Phù Vân Không Khứ Lai

Thời gian âm thầm lặng lẽ trôi qua thật nhanh, mới đó mà đã tròn một năm. Lật bật đã đến ngày kỵ giỗ tiểu tường của cố Đại Lão Hòa thượng Tông Trưởng Tổ Đình Phước Huệ. Để tưởng niệm ân đức sâu dày của một bậc Thầy đã dày công giáo hóa, các hàng đệ tử xuất gia và tại gia trong tông môn của Tổ Đình, đã đồng tâm hiệp lực tổ chức ba ngày đại lễ kỵ giỗ tiểu tường thật vô cùng trang nghiêm và trọng thể. Thời gian đã được Ban Tổ Chức quyết định vào các ngày: 17, 18, 19, 20, tháng 1 năm 2013, tức nhằm các ngày mùng 6, 7 ,8 , 9, tháng chạp năm Nhâm Thìn.

(Hình Nhất Phiến Vân – Hạt Cát) Cần nói rõ, vì là năm nhuần, nên phải cúng trước một tháng. Thay vì là ngày mùng 6 tháng giêng năm Quý Tỵ, thì lại bắt đầu cúng vào ngày mùng 6 tháng chạp năm Nhâm Thìn. Riêng ngày mùng 6, đặc biệt chỉ có trong nội bộ tông môn thiết lễ tụng kinh và cung tiến Giác linh Hòa thượng vào buổi ngọ trưa mà thôi. Đến 10 giờ sáng của ngày 18/1/13/ tức nhằm ngày mùng 7 tháng chạp năm Nhâm Thìn mới chánh thức vào đám.

Sự sống chết của một đời người in như giấc mộng. Tuy biết là giấc mộng, nhưng có mấy ai thoát khỏi tử sanh! Đến có mặt với đời thì người ta vui, nhưng khi từ giả ra đi thì người ta không muốn. Sanh thì vui mà tử thì buồn. Đó là tâm bịnh chung của chúng sanh. Thiền Sư Trì Bát đời Lý cũng đã từng nói:

Hữu tử tất hữu sanh
Hữu sanh tất hữu tử
Tử vi thế sở bi
Sanh vi thế sở hỷ

Bi hỷ lưỡng vô cùng
Hốt nhiên thành bỉ thử
Ư chư sanh tử bất quan hoài
Án tô rô tố rô tất rị.

Tạm dịch:

Có tử ắt có sanh
Có sanh ắt có tử
Chết là người đời buồn
Sanh là người đời vui

Buồn vui hai không cùng
Chợt vậy thành kia đây
Đối sanh tử chẳng để lòng
Án tố rô tố rô tất rị

Theo quan niệm thông thường của người đời cho rằng, sống và chết là hai phạm trù sinh diệt đối đãi. Sống và chết là hai thực thể khác biệt. Chết để rồi sống và sống để rồi chết. Nói cách khác, diệt để rồi sinh và sinh để rồi diệt. Nhưng đối với người đạt đạo thì, sống và chết hay sinh và diệt chỉ là những hiện tượng ảo ảnh của một thực tại. Như biển là một thực tại của sóng và nước. Người có cái thấy vượt ngoài đối đãi sinh diệt như thế, thì đối với việc sống hay chết họ không còn gì phải bận tâm lo âu sợ hãi. Tuy nhiên, đối với hàng phàm phu tục tử chúng ta, vì còn kẹt trong cái phạm trù khái niệm sinh diệt, nên mãi tạo nghiệp thọ khổ. Vì vậy, nên chúng ta cứ mãi bị trầm luân nổi trôi trong biển đời sanh tử chịu nhiều tang thương hệ lụy.

