1. SÁU ÐẠI HỘI KẾT TẬP KINH ÐIỂN
Tất cả con người và vạn vật trong Tam giới đều phải chịu sự chi phối của định lý vô thường. Ðại Ðức Sarìputta và Moggallana là hai vị đại đệ tử của Ðức Phật đúng thời điểm cũng phải xin đức Phật nhập diệt. Rồi lần lượt không bao lâu, khi Ðức Phật đúng 80 tuổi đời, 45 tuổi đạo, Ngài cũng giã từ Tứ chúng để an hưởng quả vị Vô Dư Níp-bàn. Sự viên tịch của Ðức Phật và hai vị đại đệ tử là một mất mát to lớn cho hàng Tứ chúng. Kể từ khi vắng đức Phật và các đại đệ tử, Phật giáo thường phải đối đầu với những tình trạng đen tối với những diễn dịch sai lạc, bên cạnh đó chưa kể đến những thành phần bất hảo trong Tăng đoàn. Tuy nhiên may mắn có những vị Trưởng lão Thánh Tăng từng thời kỳ đã mang trách nhiệm và quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy nền đạo pháp. Do đó, những thời kỳ kết tập kinh điển ra đời để bảo tồn các lời dạy của Đức Phật.
1.1 Ðại Hội Kết Tập Ðiển Kinh Lần Thứ Nhất
a) Nguyên nhân:
Ngài Mahakassapa nhận thấy Ðức Thế Tôn nhập Níp-bàn mới có một tuần lễ mà lại có chuyện không hay xảy ra trong Tăng đoàn. Chuyện là lúc ngài Mahakassapa và năm trăm Tỳ khưu đang chu du truyền đạo ở Pàvà và nghe tin loan truyền từ người này sang người nọ, là Ðức Thế Tôn viên tịch. Trước tin chẳng lành đó một số Chư Thánh Tăng điềm nhiên trong oai nghi tế hạnh, còn một số phàm Tăng thì buồn bã tiếc nuối bậc đạo sư rằng: “Sao Thế Tôn vội Níp-bàn sớm, ánh sáng chân lý và pháp nhãn biến mất ở đời!” Rồi Chư Thánh Tăng an ủi và khuyến khích Chư Phàm Tăng bằng thuyết vô thường. Tuy nhiên lúc đó có một vị Tỳ khưu lớn tuổi và mới xuất gia tên là Subhada chưa có niềm tịnh tín nơi bậc Đạo sư nên có những thái độ và những lời nói bất kính với Ðức Phật như sau:
– “Này các bạn! Tại sao các vị thương tiếc nhiều đến Ðức Phật làm chi, Ngài đã viên tịch rồi thì chúng ta về sau sống thoải mái hơn lúc trước nhiều, không còn nghe những lời khuyên răn trách cứ nữa: ‘Hãy như thế này, hãy như thế kia …’. Kể từ hôm nay chúng ta muốn làm gì thì làm, không còn bị ràng buộc bởi các giới luật, vì Ðức Phật đã viên tịch rồi”.
Câu nói của vị Tỳ khưu già đó tỏ ra xem thường giáo pháp và chưa gì thì muốn tách rời pháp luật của bậc đạo sư. Ngài Mahakassapa nghe như vậy cảm thấy xót xa và lo ngại cho tiền đồ của Phật giáo, nhưng Ngài làm ngơ để lo chu toàn việc an táng Ðức Thế Tôn. Sau khi an táng Thế Tôn xong, Ngài đem câu chuyện ấy trình bày lên Tăng chúng và nói lên sự lo ngại cho nền đạo pháp về sau:
– Nếu vậy thì từ nay phi pháp, phi luật sẽ phát huy, pháp và luật sẽ suy đồi; chủ trương phi pháp, phi luật sẽ nhiều, còn những chủ trương pháp luật sẽ bị giảm thiểu.
