Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 9 – 10


Hán dịch: Bát Thích Mật Đế

Việt Dịch: Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám

Phật Học Viện quốc Tế Xuất Bản PL 2527 – 1983

Nhà xuất bản Tôn Giáo Hà Nội 2000

QUYỂN CHÍN

ĐOẠN II

SẮC-GIỚI

“A-nan, tất-cả những người tu tâm trong thế-gian, không nhờ Thiền-na, thì không có trí-tuệ.

Người nào giữ được cái thân không làm việc dâm-dục, trong lúc đi, lúc ngồi, đều không nghĩ-nhớ, lòng ái-nhiễm không sinh, không còn ở trong Dục-giới, thì bản-thân liền được làm phạm-lữ; một loài như thế, gọi là Phạm-chúng-thiên.

Tập-quán ngũ-dục đã trừ rồi, tâm ly-dục hiện ra, vui-vẻ thuận theo các luật-nghi, thì người đó liền có thể thực-hành những phạm-đức; một loài như thế, gọi là Phạm-phụ-thiên.

Thân tâm hoàn-toàn thanh-tịnh, uy-nghi không thiếu, cấm-giới trong-sạch, lại có thêm trí-sáng, thì người đó liền được thống-lĩnh phạm-chúng, làm đại-phạm-vương; một loài như thế, gọi là Đại-phạm-thiên.

A-nan, ba loài-tốt đó, tất-cả khổ-não không bức-bách được; tuy không phải chân-chính tu phép Tam-ma-đề của đạo Phật, nhưng trong tâm thanh-tịnh, những lầm-lạc của Dục-giới không lay-động được, nên gọi là Sơ-thiền.

A-nan, thứ nữa, các hàng phạm-thiên khi thống-lĩnh phạm-chúng, lại tu-tập phạm-hạnh được viên-mãn, làm cho tâm đứng-lặng không lay-động, và do sự đứng-lặng ấy, sinh ra sáng-suốt; một loài như thế, gọi là Thiểu-quang-thiên.

Hào-quang sáng-suốt thêm nhiều, chói-sáng không cùng, ánh vào thập phương thế-giới đều thành trong-sáng như ngọc lưu-ly; một loài như thế, gọi là Vô-lượng-quang-thiên.

Nắm-giữ hào-quang viên-mãn, tạo thành giáo-thể, phát ra sự giáo-hóa thanh-tịnh, ứng-dụng không cùng; một loài như thế, gọi là Quang-âm-thiên.

A-nan, ba loài-tốt ấy, tất-cả lo-buồn không bức-bách được; tuy không phải chân-chính tu-hành phép Tam-ma-đề của đạo Phật, nhưng trong tâm thanh-tịnh, những lầm-lạc thô-động đã dẹp xuống, nên gọi là Nhị-thiền.

A-nan, những loài trời như thế, khi dùng hào-quang viên-mãn làm việc giáo-hóa, do sự giáo-hóa càng rõ lẽ nhiệm-mầu, phát ra hạnh tinh-tiến, thông với cái vui yên-lặng; một loài như thế, gọi là Thiểu-tịnh-thiên.

Cảnh thanh-tịnh hiện-tiền, dẫn-phát không có bờ-bến, thân tâm được khinh-an, thành cái vui yên-lặng; một loài như thế, gọi là Vô-lượng-tịnh-thiên.

Thế-giới và thân tâm, tất-cả hoàn-toàn thanh-tịnh, đức thanh-tịnh được thành-tựu, cảnh-giới thù-thắng hiện-tiền, dồn về vui yên-lặng; một loài như thế, gọi là Biến-tịnh-thiên.

A-nan, ba loài-tốt đó, đầy-đủ công-hạnh đại-tùy-thuận, thân tâm yên-lặng, được cái vui vô-lượng; tuy không phải chân-chính được phép Tam-ma-đề của đạo Phật, nhưng trong tâm yên-ẩn, hoan-hỷ được đầy-đủ, nên gọi là Tam-thiền.

