Như Thế Nào Gọi Là ‘Giá Sàn’ Của Lương Tâm?

Xưa có một nhà sưu tầm các tác phẩm hội họa. Ông từng phải vất vả làm qua nhiều công việc khác nhau để có tiền mua tranh vẽ mà ông yêu thích. Có câu nói rằng: “Ông Trời không phụ người có tâm”, sau mấy chục năm ông đã có trong tay các tác phẩm của nhiều danh họa tầm cỡ trên thế giới.

Tác phẩm đấu giá là bức vẽ không mấy tên tuổi của một cựu quân nhân. Không ai muốn mua nó, duy chỉ có một người…

Vợ mất sớm để lại cho ông cậu con trai duy nhất. Người ta vẫn nói: “Cha nào con nấy”, con trai ông cũng đam mê hội hoạ và thích ngắm nhìn các tác phẩm trong bộ sưu tập của cha mình. Việc sưu tầm những bức tranh nổi tiếng đã trở thành niềm vui thích chung của cả hai cha con.

Thế rồi chiến tranh bùng nổ. Giống như rất nhiều thanh niên trẻ tuổi khác, con trai ông cũng tham gia quân ngũ bảo vệ tổ quốc.

Khi những tháng ngày khói lửa qua đi, người cha già bất ngờ nhận được một bức thư, trong thư viết: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc thông báo với ngài rằng, lệnh lang đã hy sinh trong khi chiến đấu…”.

Ruột gan ông như đứt lìa từng khúc, ông cầm bức thư mà hai tay run rẩy, nước mắt ướt nhoè cả trang giấy.

Sống trong tuyệt vọng

Trong trận chiến định mệnh ấy, con trai ông đã rút vào vùng an toàn sau nhiều giờ anh dũng quật cường. Nhưng khi nhận ra các chiến hữu bị thương đang mắc kẹt ngoài kia, anh đã xông ra cõng từng người từng người vào trong chiến hào. Khi chuẩn bị đặt người chiến hữu cuối cùng vào trong hầm trú thì bất ngờ một phát đạn của kẻ địch đã nhằm trúng anh…

Với người cha già như ông, việc con trai hy sinh quả là một đòn giáng không gì đau đớn bằng. Chỉ trong thời gian ngắn ông đã già yếu đi nhanh chóng.

Một tháng sau cũng là lúc cả nước tưng bừng đón Noel – kỳ nghỉ lễ đầu tiên khi hoà bình lập lại. Nhưng ông không có chút tâm tình nào đón ngày lễ, thậm chí ông còn nằm bệt trên giường mà không muốn dậy. Bởi vì ông vẫn không dám tin vào hiện thực, ngày lễ Noel mà vắng bóng con trai…

Đúng lúc ấy, tiếng chuông cửa vang lên. Ông mở cửa ra, chỉ thấy một cậu thanh niên trẻ tuổi đang đứng đó.

Tác phẩm trân quý nhất

Chàng trai nói với ông: “Thưa bác, có lẽ bác không biết cháu. Cháu chính là người thương binh mà con trai bác đã cứu lúc hy sinh”.

Nói đến đây, đôi mắt cậu ngân ngấn nước. Cậu kính cẩn dâng một bức vẽ lên ông và nói: “Cháu rất nghèo, gia tài không có gì đáng giá. Cháu từng nghe con trai bác kể rằng bác rất yêu hội hoạ. Tuy cháu không phải là nghệ sỹ, nhưng vì để cảm tạ ơn cứu mạng cháu đã vẽ bức tranh chân dung anh ấy, mong bác nhận lấy”.

Người cha chấn động vô cùng, tay run rẩy đón lấy cuộn tranh, giở ra từng tầng từng lớp. Hai tay ông nâng bức vẽ chân dung con trai rồi quay người từng bước, từng bước lên lầu, đến phòng tranh. Ông lấy tác phẩm lớn nhất trên bức tường gần lò sưởi xuống rồi treo bức chân dung con trai lên.