Cho nên với tư cách là một vị tăng được Ðức Thế Tôn ban cho là đệ tử nhứt về “Hạnh đầu đà”, ngài Mahakassapa không muốn đạo pháp mai một về sau, và liền đứng ra triệu tập 500 vị Thánh Tăng để kết tập. Tuy nhiên Ngài chỉ tuyển chọn được 499 vị nghĩa là còn thiếu một vị nữa. Ngài thấy không vị nào ngoài Ðại Ðức Ananda được, vì Ðại Ðức là một vị làu thông Phật ngôn do Ðức Thế Tôn thuyết giảng trong suốt 45 năm. Tuy nhiên, Ðại Ðức chưa phải là bậc Thánh A La Hán vô lậu nên ngài Mahakassapa động viên Đại Đức, và chờ Đại Đức khi nào đạo quả viên mãn thì cuộc kết tập mới khai mạc.
b) Niên đại, địa điểm, vị chủ tọa và người bảo trợ
Niên đại chính xác của đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất là sau ba tháng Ðức Thế Tôn viên tịch.
Ngài Mahakassapa triệu tập đầy đủ 500 vị A La Hán với nhau tại thạch động Sattapanna trên núi Vebhàra ở thành Ràjagaha để kết tập Phật ngôn.
Sau khi tuyển chọn thành phần kết tập và đã có địa điểm sẳn, Ngài Mahakassapa bắt đầu Tụng tuyên ngôn và đề nghị với Chư Thánh Tăng ba điều:
– Số lượng tham dự kết tập kỳ này chỉ chọn 500 vị mà thôi, trong thời gian kết tập không được thêm hoặc bớt.
– Chọn thạch động Sattapanna trên núi Vebhàra trong thành Rajagaha là địa điểm kết tập.
– Cấm tuyệt đối những vị Tỳ khưu nào không phải là thành viên kết tập kinh điển đến an cư kiết hạ mùa mưa tại thành Rajagaha. Lý do như vậy là đề phòng hai điều xảy ra: a) chư vị kết tập sẽ gặp khó khăn trong vấn đề đi khất thực; b) phòng ngừa sẽ có những vị ác tâm đến phá cuộc kết tập kinh điển.
Chư Thánh hiền Tăng đã thỏa thuận với nhau ba điều trên, rồi cùng nhau kéo đến thành Rajagaha yêu cầu nhà vua A Xà Thế (Ajaratthu) giúp đỡ bằng cách cho nới rộng 18 Tăng đường cho chư vị kết tập có chổ nghĩ ngơi. Ðức vua hoan hỷ nhận lời và đứng ra bảo trợ toàn bộ chi phí cuộc kết tập kinh điển.
Lúc này Ðại Ðức Ananda cũng vừa đắc quả vị A La Hán nên đại hội bắt đầu khai mạc. Người chủ tọa kết tập Tam tạng lần thứ nhất là Trưởng lão Mahakassapa, đồng thời Ngài cũng là vị Vấn đạo sư về pháp luật. Trưởng lão Upàli đã từng được Ðức Phật tuyên dương trước đại chúng là đệ nhất về trí luật và đã thông thạo những điều giới luật Ðức Phật đã đặt ra, về thời gian, địa điểm và đối tượng phạm giới lúc Ngài còn sinh tiền, cho nên Ngài được chọn là vị đáp những câu hỏi của ngài Mahakassapa. Còn Trưởng lão Ananda vốn đệ tử nhứt của Ðức Phật về hạnh đa văn, am tường những bài thuyết của Ðức Thế Tôn trong suốt 45 năm, do đó Chư Thánh Tăng chọn Ðại Ðức làm vị đáp về Kinh tạng lẫn Vi Diệu tạng.
c) Phương pháp kết tập
Trước tam vị tuyên ngôn xác định vai trò và vị trí của mình trong cuộc kết tập mà được Chư Thánh hiền tăng đã chọn lựa, ngài Mahakassapa lần lượt nêu từng điều luật tỉ mỉ và chi tiết như sau: “Này hiền giả Upàli! Nguyên nhân thế nào Thế Tôn cấm chế điều luật này? Ai phạm? Ðiều phụ chế của điều luật ấy thế nào? Thế nào là sự phạm tội trong những điều luật này?”. Ngài Upàli căn cứ trên những câu hỏi ấy mà đáp một cách rành mạch, theo thứ lớp. Mỗi câu trả lời của Ngài Upàli, Chư Thánh Tăng cùng tụng lại điều luật ấy. Nếu không thấy sự lầm lẫn gì trong câu đáp, các Ngài nhất trí nhau tuyên bố rằng đây là điều luật Thế Tôn cấm chế và ban hành. Áp dụng cách thức kết tập như vậy cho đến hết phần Luật tạng, và trong đại hội kết tập lần thứ nhất này phân Luật tạng ra làm năm phần lớn: Àdikamma, Pàcittiya, Mahàvagga, Cullavagga, Parivàra.