A-nan, lại nữa, những loài trời đó, thân tâm không bị bức-bách, nguyên-nhân của khổ đã hết, lại xét cái vui không phải thường-trụ, lâu rồi cũng phải tiêu-tan, nên cả hai tâm khổ và vui, đồng-thời đều phóng-xả; những tướng thô-nặng đã diệt, thì phúc thanh-tịnh sinh ra; một loài như thế, gọi là Phúc-sinh-thiên.

Tâm phóng-xả được viên-mãn, sự nhận-hiểu cao-xa càng thanh-tịnh; trong cái phúc không gì trở-ngại đó, được sự tùy-thuận nhiệm-mầu cùng-tột vị-lai; một loài như vậy, gọi là Phúc-ái-thiên.

A-nan, từ cõi trời đó, có hai đường trẽ : Nếu dùng cái tâm sáng-suốt thanh-tịnh vô-lượng trước kia, mà tu-chứng an-trụ nơi phúc-đức viên-mãn sáng-suốt, thì một loài như thế, gọi là Quảng-quả-thiên.

Nếu nơi cái tâm trước kia nhàm-chán cả cái khổ và cái vui, lại nghiền-ngẫm cái tâm phóng-xả, tiếp-tục không ngừng, đi đến cùng-tột sự phóng-xả, thân tâm đều diệt hết, ý-nghĩ bặt mất, trải qua năm trăm kiếp; song, người ấy đã lấy cái sinh-diệt làm nhân, thì không thể phát-minh tính không-sinh-diệt, nên nửa kiếp đầu thì diệt, nửa kiếp sau lại sinh; một loài như thế, gọi là Vô-tưởng-thiên.

A-nan, bốn loài-tốt ấy, tất-cả những cảnh khổ vui trong thế-gian không lay-động được; tuy không phải là chỗ bất-động chân-thật của đạo vô-vi; song, nơi cái tâm hữu-sở-đắc, công-dụng đã thuần-thục, nên gọi là Tứ-thiền.

A-nan, trong đó, lại có năm bậc Bất-hoàn-thiên, các vị này đã diệt hết tập-khí chín phẩm tư-hoặc trong cõi dưới rồi, khổ vui không còn, bên dưới không có chỗ ở, nên an-lập chỗ ở nơi chúng-đồng-phận của tâm phóng-xả.

A-nan, khổ vui cả hai đều diệt, không còn tâm-niệm ưa-ghét; một loài như thế, gọi là Vô-phiền-thiên.

Tự-tại phóng-xả, không còn năng-xả, sở-xả; một loài như thế, gọi là Vô-nhiệt-thiên.

Khéo thấy thế-giới mười phương thảy đều đứng-lặng, không còn tất-cả những cấu-nhiễm trầm-trọng của trần-cảnh; một loài như thế, gọi là Thiện-kiến-thiên.

Tri-kiến thanh-tịnh hiện-tiền, sử-dụng được không ngăn-ngại; một loài như thế, gọi là Thiện-hiện-thiên.

Quán-sát rốt-ráo các cực-vi, cùng-tột tính của sắc-pháp, vào tính không bờ-bến; một loài như thế, gọi là Sắc-cứu-kính-thiên.

A-nan, những bậc Bất-hoàn-thiên đó, chỉ riêng bốn vị thiên-vương Tứ-thiền được có kính-nghe, nhưng không thể thấy-biết; cũng như hiện nay, có các thánh-đạo-trường nơi rừng sâu đồng rộng thế-gian, đều là những nơi trụ-trì của các vị A-la-hán, nhưng những người thô-thiển thế-gian không thể thấy được.

A-nan, mười tám loài trời đó, tâm thường ở trong định, không dính-dáng với trần-cảnh, song chưa hết cái lụy của hình-hài; từ đó trở về, gọi là Sắc-giới.

ĐOẠN III

VÔ-SẮC-GIỚI

“Lại nữa, A-nan, từ chỗ cao nhất của Sắc-giới, lại có hai đường trẽ. Nếu nơi tâm phóng-xả, phát-minh được trí-tuệ, trí-tuệ sáng-suốt viên-thông, thì ra khỏi cõi trần, thành vị A-la-hán, vào Bồ-tát-thừa; một loài như thế, gọi là Hồi-tâm-đại-a-la-hán.

