Chương 2: Sinh thái và sinh hoạt Tịnh Độ
TÂM LINH Ở TỊNH ĐỘ
Cực lạc dưới góc độ tâm linh được mô tả: “Dân chúng cõi ấy không còn đau khổ, ngay cả từ “khổ” cũng không còn có mặt, huống chi là có thật. Dân chúng luôn sống an vui, thân tâm thơi thới cho nên chỗ ấy được gọi là Cực Lạc”. Ý niệm về sự khổ đau không có mặt trong dòng cảm xúc, trong não trạng và trong cuộc đời là một ý niệm và hiện thực có thật.
Có người lý luận rằng khổ đau và hạnh phúc mang tính tương đối và tương thuộc rất cao, nghĩa là những ai chưa từng nếm mùi khổ đau sẽ chưa biết đến giá trị của hạnh phúc. Lý luận đó phù hợp với học thuyết duyên khởi và nhân quả của đạo Phật, nhưng nếu cho rằng nơi nào có khổ đau thì nơi ấy mới có hạnh phúc sẽ là sự sai lầm, vì nhân khổ không thể tạo ra quả phúc.
Nói cách khác, hạnh phúc có hai loại, một loại hạnh phúc mang tính điều kiện như là sự đối lập với bản chất của khổ đau và một loại hạnh phúc vượt lên trên điều kiện. Chẳng hạn như ta nuôi một con chim trong lồng, nghĩ rằng mình thương nó nhưng thực tế là đem lại cho nó nhiều khổ đau vì sự giam nhốt. Bản chất của loài chim là muốn được bay cao, bay xa trên bầu trời, được sống trong rừng xanh và làm bạn với những cánh đồng. Do học được đạo lý từ bi, ta mở lồng ra để con chim ấy được chắp cánh bay xa, xem như ta đã mang đến cho nó niềm hạnh phúc vô vàng. Dĩ nhiên, con chim sống trong lồng sau nhiều năm bị giam nhốt, nay được tự do với bầu trời xanh cảm nhận hạnh phúc rất lớn; nhưng đó là hạnh phúc tương đối và nó đối lập với cái phi hạnh phúc. Giá trị của sự sống là vô tận, không bị giới hạn. Loài động vật dù là nhỏ nhất vẫn có nhu cầu cần hạnh phúc như con người. Không nên mua chim về nhốt, mua cá về trưng. Thực tập phóng sanh là đang tạo ra hạnh phúc phi điều kiện cho các loài động vật. Những hạnh phúc bị lệ thuộc điều kiện chỉ là hạnh phúc tương đối.
“Một ngày trong tù bằng nghìn thu ở ngoài” là câu nói cửa miệng của những tù nhân, đong đo giá trị của sự thong dong, thoải mái, không bị câu thúc giữa bốn bức tường. Tâm trạng của người bị giam nhốt trong ngục tù là sự bơm phồng cảm xúc. Họ đong đo từng giờ, từng phút, từng sát-na đơn vị ngắn nhất của thời gian trôi qua. Càng mong mỏi thời gian bằng cảm xúc thì sự cường điệu cảm xúc càng dâng trào và cuối cùng họ cảm thấy thời gian như được kéo dài ra; nhưng trên thực tế nó vẫn trôi qua một cách đều đặn, mỗi ngày cũng chỉ hai mươi bốn giờ, không nhanh và cũng không chậm. Những người từng dùng thuốc bắc điều trị bệnh đều phải kiêng cử ăn uống trong suốt thời gian dài và khi được ăn uống trở lại bình thường, khẩu vị của họ sẽ có cảm giác ngon miệng hơn. Cảm giác ngon đó là ngon có điều kiện. Dẫu vậy, tính điều kiện của hạnh phúc vẫn có thể mang lại giá trị hạnh phúc.