Khi kết tập phần Kinh tạng, các Ngài nhất trí là bắt đầu bằng bài kinh Phạm Võng (Brahmajàlla sutta). Ngài Mahakassapa vấn như sau: “Này hiền giả Ananda! Nguyên nhân nào mà Thế Tôn thuyết bài kinh này? Ðịa điểm ở đâu? Ðối tượng thuyết giảng là ai? Nội dung của từng bài kinh là gì?” Ðại Ðức Ananda trả lời xong, rồi Chư Tăng bắt đầu cùng nhau tụng lại và xác nhận đây là lời của Thế Tôn. Cách thức như vậy cho đến phần Kinh tạng, đồng thời trong kỳ kết tập này các Ngài cũng phân ra năm bộ Nikàya. Cuộc kết tập này kéo dài bảy tháng mới hoàn thành.
Sau cuộc kết tập, Ðại Ðức Ananda có bạch với Chư Thánh Tăng rằng lúc Như Lai sắp sửa viên tịch, Ngài có dạy: “Khi ta viên tịch các vị có thể bỏ bớt những giới học nào không quan trọng”. Ngài Mahakassapa hỏi Ðại Ðức Ananda học giới nào là không quan trọng, ngài Ananda trả lời vì lúc Ðạo sư Níp-bàn, Ðại Ðức quá bận rộn nên không hỏi điều đó. Ngài Mahakassapa với tư cách là chủ tọa liền tụng tuyên trước Chư Thánh Tăng như vầy: “Kính bạch Chư Tăng, vấn đề giới luật rất quan trọng, nó liên quan đến đời sống của sa môn, nhưng Thế Tôn trước khi viên tịch không nói rõ điều nào không quan trọng. Vì vậy cho nên kính xin Chư Thánh hiền Tăng từ nay về sau Chư vị đừng thêm mà cũng đừng bớt học giới nào mà Thế Tôn đã chế định, cứ vậy mà thực hành”.
1.2. Ðại Hội Kết Tập Kinh Ðiển Lần Thứ Hai
a) Nguyên nhân:
Do sự bất đồng 10 điều giới luật giữa nhóm Tỳ khưu Vajjputta và Ngài Yassakàkandaputta. Nhóm Tỳ khưu ở Vesàli không hành trì 10 điều học quá lâu nên dân làng xứ Vajji cũng đã quen với nếp sống của chư vị ở đây. Thường xuyên họ đem vàng bạc châu báu cúng dường cho chư vị và họ suy nghĩ đây là sự cúng dường đúng pháp và giới luật. Không may, một hôm nọ Ngài Yassa, một vị Thánh Tăng, từ Kosambì đi đến Vesàli, tình cờ chứng kiến cảnh chư Tỳ khưu nhóm Vajjiputta tự do nhận vàng bạc từ sự cúng dường của chư thiện nam tín nữ. Ngài khiển trách thiện tín và khuyên chư tăng không nên thọ dụng vàng bạc như vậy, điều đó sẽ không đúng với luật pháp của Ðức Phật, nhưng họ không nghe lời dạy của Ngài Yassa. Sau khi thọ dụng vàng bạc xong, họ phân chia với nhau theo hạ lạp, và lẽ cố nhiên họ cũng đem đến cúng dường Ngài Yassa một phần, nhưng Ngài không nhận mà còn khiển trách việc làm của các vị một lần nữa.
Nhóm Tỳ khưu Vajjiputta thấy thái độ của Ngài Yassa làm như vậy quá đáng nên họp chư tăng lại tuyên ngôn xử phạt Ngài Yassa theo Patisàranìyakamma, nghĩa là bắt Ngài Yassa phải đi xin lỗi việc làm của Ngài xúc phạm đến niềm tin của cư sĩ; và lúc Ngài đi xin lỗi phải có Tỳ khưu đại diện của phái họ đi theo để làm chứng. Trước áp lực đa số hơn thiểu số, nên Ngài đành phải đi xin lỗi từng nhà. Tuy nhiên Ngài vừa xin lỗi vừa giải thích giới luật của Chư Tăng cho các cư sĩ hiểu. Ngài xác định với họ rằng việc làm của nhóm Tỳ khưu Vajjiputta là hoàn toàn không đúng với tinh thần giới luật của Ðức Phật. Ngài lập lại câu Phật ngôn cho các cư sĩ nghe:
“Này các quí vị! Mặt trăng, mặt trời không tỏ sáng được là do mây che, mù sương, vi trần và thần Rahu che khuất. Vị Tỳ khưu trong giáo pháp của Ðức Phật không sáng chói được là do những nguyên nhân: uống rượu, hành dâm, thọ lãnh và cất giữ vàng bạc, sống tà mạng làm thầy này thầy nọ”.