Người cha nước mắt giàn giụa nói với cậu trai trẻ: “Cảm ơn cháu, đây là bức tranh bác trân quý nhất. Đối với bác nó còn giá trị hơn tất cả những tác phẩm mà bác đã sưu tầm trước đây”.

Cuộc đấu giá kỳ lạ

Một năm sau, người cha u uất không thể vượt qua cú sốc nên đã qua đời. Các bức họa ông dành cả đời sưu tầm được đem đi bán đấu giá dịp lễ Noel năm đó. Khi tin tức truyền đi, ông chủ của các bảo tàng và các nhà sưu tầm khắp trong ngoài nước tấp nập đến, họ muốn tham gia đấu giá lần này.

Ngày đấu giá, toàn hội trường chật ních người với đủ các tên tuổi danh tiếng.

Người chủ trì đấu giá trịnh trọng tuyên bố: “Cảm ơn quý vị đã đến tham gia. Bây giờ chúng ta bắt đầu. Vật đấu giá thứ nhất là bức tranh chân dung ở phía sau tôi”.

Bức chân dung mà người chủ trì cuộc đấu giá nói đến chính là tác phẩm mà cậu thanh niên từng vẽ tặng cho người cha năm ngoái.

Một số người trong hội trường kêu lên: “Đây chỉ là bức chân dung không có giá trị. Chúng ta bỏ qua cái này đi, trực tiếp đấu giá các bức danh họa nhé?”.

Người chủ trì uy nghiêm lắc đầu: “Không được. Trước tiên phải đấu giá bức tranh chân dung này, sau đó mới có thể tiếp tục”.

Rồi ông nói tiếp: “Giá khởi điểm là 100 đô la. Ai sẵn lòng bỏ giá?”.

Không có ai trả lời.

Ông lại nói: “Có ai đồng ý bỏ ra 50 đô la không?”.

Vẫn không có ai đáp lời.

Ông tiếp tục hỏi: “Có ai đồng ý bỏ ra 40 đô la không?”.

Vẫn không có ai lên tiếng.

Người chủ trì đấu giá có vẻ buồn bã, tiếng nói run run. Ông hỏi: “Có phải không có ai muốn trả giá cho bức tranh này không?”.

Lúc này một cụ già đứng lên nói: “Thưa ông, 10 đô la có được không? Ông xem, 10 đô la là toàn bộ gia tài của tôi rồi. Tôi là người hàng xóm của nhà sưu tầm. Tôi biết cậu bé này, tôi trông nom cậu ấy lớn lên. Nói thực lòng, tôi rất thích cậu bé. Tôi muốn mua bức tranh này, 10 đô la có được không?”.

Người chủ trì nói: “Được, 10 đô la, lần thứ nhất. 10 đô la lần thứ hai. 10 đô la lần thứ ba. Giao dịch thành công”.
Phòng đấu giá lập tức nổ lên một tràng pháo tay hoan hô. Sau đó, mọi người đều phấn khích, ai nấy đều bàn tán xôn xao: “Chà, bây giờ cuối cùng cũng đã bước vào chủ đề chính rồi”.

Người chủ trì bán đấu giá tuyên bố: “Một lần nữa cảm ơn các quý vị đã đến dự và tham gia buổi đấu giá này. Cuộc đấu giá hôm nay đến đây là kết thúc”.

Những người tham dự đều ngây người: “Điều này có nghĩa là gì vậy? Các tác phẩm chính còn chưa đấu giá một bức nào, sao lại kết thúc được?”.

Người chủ trì thần sắc vô cùng nghiêm túc nói: “Rất lấy làm tiếc thưa các vị, cuộc đấu giá thực sự chỉ có thể đến đây thôi. Căn cứ theo di chúc của người chủ sở hữu, ai mua bức chân dung con trai ông thì sẽ được sở hữu toàn bộ các tác phẩm sưu tầm ở đây… Đây chính là giá sàn”.

Nam Phương ( Theo Apollo )

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.