Phần lớn con người thường tìm hạnh phúc dựa trên tính điều kiện tương tự như thế. Sau một ngày làm việc mỏi mệt, khi trở về sinh hoạt với gia đình, ta sẽ có cảm giác hạnh phúc hơn vì không còn những căng thẳng của công sở, việc làm ăn buôn bán, tranh chấp đối tác, hoặc hận thù. Sự thay đổi môi trường làm cho ta có cảm giác dễ chịu, khi ấy không gian tâm linh cũng theo đó mà tăng trưởng. Sinh hoạt gia đình là môi trường cần thiết để giải quyết những bế tắc trong cuộc sống. Những người làm việc nhiều mà quên chăm sóc gia đình, bỏ mất thói quen sinh hoạt gia đình thì hạnh phúc khó được bền vững. Lúc nào cũng đem sự căng thẳng của công việc về mái ấm gia đình, nói theo Phật giáo là mang lửa căng thẳng và mỏi mệt ở, công sở, lửa của quan hệ giao tế về nhà thiêu đốt tình cảm gia đình.
Sự mô tả về bản chất tâm linh ở thế giới Cực Lạc nằm ở cụm từ “khổ không có mặt”, nghĩa là cư dân Tịnh độ sống chặt đứt khổ đau và dây mơ rễ má của nó .Đây là đạo lý ứng xử và hành trì rất tốt. Khi có nguyện vọng sanh về thế giới Cực Lạc thì hành giả phải đạt được một trình độ tâm linh nhất định. Với trình độ tâm linh đó, hành giả không còn truy ức quá khứ. Sự truy ức về quá khứ làm cho con người hâm nóng khổ đau. Chuỗi dài của kiếp sống được đong đo và kết nối bằng nhiều cảm xúc của khổ đau, trong đó lẫn rất ít cảm xúc của hạnh phúc và mỗi khi nhớ về quá khứ thì khổ đau lại có mặt.
Hãy cắt bỏ quá khứ để hận thù không thể tồn tại và phát triển. Sự nuối tiếc có thể phá hủy các năng lượng tích cực ở hiện tại; theo đó, trạng thái thụ động, chán chường, hay thất vọng có cơ hội diễn ra, chinh phục và khống chế đời sống tinh thần của ta.
Các cư dân Tịnh độ nhờ chất liệu “khổ không có mặt” nên chặt đứt được ý niệm khổ đau trong quá khứ. Dòng chảy tâm thức của họ là sự an vui thơi thới, thân tâm nhẹ nhàng. Về bản chất của khổ đau, có khổ đau từ kinh nghiệm của quá khứ và có khổ đau dựa trên viễn tưởng của con người. Ví dụ như ta đang sống trong giai đoạn chiến tranh, chết chóc, hận thù, thì viễn tưởng tương lai của đời sống này là sự chết chóc, đói khát, tàn phá, hủy diệt, thương tật, chia ly và đổ nát; đó là viễn cảnh hoàn toàn của khổ đau.
Kinh A-di-đà mô tả bản chất hạnh phúc ở thế giới Tây phương là ý niệm khổ đau không còn có mặt huống chi là một thực tại. Cái thực tại phải được đặt trên ý niệm, và ý niệm đó phải liên hệ đến một viễn cảnh trong tương lai. Trong khi đó, cư dân Tịnh độ không có nỗi lo lắng, sợ hãi hay bồn chồn về một viễn cảnh tương lai bao gồm môi trường sinh thái, chế độ sinh hoạt, cách thức giao tế sẽ ra sao, đối phó thế nào…
Có người từ lúc mới sinh ra cho đến lúc qua đời chưa từng lâm vào cảnh nghèo đói. Họ sống với tấm lòng bao la, thương người, đóng góp và chia sẻ cho cuộc đời này nhiều thứ nên họ chưa hề có ý niệm về sự thiếu thốn. Chính sự đóng góp, dấn thân phục vụ và chia sẻ khổ đau trong cộng đồng đã mang lại cho tương lai một viễn cảnh an vui, hạnh phúc.
