, xứ Vajji đã đáp ứng bảy điểm chứng tỏ xứ này rất ổn cố. Vassakàra nghe xong về bàn với vua Âjatasattu bãi bỏ việc tiến quân. Bảy điểm hay bảy điều kiện khiến một quốc gia vững mạnh mà ngay sau đó đức Phật đã nêu lên cho các Tỳ-kheo:

– Thường xuyên tụ họp, tụ họp đầy đủ để bàn luận Chánh pháp.

– Tụ họp trong tinh thần hòa hợp và giải tán trong tinh thần hòa hợp và làm việc trong tinh thần đoàn kết.

– Không bãi bỏ các luật lệ cũ, không ban hành luật lệ mới, theo đúng các học giới đã ban hành.

– Tôn trọng, phục vụ các Tỳ-kheo Trưởng lão, vâng theo lời dạy bảo của các vị ấy.

– Không bị lôi cuốn bởi tham ái.

– Khiến cho trú xứ của mình luôn luôn là nơi nhàn tịnh.

– Sống an trú trên Chánh niệm, tạo an lạc cho các vị đồng tu.

Các chi tiết trên được nêu rõ trong Trường Bộ Kinh, Kinh Ðại Bát Niết-Bàn, rõ ràng nhấn mạnh ở đặc điểm hòa hợp và thanh tịnh trong Tăng-già. Bộ Giới bổn Tỳ-kheo được hình thành nhằm đáp ứng yêu cầu trên nhưng thủ tục tổ chức thực hiện theo đúng nội dung của Giới bổn lại càng vô cùng cần thiết, đấy là lý do hình thành Tăng-già Yết-ma vậy. Lý do này lại càng tỏ ra cần thiết cấp bách hơn qua một sự việc khác được Kinh Trường A-hàm nhắc đến: Kinh Chu-na kể rằng khi Giáo chủ của phái Kỳ-na (Jainism) là Niganthan Nàtaputta tạ thế, các đệ tử của giáo phái này tranh chấp nhau dữ dội. Ðược tin ấy, Tôn giả Ananda kinh hoàng lo sợ, thỉnh cầu đức Phật dạy các pháp đưa đến sự hòa hợp trong chúng Tỳ-kheo. Kinh Chúng Tập kể rằng khi nghe được tin ấy, Tôn giả Sàriputta đã tập hợp các Tỳ-kheo, nhắc lại những tranh cãi về giáo lý sau khi đức Phật nhập Niết-bàn.

Những sự việc như thế đã chứng tỏ rằng Tăng-già đã lớn mạnh, đặc biệt là về số lượng, cần phải có những pháp tắc, thể chế, thủ tục điều hành sinh hoạt chặt chẽ, rõ ràng để giữ vững sự thuần nhất hòa hợp giữa các Tỳ-kheo. Nghĩa là Tăng-già Yết-ma phải thực hiện trong các sinh hoạt cộng đồng lớn nhỏ của Tăng-già ở từng trú xứ, địa phương trên khắp địa bàn ở Bắc Ấn Ðộ lúc bấy giờ.

Tăng-già Yết-ma (Sanghakamma) là danh từ ghép của Tăng-già (Sangha) và Yết-ma (Kamma), Sangha hay Tăng, Tăng-già, chỉ chung cho các đệ tử xuất gia của đức Phật. Tăng-già còn được hiểu là một đơn vị gồm các Tỳ-kheo sống chung trong một cương giới (Sìma), Kamma hay Yết-ma, nghĩa là hành động hay toàn bộ các hành động, tức hành vi có sự tác ý. Yết-ma còn được hiểu là nghiệp, tức hành động có ý thức đưa đến một kết quả mà tác nhân hành động phải chịu trách nhiệm. Hành động này có thể là do một cá nhân (biệt nghiệp) hay do một tập thể (cộng nghiệp). Tăng-già ở đây hiểu theo nghĩa một cộng đồng Tỳ-kheo, sống trong một cương giới, cho nên Yết-ma có nghĩa thù thắng về mặt tập thể. Từ đó Tăng-già Yết-ma, thường gọi là Yết-ma, được hiểu là nghị sự, quyết định, giải quyết các sự việc trong một cộng đồng Tỳ-kheo. Trong ý nghĩa có tính cách hiến định, Tăng-già Yết-ma là hành động của tập thể Tỳ-kheo được thực hiện trong sự phù hợp với những nguyên tắc đã đề ra với các hình thức, thủ tục.

