Thế Giới Cực Lạc – Chương 4

Chương 4: Nghệ thuật tán dương

BẢN CHẤT CỦA SỰ TÁN DƯƠNG

Giá trị của sự tán dương bao giờ cũng tốt về phương diện giao lưu, đối tác giữa ta và người được tán dương. Tán dương là thừa nhận cái thiện giữa mối quan hệ tình người, làm cho người có liên hệ, cộng sự, đối tác với ta có an vui và hạnh phúc nhiều hơn khi nhìn thấy giá trị đóng góp của họ được thừa nhận và đánh giá đúng mức.

Trong đạo Phật đặc biệt là kinh A-di-đà, sự tán dương mang tính cách đề cao, phổ biến và nhân rộng cái thiện. Nó ngược lại với truyền thống của báo chí giật gân thường bày tỏ, phân tích và mô tả cái ác.

Bản chất của sự tán dương nhằm đề cao vai trò và sự đóng góp của con người cho cuộc đời, thông qua đó tạo ra ý nghĩa xã hội. Nhiều Phật tử khi làm công tác từ thiện xã hội lại muốn giấu tên, yêu cầu nhà chùa ghi vào sổ công đức là “vô danh”. Thực ra, ta đừng nên hiểu lầm học thuyết vô ngã là không để tên thật của mình trong những công trình từ thiện, mà nên hiểu vô ngã dưới góc độ của nhận thức và thái độ trong lúc ta làm.

Việc để danh tánh mang lại hai ý nghĩa, thứ nhất là ý nghĩa trách nhiệm về pháp lý nếu có vấn đề kiện tụng thì còn có bằng chứng trưng dẫn, thứ hai là ý nghĩa sẵn sàng cho mọi người thấy đây là một chương trình hay kế hoạch có sự chuẩn bị, đầu tư và có trách nhiệm, chứ không phải là việc làm qua loa, tùy hứng.

Về phương diện xã hội, việc để danh tánh có giá trị lớn, tạo cơ hội cho người khác bắt chước làm theo. Ví dụ một người có đồng lương thấp nhưng lại dám cắt đi một phần lương (như đức Phật đã dạy trong kinh Thiện Sanh) để làm việc có lợi cho cộng đồng, khiến cho người có mức lương cao hơn, giàu có hơn sẽ suy nghĩ lại về giá trị, tấm lòng, đóng góp và sự ảnh hưởng của nó đối với xã hội. Vì lẽ đó, người Phật tử làm việc thiện thì đừng nên giấu tên, mà nên cho nhiều người biết đến để ý nghĩa xã hội được lan rộng và phổ truyền. Trái lại, việc ác thì không nên để nhiều người biết, nhằm không bắt chước và làm điều xấu ác đó trong tương lai. Cho dù ta cố tình che giấu người làm ác, họ không thể vượt thoát luật pháp của nhân quả. Việc làm lành cần được công bố công khai để có giá trị khích lệ. Chúng ta nên học nghệ thuật tán dương của đức Phật trong kinh A-di-đà, mười phương Phật tán dương giá trị đóng góp của đức Phật Thích Ca.

Tán dương là nghệ thuật truyền bá cái tích cực rất có giá trị. Thay vì nguyền rủa bóng tối, hãy làm một việc gì đó để tạo ra ánh sáng, thay thế cái xấu bằng cái tích cực và tốt đẹp hơn. Khi dấn thân dưới góc độ vừa nêu thì cửa ngõ và cơ hội khắc phục cái chưa hoàn thiện được thiết lập, đồng thời cái tốt được phổ biến,.

NGHỆ THUẬT TÁN DƯƠNG CỦA PHẬT THÍCH CA

Đức Phật Thích Ca là nhân vật lịch sử. Cuộc đời của Ngài là bài học để ta tán dương mãi vẫn không hết. Ngài đã giới thiệu, ca ngợi những giá trị tích cực, tốt đẹp và huy hoàng của thần dân Tây phương Cực Lạc; thừa nhận các giá trị đặc biệt của thế giới đó và yêu cầu thần dân của Ngài phát nguyện sanh về nơi đó nếu có nguyện vọng. Đức Phật không “bế quan tỏa cảng” về tâm linh, lòng từ bi của Ngài muốn cho tất cả chúng sanh cõi Ta bà có được đời sống an vui, hạnh phúc và tốt đẹp hơn. Ngài đã mạnh dạn chỉ rõ hai thế giới khác nhau để mọi người có sự lựa chọn và không hề đóng cửa nhận thức của chúng sanh đối với cuộc đời.