Nếu nơi tâm phóng-xả, khi thành-tựu được sự phóng-xả rồi, lại cảm-thấy cái thân làm ngăn-ngại và tiêu cái ngăn-ngại ấy vào hư-không, thì một loài như thế, gọi là Không-xứ.

Các chất-ngại đã tiêu-trừ rồi, nhưng không diệt được cái vô-ngại, trong đó chỉ còn thức A-lại-gia và còn nguyên-vẹn phần nửa vi-tế của thứ Mạt-na; một loài như thế, gọi là Thức-xứ.

Sắc và không đã hết, cái tâm biết là hết ấy cũng diệt-trừ, mười phương vắng-lặng, không còn gì nữa; một loài như thế, gọi là Vô-sở-hữu-xứ.

Thức-tính vốn không lay-động, lại dùng cái diệt mà diệt đến cùng; trong chỗ không thể hết, phát-minh nhận cho là hết, nên hình-như còn, mà không phải còn, hình-như hết, mà không phải hết; một loài như thế, gọi là Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ.

Bọn nầy xét cùng cái không, nhưng không tột lý-không; nếu từ thánh-đạo cõi trời bất-hoàn mà xét-cùng, thì một loài như thế, gọi là Bất-hồi-tâm-độn-a-la-hán. Nếu từ cõi trời vô-tưởng và ngoại-đạo mà xét-cùng cái không, không biết trở về, mê-lầm không nghe Chính-pháp, thì sẽ vào trong luân-hồi.

A-nan, trên các cõi trời đó, mỗi mỗi đều là những phàm-phu hưởng sự báo-đáp của nghiệp-quả và khi sự báo-đáp ấy hết rồi, thì trở vào trong luân-hồi. Thiên-vương các cõi kia, thường là Bồ-tát, dùng Tam-ma-đề mà lần-lượt tiến lên, hồi-hướng về đường tu-hành đạo Phật.

A-nan, những cõi trời tứ-không đó, thân tâm diệt hết, định-tính hiện-tiền, không có sắc-pháp của nghiệp-quả; từ đó đến cuối-cùng, gọi là Vô-sắc-giới.

Bọn đó, đều do không rõ Diệu-giác-minh-tâm, chứa-nhóm cái vọng, mà giả-dối phát -sinh ra ba cõi, giả-dối theo bảy loài trong đó, mà chìm-đắm và cá-thể thụ-sinh cũng theo từng loài.

ĐOẠN IV

RIÊNG-NÓI THÊM VỀ BỐN GIỐNG A-TU-LA

“Lại nữa, A-nan, trong ba cõi ấy, còn có bốn giống A-tu-la.

Nếu từ loài quỷ, do sức bảo-hộ Chính-pháp, được thần-thông vào hư-không, thì giống A-tu-la này, từ trứng sinh ra, thuộc về loài quỷ.

Nếu từ cõi trời, đức kém phải sa-đọa, chỗ ở gần với mặt trời, mặt trăng, thì giống A-tu-la đó, từ thai sinh ra, thuộc về loài người.

Có chúa A-tu-la, nắm-giữ thế-giới, sức-mạnh đến chỗ không phải sợ ai, có thể tranh-quyền với Phạm-vương, Đế-thích và Tứ-thiên-vương; giống A-tu-la này, nhân biến-hóa mà có, thuộc về loài trời.

A-nan, riêng có một số A-tu-la thấp-kém, sinh trong lòng biển lớn, lặn trong thủy-huyệt, ban ngày đi chơi trên hư-không, tối về ngủ dưới nước; giống A-tu-la này, nhân thấp-khí sinh ra, thuộc về loài súc-sinh.

MỤC VII

KHAI-THỊ CHỖ HƯ-VỌNG CỦA BẢY LOÀI ĐỂ KHUYẾN-KHÍCH TU-HÀNH CHÍNH-PHÁP

ĐOẠN I

KHAI-THỊ CHỖ HƯ-VỌNG

“A-nan, xét-rõ bảy loài địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sinh, người và thần-tiên, trời và A-tu-la như thế, đều là những tướng hữu-vi tối-tăm, giả-dối tưởng-tượng thụ-sinh, giả-dối tưởng-tượng theo nghiệp; đối với tâm-tính Diệu-viên-minh, bản-lai không năng-tác, sở-tác, thì đều như hoa-đốm giữa hư-không, vốn không dính-dáng; chỉ một cái hư-vọng, chứ không có cỗi-gối manh-mối gì.