Biển thì lúc nào cũng yên lặng, nhưng nó không yên lặng là bởi do gió thổi động tạo thành sóng. Khi đang nổi thành sóng thì ta thấy dường như mặt biển có động, nhưng kỳ thật thì mặt biển không phải vì thế mà mất đi cái thể tánh yên lặng. Tuy không mất đi, nhưng lúc đó chúng ta chỉ thấy sóng chớ không thấy được mặt biển. Nhìn sâu sắc hơn, chúng ta thấy toàn sóng cũng chính là nước. Ngược lại, trong nước đã có chứa sẵn mầm sóng. Như vậy, sóng và nước là hai thực thể bất khả phân ly. Nói hai thì không đúng mà nói một cũng không được. Sống không ngoài chết và chết cũng không ngoài sống. Nói cách khác phiền não không ngoài Bồ đề và Bồ đề cũng không ngoài phiền não mà có. Đó là ý nghĩa của lý Pháp Môn Bất Nhị trong Kinh Duy Ma và cũng là lý “Tương Tức, Tương Nhập” trong văn hệ tư tưởng siêu việt của Kinh Hoa Nghiêm. Đứng về mặt hiện tượng, thì thấy có chết, nhưng đứng về mặt bản thể thì nào có chết chóc gì đâu. Như sóng tan về biển, sóng có mất đi đâu. Nếu còn kẹt vào khái niệm sống chết thì, chúng ta không thể nào thấy được cái “tánh không” sống chết. Cũng như khi kẹt vào hiện tượng của phiền não thì làm sao ta thấy được cái tánh thể Bồ đề? Bồ đề và phiền não là hai thực thể không thể ly khai ra được. Tuy nhiên, Khi tức giận nổi lên, thì ta không thể nói đó là Bồ đề, nhưng khi tức giận không còn thì cái “tánh không giận” (trước khi khởi giận ) sẽ hiện bày. Tánh không giận là Bồ đề còn giận là phiền não. Đó là lý tương tức tương nhập, mà ta không thể tách rời ra được. Nên nói phiền não tức Bồ đề, sanh tử tức Niết bàn là vậy. Nói một là sai mà nói hai thì không đúng.  Bởi vậy, cuối bài kệ Ngài Trì Bát chỉ nêu ra câu chú: Án tố rô tố rô tất rị. Nhiều người ngộ nhận cho rằng sao tu thiền mà còn tụng chú? Câu chú đó nói lên cái thấy vượt ngoài đối đãi. Bởi câu chú đó không cắt nghĩa được. Không cắt nghĩa tất nhiên, là bặt dòng suy tư khái niệm. Chính đó mới nhận ra cái không có sống chết.

Một bài kệ khác cũng nêu ra về ý nghĩa nầy:

Hữu sanh hữu tử hữu luân hồi
Vô sanh vô tử vô khứ lai
Sanh tử khứ lai đô thị mộng
Tốc phao trần thế thượng liên đài.

Tạm dịch:

Có sanh có tử có luân hồi
Không sanh không tử không tới lui
Sanh tử tới lui đều là mộng
Chóng ly trần thế thượng liên đài

Sự hành hoạt của các vị Bồ tát tới lui trong lòng cuộc đời để độ sanh, khác nào như những đám mây nổi qua lại trong bầu trời trong sáng thong dong tự tại. Đến và đi trong âm thầm lặng lẽ tùy duyên sinh khởi. Đi mà không có tướng đi, đến cũng không có tướng đến. Đến và đi chỉ là hai phạm trù sinh diệt trong thế giới hiện tượng vô thường. Một bậc chân tu khi đã nhận rõ cuộc đời là huyễn mộng, thì không có gì làm trở ngại bước tiến đến và đi của các ngài. Tùy duyên đến và tùy duyên đi. Vạn tượng chỉ là hoa đốm giữa hư không. Với cái nhìn Tục đế hay Thế giới tất đàn, thì không thể phủ nhận sự đến và đi của các ngài. Đến để có mặt với cuộc đời, có mặt trong hữu tướng nhưng hành hoạt Phật sự trong vô tướng. Do đó, nên không có gì làm trở ngại ý chí độ sanh của các ngài. Vì các ngài có một trái tim bao dung vị tha rộng lớn, chứa đựng sự có mặt của tất cả muôn loài.

Sự có mặt với cuộc đời của cố Hòa thượng Tông Trưởng là một chặng đường trong vô số chặng đường hành hoạt vị tha của Bồ tát đạo.  Người đến trong lòng nhơn loại để làm lợi ích cho chúng sinh. Người đi cũng là một sự tiếp nối trong bước hành trình độ sanh kế tiếp – vô tận. Mây thì có bay qua bay lại, nhưng bầu trời nào có động tịnh chi đâu. Động hay tịnh là do cái nhìn vọng kiến điên đảo chấp trước của chúng sinh. Không phải vì mây bay mà bầu trời không có. Bầu trời trước sau vẫn là bầu trời trong tạnh. Bầu trời thì bao la rộng khắp trùm cả thái hư, không vật gì ngoài nó. Sao ta cứ nhìn vào đám mây tới lui mà quên mất đi cái bầu trời bao la yên lặng trong sáng kia? Như thế là ta đã bị dính kẹt vào đám mây rồi. Ngay đám mây đó cũng không có mất đi đâu. Chẳng qua là mây biểu hiện dưới một hình thức khác thôi. Mây sẽ trở thành những hạt mưa. Và những hạt mưa chính là tiếp nối của đám mây. Thiền quán sâu sắc hơn thì, ta sẽ thấy mây cũng không có đến và đi. Đến và đi đó là do cái thấy của ta bị kẹt vào đám mây. Tự thể của đám mây cũng không có tới lui qua lại. Mà mây chỉ là trong thế giới ảo tưởng của dòng tâm thức suy luận khái niệm đặt định của chúng ta mà thôi.