Trong sự lựa chọn đó có sự so sánh và tạo ra khuynh hướng hành giả. Loại hành giả thứ nhất tìm kiếm giá trị tốt đẹp hơn để hướng về đó và trở thành những cư dân mới của Tây phương Cực Lạc. Loại hành giả thứ hai tích cực hơn, có giá trị về nhân văn và xã hội lớn, mô phỏng các giá trị tốt đẹp của Tây phương để thiết lập nơi cõi Ta bà. Từ bỏ một nơi khổ đau và đi đến một nơi an vui, hạnh phúc thì rất dễ, chỉ cần người ta nỗ lực làm gan “nhứt sanh thập tử” ở biển khơi thì họ có thể tìm được miền đất mới. Thế nhưng ở lại cuộc đời khổ đau này để tìm kiếm giá trị an vui và giúp cho người đang khổ đau được an vui thì quả thật nếu không có tâm nguyện Bồ tát, ta khó có thể làm được. Dĩ nhiên, không loại trừ tình trạng bất đắc dĩ, tức là những người tìm đường ra đi mà không được nên đành ở lại cuộc đời này. Sự ở lại đó hoàn toàn không có giá trị đạo đức mà chỉ có giá trị đối phó.

Giáo dục nhà Phật là giáo dục nhân quả, nhìn nhận sự thật để đánh giá thực tại chứ không hề chạy trốn sự thật. Thông qua cách tán dương đức Phật A-di-đà và thế giới Tây phương Cực Lạc, Thế Tôn đã không tán dương bản ngã của mình. Những đóng góp của đức Phật, Ngài không cần nói mà cuộc đời sẽ nói về Ngài. Tán dương bản ngã là nói về cái hay, cái đẹp và thành tựu xuất sắc của mình. Mười danh hiệu của Thế Tôn không phải do Ngài tự đặt ra để có vai trò hay vị trí xuất sắc, mà do chính cuộc đời đánh giá các giá trị đóng góp đó xứng đáng để Ngài có được những danh xưng đó. Thế Tôn đã được cuộc đời này tôn trọng nên người đời đã tôn xưng và gọi Ngài bằng danh hiệu như thế.

Thực ra, nếu gọi Ngài là Thích Ca Mâu Ni Phật thì từ tôn xưng này không mỹ mãn lắm. Các hành giả Bà-la-môn và Sa- môn trong thời đức Phật tán dương Phật bằng danh xưng Sakya- muni tức là bậc Thánh của dòng tộc Thích Ca. Người ta thường gọi Như Lai bằng hai từ, một là bậc hiền triết của dòng họ Sakya (Thích Ca Mâu Ni), hai là Sa môn Cồ Đàm (Gotama Samana). Từ thứ hai này có nghĩa trung tính hơn, không đề cập đến giá trị tâm linh và đóng góp, còn từ “nhà hiền triết của dòng họ Sakya” mang ý nghĩa tán dương nhiều hơn. Nếu là Phật tử, khi đọc danh xưng Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật thì sự tán dương này có vẻ không hay lắm, vì nó chỉ là cách tán dương của những người không phải là Phật tử. Mười danh hiệu là một trong những cơ sở để ta tán dương Ngài hoặc có thể tán dương theo truyền thống Pàli: kính lạy đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, bậc Chánh đẳng giác, bậc Vô thượng trên cuộc đời với lòng chí thành chí kính. Tán dương bản thân là điều không nên làm và cũng không nên yêu cầu người khác làm. Trong kinh A-di-đà, đức Phật Thích Ca đã sử dụng bốn nghệ thuật tán dương.

Tán dương bằng lời khen. Sự tán dương này hoàn toàn không mang tính chất xã giao, nghĩa là nói cho vừa lòng nhau hoặc lựa lời mà nói, vì bản chất của xã giao là lời nói qua loa mà trong đó chứa đựng lời hoa mỹ không thực lòng.