Qua đó, ta thấy rằng người sống trong bối cảnh không gian tương đối mà vẫn có cơ hội sống và tặng hạnh phúc như thế; huống hồ các hành giả tu tập theo công thức “Nhất tâm bất loạn” đạt đến tâm linh cao thì không thể có trạng thái lo lắng và sợ hãi.
Ta thường lo lắng không biết tương lai của mình sẽ ra sao, sợ hãi vấn nạn chưa giải quyết. Những bế tắc đó cứ theo đuổi ta, diễn ra mỗi ngày một tăng với qui mô phức tạp. Lo lắng và sợ hãi là con đẻ của vô minh. Khi tuệ giác chưa có mặt thì con người có nhiều nỗi sợ hãi.
Nhiều người có thái độ lo lắng quá nhiều, có thể gọi đó là căn bệnh trách nhiệm thặng dư. Có những công việc chỉ cần đầu tư trong hai giờ là có thể giải quyết tốt đẹp, thế mà có người vẫn cứ trằn trọc, băn khoăn, lo lắng đủ thứ… lo lắng vì sợ người thân, người thương của mình không đủ sức để làm việc đó. Đây là điều tạo ra sự lo lắng thặng dư, làm cho thần kinh căng thẳng và não trạng mệt mỏi. Những người có bệnh thặng dư về nỗi lo lắng luôn già trước tuổi và giảm tuổi thọ. Do bởi họ không có cái nhìn tuệ giác, không thấy được viễn cảnh tương lai là gì. Sống với chánh niệm và nhất tâm bất loạn, chắc chắn ta sẽ có cách ứng xử dứt khoát, tự tin và sẽ đạt được kết quả tích cực.
HẠ TẦNG CƠ SỞ
Dựa vào nội dung mô tả về bản chất thế giới tâm linh trong kinh A-di-đà ta thấy đó là nhu cầu tinh thần, và hành giả ở cõi Ta bà này có thể làm được. Nét đặc sắc của kinh A-di-đà không nằm ở việc giới thiệu mô hình Tịnh độ lý tưởng nhất ở một thế giới cách khoảng mười tỉ cõi nước mà nằm ở việc cung cấp cho ta một quy hoạch Tịnh độ, giúp ta thiết lập các mô hình tương tự với tỷ lệ tương xứng hoặc nhỏ hơn trong lòng thực tại mà ta đang sống, chẳng hạn trong gia đình mà ta đang tồn tại, trong tâm mà ta đang cảm xúc, nhận thức.
Đức Phật thấy rõ cảnh giới Ta bà có vô số khổ đau, những điều cầu mà chẳng được, cảnh trái ngang oan khiên, ghét nhau mà phải gặp mặt, thương nhau mà phải chia lìa, cùng vô số những điều bất hạnh đang xảy ra từng ngày, từng giờ, từng phút và từng giây, nên đã giới thiệu mô hình lý tưởng của thế giới Cực Lạc và đặt ta trong cách “nhón chân và vói tay” để đạt đến một phần nào giá trị thiết thực đó.
Đức Phật đã giới thiệu mô hình lý tưởng để ta tham khảo, khám phá, và sáng tạo một mô hình mới ở cõi Ta bà, mà cả đời chưa chắc có thể xây dựng hoàn thiện. Mô hình đó được đầu tư bởi tuệ giác của đức Phật A Di Đà, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí và vô số các vị Bồ-tát khác, các vị nhất sanh bổ xứ và các vị đại A-la-hán. Rõ ràng đây là một công trình quy hoạch có tầm vóc, mà sự mô phỏng tham khảo có thể giúp ta ứng dụng trên địa cầu này.
Không có sự sáng tạo tuyệt đối. Ta có thể mô phỏng dữ liệu A, B hoặc C đã có trong quá khứ và thông qua đó, ta thấy được điểm toàn bích, điểm còn giới hạn để phác họa ra những cái mới, tích cực, tiện lợi và có giá trị lớn hơn.