Nhóm cư sĩ hoan hỷ với lời giảng dạy của Ngài Yassa, họ xin lỗi việc làm của mình, và nhận ngài Yassa làm thầy để học hỏi và lễ bái cúng dường. Tuy nhiên, vị Tỳ kheo tháp tùng đi theo Ngài Yassa đem chuyện đó nói lại cho nhóm Tỳ khưu Vajjiputta. Các vị nghe thế quyết định lấy số đông tuyên ngôn xử phạt Ngài Yassa một lần nữa theo cách Ukkhepanìyakamma, nghĩa là cô lập mọi sinh hoạt của Ngài. Sau đó, tất cả các vị đó cùng nhau kéo đến nơi cư ngụ của Ngài. Nhưng qua thần thông của một vị A La Hán nên Ngài đã đi tự thuở nào rồi.
Trên đường đi Ngài suy tư, nếu như ta làm ngơ chuyện này thì giáo pháp của bậc đạo sư sẽ bị mai một và số vị ác Tỳ khưu sẽ gia tăng. Cho nên, Ngài không màng gian lao đi vào thành Pàthà, Avantì, và Dakkhinàpatha để thông báo cho Chư Tăng biết những chuyện phi pháp luật của nhóm Tỳ khưu ở thành Vesàli với ý dụng là để giải quyết. Sau đó nữa, Ngài vân du lên núi Adhogangà để bạch chuyện đó cho Trưởng lão Sànasambhuta, ngài Trưởng lão này hoàn toàn nhất trí với Ngài Yassa là hành vi của nhóm Tỳ khưu ở Vesàli làm như vậy là sai pháp luật.
Sau đó, 60 vị A La Hán ở thành Pàthà và 80 vị ở thành Avantì và Dakkhinàpatha cùng nhau họp ở núi Adhogangà, với Ngài Yassa và Trưởng lão Sànasambhùta. Chư vị đều nhất trí với nhau rằng việc này nên thỉnh Ngài Revata, một bậc thánh tứ quả làu thông Phật ngôn để làm chủ tọa giải quyết chuyện lộn xộn ở thành Vesàli. Ban đầu Ngài Revata không đồng ý, nhưng sau đó Ngài đồng ý. Sở dĩ Ngài đồng ý là vì Trưởng lão Sànasambhùta trình bày cho Ngài biết về 10 điều sai trái của các vị Tỳ khưu ở thành Vesàli, yêu cầu Ngài giải quyết chuyện này, và sau hết là kết tập Phật ngôn như các vị tiền bối đã làm.
b) Niên đại, địa điểm, vị chủ tọa và người bảo trợ
Một trăm năm sau khi Ðức Thế Tôn viên tịch, nhóm Tỳ khưu ở thành Vesàli không duy trì 10 điều học do Ðức Phật ban hành, nên các vị Thánh Tăng tuyệt đối cấm các vị Tỳ Khưu không được hành động nữa và đem chuyện này xử trước đại chúng tăng.
Sự việc này xảy ra ở thành Vesàli trong chùa Vàlukàràma, do đó, Chư Thánh hiền Tăng cũng chọn địa điểm này để giải quyết chuyện lộn xộn về giới luật và đồng thời cũng chọn ngôi chùa này để kết tập Tam Tạng lần thứ hai.
Người chủ trương đầu tiên công việc này là Ngài Yassa, tuy nhiên người chủ tọa để giải quyết nhóm Tỳ khưu Vajjiputta thuộc phái Puràna không hành trì 10 điều học là Ngài Revata, và Ngài cũng là vị chủ tọa cuộc kết tập Tam Tạng lần thứ nhì.