Kinh A-di-đà có đề cập đến bốn lần khen tặng của Thế Tôn như sau:

Lần thứ nhất, đoạn mô tả về bản chất sinh thái và cấu trúc phong thủy: “Thế giới Cực Lạc, có hồ bảy báu, hoa sen mùi thơm thanh khiết…” đức Phật nói: “Đó là đặc sắc của Tây phương Tịnh độ”.

Lần thứ hai, sau khi mô tả về cư dân Tịnh độ làm vô lượng công đức ở các hành tinh, sau đó trở về thế giới của mình tiết kiệm về tiêu xài cá nhân, dùng cơm đơn giản xong từng bước kinh hành thảnh thơi… đức Phật nói:“Đó là đặc sắc của Tây phương Tịnh độ”.

Lần thứ ba, sau đoạn mô tả các pháp âm bằng tiếng gió, tiếng chim mà đức Phật A-di-đà đã tạo ra, giúp cho hành giả tập trung vào pháp môn và gắn liền với sự hành trì, bày tỏ tấm lòng tôn kính Phật, Pháp, Tăng. “Đó là đặc sắc của Tây phương Tịnh độ”.

Lần thứ tư, sau khi trình bày các cấp độ tâm linh của hành giả cư dân Tịnh độ, đức Phật lại nói: “Đó là đặc sắc mà ta không thể tìm thấy ở cõi Ta bà”.

Đức Phật Thích Ca đã tán dương đức Phật A-di-đà đúng với ý nghĩa. Ngài đã tìm kiếm điểm tích cực, nét đặc sắc và các giá trị cao đẹp mà ảnh hưởng của nó có thể tạo ra văn hóa, sự hân hoan, dấn thân làm việc lành và tu tập. Nghệ thuật tán dương bằng lời khen của đức Phật Thích Ca được nhấn mạnh ở các góc độ vừa nêu. Đôi lúc ta vẫn thường khen tặng lẫn nhau giống như kẻ cò mồi, người này phát biểu tốt cho người kia để người kia phát biểu tốt lại cho mình. Điều này chỉ mang tính chất thù tạc.

Đức Phật Thích Ca sau khi mô tả nét đặc sắc ở Tây phương và muốn cho hành giả ở Ta bà tập trung vào điểm đặc sắc này, nên Ngài dừng lại bằng điểm chuyển: “Đó là điểm đặc sắc nhất của cõi Tây phương” để hành giả tập trung và dễ nhớ. Đây chính là nghệ thuật giáo dục của Thế Tôn tạo điểm nhấn giúp hành giả không thể quên để việc thọ trì, ứng dụng được diễn ra tốt đẹp.

Tán dương bằng lời khuyên. Nghệ thuật tán dương thứ hai mà đức Phật Thích Ca sử dụng là lời khuyên dành cho các hành giả đang nghe Ngài giảng dạy về nét đặc sắc của Tây phương Cực Lạc. Người đời thường nói “Đừng bao giờ cho lời khuyên khi người ta không có yêu cầu”, bởi lẽ lời khuyên ấy có thể rơi vào tình trạng “giáo đa thành oán”, nghĩa là nói nhiều quá khiến người ta dễ oán trách, thay vì mang ơn nhưng ngược lại họ xa lánh mình. Lời khuyên là một nghệ thuật, phải đặt đúng chỗ, đúng tình huống thì giá trị ứng dụng và hành trì của nó mới có thể thiết lập.

Thế Tôn đã khuyên như sau: “Vì nhìn thấy được lợi lạc hà sa, do niệm danh hiệu Phật A-di-đà, Ta khuyên các vị, hãy nên chuyên tâm, niệm Phật vãng sanh.” Đức phật vì nhìn thấy giá trị đặc sắc ở cõi Tây phương không còn tham ái, sân hận và si mê; ai được sanh về đây đều trở thành bậc bất thối chuyển về đạo đức và tâm linh, Ngài khuyên chúng ta hãy sanh về nơi ấy để có môi trường lý tưởng, thuận lợi về an ninh, việc tu tập được phát huy nhờ các hỗ trợ vật lý nên hành giả tu tập dễ thành tựu, an vui và hạnh phúc cũng sẽ có mặt. Khi nghe lời khuyên làm lành, chúng ta thừa nhận các giá trị tốt cho hành giả, cộng đồng và cuộc đời về phương diện thực tế ứng dụng.