Lại nữa, Yết-ma trong ý nghĩa là nghiệp liên hệ đến ba phân tố thân, khẩu, ý: một hành động tạo nghiệp là phải có sự tác ý, có do miệng nói ra, có do thân thực hiện ,thể hiện chánh niệm, chánh ngữ, chánh mạng, từ đó tu tập các chi phần khác của Bát Thánh đạo. Ngoài việc hướng dẫn sinh hoạt tu tập đúng như Pháp, Tỳ-kheo Yết-ma biểu lộ hành động của cả một tập thể. Hành động của cá nhân thì riêng lẻ; việc tác ý của cá nhân thì khó hiểu hiện được sự nhất trí của tập thể, chỉ có lời nói được phát biểu trước tập thể, chỉ có lời nói được phát biểu trước tập thể, được tập thể tuyên bố; quyết định chấp thuận bằng lời thì hành động mới được xem là của tập thể, hành động có giá trị. Lời nói ở đây là lời tác bạch trước tập thể, một vị đại diện hỏi ý kiến chung và phát biểu lên ý kiến chung. Ðó là hình thức tiến hàng Tỳ-kheo Yết-ma vậy. Như thế trong đời sống cộng đồng Tỳ-kheo, mọi việc thuộc cá nhân có liên quan đến tập thể (và điều này hầu như thường xuyên) và thuộc tập thể cần phải được tác bạch trước Tăng chúng để được biểu quyết, tức là phải tác bạch Yết-ma. Rất nhiều trường hợp phải thực hiện Yết-ma: việc thọ giới, ấn định cương giới, tổ chức thuyết giới, kiết hạ, tự tứ, thọ y mới, chia vật dụng, v.v… Sách Yết-ma Chỉ nam phân biệt có 131 trường hợp Yết-ma. Muốn tiến hành thủ tục Yết-ma, Tăng-già phải hội đủ túc số tối thiểu tùy theo trường hợp:

– Tăng-già gồm bốn vị để tác tất cả pháp trừ các trường hợp Yết-ma thọ Cụ túc giới (Upasampada), xuất tội Tăng tàn (Abhàna: luận tội một Tỳ-kheo) và Tự tứ (Paràvàna: ngày kết thúc mùa an cư Tăng chúng nhận xét nhau).

– Tăng-già gồm năm vị để tác tất cả pháp trừ các trường hợp Yết-ma thọ Cụ túc giới, xuất tội Tăng tàn tại các trú xứ ở thành thị (Âvàsa) thì Tăng-già gồm năm vị cũng được phép thực hiện Yết-ma thọ Cụ túc giới.

– Tăng-già gồm mười vị để tác tất cả pháp trừ trường hợp xuất hội Tăng tàn.

– Tăng-già gồm hai mươi vị để tác tất cả pháp.

Khi Yết-ma được thực hiện với đầy đủ túc số Tăng thì được gọi là Tăng pháp Yết-ma. Một vị đại diện Tăng sẽ trình bày sự việc, tức tác bạch (Natti) và sau đó xin ý kiến của Tăng-già, còn gọi là Yết-ma (Anussàvanà). Tùy theo sự quan trọng nhiều hay ít, vị đại diện Tăng, sau khi tác bạch sự việc, sẽ xin ý kiến Tăng-già một hay nhiều lần, có ba loại Tăng Pháp Yết-ma:

– Ðơn Bạch (Natti Kamma): chỉ một lần tác bạch là đủ, không cần phải xin ý kiến.

– Bạch nhị (Natti Dutiya Kamma): một lần tác bạch và một lần xin ý kiến biểu quyết.

– Bạch tứ (Natti Catuttha kamma): một lần tác bạch và ba lần xin ý kiến biểu quyết.