Tỳ khưu Vajjiputta có lần đến yêu cầu Ngài Revata che chở việc làm của mình, nhưng bị Ngài khiển trách. Cho nên các vị theo phe Vajjiputta cùng vào hoàng cung yết kiến nhà vua Kàkàsoka và bạch dối với nhà vua rằng khi họ trông coi tịnh xá thì có nhóm Tỳ khưu khách đến có ý định chiếm chùa, Vua không hiểu đầu đuôi câu chuyện nên ra lệnh cấm các vị Thánh Tăng không được vào chùa Valukàràma. Đêm đó, Vua nằm mơ thấy quỷ sứ dưới địa ngục bắt Ngài bỏ vào chảo đồng. Lúc Vua tỉnh dậy thì lo âu và sợ hãi, và sáng hôm sau em gái Vua là vị Thánh Ni Nandà vào gặp Vua và giải thích đâu là đúng, đâu là sai cho Vua nghe. Thánh Ni Nandà đề nghị nhà vua nên ủng hộ Chư Thánh Tăng để chấn hưng Phật giáo, và Vua đồng ý. Vì vậy, người bảo trợ kết tập kinh điển lần thứ hai tại Vesàli là Ðức vua Kàkàsoka.
c) Phương pháp kết tập
Trước khi chính thức kết tập kinh điển, Ngài Revata tuyên ngôn bầu một ban giám luật gồm có:
– Trưởng lão Sabbakàmì, Salha, Khujjasobhita, và Vàsabhagàmì. Bốn vị này đóng vai trò đại diện cho phe bị cáo nhóm Tỳ khưu phạm giới.
– Trưởng lão Sànasambhùta, Sumana, Yassa, và Kàkandaputta đóng vai trò tuyên cáo, các vị này đại diện phần chấp pháp để đối chất và giải quyết những người phạm luật.
Ðiểm chú ý nơi đây, là Ngài Vàsabhagàmì và Sumana là đệ tử của Ngài Anuruddha, còn 6 vị còn lại là đệ tử của Ngài Ananda, mà các ngài Anuruddha và Ananda đều là những vị có tầm cở trong đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất.
Bốn vị đại diện cho phe bị cáo và bốn vị đại diện cho Chư Tăng trong ban giám luật. Thế là Ngài Revata nêu ra từng điều một trong 10 điều chủ trương sai của phái Tỳ khưu Vajji để hỏi Ngài Sabbakàmì:
Ðiều sai trái thứ nhất, Ngài Sabbakàmì trả lời rằng vị Tỳ khưu nào giữ muối riêng để dùng thì phạm tội Ưng đối trị.
Ðiều sai trái thứ hai, Ngài Sabbakàmì trả lời rằng ăn sái giờ là phạm tội, bất luận lúc đó là mặt trời chênh qua bao nhiêu.
Ðiều sai trái thứ ba, Ngài Sabbakàmì trả lời rằng sau bửa ăn chính, vị nào còn dùng thêm một lần nữa thì phạm tội Ưng đối trị.
Ðiều sai trái thứ tư, Ngài Sabbakàmì trả lời rằng khu vực Sìma, Chư Tăng không được chia ra làm nhiều nhóm để làm lễ phát lồ.
Ðiều sai trái thứ năm, Ngài Sabbakàmì trả lời rằng theo Campeyyakhandhaka, các Tăng sư Chư Tỳ khưu phải vào một lượt để cùng hành không được vào xen kẻ.
Ðiều sai trái thứ sáu, Ngài Sabbakàmì trả lời rằng không nên căn cứ theo thầy tế độ và giáo thọ sư mà mọi việc nên y cứ theo kinh luật luận làm tiêu chuẩn để tu tập.
Ðiều sai trái thứ bảy, Ngài Sabbakàmì trả lời rằng nếu vị nào không có bịnh hoạn mà sau giờ ngọ dùng sửa chua đặc thì phạm tội Pàcittiya (Ưng đối trị).
Ðiều sai trái thứ tám, Ngài Sabbakàmì trả lời rằng vị Tỳ khưu tuyệt đối không được dùng rượu, dù rượu ở bất nồng độ nào.
Ðiều sai trái thứ chín, Ngài Sabbakàmì trả lời rằng vị Tỳ khưu không được dùng tọa cụ không có biên, vị nào dùng thì phạm tội.