Các hành giả ở cõi Ta bà mang ơn đức Phật Thích Ca rất nhiều. Với giới hạn của nhục nhãn và thân thể vật lý, con người trong hai mươi sáu thế kỷ trước không thể biết được vũ trụ bao la này có sự sống con người cao hơn con người ở cõi Ta bà này về phương diện đạo đức, tâm linh, khoa học kỹ thuật và các giá trị tinh thần.
MÔ HÌNH SINH THÁI
Sinh thái của Tịnh độ khá đặc sắc, mang vóc dáng của một môi trường lý tưởng. Môi trường đó được mô tả bằng nội dung chính: “Núi non, đất đai, thành quách, cung điện, nhà cửa, phố xá, cây cối, hạ tầng cơ sở cho đến các phương tiện đều được nạm bằng bảy báu là vàng, bạc, trân châu, pha lê, mã não, lưu ly, xà cừ; cho nên cõi ấy được gọi là Cực Lạc”.
Nguồn tài nguyên thiên nhiên ở cõi Ta bà đã bị con người khai thác cạn kiệt, dẫn đến sự hủy hoại môi trường sống, gây ra những thảm họa cho con người và các loài động vật trên hành tinh này như động đất, sóng thần, hạn hán, bão lụt v.v…diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Sinh thái ở Tịnh độ không bị rơi vào tình trạng như thế, bởi vì cư dân ở đây là những vị thánh giả, đời sống của họ toàn là tài sản Thánh nên không có sự tranh chấp, hủy diệt. Do đó, họ duy trì được sinh thái tốt đẹp và lý tưởng cao quý.
Câu kinh trên mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc với con số bảy. Con số bảy tạo ra mô hình trùng trùng điệp điệp về sinh thái lý tưởng, hài hòa với cuộc sống con người, rừng không bị phá hủy, cây cối xanh tươi, một không gian không bị tác động hay ảnh hưởng bởi nền công nghiệp hiện đại với những ô nhiễm về môi trường, nguồn nước, khí thải, đạo đức và tâm linh. Khi sống và giao thoa trong môi trường hoàn thiện như thế, chắc chắn tâm tư, cảm xúc, nhận thức và sinh hoạt của con người sẽ luôn hướng thiện.
Sự giao lưu giữa môi trường sống và con người thường diễn ra theo khuynh hướng cái mạnh sẽ khống chế cái yếu. Người đó có tiềm năng, tuệ giác và lòng từ bi lớn, sẽ tạo ra thế giới hạnh phúc, giống như anh hùng tạo ra thời đại: Môi trường tích cực sẽ nắn tạo ra những con người tích cực.
Mô hình Tây phương Cực Lạc giúp ta có cách nhìn không chấp nhận vận mệnh theo cách có một đấng thần linh an bày sẵn, và như thế ta sẽ không có thái độ hay niềm tin để cải tổ, làm mới vận mệnh theo quy luật nhân quả, với những nỗ lực tự thân trong hiện tại này.
Tây phương Cực Lạc không phải do đức Phật A Di Đà biến hiện ra, mà là công trình do chính Ngài thiết kế. Ngài là kiến trúc sư đã phác họa ra mô hình hoàn thiện, trong đó các cư dân Tịnh độ gồm đại Bồ-tát, đại A-la-hán cho đến các hành giả mới nhập “quốc tịch” hay trong tình trạng chờ nhập “quốc tịch” đều có giá trị đóng góp vào môi trường tâm linh tốt đẹp đó. Trí tuệ tập thể có giá trị hơn. Mười người suy nghĩ vẫn tốt hơn một người, dĩ nhiên đây phải là mười cái đầu vô ngã, không tranh chấp mới có thể mang lại giá trị tốt đẹp. Ngược lại mười cái đầu theo kiểu “mười hai sứ quân” chắc chắn tạo ra phân chia, vì không có sự hợp nhất để trí tuệ tập thể trở thành hoa trái an vui và hạnh phúc cho đời.