Có cái nhìn sắc bén như thế, thì sự đến và đi của ta không có gì phải bận tâm lo lắng và cũng không có gì phải sợ hãi mất đi. Bọt tan về biển, bóng đèn điện xài lâu thì bị đứt, nhưng dòng điện nào có mất đi đâu. Khi nhìn thấy bọt biển tan, bóng đèn đứt, thì ta lại hốt hoảng lo âu và sợ hãi, đó là vì ta chưa thấy được cái tự thể của bọt biển và của bóng đèn. Khi thấy được cái tự thể bất sanh bất diệt của chúng rồi thì, sự lo âu sợ hãi của chúng ta sẽ  lập tức tan biến ngay.

Tuy nhiên, vì chưa đạt được cái thấy vô tướng đó, nên chúng ta cũng tùy duyên theo dòng tục đế mà thi thiết lễ nghi trong tình nghĩa Thầy trò cho phải đạo. Đó cũng chỉ là phương tiện thể hiện trong thế giới giả lập nhị nguyên, trong mối tương duyên theo nguyên lý đạo đời. Đây cũng là thể hiện trong mối thâm tình báo đáp ân sâu của đạo làm người. Mang hình thức của một con người trần tục đi vào cuộc đời làm lợi lạc cho quần sanh. Như thế đời không ngoài đạo và đạo cũng không ngoài đời. Đạo và đời là hai thực thể bất khả phân ly. Nước trong và nước đục đâu phải là hai, nhưng nếu nói là một cũng không đúng. Sự hành hoạt của một vị Bồ tát đi vào cuộc đời cũng thế. Cư trần bất nhiễm trần là yếu lý của một con người hành hóa hòa quang đồng trần như đóa hoa sen ngát tỏa hương thơm mọc lên từ nơi bùn lầy ô uế.

Suốt cuộc đời hành hóa của cố Đại Lão Hòa thượng Tông Trưởng là một đánh giá cao đẹp cho sự thăng hoa trong tiến trình tu chứng và nhập thế độ sanh. Một tiến trình chỉ biết hy hiến đời mình để phục vụ cho đạo pháp và nhơn sinh. Từ khi xuất gia vào đạo cho đến khi viên tịch, là một chuỗi dài thời gian thách thức trải nghiệm, đủ để hoàn thành sứ mệnh của một sứ giả Như Lai: “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”. Vì đó là bản nguyện của người xuất gia trong vai trò trách vụ hoằng pháp lợi sinh. Nhìn lại, suốt đoạn đường qua, Ngài đã dấn thân làm Phật sự ở các nơi, tùy theo nhu cầu của đạo pháp và sự cần đến của chúng sinh. Ngài đã thực hiện đúng theo lời nguyện:

“Chỗ nào chúng sanh cần con đến
 Nơi nào đạo pháp cần con đi
 Chẳng nại gian lao
 Chẳng nài  khó nhọc”.

Và Ngài cũng đã thể hiện đúng như lời Cổ Đức đã dạy: “Thật tế lý địa bất thọ nhứt trần, vạn sự môn trung bất xả nhứt pháp”. Nghĩa là đến chỗ cứu cánh cùng tột thì không thọ một mảy may trần cảnh, vì “bản lai vô nhứt vật”, nhưng đối với cánh cửa quyền môn phương tiện, thì mọi Phật sự dù lớn hay nhỏ, Ngài quyết không thể bỏ qua. Được thế do đâu?  Chính là do tấm lòng bi nguyện độ sanh tha thiết mà Ngài đã noi theo tấm gương công hạnh cao cả của chư Phật Tổ đã làm. Vì thế, nên trọn đời làm Phật sự mà chưa bao giờ Ngài biết than van mỏi mệt.

Có đôi lúc thấy Ngài tuổi già sức yếu, mà vẫn còn vân du đó đây gánh vác nhiều công việc Phật sự, nên các đệ tử trong tông môn nóng lòng sốt ruột thành kính thỉnh Ngài nên an dưỡng nghỉ ngơi cho khỏe. Ngài nói: “Người xuất gia phải lấy việc độ sanh làm trên hết, ngày nào mà chúng sanh còn đau khổ, thì ngày đó mình vẫn còn có trách nhiệm. Thượng hoằng hạ hóa đó là bổn phận trách nhiệm của người xuất gia. Khi nào không còn làm việc được nữa thì thôi, còn có chút sức khỏe thì vẫn còn phải làm”. Lời nói đó thật là tràn đầy lòng từ bi vị tha nhân ái của một bậc Thầy suốt đời chỉ biết tận tụy làm lợi ích cho chúng sanh.

