Tăng-già thời Đức Phật – Chương V

4. Thuyết phần tựa, bốn pháp Ba-la-di, mười ba pháp Tăng-già-bà-thi-sa, và hai pháp Bất định (Anyata).

5. Thuyết toàn bộ giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa. thuyết giới theo bốn cách đều là thuyết vắn tắt và chỉ được phép thực hiện khi Tăng chúng tại trú xứ đang bị các nguy hiểm đe dọa: 1) do chính quyền, 2) do trộm cướp, 3) do hỏa hoạn, 4) do lũ lụt, 5) do người, 6) do loại phi nhân, 7) do thú dữ, 8) do loài rắn rết, 9) do những nguy hiểm khác đe họa tính mạng (như nhà ở sắp sập…), 10) do các nguy hiểm cho sinh mạng của Tỳ-kheo ngoài các lý do trước.

Khi trú xứ không đủ bốn Tỳ-kheo, mà chỉ có ba, hai hay một vị, thì các vị này vẫn chuẩn bị đầy đủ các phần vụ cho ngày Bố-tát, rồi ngồi chờ xem có khách Tăng nào đến để cho đủ túc số hành lễ hay không (Trong thời đức Phật rất đông các Tỳ-kheo không có trú xứ nhất định, chỉ tụ về một nơi nào để xin làm lễ). Nếu không có ai đến thì các vị sẽ thực hiện đối thủ thuyết giới (Parisuddhi-Uposatha) trong trường hợp chỉ có hai hay ba vị, bằng cách mỗi vị hướng vào các vị kia mà tuyên bố là mình thanh tịnh; hoặc thực hiện tâm niệm thuyết giới (Adhitthànà uposatha) trong trường gợp chỉ có một vị, bằng cách tự bảo mình là thanh tịnh.

Ngày Bố-tát, theo phương cách của đức Phật chế, rõ ràng là để un đúc cuộc sống tịnh hạnh của người Tỳ-kheo, xây dựng sự đoàn kết thanh tịnh trong cộng đồng Tăng-già, thể hiện rõ nét tính chất nền tảng của Giới học trong Tam học Giới-Ðịnh-Tuệ.

4. An cư (Vassavasa)

Ở phần III của cuốn sách này đã bàn qua về thời An cư (Vassa – vasa) của các Tỳ-kheo đệ tử đức Phật. An cư là một tập quán chung của các giáo đoàn thời bấy giờ để tránh mưa (Rain-Retreat), nhưng đặc biệt ở Phật giáo, các tu sĩ sống chung với nhau theo từng nhóm năm, bảy vị, vài mươi hay vài trăm vị… tại các Âvàsa hay Âràma.

Mùa an cư của Phật giáo có ý nghĩa nổi bật là thời gian để các Tỳ-kheo sống hòa hợp tịnh thú, thăng tiến tu học như học tập, thảo luận giáo pháp và thực hành thiền định. Ngoài thời gian đi khất thực, được xem là để hành trì tu tập, các Tỳ-kheo không được tự ý ra khỏi cương giới nếu không có duyên sự đặc biệt là những trường hợp phải thưa trình trước Tăng chúng bằng việc thực hiện Tăng-già Yết-ma. Mùa an cư còn là thời gian để các Phật tử tại gia có dịp tu tập của các Tỳ-kheo, học hỏi, thân cận các vị sống đời thánh thiện. Các Phật tử tại gia thường đem thực phẩm, thuốc men, vật dụng đến cúng dường chư Tăng…

Thời gian an cư là ba tháng; bắt đầu từ ngày mồng một tròn tháng Asàdha (Âsàdha – A-sa-đà). Theo cách tính của ngài Huyền Trang, trong Ðại Dương Tây Vực Ký, thì đấy là ngày 15-5 theo lịch Trung Quốc (tức vào khoảng giữa tháng 6 dương lịch). Người ta còn phân biệt thời kỳ tiền an cư và hậu an cư (thời gian hơn kém nhau một tháng); hậu an cư lại được chia thành trung an cư (một tháng sau ngày khởi sự hậu an cư) và hậu an cư (một tháng sau ngày khởi sự trung an cư). Cách chia như trên chỉ để nhằm hợp thức các trường hợp nhập an cư sớm hay chậm tùy theo hoàn cảnh của các Tỳ-kheo, dù kết an cư sớm hay chậm thời gian an cư vẫn phải tròn ba tháng.

Số đông Tỳ-kheo thường không sống cố định tại một nơi nào, các vị thường đi đây đó; đến mùa an cư, các vị sẽ xin kết an cư tại nơi thuận tiện, gần nơi mà mình đang hành đạo. Do đó, tại một trú xứ muốn tổ chức an cư, các Tỳ-kheo thường trú hay bán trú, hoặc gia chủ cúng dường cơ sở vật chất cho một mùa an cư phải chuẩn bị phóng xá, vật dụng, dự trù thêm các thứ để có thể đón một số khách Tăng đến an cư. Ðức Phật ấn định rằng mỗi trú xứ an cư phải có một Thượng tọa làm luật sư y chỉ để trông coi điều hành, xử lý các trường hợp vi phạm luật.

Vì an cư là thời gian để các Tỳ-kheo sống chung hòa hợp, thanh tịnh để thăng tiến trong tu học cho nên ngoài các duyên sự quá cần thiết (chỉ được phép qua hai trường hợp vắng mặt: dưới bảy ngày và từ bảy ngày đến bốn mươi ngày, quá bốn mươi ngày xem như bị phá hạ, không được kể là đã an cư một mùa), các vị phải gác lại một số việc để tập trung thời giờ học tập, tu hành, cụ thể là Thiền định. Thậm chí, Trung A-hàm còn kể việc các Tôn giả dòng họ Thích như A-na-luật (Anurudha), Nan-đà (Nanda), Kim-tỳ-la (Kimbila) giữ hạnh tinh khẩu, tức chỉ giữ im lặng và ra dấu khi cần tỏ ý chứ không thốt ra lời trong suốt mùa an cư.

Mùa an cư là thời gian dài nhất trong năm mà ý nghĩa tu học được nổi bật nhất. Ðây là thời gian quan trọng trong năm mà ý nghĩa tu hành được nổi bật nhất. Ðây là thời gian quan trọng, các thời điểm thuận tiện để tiến bộ, và số mùa an cư được kể là số tuổi đạo của cuộc đời một Tỳ-kheo. Trong ý nghĩa luôn luôn tinh tấn, số tuổi đạo càng cao càng được xem là càng gần với sự Chứng ngộ Tối hậu.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.