Ðiều sai trái thứ mười, Ngài Sabbakàmì trả lời rằng vị Tỳ khưu nào cất giữ vàng bạc cho cá nhân thì phạm tội Ưng xả đối trị, nếu phạm thì xã bỏ tất cả rồi sám hối mới hết tội.
Mỗi câu trả lời của Ngài Sabbakàmì, Chư Tăng xác nhận là đúng theo quan niệm của Ðức Phật đồng thời Chư Tăng cũng tuyên bố rằng chủ trương của nhóm Tỳ khưu phá giới hành động theo 10 điều phi pháp đó hoàn toàn sai lầm để cho đại chúng hiểu biết và am tường.
Sau khi Ngài Revata điều chỉnh 10 điều phi pháp luật của nhóm Tỳ khưu Vajjiputta xong, 700 vị Thánh Tăng vô lậu bắt tay vào công việc kết tập Phật ngôn. Phương pháp kết tập kỳ này giống như kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất, tuy nhiên kỳ kết tập kỳ này thời gian kéo dài đến 8 tháng.
1.3 Ðại Hội Kết Tập Kinh Ðiển Lần Thứ Ba
a) Nguyên nhân:
Theo nhiều tài liệu, nhất là tài liệu Mahavamsa (Ðại sử), trong triều đại vua Asoka, Phật giáo được xem là quốc đạo, Chư Tăng được nhiều sự ưu ái, các tu sĩ ngoại đạo cũng thừa lúc này xuất gia theo đạo Phật rất nhiều. Thế nhưng tổ chức tăng đoàn chưa chặt chẽ, nội bộ Chư Tăng không đoàn kết, thường bất hòa, không tin tưởng nhau. Về mặt giới luật có phần lỏng lẻo, có nơi thậm chí trong bảy năm trời Chư Tăng chưa hề họp mặt nhau một lần để làm lễ Bố Tát (Uposattha). Chuyện này thấu đến tai vua, vua cử một vị đại thần đến nhắc nhở Chư Tăng nhưng Chư Tăng vẫn không vâng lệnh Vua. Cho nên vị đại thần rất tức giận, ra lệnh sát hại nhiều tăng sĩ. Ngài Moggalliputta-Tissa thấy vậy liền trực tiếp ngăn cản. Vị đại thần không dám giết Ngài và quay về báo cáo nhà vua. Vua nghe tin, rất lo sợ vì cho rằng mình đã tạo một trọng nghiệp, nhúng tay vào vụ thảm sát Chư Tăng.
Nhà vua rất hoang mang về chuyện xảy ra trong hàng ngũ Tăng già và Ngài đem chuyện này hỏi các vị cao tăng, nhưng mỗi người giải thích theo một cách, tất cả những vị này đều không đáp ứng thỏa mãn của nhà vua. Cuối cùng, đức vua tìm đến Ngài Thánh Tăng Moggalliputta-Tissa. Vị này giải thích cho vua hiểu: – “Này đại vương nếu chuyện đó Ngài không cố ý ra lệnh thì Ngài không có quả báo ác, còn như Ngài cố ý ra lệnh thì Ngài sẽ chịu quả báo ác. Vì Ðức Phật có dạy: Nghiệp là sự cố ý, chỉ có cố ý mới tạo nghiệp”. Lời khuyên của Thánh Tăng Tissa có phần làm cho Vua Asoka bớt lo âu về luật nhân quả. Nhân cơ hội này, Ngài giải thích cho vua hiểu thế nào là chánh pháp của Ðức Phật, thế nào là phi pháp luật, đồng thời Trưởng lão cũng giải thích những hoài nghi của nhà vua về chánh pháp. Ðức vua rất hoan hỷ về lời dạy của Trưởng lão, và nhà vua hứa sẽ hỗ trợ Ngài chỉnh đốn hàng hàng ngũ Tăng già. Công việc này rất nhiêu khê, không thể dùng tăng lệnh mà phải dùng cả vương lệnh nữa. Ngoại đạo lúc này tu theo Phật giáo rất nhiều, họ có dụng ý thành lập một bộ phái mới chủ trương giới luật và tri kiến hoàn toàn khác biệt với tinh thần của đạo Phật. Chư Thánh Tăng biết được ý đồ của bọn ngoại đạo trà trộn vào Phật giáo nên chư vị kết hợp với nhà vua Asoka thanh lọc hàng ngũ Tăng già. Qua sự trắc nghiệm của chư vị Thánh Tăng, nếu vị nào không phải là tu sĩ Phật giáo thật sự thì bị trục xuất ra khỏi giáo hội, và được cấp phát quần áo để trở lại đời sống thường dân. Theo tài liệu Mahavamsa và Samantapàsàdikà, trong cuộc thanh lọc này có khoảng 60.000 tu sĩ giả danh bị trục xuất ra khỏi tăng đoàn.