Sách Yết-ma Chỉ nam phân biệt trong 131 Tăng pháp Yết-ma (trường hợp, sự việc) có mười bốn pháp đơn bạch, bảy mươi tám pháp bạch nhị, và ba mươi chín pháp bạch tứ.

Sau khi vị đại diện xin Tăng-già biểu quyết bằng hình thức câu hỏi với yêu cầu trả lời thuận hay không thuận: ai im lặng tức là chấp thuận, ai không chấp thuận thì nói lên. Sự việc được thành tựu nếu tất cả các Tỳ-kheo hiện diện đều đồng ý thuận; nếu có một ý kiến không thuận thì sự việc được xem là không thành. Cần ghi nhớ rằng túc số Tăng không kể đến các vị có liên hệ đến sự việc (ví dụ: Tỳ-kheo đang yêu cầu một sự việc, hay đang bị luân tội).

Ðại khái, một Yết-ma được xem là thành tựu cần phải thỏa bốn điều kiện:

– Ðủ túc số Tăng được ấn định cho mỗi loại Yết-ma.

– Giới trường ấn định rõ rệt, đúng luật.

– Các hình thức Yết-ma được thực hiện đúng (đơn bạch, bạch nhị hay bạch tứ) tùy theo từng loại Yết-ma.

– Tất cả các thành viên hiện diện đều đồng ý, riêng những vị trong cùng trú xứ mà vắng mặt vì có lý do chính đáng phải có người đại diện báo cáo và có lời xin tuân theo quyết định của Tăng-già.

Tổ chức và thực hiện Tăng-gia Yết-ma là để làm cho Tăng-già vững mạnh. Phần đầu chương này ta đã nhắc tới tinh thần tổ chức Tăng-già tương tự như tinh thần tổ chức một quốc gia khi nhắc đến việc đức Phật hỏi Tôn giả Ananda về xứ Vajjì. Hẳn tinh thần mà đức Phật muốn đưa vào Tăng-già có liên quan đến tinh thần tổ chức sinh hoạt theo hình thức chính trị thời bấy giờ. Vào thời Phật, ngoài một số nước đã tiến đến chế độ quân chủ như Magadha, Kasala… vẫn còn nhiều vùng đất theo thể chế chính trị Hội đồng Bộ tộc (Tribal Councils) của nhiều bộ tộc nổi danh: Sakyas, Mallas, Licchavis, Vajjis… Tuy hiện không còn tìm được các văn kiện, hiến pháp của các thể chế chính trị trên để căn cứ, nhưng qua sự việc nêu trong kinh Mahaparinibbàna (Ðại Bát-niết-bàn), đại thần Vassakàra tin ngay là xứ Vajji rất vững mạnh qua các câu hỏi của đức Phật và lời đáp của Tôn giả Ananda, chứng tỏ rằng tinh thần tổ chức chính trị mà đức Phật nêu đã rất phổ biến thời bấy giờ. Có điều, có Tăng-già, ý nghĩa chính hiểu theo thông thường đã biến đổi đi và nổi rõ lên tính chất hòa hợp thanh tịnh. Hình thức thủ tục xem ra có vẻ rườm rà, câu nệ, hình như không thích hợp với một giáo lý Vô ngã; nhưng đứng về mặt tổ chức, thủ tục là vô cùng cần thiết để hướng dẫn việc tu tập, để tạo thành một khối Tăng-già thống nhất làm tiêu bản cho mỗi Tỳ-kheo và cho quần chúng Phật tử (hoặc không phải Phật tử) nhận định về Tăng-già để rồi phát lòng ngưỡng mộ, tin tưởng mà quy hường đời mình vào.

Trong một cộng đồng hòa hợp thanh tịnh như pháp, như luật của đức Phật chế, mọi xu hướng lệch lạc và cái ngã chấp không có dịp phát triển, và chúng dễ dàng bị phát hiện. Ðối với một cá nhân, đến một lúc nào đó sẽ hài hòa, đồng nhất với giới luật, sẽ cảm thấy không có chút ràng buộc nào, thậm chí mọi tổ chức, thủ tục, giới luật đối với tự thân sẽ tiêu tan đi khi cá nhân ấy đang ở bên mép bờ của Chứng ngộ.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.