Hồi Tưởng Những Mùa An Cư

An cư là một truyền thống lâu đời của Phật giáo. Truyền thống nầy có từ thời đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế. Tuy nhiên, đối với Phật giáo Phát triển trên hình thức có khác hơn thời Phật. Bởi Tăng đoàn thời Phật nuôi sống bằng cách đi xin ăn. Cho nên Tăng đoàn thời Phật gọi là khất sĩ. Đối với các nước Phật giáo Nguyên thủy thì Tăng đoàn vẫn còn duy trì truyền thống khất thực nầy. Phật giáo khác hơn các tôn giáo khác là ở chỗ, Phật giáo không có thiết lập giáo điều định chế sẵn dựa theo chủ quan của vị giáo chủ, mà mọi định chế của Phật giáo chỉ xuất hiện sau khi Tăng đoàn đã được thành lập. Những mùa an cư thời Phật đã được quy định phần lớn là dựa vào thời tiết và theo tinh thần giới luật. Bởi mùa mưa, còn gọi là vũ kỳ là mùa mà các loài côn trùng sinh sôi nẩy nở. Vì không muốn thấy những loài sinh vật nầy bị chết dưới bàn chân dẫm đạp của mình, nên Phật ra lệnh cho Tăng đoàn phải quy tụ lại một trú xứ để cấm túc an cư. Đó là do lòng từ bi sâu rộng của Phật.

Noi theo truyền thống đó, hằng năm, Tổ Đình Phước Huệ đều có tổ chức cho chư Tăng Ni trong tông môn quy tụ về Tổ Đình để an cư tu học trong ba tháng. Trong suốt thời gian an cư, chư Tăng Ni trong hàng tông môn đã được cố Đại Lão Hòa Thượng thượng Phước hạ Huệ đều trực tiếp hướng dẫn chỉ giáo. Vì Ngài nguyên là Tông Trưởng của Tổ Đình Phước Huệ. Từ trước cho tới khi Ngài viên tịch, không có mùa an cư nào mà vắng bóng Ngài. Dù già yếu trọng tuổi sức khỏe kém, nhưng Ngài vẫn luôn có mặt đều đặn trong những giờ giảng dạy do Ngài phụ trách. Nhờ sự tận tâm hướng dẫn chỉ giáo nhắc nhở của Ngài mà chư Tăng Ni luôn nỗ lực tinh tấn tu học.

Riêng tôi, nhớ lại, gần mười năm qua không mùa an cư nào mà tôi không phụ lực tiếp sức với Ngài. Gần tới mùa an cư, Ngài nhắc nhở chúng tôi nhớ về Tổ Đình để giúp hướng dẫn cho chư Tăng Ni tu học. Là đệ tử tất nhiên, tôi phải dâng theo lời Ngài dạy. Vì vậy kể từ mùa an cư kiết đông năm 2003 đến nay, không mùa an cư nào tôi vắng mặt. Chỉ có năm 2005, tôi bị giải phẩu xương sống nên mới vắng mặt một kỳ đó thôi. Trong khi tôi nằm dưỡng bệnh tại tịnh thất của tôi, Ngài và thầy Phước Hựu có đến thăm. Lúc đó, gần tới ngày an cư, nên tôi kính trình với Ngài xin phép Ngài được tác bạch tùy thuận an cư. Ngài hứa khả và bảo tôi cứ lo dưỡng bệnh đến holiday khỏe, Phước Thái lên phụ giúp khóa xuất gia ngắn hạn. Tôi nói, chừng đó khỏe con sẽ lên phụ giúp với Hòa Thượng.  Dù là một đệ tử, nhưng Ngài đối xử với chúng tôi như là một vị giáo thọ ở Tổ Đình Phước Huệ. Không có mùa an cư nào mà Ngài không bảo Thầy Phước Đạt với tư cách là một Tri Sự Tổ Đình đạt thơ mời tôi. Đó là điều mà chúng tôi luôn khắc ghi không bao giờ quên.

Mỗi lần lên, có dịp, Ngài gọi tôi đến phương trượng của Ngài để bàn bạc về chương trình giảng dạy cho học chúng. Phải nói Ngài rất quan tâm lo cho các đệ tử. Ngài thường bảo tôi: “Phước Thái nên soạn chương trình sắp xếp cho các môn học thích hợp với trình độ của học chúng. Thầy biết trong học chúng có nhiều trình độ chênh lệch, tuy vậy,  mình nên chú ý nhiều đối với các vị tương đối còn trẻ tuổi, để cho họ có thêm kiến thức về giáo lý cũng như về các môn học khác như: văn học, sử học, huấn luyện diễn giảng và hành chánh v.v… Đó là điều Thầy rất mong mỏi kỳ vọng vào họ để sau nầy họ có thể gánh vác những công tác Phật sự làm lợi ích cho chúng sinh”. Chính nhờ động lực khuyến tấn của Ngài, mà chúng tôi đã cố gắng biên soạn hoàn thành trọn bộ 4 quyển Kinh Pháp Cú Song Ngữ Chú Giải. Cứ mỗi mùa an cư, tôi biên soạn một cuốn để đem ra hướng dẫn giúp cho chư Tăng Ni học chúng. Nhờ đó mà họ có thêm kiến thức căn bản về Phật Pháp.