Một môi trường an toàn tạo ra một tâm linh vững chãi là điều có thể chấp nhận. Môi trường hỗ trợ và ảnh hưởng đến tâm lý của con người rất nhiều. Nó ảnh hưởng đến tinh thần, ý chí, nguyện vọng, lý tưởng, quan điểm, ý thức hệ v.v…và con người là một phần ảnh hưởng của môi trường sống. Do đó, phải sống trong một môi trường Thánh như các thánh giả ở Tịnh độ thì an vui hạnh phúc mới có thể đảm bảo.

Tán dương bằng hộ niệm. Nghệ thuật tán dương thứ ba là hộ niệm. Đức Phật Thích Ca tán thán và khuyên các hành giả Tịnh độ nghe kinh A-di-đà, thọ trì danh hiệu và tu tập pháp môn Tịnh độ thì sẽ được chư Phật hộ niệm. Đoạn văn đó như sau: “Bất cứ người nam hay nữ, biết được kinh này và danh hiệu Phật, Cực Lạc Tây phương, thọ trì hết lòng, chánh niệm tỉnh thức, chuyên tâm niệm Phật, thì những người ấy, chư Phật hộ trì, cho đến khi được giác ngộ vô thượng. Vì thế các vị hãy tin Ta nói như lời Phật nói.”

Lời hộ niệm đó là lời tán dương giá trị hành trì của pháp môn Tịnh độ, giúp hộ niệm các hành giả đang dấn thân trên con đường tu tập, cho người đang thực hành tâm đức của Phật A-di- đà và cho tất cả những ai đang truyền bá pháp môn ấy.

Về nghĩa đen “niệm” là nhớ và “hộ” là giúp đỡ. Khi nói rằng ta đang bảo hộ cho một người nào đó, nghĩa là ta phải nhớ, thăm hỏi, chia sẻ và giúp đỡ người đó thường xuyên thì được gọi là hộ niệm. Chư Phật mười phương từng hộ niệm các vị Thánh giả ở Tây phương và các hành giả ở Ta bà đang hành trì pháp môn Tịnh độ. Sự hộ niệm được diễn ra theo hướng ủng hộ, tán đồng và gia trì.

Ủng hộ là bày tỏ sự đồng tình một cách tuyệt đối về quan điểm, lập trường, khuynh hướng dấn thân của một người nào đó, vì thấy được giá trị lợi lạc cho người ứng dụng và đối tác. Sự ủng hộ tạo ra liên minh, tình thân hữu, giúp thiết lập niềm tin của người có cùng chí hướng, nguyện vọng chính đáng hướng đến an vui và hạnh phúc.

Tán đồng là cách thức tùy hỷ, đồng ý về quan điểm của người khác, nghĩa là ta tin và vui với sự thành công và đóng góp của người đó.

Gia trì liên hệ đến sự hỗ trợ cụ thể nhằm gia tăng sự giúp đỡ và bảo hộ một người hay con đường nào đó. Dĩ nhiên, đây phải là con đường tích cực.

Sự hộ niệm trong kinh A-di-đà còn được diễn ra theo cách chư Phật mười phương, bản thân đức Phật A-di-đà và các vị Thánh Tăng ở Tây phương Cực Lạc sẵn sàng dang tay tiếp độ hành giả có nguyện vọng vãng sanh về đây. Việc dang tay giúp đỡ được hiểu theo hai nội dung, nghĩa đen và triết lý và biểu tượng.

Hiểu theo ý nghĩa triết lý, các Ngài sẽ cứu vớt con người từ cuộc đời khổ đau, bất hạnh. Sự cứu vớt ấy được thể hiển qua hình ảnh một ngôi chùa, một vị tu sĩ, một pháp môn, hoặc cách thức hành trì; cứu vớt người khác từ trạng thái khổ đau trở thành người thoát khỏi khổ đau, là cách thức dang tay tiếp dẫn.

Hiểu theo ý nghĩa biểu tượng, khi một người chết thì thần thức sẽ xuất ra khỏi thân thể vật lý và ra đi. Sự ra đi này không giống như động tác đi bộ, chạy xe hoặc máy bay: nó diễn ra trong một tích tắc thời gian. Nơi nào có tương ứng về nghiệp thì thần thức sẽ có mặt ở nơi ấy, giống như cái cây đang nghiêng hướng nào thì khi cưa nó sẽ ngã về hướng đó. Các hành giả Tịnh độ ngày và đêm “nhất tâm bất loạn” về pháp môn, hành trì không ngơi, chẳng phải với niềm tin cầu Phật gia hộ cho tuổi thọ, phước báu hay giàu sang phú quý, mà mong rằng bằng cách nương vào danh hiệu Phật, tâm hành giả đi vào trạng thái thiền định, không còn những loạn tưởng điên đảo hay vướng víu vào trần cảnh thế gian. Như thế, hành giả ở trong trạng thái thiền chỉ, dẫn tới nhất tâm.