Sau khi thanh lọc giáo hội xong, vua hứa với vị Thánh Tăng rằng nếu sau này có nhu cầu chi liên quan với Phật pháp thì Ngài sẽ ủng hộ hết mình. Nhân lời tác ý của nhà vua, Trưởng lão Moggalliputta-Tissa đề nghị nhà vua yểm trợ Chư Tăng để kết tập Phật ngôn. Nhà vua hoan hỷ nhận lời.
b) Niên đại, địa điểm, vị chủ tọa và người bảo trợ
Niên đại kết tập nếu tính theo Phật lịch thì có nơi nói là năm 218, có nơi nói là 234. Lại có tài liệu khác nói là vào năm 287. Có lẽ tài liệu này nói đúng vì dựa vào thời gian trị quốc của các vị vua.
Chư Thánh Tăng chọn ngôi chùa Asokàràma ở kinh thành Pàtaliputta phía nam hoàng cung của nhà vua làm địa điểm kết tập kinh điển lần thứ ba.
Ngài Thánh Tăng Moggalliputta-Tissa được Chư Tăng thỉnh cử làm vị chủ tọa kết tập Phật ngôn kỳ này.
Ngài Moggalliputta-Tissa chọn 1000 vị kết tập Phật ngôn. Thời gian kéo dài 9 tháng. Các chi phí trong cuộc kết tập được Vua Asoka hoàn toàn tài trợ cho Chư Tăng.
c) Phương pháp kết tập
Theo các vị Thánh Tăng ghi lại thì Trưởng lão Moggalliputta-Tissa xuất thân là một vị Phạm Thiên do hai vị Thánh Tăng Siggava và Candavajji thỉnh cầu xuống cõi nhân loại để chấn hưng Phật giáo. Vì hai vị Thánh Tăng này không có mặt không kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất nên Chư Tăng giao nhiệm vụ trên cho nhị vị. Ngài Tissa giáng sinh xuống cõi được 7 tuổi thì Trưởng lão Giggava tế độ cho xuất gia sa di và dạy Phật pháp căn bản. Lúc hai mươi tuổi, Ngài Candavajji cho thọ cụ túc giới và dạy Tissa những giáo lý cao siêu. Không bao lâu Ngài am tường Tam tạng và đắc quả A La Hán, với tuệ phân tích. Khi ngoại đạo lộng hành trong Phật giáo, Tăng già bất hòa nhau vì những vị chơn chánh không chịu làm lễ Bố Tát với những tu sĩ ngoại đạo, vua Asoka phái nhiều phái đoàn thỉnh cầu Ngài ở núi Adhoganga ra chấn hưng Phật giáo và làm chủ tọa kỳ kết tập kinh điển lần thứ ba.
Cách thức kết tập kinh điển kỳ này cũng giống như hai kỳ trước nhưng có một vài điểm khác nhau. Ngài chủ tọa cuộc kết tập nêu ra những quan điểm và tri kiến sai lầm của các bộ phái qua ba trăm vấn đề về giáo lý. Ngài dựa vào bộ phái gốc Theravàda để bác bỏ các luận cứ sai lạc đó, và cho kết tập vào bộ Kathàvatthu của tạng Vi Diệu Pháp – Abhidhamma.
Ðiều chúng ta nên lưu ý ở đây là trong hai kỳ kết tập Tam tạng đầu, chư vị A La Hán chỉ ghi bằng ký ức và truyền miệng thôi, nhưng có giả thuyết cho rằng trong lần kết tập kỳ này, Tam tạng bắt đầu bắt đầu ghi chép bằng văn tự Pàli [theo W.Rahula, History of Buddhism in Ceylon].Tuy nhiên giả thuyết này chưa được đa số các nhà Phật học chấp nhận.