Thật vậy, trải qua nhiều giai đoạn theo dòng biến chuyển của thời gian, Ngài đã đảm nhận gánh vác nhiều trọng trách, do các bậc Thầy Tổ giao phó. Nhưng làm mà không thấy có cái Ta sở hữu trong đó. Làm với tinh thần bất vụ lợi, vô trụ tướng, không dính kẹt vào bất cứ thứ gì. Tuy hiện tướng là có tất cả để lại cho người đương thời cũng như các thế hệ tương lai hưởng dụng, nhưng Ngài luôn coi đó chỉ là những thứ giả tướng hữu vi sinh diệt vô thường. Đã thế, thì không có một vật thể nào làm lay động lòng tham chấp của một con người chỉ biết xả thân cầu đạo, coi việc làm của mình như trăng dưới nước, như bóng trong gương. Ra đi bằng một tâm thái thư thả nhẹ nhàng hòa nhập trong bầu trời tự do giải thoát. Đúng như lời Ngài đã từng thức nhắc trong chúng: “Đủ duyên thì làm, hết duyên thì đi. Chúng ta đến cũng theo duyên, mà đi cũng theo duyên. Còn phút giây nào có mặt với đời thì các vị hãy ráng cố gắng làm lợi ích cho mình và người. Tự lợi, lợi tha đó là công hạnh của Bồ tát. Song tùy duyên nhưng phải bất biến, có thế, thì mới không luống uổng phí một đời xuất gia tu hành của mình, hạnh nguyện của người xuất gia thật cao cả không phải tầm thường”. Những dư âm của lời dạy đó như còn vang đọng lại trong tâm khảm của mỗi người. Một lời dạy tuy ngắn gọn, nhưng chứa đựng cả tấm lòng bi mẫn đối với tha nhân và mở rộng cõi lòng thênh thang tự tại trong bầu trời tự do giải thoát.

Hôm nay, chúng ta thiết lễ tưởng niệm đến ân đức hy sinh cao cả của Ngài, không ngoài mục đích nhằm để báo đáp thâm ân phần nào trong muôn một. Đó là đạo lý căn bản của con người, nhớ về nguồn cội cần phải có. Bởi tri ân và báo ân là hai đức tánh căn bản của đạo làm người. Tuy nhiên, nếu chỉ báo ân bằng cách phô trương qua những lễ nghi hình thức không thôi, thiết nghĩ, cũng chưa đủ, mà chúng ta còn cần phải thực hiện những gì mà Ngài đã từng thức nhắc chỉ dạy. Chỉ có thế, mới thực sự là người khéo biết tri ân và báo ân trong tinh thần của một người đệ tử. Tuy tất cả chỉ là hình thức, nhưng nếu không có hình thức thì cũng không ai biết được cái phẩm chất của nội dung là gì. Hình thức bên ngoài chỉ là biểu hiện những gì nội dung bên trong muốn nói. Nhưng, tất cả, rốt lại cũng chỉ là ảo ảnh vang bóng mà thôi.

Với cái nhìn của người đạt đạo như Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác thì, “Ngũ ấm phù vân không khứ lai, Tam độc thủy bào hư xuất một”. Đã thế thì sự đến và đi cũng chỉ là trò đùa hý luận hư ảo. Tuệ Trung Thượng Sĩ, một Thiền sư cư sĩ đời Trần, khi có người hỏi về vấn đề sanh tử, Ngài trả lời bằng hai câu thơ: “Tùng không túng sử song phi cốc, cự hải hà phòng nhứt điểm âu”. Đại ý nói, hai vầng nhật nguyệt so với bầu trời bao la rộng khắp thì chẳng có nghĩa lý gì. Cũng như một bọt nước chút xíu nổi trên biển mà so với biển cả đại dương bao la thì thật chẳng có ngại chút nào. Sống và chết chẳng khác nào như hai vầng nhật nguyệt và bọt biển. Như vậy, chúng ta không nên dính kẹt vào hai vầng nhật nguyệt và bọt biển kia mà hãy nhận lại cái bầu trời và biển cả bao la. Cũng thế, đừng dính mắc vào cái thân tứ đại nhỏ bé giả dối nầy mà quên mất đi cái thể tánh chơn thường hằng hữu nơi mỗi cá thể.

Nhân ngày thiết lễ kỷ niệm kỵ giỗ tiểu tường của Hòa thượng, con xin thành Kính dâng lên Giác Linh Hòa thượng, bằng tất cả tâm thành ngưỡng vọng tưởng niệm. Kính mong Ngài chứng minh cho tấm lòng chân thật của con. Và con cũng xin thành tâm thắp nén hương lòng cầu nguyện Giác Linh của Ngài:

Cao đăng thượng phẩm

Tốc chứng vô sanh
Bồ đề quả mãn
Hồi nhập Ta bà
Phổ độ quần sanh
Đồng thành Phật đạo.

Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ tát Ma ha tát

Kinh bái

Phật Tử Tịnh Giác

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.