Bản chất của tu tập sẽ giúp hành giả đạt được giá trị an vui và hạnh phúc mà không cần một vị Phật hay vị Bồ tát nào đưa bàn tay dẫn dắt. Hành giả sanh về Tây phương không thông qua con đường thai sanh, tức là không do cha mẹ sanh ra, vì như thế sẽ còn lòng tham, tính dục tham ái và là bản chất của sanh tử. Theo mô tả của kinh A-di-đà, hành giả sẽ hóa sanh từ hoa sen mang ý nghĩa biểu tượng là sanh ra từ sự thanh cao thoát tục. Khi sanh về đó, hành giả mang thân thể vật lý bay lên không trung nhẹ nhàng giống như những con chim, không cần một bàn tay níu kéo để đưa về cõi Tây phương Cực Lạc. Dù hiểu tái sanh theo cách thức vật lý hay tâm lý thì nghiệp cảm tương thích chính là điều kiện tiên quyết để ta có mặt ở Tây phương. Ở đây nghiệp cảm tương thích là thiện căn, phước báu và nhân duyên nhiều. Nếu thiếu các điều kiện vừa nêu, có nhưng sơ sài, qua loa thì cũng khó mà về được nơi ấy. Điều này là sự thật vì đạo Phật dựa trên nhân quả. Dang tay tiếp dẫn cũng là cách thức hộ niệm của đức Phật A-di-đà.

Ngoài ra, hộ niệm còn giúp cho hành giả đạt được trạng thái bất thối chuyển, nhớ Phật để tu tập tự lực, nhớ Pháp là con đường của tuệ giác, lòng từ bi và con đường giải quyết khổ đau, nhớ Tăng là những người mẫu mực về nỗ lực hành trì, hy sinh cả cuộc đời vì lý tưởng giải thoát, phục vụ cho cuộc đời với tinh thần vô ngã vị tha. Hành giả luôn nhớ về ba ngôi tâm linh sẽ cảm thấy cuộc sống hạnh phúc và an vui. Ta có thể nhớ theo công thức của pháp Lục niệm mà đức Phật đã dạy, tức là nhớ đến sự bố thí và giá trị đóng góp cho cuộc đời. Hoặc ta có thể nhớ về quả phước trên đời này, để tin chắc khi làm một việc lành thì phước báu sẽ trổ quả tương thích. Do đó ta không cần cầu hoặc mong đền ơn đáp nghĩa, mà hãy làm bằng tất cả tấm lòng. Tất cả sự ghi nhớ đó giúp ta có được sự bất thối chuyển trên lý tưởng và lập trường đạo đức mà chúng ta đang đi.

Đức Phật A-di-đà còn yểm trợ ta bằng chánh niệm, từ bi và tuệ giác. Chánh niệm được thiết lập trên các dữ liệu như tiếng gió thổi, chim hót, suối chảy, thông reo, mây bay, làm cho hành giả lâng lâng nhẹ nhàng nhớ đến Phật, Pháp và Tăng. Những cảnh này ở Ta bà ta vẫn thường thấy, chỉ cần một cơn gió thổi nhẹ qua hàng cây cũng có thể tạo ra những âm thanh xào xạc. Nếu lúc đó ta để tâm thư giãn, gác lại những lo toan, tính toán của cuộc sống và tâm hồn thơi thới, ta cũng có thể cảm nhận được sự vi diệu mầu nhiệm của những âm thanh này và xem như ta đang  sống ở Tây phương Tịnh độ. Với cái nhìn tuệ giác của Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ thì tất cả những cái này đều là dữ liệu, công cụ và nội dung của Tịnh độ. Tịnh độ và Ta bà khác nhau về cái nhìn ứng dụng chứ không khác nhau về bản chất vật lý.

