Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

KẾT LUẬN

Đức Phật đã nhập Niết Bàn, nhưng gương sáng của đời Ngài vẫn còn chiếu sáng rực trước mắt chúng ta. Suốt một đời, trong 80 năm trời, không một lúc nào Ngài xao lãng mục đích tối thượng là hóa độ chúng sanh đang trầm luân trong bể khổ. Khi còn tại gia, Ngài là người ở trong địa vị có diễm phúc nhất, cao nhất của người đời, thế mà Ngài vẫn không màng* tưởng đến; khi vào trong đạo, Ngài là người ở trong địa vị cao chót vót của Đạo, thế mà Ngài vẫn không chịu ở yên trong địa vị ấy, lại vất vả duỗi rong trên mọi nẻo đường bụi bặm, gai góc để đưa dắt chúng sanh lên con đường hạnh phúc an vui và giải thoát hoàn toàn. Lòng thương của Phật thật là vô lượng, ân đức của Phật thật vô biên.

1. Người đời nên noi gương sáng của Phật

Sự hy sinh cao cả, lòng từ bi rộng lớn, trí tuệ sáng suốt, ý chí dũng mãnh của Ngài không những là bao nhiêu gương sáng cho riêng hàng Phật tử, mà còn cho tất cả mọi người. Nếu chúng ta quan niệm Ngài là một vĩ nhân, thì đó là một vĩ nhân trên hết các vĩ nhân của nhân loại từ xưa đến nay. Nếu chúng ta quan niệm Ngài là bậc siêu nhân, thì đó là một siêu nhân cao hơn bao nhiêu bậc siêu nhân khác. Nếu chúng quan niệm đời Ngài là một sự thị hiện của Phật, thì đó là sự thị hiện đẹp đẽ nhất và đầy đủ ý nghĩa hơn hết trong các sự thị hiện.

Cho nên không những đối với tín đồ Phật Giáo, mà đối với toàn thể mọi người, đức Phật đáng được kính cẩn tôn sùng và chiêm ngưỡng.

2. Tín đồ nên ghi nhớ những lời di chúc của Phật

Chúng ta, những Phật tử, ai cũng biết đời đức Phật là đẹp đẽ, cao cả; bài học của đời Ngài là quý báu, sâu xa. Nhưng nếu chúng ta không cố gắng học tập, thì bài học dù hay ho quý báu bao nhiêu cũng vô ích. Đức Phật, trước khi nhập diệt, đã dặn chúng ta một câu cuối cùng:

” Mọi vật ở đời không có gì quý giá. Thân thể rồi sẽ tan rã. Chỉ có Đạo ta là quý báu. Chỉ có Chân lý của Đạo ta là bất di bất dịch. Hãy tinh tấn lên để giải thoát !”.

Vậy thì điều kiện trọng yếu nhất để giải thoát là sự tinh tấn. Chúng ta đừng bao giờ quên điều kiện ấy trong sự tu hành.


NIÊN LỊCH CỦA PHẬT THÍCH CA(Theo Kinh Điển Đại Thừa)PHẬT GIÁNG SANH NGÀY MÙNG 8 THÁNG 4

(Trước Chúa giáng sanh 624 năm. Nếu tính năm Phật Nhập Diệt thì trước Chúa giáng sinh 544 năm).

– 19 TUỔI XUẤT GIA, NHẰM NGÀY MÙNG THÁNG 2

– 5 NĂM TẦM HỌC CÁC ĐẠO

– 6 NĂM TU KHỔ HẠNH

– 49 NGÀY NHẬP ĐỊNH

– 30 TUỔI THÀNH ĐẠO, NHẰM NGÀY MÙNG 8 THÁNG CHẠP

– 49 NĂM THUYẾT PHÁP ĐỘ ĐỜI

– 80 TUỔI NHẬP NIẾT BÀN, NHẰM NGÀY RẰM THÁNG 2.

HT. Thích Thiện Hoa (Trích từ Phật Học Phổ Thông)

http://www.buddhismtoday.com

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.