Sở dĩ tôi không dùng con số biểu tượng “bảy lớp” này hoặc “bảy lớp” khác là do bản chất của sự mô tả này nói về mô hình lý tưởng về thiên nhiên. Con số 7 có thể được hiểu tùy theo mỗi nền văn hóa khác nhau. Trong văn hóa Ấn Độ, số bảy là con số lý tưởng, mang ý nghĩa trọn vẹn, thịnh vượng và phát triển nhưng trong nền văn hóa Việt Nam con số bảy là một con số bình thường. Sống với thiên nhiên, tâm sẽ trở nên thanh thản, nhẹ nhàng, không vướng bận; khi ấy giá trị của tuổi thọ, đạo đức và tâm linh sẽ được phát triển.
Đoạn kinh mô tả thế giới Tịnh độ nêu trên khá giống với kinh Đại Thiện Kiến Vương thuộc kinh Trung A Hàmsố 68, hay kinh Trường Bộ số 17. Sự khác nhau căn bản giữa hai bản kinh này nằm ở chỗ, kinh A-di-đà lấy biểu tượng số bảy với bảy loại báu, trong khi đó kinh Đại Thiện Kiến Vương lấy biểu tượng là con số bốn, tượng trưng cho bốn loại báu gồm vàng, bạc, lưu ly và pha lê. Biểu tượng của số bốn còn gắn liền với bốn chân lý thánh, tức là hai lớp nhân quả phàm phu và thánh nhân. Hai lớp nhân quả này chính là đáp án bất hạnh của con người phàm phu và cũng chính là đáp án hạnh phúc của bậc thánh.
Đức Phật vạch mặt, chỉ tên khổ đau một cách rõ ràng, bên cạnh đó cung cấp cho ta bản đồ và đáp án cho những bài toán khổ đau. Đóng góp của Thế Tôn nằm ở phương diện thứ hai này.
Hãy nhìn vào bản chất của cuộc sống như những thực tại đa dạng, thiên biến vạn hóa, ta có cái nhìn thật bao dung, không độc đoán, chuyên quyền hoặc không lấy mình làm trục xoay để nhận định và đánh giá tất cả các giá trị trong cuộc đời. Con số bốn là biểu tượng cho bốn chân lý Thánh, là con đường tích cực, giúp ta được an vui, và bảy báu là tượng trưng cho bảy tài sản Thánh.
AO THẤT BẢO VÀ NƯỚC TÁM CÔNG ĐỨC
Bên cạnh hạ tầng cơ sở và môi trường sinh thái, đức Phật Thích Ca còn giới thiệu khái quát về phong thủy của Tây phương Cực Lạc, gồm ao hồ, núi non, nhạc, hoa sen bốn mùa, các loài chim và pháp âm đặc sắc, trang nghiêm.
Dựa vào mô tả này, ta thấy cõi Ta bà cũng có cảnh giới tương tự nhưng cấp độ và giá trị của nó chỉ đạt được một phần. Nguyên tắc phong thủy của Trung Hoa dựa trên yếu tố nước và núi, “Tiền thủy hậu sơn” như mô hình lý tưởng. Nước mang lại sự mát mẻ và núi tạo thế dựa vững bền. Ao nước Tây phương là ao thất bảo, chứa nước bát công đức, chứ không phải là ao nước ngọt hay nước mặn ở cõi Ta bà.
Theo đức Phật, loài thủy tộc như tôm, cá, vi khuẩn là loài kém phước hơn các loài động vật khác và loài người được sanh ra từ thai và đi bằng hai chân là loài có phước báu lớn nhất trong số các loài động vật. Những loài nào có số lượng sinh sản nhiều thì phước báu kém, vì từ số lượng nhiều sẽ kéo theo cái nghèo. Một gia đình đông con khó có thể sung túc, vì không đủ tiền để chu cấp và nuôi dưỡng. Các loài thủy tộc mỗi lần sinh sản có thể lên đến hàng trăm, hàng ngàn con nên không thể chu cấp đầy đủ thức ăn cho sự sống, chúng sống bằng cách sát hại lẫn nhau, con lớn ăn những con bé. Nếu loài thủy tộc có môi trường kinh tế giống loài người thì hành tinh này không thể đủ thực phẩm cung cấp cho chúng. Tây phương Cực Lạc không có sinh vật nước dù ở đấy vẫn có ao nước, nhưng là nước bát công đức và hoa sen báu.