ĐOẠN II

KHAI-THỊ VỀ NGHIỆP-NHÂN

“A-nan, những chúng-sinh đó, không nhận được tâm-tính bản-lai, chịu cái luân-hồi như thế trong vô-lượng kiếp, mà không chứng được chân-tính thanh-tịnh, đó đều do chúng thuận theo những sát, đạo, dâm, hoặc ngược lại ba cái đó, thì lại sinh ra không-sát, không-đạo, không-dâm; có, thì gọi là loài quỷ, không, thì gọi là loài trời; có và không thay nhau, phát-khởi ra tính luân-hồi.

ĐOẠN III

CHỈ-TỎ SỰ TU-HÀNH CHÂN-CHÍNH

“Nếu khéo tu-tập phát-huy phép Tam-ma-đề, thì trong bản-tính thường-diệu, thường-tịch, cả hai cái có, cái không đều không và cái không có, không không cũng diệt, còn không có gì là bất-sát, bất-đạo, bất-dâm, làm sao lại còn thuận theo được những việc sát, đạo, dâm.

ĐOẠN IV

TỔNG-KẾT VỀ QUẢ-BÁO ĐỒNG-PHẬN

“A-nan, không đoạn được ba nghiệp, thì mỗi mỗi chúng-sinh đều có phần riêng, nhân những cái riêng ấy, mà quả-báo đồng-phận-chung của các cái riêng, không phải là không chỗ nhất-định; đó là do vọng-kiến của tự mình phát-sinh ra; hư-vọng phát-sinh vốn không có nhân, không thể tìm-xét nguồn-gốc được.

ĐOẠN V

KHUYÊN ĐOẠN-TRỪ

“Ông khuyên người tu-hành, muốn được đạo Bồ-đề, cốt-yếu phải trừ tam-hoặc; tam-hoặc không hết, thì dầu được thần-thông, cũng đều là những công-dụng hữu-vi của thế-gian; tập-khí mê-lầm đã không diệt, thì lạc vào đường ma; tuy muốn trừ cái vọng, nhưng lại càng thêm giả-dối; Như-lai bảo là rất đáng thương-xót. Như thế, đều do vọng-kiến tự mình tạo ra, không phải là lỗi của tính Bồ-đề.

Nói như thế ấy, tức là lời nói chân-chính; nếu nói khác thế, tức là lời nói của Ma-vương”.

MỤC VIII

PHÂN-BIỆT CÁC ẤM-MA

ĐOẠN I

NGUYÊN-DO KHỞI RA CÁC MA-SỰ

Khi bấy-giờ, đức Như-lai gần chấm-dứt thời thuyết-pháp, ở nơi sư-tử-tọa, vin ghế thất-bảo, xoay về Tử-Kim-Sơn, trở lại dựa nơi ghế, bảo khắp đại-chúng và ông A-nan rằng:

“Bọn ông là hàng Duyên-giác, Thanh-văn hữu-học, ngày nay, đã hồi-tâm hướng về vô-thượng diệu-giác đạo Đại-bồ-đề, và tôi cũng đã chỉ-dạy phép tu chân-chính; nhưng các ông còn chưa biết những ma-sự nhỏ-nhiệm trong lúc tu-chỉ, tu-quán. Nếu cảnh ma hiện ra, ông không biết được, thì sẽ tu-tâm không đúng và mắc vào tà-kiến; hoặc bị ma ngũ-ấm của ông, hoặc bị thiên-ma, hoặc mắc quỷ-thần, hoặc gặp lỵ-mỵ, mà trong tâm không rõ, nhận giặc làm con. Lại nữa, có khi được một ít đã cho là đủ, như Vô-văn tỷ-khưu được Đệ-tứ-thiền, nói ma là chứng bậc thánh; đến khi quả-báo chư-thiên hết rồi, suy-tướng hiện ra, thì phỉ-báng quả A-la-hán còn phải thụ-sinh, nên đọa vào ngục A-tỳ. Các ông hãy nghe cho kỹ, nay tôi vì ông mà phân-biệt chín-chắn”.