Mặc dù kinh A-di-đà mô tả Tây phương Cực Lạc là thế giới bảy báu: bảy lớp lan can, bảy lớp la võng, bảy lớp hàng cây, cát đất ở dưới suối đều bằng bảy báu; nên hiểu đó chỉ là cách mô tả biểu tượng. Thế giới như vậy không có sự sống của con người, bởi các mỏ quặng báu thường chứa nhiều độc tố dẫn đến giảm tuổi thọ con người. Đây cũng là lý do kinh mô tả về sự sống của các loài động vật. Mặc dù có sáu loại chim được nêu ra trong bản kinh, nhưng đức Phật gọi các loại chim này là “Tạp sắc chi điểu, biến hóa chi tác”, tức là loại chim nhiều màu do sự biến hóa mà có. Đây được xem là sản phẩm của phương tiện tuệ giác, cài đặt trong những con chim này một con “chip” giúp phát ra âm thanh vi diệu để các hành giả nhớ về pháp môn tu tập và hành trì.

Khi đã có sự hỗ trợ bằng chánh niệm, ta nhìn thấy tất cả đều là các giá trị tích cực. Có chánh niệm thì quán âm thanh gió thổi, chim hót không còn bay bỗng như các nhà văn thường trong tác phẩm văn học, lại là cái mầu nhiệm của cuộc đời. Tiếp xúc với sự mầu nhiệm này, hành giả sẽ có an vui mà không cần tìm một thế giới nào khác. Khi đã có năng lực của chánh niệm thông qua sự hộ trì, hộ niệm của chư Phật, hành giả sẽ đạt được những thành tựu căn bản liên hệ đến trí tuệ, niềm tin chân chính, ước nguyện tốt đẹp để hành trì và biến tất cả thành hiện thực chứ không còn là sự mơ tưởng đơn thuần nữa. Có sự hộ niệm như thế, hành giả mới thấy rằng cảnh giới Tây phương có giá trị và việc làm của đức Phật A-di-đà có thể giúp ta mô phỏng, ứng dụng cho cuộc đời. Làm được điều đó cũng là cách ta tán dương đức Phật A-di-đà. Nếu như việc làm ấy không có giá trị, đức Phật Thích Ca đã không dạy chúng ta làm như thế. Do đó, hộ niệm là nghệ thuật của sự tán dương.

Các đức Phật mười phương được nêu ra trong kinh này thuộc phương Đông, Nam, Tây, Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, Thượng và Hạ. Đó là theo bản dịch của ngài Huyền Trang trung thành tuyệt đối với bản Sanskrit. Trong bản dịch của ngài Cưu-Ma-La-Thập chỉ còn lại sáu phương. Nội dung là có nhiều vị Phật, dấn thân phục vụ; tán dương và yểm trợ lẫn nhau. Bởi việc làm lành cần liên minh, bằng không sẽ bị cái xấu ác chinh phục. Chư Phật mười phương đều làm như thế.

Tán dương bằng sự xác tín. Nghệ thuật tán dương thứ tư bằng sự xác tín được thể hiện trong đoạn kinh như sau: “Này Xá-lợi-phất, ai đã phát nguyện, hoặc đang phát nguyện, hoặc sẽ phát nguyện, sanh về Cực lạc thì ngay lúc nguyện đã được bất thối nơi đạo vô thượng và đã có mặt tại Cực Lạc rồi”. Vế cuối của đoạn này mang ý nghĩa sâu sắc, tức là đã làm, đang làm và sẽ làm là đã có mặt nơi Tịnh độ. Quan niệm đó tạo ra học thuyết duy tâm Tịnh độ, nghĩa là Tịnh độ ngay trong nhận thức của con người. Đó là nền tảng tạo tiêu chí cần thiết, giúp hành giả sanh về Tây phương. Không có nguyện ước mà làm một cách bắt buộc, bất đắc dĩ hay gượng gạo thì khó được thành tựu; vì nó, thiếu nghị lực và phương pháp. Khi ta mong mỏi một điều gì thì niềm mong ước đó sẽ giúp sức cho điều ấy được thành tựu. Do đó, hành giả phải có niềm tin xác quyết và nêu quyết tâm đi theo lý tưởng. Làm như thế là ta đang thực hiện, dấn thân và hoàn thành lý tưởng đó.