Các mô tả cho thấy đất, suối và cát đều là bảy báu. Ao thất bảo được tượng trưng cho bảy bồ đề, là bảy yếu tố hỗ trợ sự giác ngộ của hành giả. Nó được hiểu như biểu tượng rằng trong mỗi con người, trong mỗi gia đình đều ẩn chứa tiềm năng bảy báu tâm linh, giúp cho con người đó trở nên bậc giải thoát. Bảy tiềm năng hay bảy vật báu đó là sự lựa chọn con đường đạo đức và tâm linh, dấn thân một cách bền bỉ không mệt mỏi, nhờ đó tạo ra hỷ lạc nội tại, giúp quên đi nỗi nhọc nhằn. Từ trạng thái hỷ lạc ban đầu ta đạt trạng thái tâm thức sâu lắng hơn, thể hiện với nụ cười, niềm vui, hân hoan, phấn chấn, tướng đi đỉnh đạc, nhẹ nhàng.
Hành giả không bám víu và đặt nặng các giá trị đạt được, nhờ đó giữ được trạng thái xả trong hỷ lạc, theo đó định tĩnh được diễn ra, thiền quán xuất hiện và tâm tư chuyên nhứt ở mức độ cao nhất, tức chánh niệm tỉnh thức hay nhất tâm bất loạn.
Bảy gia tài quí báu là ao tiềm năng công đức mà tất cả cư dân Tịnh độ có được, giống như vật trang sức trong nhà và trong tâm. Trong ao này, nước không đục mà cũng không trong, đó là nước của tám chất công đức, bao gồm: thứ nhất là sạch, thứ hai là thấm nhuần, thứ ba là mát mẻ, thứ tư là thơm tho, thứ năm là ngọt, thứ sáu là êm dịu, thứ bảy là có khả năng giải khát và thứ tám là giúp cho thân được khỏe. Có thể xem đây là loại nước khoáng thiên nhiên có thể uống hoặc ngâm mình vào nó thì các chứng bệnh trong cơ thể sẽ tan biến. Sanh ra ở cõi Tây phương Cực Lạc với môi trường không độc tố thì con người luôn được khỏe mạnh. Tám đặc điểm trong ao nước thất bảo. Nó hỗ trợ cho con người Tịnh độ hướng đến tâm linh cao hơn.
Yếu tố “trong sạch” liên hệ đến xác thân, bởi chẳng ai muốn thân thể mình nhơ nhớp. Phải tắm nhiều lần trong ngày hay trang sức thân bằng nhiều hương liệu. Hai yếu tố thấm nhuần và mát mẻ, làm cho hành giả cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát, không chấp mắc vào các giá trị phàm tình.
Yếu tố “hương vị thơm” của nước chính là phần “hương” của công đức, không cần dùng đến hương thơm của các loại nước hoa đắt tiền mà con người vẫn có hương thơm của đạo đức.
Yếu tố “ngọt ngào” được xem là vị ngọt tự nhiên, lý tưởng, tạo ra tiềm năng sức khỏe và đạo đức.
Yếu tố “êm dịu” liên hệ đến âm thanh, tạo nhạc khúc du dương, trầm bỗng, nhẹ nhàng. Đây chính là nền tảng tu tập về âm thanh theo cách Bồ-tát Quán Thế Âm đã dạy. Đó là sự quán chiếu âm thanh cuộc đời như chính âm thanh chánh pháp.