Ông A-nan đứng dậy, với các hàng hữu-học trong Hội, vui-mừng đỉnh-lễ, kính nghe Phật từ-bi dạy-bảo.

Phật bảo ông A-nan và cả đại-chúng: “Các ông nên biết, mười hai loài chúng-sinh trong thế-giới hữu-lậu, tâm-thể giác-viên bản-giác diệu-minh, cùng thập phương chư Phật, không hai không khác. Do vọng-tưởng, các ông mê chân-lý thành ra lỗi-lầm. Si-ái phát-sinh, sinh mê cùng khắp, nên có hư-không; hóa mãi cái mê không thôi, nên có thế-giới sinh ra; các cõi-nước số như vi-trần ở mười phương, trừ cõi vô-lậu, đều do vọng-tưởng mê-lầm kiến-lập. Nên biết, hư-không sinh trong tâm ông, cũng như chút mây điểm trên vùng trời, huống nữa là các thế-giới ở trong hư-không. Một người các ông phát-minh chân-lý, trở về bản-tính, thì hư-không thập phương đó thảy đều tiêu-mất, làm sao, các cõi-nước hiện có trong hư-không ấy, lại không rung-động. Các ông tu thiền-định, trau-dồi phép Tam-ma-đề, tâm được thông-suốt, ám-hợp với các vị Bồ-tát và các vị vô-lậu Đại-a-la-hán mười phương, thật sự vắng-lặng, thì tất-cả Ma-vương, quỷ-thần và loài trời, phàm-phu, đều thấy cung-điện mình không cớ gì đổ vỡ, đất-liền rung-động, các loài thủy-lục bay-nhảy, thảy đều kinh-sợ. Phàm-phu tối-tăm, không rõ nên nghĩ-lầm; còn bọn kia đều được năm thứ thần-thông, trừ lậu-tận-thông, đương luyến-tiếc cảnh trần-lao, làm sao, lại để cho ông phá-hoại chỗ ở? Vậy nên các loài quỷ-thần, thiên-ma, vọng-lượng, yêu-tinh, trong lúc ông tu phép Tam-muội, đều đến quấy-phá.

Song các ma kia, tuy có giận-dữ, nhưng bọn chúng ở trong trần-lao, các ông ở trong diệu-giác, thì cũng như gió thổi ánh-sáng, như dao chém nước, hẳn không đụng-chạm nhau được; ông như nước sôi, bọn kia như giá-cứng, tạm gần hơi-ấm, thì không bao-lâu sẽ tiêu-tan. Chúng nó luống-ỷ thần-lực, nhưng chỉ làm người khách; nếu chúng có thể phá-rối được, là do người chủ ngũ-ấm trong tâm ông, nếu người chủ mê-lầm, thì khách được dịp khuấy-phá.

Đương lúc tu-thiền, giác-ngộ không lầm, thì các ma-sự kia không làm gì ông được. Khi năm ấm đã tiêu-trừ, vào tính sáng-suốt, thì bọn tà-ma kia là kẻ tối-tăm, sáng phá được tối, đến gần tự phải tiêu-mất, làm sao còn dám ở lại khuấy-phá thiền-định. Nếu không tỏ-ngộ, bị ngũ-ấm làm cho mê-lầm, thời chính ông là A-nan, lại phải làm con của ma và thành người ma. Như nàng Ma-đăng-già, sức còn hèn-kém, chỉ dùng chú-thuật, bắt ông phá luật-nghi của Phật; trong tám muông hạnh chỉ phá một giới; nhưng vì tâm ông thanh-tịnh, nên vẫn chưa bị chìm-đắm. Bọn ma nầy, thì phá-hoại toàn thân bảo-giác của ông, như nhà quan tể-thần, bỗng-nhiên bị tước hết, tịch hết, linh-đinh quanh-lộn, không thể thương-cứu.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.