Trong chương trình giảng dạy, thường là Ngài đảm trách hai buổi, tuy nhiên, khi nào vắng người hướng dẫn, thì Ngài thế vào. Ngoài ra, sau những giờ công phu sáng, tất cả học chúng già trẻ đều vân tập ở phương trượng để cung an sức khỏe của Ngài. Nhân đó Ngài giảng dạy thêm qua những kinh nghiệm trong cuộc đời tu học của Ngài. Đồng thời, Ngài cũng dẫn những lời Phật Tổ dạy trong kinh điển để đem ra trình bày cho học chúng, để mọi người lấy đó làm tấm gương soi sáng trên bước đường tu học. Đó là những dòng sữa ngọt ngào mà Ngài luôn quan tâm tưới tẩm cho mọi người. Chính nhờ những dòng sữa nầy mà các hàng đệ tử trong tông môn ngày càng tăng trưởng pháp thân huệ mạng. Đó là một ân đức quá cao sâu lớn lao thật không sao nói hết.

Đặc biệt mùa an cư năm nay, tôi có đề nghị với Thượng Tọa Thích Phước Tấn trụ trì chùa Quang Minh nên cho quý liên hữu trong đạo tràng Quang Minh thọ bát hằng tuần vào mỗi ngày chủ nhật. Thầy rất hoan hỷ hứa khả. Vì vậy, nên tôi chỉ đi lên xuống Phước Huệ chớ không có mặt thường xuyên như những năm trước. Sau khi làm lễ tác pháp an cư, chúng tôi ở lại Tổ Đình một tuần để giúp hướng dẫn cho đại chúng tu học. Qua một tuần tôi về lại Melbourne thì có Thượng Tọa Thích An Chí từ Na Uy qua để hướng dẫn giúp cho chư Tăng Ni được mười ngày. Sau đó, chúng tôi trở lên hướng dẫn tiếp. Ngoài ra, còn có pháp hữu Chúc Thanh hai tuần giúp cho một buổi tối vào mỗi thứ sáu. Tuy vắng bóng Hòa Thượng và ít người giảng dạy như những mùa an cư trước kia,  nhưng tinh thần tu học của đại chúng vẫn tiến triển đều đặn không có gì sa sút. Những lúc không có người hướng dẫn, thì học chúng vẫn đến lớp mở băng dĩa mà do cố Đại Lão Hòa Thượng giảng giải trong các mùa an cư trước kia. Mỗi người lắng nghe theo dõi những lời giảng dạy của Ngài, rồi sau đó nếu có vị nào chưa hiểu rõ thì nêu ra những câu hỏi để cùng nhau trao đổi bàn thảo giải đáp. Nhờ vậy mà học chúng tăng thêm phần lợi ích trong sự học vấn. Đó cũng là cách ôn nhớ lại những gì mà Ân Sư đã hướng dẫn chỉ dạy trong những mùa an cư qua. Phải chăng nhờ đó mà tinh thần tu học của chư Tăng Ni càng thêm dũng mãnh và đạo lực mỗi ngày càng thăng tiến. Dù Thầy đã không còn nhưng những lời dạy của Thầy vẫn còn đó. Những lời giáo huấn của Thầy như đã ăn sâu vào trong tâm khảm của mỗi người. Tuy không có Thầy trực tiếp chỉ dạy, nhưng không phải vì thế mà tinh thần tu học đoàn kết thương yêu đùm bọc giúp đỡ cho nhau trong thâm tình huynh đệ lại bị sút giảm đi.  Ngược lại, tôi thấy tinh thần tu học và tình huynh đệ của mọi người lại càng tiến triển gắn bó nhau hơn. Chứng minh trong mùa an cư lần đầu không có Thầy mà mọi người vẫn coi như là có Thầy bên cạnh luôn nhắc nhở không khác gì trong những mùa an cư của những năm qua. Quả đúng với câu người xưa nói: “cung kính bất như phụng mạng”. Thật vậy, cung kính không bằng vâng lời làm theo.