Yếu tố còn lại là khả năng giải khát và làm khoẻ thân thể. Như vậy, có tối thiểu ba yếu tố hỗ trợ cho sắc thân và các yếu tố khác hỗ trợ cho bốn dục công đức còn lại.
Ao thất bảo ở cõi Tịnh độ không làm cho con người bị đắm nhiễm, giúp ta tắm gội trong tám công đức, với tiềm năng của chánh pháp và bảy bồ đề phần.
HOA SEN BẢY BÁU
Trong ao thất bảo, ngoài nước còn có các loài hoa sen bốn mùa với bốn màu sắc là xanh, vàng, đỏ và trắng. Kinh A-di-đà đã mô tả hoa sen ở đây bằng hình ảnh khá ấn tượng: “Hoa sen năm sắc, lớn như bánh xe, nở bày cánh nhụy, rực rỡ lạ kỳ, sen xanh ánh biếc, sen vàng ánh rực, sen đỏ ánh hồng, sen trắng ánh tuyết, hương thơm tỏa ngát, tinh khiết nhiệm mầu.” Hoa sen trong bản kinh này không nên hiểu theo ý nghĩa thông thường, mà nên hiểu theo nghĩa biểu tượng.
Ở cõi Ta bà, hoa sen chỉ có ba màu là hồng, đỏ, trắng. Ở cõi Cực Lạc thì sen đỏ tạo ra ánh hồng, sen trắng tạo ra ánh tuyết… Sự tương phản về nhân quả là nhân thế nào thì quả thế đó. Bản chất nhân quả không đồng nhất về khối lượng, nhân có thể là một nhưng quả có thể là một trăm. Sự chênh lệch theo lệ hay cấp số nhân giữa nhân và quả lệ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tâm lượng con người; với tâm vĩ đại thì hạt giống gieo trồng tuy nhỏ nhưng vẫn trổ công đức lớn. Tặng cho người nghèo khó một bát cơm với tất cả tấm lòng giống như ta đang chăm sóc cho người thân hay người mình quý trọng nhất thì phước báu lớn hơn. Tặng cho một người để mong họ đừng quấy rầy, làm phiền mình thì việc làm này chẳng có giá trị công đức lớn. Do đó, tính cách của nhân tỉ lệ thuận với tâm.
Bốn màu sắc của hoa sen ứng với bốn hào quang vô lượng là từ-bi-hỷ-xả. Mỗi đặc tính tâm vô thượng là một vầng hào quang lớn tỏa ra ở hành giả mà không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Hào quang không phải là màu sắc từ đèn quang học vật lý, mà là vầng sáng của tâm. Khi ta tiếp xúc với người có lòng từ bi lớn, vượt lên trên cảm xúc thân thương bình thường, ta sẽ cảm nhận được sự an lành, không có nỗi khủng hoảng hoặc sợ hãi. Do bởi vầng hào quang từ bi ấy đã phủ trùm lên tất cả và sự ảnh hưởng của nó giao thoa với tầng số tâm thức của người được tiếp xúc, tạo cảm giác êm dịu, thư giãn và được trị liệu. Mỗi người đều có vầng hào quang tỏa ra, chỉ có điều người phàm phu không cảm nhận được. Do vầng hào quang tỉ lệ thuận với tâm, nên độ phóng và đường kính phóng của nó cũng giới hạn. Nhìn thấy bốn màu của hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng với ánh rực tương xứng của hoa, nên hiểu rằng tâm lượng từ bi rộng lớn bao nhiêu thì vùng từ trường hào quang ấy sẽ toả ra bấy nhiêu. Ai cũng có thể làm cho vầng hào quang từ-bi-hỷ- xả ấy tỏa ra xung quanh người thân, người thương, cộng đồng và xã hội. Chỉ cần tu tập tốt, đường kính của vầng hào quang sẽ càng lớn rộng và ảnh hưởng của nó ngày một tích cực, tốt đẹp hơn.