Đức Phật đã xác tín lời Ngài nói không khác gì với lời của chư Phật mười phương. Ở đây, yếu tố nhân quả đồng thời được diễn ra trong khi đức Phật Thích Ca tán dương đức Phật A-di-đà thì chư Phật mười phương tán dương đức Phật Thích Ca, nghĩa là gieo nhân nào sẽ được quả đó. Nhân tán dương thì quả tán dương, nhân chê bai thì quả sẽ bị phê bình, chỉ trích. Hiểu được như thế, ta không nên có hành động chê bai mà nên tán dương việc lành. Việc xấu thì ta nên nhẹ nhàng góp ý, xây dựng, bởi vì ai cũng có mặt cần sửa đổi. Tán dương bằng cách nhân rộng mô hình của việc thiện, việc lợi ích thì ta sẽ khắc phục và đẩy lùi được tà ác, mang lại nhiều giá trị lợi lạc, nhân quả đồng thời được diễn ra, việc lành sẽ có một kết quả thích đáng, vấn đề còn lại là thời gian nhanh hay chậm mà thôi. Các vị Phật đã thừa nhận giá trị của nhau và các ngài đã dạy chúng ta những hạnh nguyện tuỳ hỷ công đức và tán dương hạnh tùy hỷ công đức.

Trong đời, con người rất khó tuỳ hỷ lẫn nhau, vì các đảng phái đối lập luôn tìm cách nói xấu một cách tuyệt đối nhằm đè bẹp, gây mất ảnh hưởng của người khác và tạo thế đứng độc tôn cho mình. Bản chất của triết học, tôn giáo, chính trị, các đoàn thể, phe phái làm mất đi giá trị tùy hỷ công đức. Phần lớn đặt trên nền tảng của sự ganh tị, hơn thua và loại trừ lẫn nhau. Tán dương công đức là nghệ thuật tạo nên liên minh của đạo đức và tích cực.

Mười phương chư Phật đều có các đạo tràng Tịnh độ. Các Phật vẫn tán dương các vị Phật ở cõi khác khi các vị ấy đã làm những việc đáng làm. Điều này trái lại với chúng ta, phần lớn người ta tự khen mình, cho mình là số một và không ai có thể hơn mình được. Trong trường hợp nếu có ai bằng mình cũng bị phủ nhận bằng cách so sánh kém hơn. Cách thức so sánh hơn, bằng và kém đặt trên nền tảng của bản ngã. Trục xoay đó cường điệu giá trị của mình lên và hạ bệ giá trị người khác xuống, làm mất đi cán cân công bằng của hệ giá trị trong đời. Trong khi đó, tán dương giúp ta thiết lập các giá trị tích cực.

Khi đức Phật Thích Ca xác tín việc Ngài nói không sai, Ngài được sự đồng thuận rất lớn của mười phương Phật biểu đạt bằng hành động cụ thể là vận dụng “Quãng trường thiệt tướng”. Quãng là rộng và trường là dài, tức là vận dụng tướng lưỡi rộng dài của mình để tán dương đức Phật. Trong nhân tướng học, tướng lưỡi rộng dài tượng trưng cho sự chân thật. Ai có thể đưa lưỡi đến mũi thì lời nói của người đó được hiểu là chân thật. Điều này không có định lý đảo, tức là nếu lưỡi không đưa đến mũi không nên hiểu là không chân thật. Nhân tướng học của Ấn Độ cho rằng lưỡi là nơi phát ra tiếng nói, rộng dài tượng trưng cho sự vững chãi, bền bỉ và chân lý. Bản kinh nói “Lưỡi dài rộng phủ, trùm khắp mười phương, tam thiên đại thiên thế giới”. Đây là một biểu tượng triết lý, ý muốn nói rằng chân lý bao trùm khắp mọi nơi và giá trị của tuyên dương công đức ảnh hưởng và lan rộng khắp mười phương cõi nước. Ý nghĩa biểu đạt của nó nhằm khen con người có chất liệu chân thật, thành khẩn chứ không là sự xã giao. Người chí thành khen ngợi luôn đánh giá người được khen một cách có ý nghĩa và ấn tượng. Tán dương phải có nghệ thuật và phương pháp thì giá trị và sự ảnh hưởng lây lan tâm lý mới phổ truyền.

Mười phương Phật nhiều như “cát sông Hằng” đã tán dương đức Phật A-di-đà và đức Phật Thích Ca. Khái niệm “cát sông

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.