Tuy là vậy, nhưng tôi đoán biết quý vị học chúng khi vào trong lớp học cảm thấy như thiếu vắng đi một điều gì đó mà chỉ có tận thâm tâm của mỗi người mới thầm cảm nhận mà thôi. Bao nhiêu kỷ niệm êm đềm và những âm vang của ngày nào như còn đọng lại văng vẳng bên tai. Giọng nói trầm ấm thanh tao nhẹ nhàng chứa đựng đầy lòng từ bi vị tha nhân ái và những nụ cười cởi mở hoan hỷ trên môi của một bậc Thầy khả kính  như vẫn còn đó. Hình ảnh từng bước đi khoan thai ung dung chậm rãi thanh thoát của một con Người hiền hòa đức độ mỗi khi lên bụt giảng vẫn còn in đậm nét trong tâm tưởng của mỗi người. Có những lúc đi ngang qua phương trượng của Ngài tôi cứ tưởng là Ngài vẫn còn tịnh tu trong đó. Nói thế, không có nghĩa là tôi sống trong ảo tưởng. Tôi đang sống với thực tại và chính vì đang sống với thực tại nên tôi thấy Ngài vẫn còn hiện hữu có mặt khắp nơi. Những lời Ngài dạy vẫn luôn sống dậy trong tâm khảm của mỗi đệ tử.

Phải chăng Tăng Ni học chúng cũng nhờ hưởng những dòng sữa ngọt ngào do Ngài đã dày công tưới tẩm nên hôm nay dù vắng bóng Ngài ở Tổ Đình, nhưng mỗi người vẫn khép mình tu học nghiêm chỉnh trong ba tháng an cư như lúc Ngài còn có mặt. Mỗi người càng tinh tấn nỗ lực tu học nhiều hơn. Đó là một tâm cảm thể hiện những gì mà họ đã thọ ân và họ đang trả ân cho Thầy Tổ bằng cách là nỗ lực tiến tu. Tôi nhìn thấy mỗi người đều gia công hết lòng cặm cụi miệt mài trong việc tu học. Tất cả vẫn giữ thời khóa đều đặn. Thời khóa tụng niệm hằng ngày vẫn giữ đúng như những mùa an cư trước đây. Mỗi người tự ý thức và tận tình giúp đỡ lẫn nhau. Vị nào trọng tuổi hay đau yếu thì ở tại phòng niệm Phật. Khi còn Hòa Thượng các vị đó cũng vẫn giữ như thế. Đồng thời, những công việc Phật sự của Tổ Đình quý vị đó vẫn xúc tiến điều hành công việc một cách trôi chảy đều đặn không gì trở ngại. Bởi tất cả đồng tâm quyết chí làm sống dậy tinh thần của một người đệ tử khi không có mặt của Thầy.

Ngồi ghi lại những điều nầy để hồi tưởng lại một vài nét kỷ niệm của những mùa an cư đã qua. Đó là những kỷ niệm thật êm đềm lặng lẽ như dòng nước chảy trôi trong nguồn suối an vui tươi mát thắm đượm tràn đầy của tình nghĩa Thầy trò. Trong niềm hoài cảm nhớ thương đó, tôi không khỏi bùi ngùi cảm động khi nhớ lại những lời ân cần thức nhắc khuyên bảo sách tấn tu học của Ngài trong sau mỗi kỳ đại chúng tác pháp an cư. Nhớ lại mùa an cư kiết đông năm rồi, Ngài vẫn còn mạnh khỏe chứng minh nói những lời tâm tình thức nhắc cho các tông môn đệ tử bằng những kinh nghiệm trải dài trong suốt quá trình tu học của Ngài. Với một thân thể gầy yếu cao tuổi, nhưng tinh thần của Ngài vẫn còn rất minh mẫn sáng suốt. Mỗi lời Ngài dạy như toát ra cả một sức sống đầy năng lực trong tinh thần hướng thượng để mong mọi người chóng đạt thành sở nguyện.

 

Lời Thầy di huấn còn đây
Ngàn sau vẫn nhớ đắp xây đạo tình
Sá chi vinh nhục, nhục vinh
Gương xưa còn đó lặng nhìn trời trong

Bầu trời Viên Giác thong dong
Tịnh tâm lạc cảnh một lòng khắc sâu
Bóng Thầy chẳng định nơi đâu
Tùy duyên độ chúng chóng mau thoát nàn

Noi gương nếp sống thanh nhàn
Ung dung tự tại một đàn chim bay
Không gian vượt cả tháng ngày
Hoa mai rụng hết cành mai vẫn còn.

Thích Phước Thái

 

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.