Sáng nay nhìn lên lịch bổng nhiên tôi mới thấy có sự trùng hợp giữa ngày vía của Đức Đại Thế Chí Bồ Tát 13/7 âm lịch và Lễ Vu Lan ( rằm tháng 7 ) tại sao chỉ cách nhau hai ngày và đều nằm trong tháng bảy, lễ báo hiếu cha mẹ ? rồi lại tự cười thầm cho sự ví von ngớ ngẩn của mình sau đó tôi đã tự chữa thẹn bằng cách biện hộ với những điều mình học….
Chẳng phải trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm phẩm thứ sáu về 25 viên thông tu chứng của Ngài Đại Thế Chí Bồ Tát bạch Phật trang 430 rằng : ” Kính bạch Phật con nhớ hằng hà sa kiếp về trước có Đức Phật ra đời tên là Vô Lượng Quang, lúc ấy 12 đức Như Lai kế nhau thành Phật trong một kiếp, đức Phật sau rốt hiệu là SIÊU NHẬT NGUYỆT QUANG có dạy cho con pháp môn niệm Phật tam muội… nếu có hai người đều nhớ nhau, hai bên nhớ mãi, khắc sâu vào tâm niệm thì đồng như hình với bóng cho đến từ đời này sáng đời khác, không bao giờ cách xa nhau. Thập phương Như Lai thương tưởng chúng sinh như mẹ nhớ con, nếu con trốn tránh thì tuy nhớ nào có ích gì nhưng nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con thì đời đời mẹ con không cách xa nhau.
Nếu tâm chúng sinh nhớ Phật tưởng Phật thì hiện nay hay về sau thấy Phật cách Phật không xa thì không cần khai ngộ như người ướp hương thì thân thể có mùi thơm ấy gọi là Hương Quang Trang nghiêm “.
Và từ đó tôi lan man về tình thương bao la của bất cứ người Mẹ nào cũng dành cho đứa con đã được nối kết bằng một sợi dây nhau của mình… dù cho người Mẹ đó có sống trong hoàn cảnh cơ cực đến đâu… ” Biển sâu đức Mẹ biết sao đo lường “.
Hơn thế nữa vào đầu phẩm sáu hãy nghe Ngài A Nan xin Phật giảng dạy cho mình sau khi đã được bản ngộ phúc hợp với đạo lý và chỉ ra những điều tu chứng do căn tính viên thông.
” Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con xiêu giạt bơ vơ nhiều kiếp, ngờ đâu lại được dự vào dòng giống của Phật, như đứa con mất sữa, bỗng nhiên gặp được từ mẫu… Nói rồi năm vóc gieo sát đất, lui về nơi cơ cảm sâu nhiệm trông mong Phật, lấy Tâm truyền Tâm “ thì ta đủ biết lòng khao khát tình thương từ mẫu của đứa trẻ là thế nào…
Giờ đây chúng ta hãy trở về tìm hiểu thêm Đức Đại Thế Chi Bồ Tát một chút nhân ngày vía của Ngài các bạn nhé !
Trong bức tranh vẽ ” Tây Phương Tam Thánh “, Bồ Tát Ðại Thế Chí cầm cành hoa sen màu xanh đứng bên tay phải Ðức Phật A Di Ðà, bên tay trái là Bồ Tát Quán Thế Âm cầm nhành dương liễu và bình tịnh thủy.
Trong kinh sách hai vị Bồ Tát hiện thân cư sĩ nữ hai bên Ðức Phật A Di Ðà tượng trưng Từ Bi và Trí Tuệ.
Trong kinh Quán vô lượng thọ, Bồ tát Đại Thế Chí thân cao tám mươi muôn ức na do tha do tuần, da màu vàng tử kim, trong thiên quang của Bồ tát có 500 hoa báu, mỗi một hoa báu có 500 đài báu, trong mỗi đài đều hiện quốc độ tịnh diệu của mười phương chư Phật, nhục kế như hoa Bát đầu ma, giữa nhục kế có một hình báu, khác hình tượng Quan thế âm Bồ tát.
Đại Thế Chí Bồ Tát còn được gọi là Đắc Đại Thế Bồ tát, Đại Tinh Tấn Bồ tát, Vô Biên Quang Bồ tát, Linh Cát Bồ tát, hay vắn tắt là Thế Chí.
Ngài là vị Bồ tát thường dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp mọi loài, khiến chúng sanh mười phương thế giới thoát khổ đau, thành tựu đạo quả Bồ đề. Đắc Đại Thế Bồ tát vì Bồ tát có hạnh nguyện đại hùng đại lực đại từ bi, dùng hạnh nguyện này để trụ trong Ta bà thế giới, điều phục và tiếp độ chúng sanh cang cường.
Ngài Đại Thế Chí Bồ Tát và các đồng bạn trình bày chỗ tu chứng về Kiến đại. trong kinh Lăng Nghiêm. Ngài dùng phương pháp niệm Phật, nhiếp thu tất cả sáu căn về Diệu Chân Như tánh. Pháp giới tánh hiện tiền như mẹ nhớ con, nhưng nếu pháp giới tánh mà theo vọng tưởng không chịu quay về nhận lấy pháp giới tánh thì dầu cho có hiện tiền mãi mãi cũng không ích gì. Tâm luôn nghĩ đến Phật là đạt được tam mật gia trì. Và nghĩ đến Phật ở mức độ cao sẽ nhận được hào quang Phật chiếu đến khiến tâm chúng ta thanh tịnh.
Mẹ nhớ con, nhiều hơn con nhớ Mẹ
Mong tự trưởng thành con chỉ muốn tách xa
Thương con dại… lòng rộng lượng thứ tha…
Dang tay rộng, chờ ngày con trở lại
Hãy quay về nhận gia tài… mãi mãi
Đừng chạy theo ảo tưởng bụi trần gian
Ngày nào đó vụt mất ánh hào quang
Tình thương Mẹ vẫn… muôn đời chiếu sáng ! ( HH )
Hiện nay được biết các nghệ nhân trước khi tạc tương một vị Phật nào cũng đều thanh tịnh thành tâm khấn nguyện để cho bức tương được nhiều người cảm nhận được sức mạnh tâm linh chuyến đến và nếu người có lòng thành hướng tâm mãnh liệt đến Phật, tạo thành cầu nối cho Phật rọi hào quang đến, giúp tâm người thành tâm đảnh lễ trở nên thanh tịnh, nên cầu nguyện gì cũng sẽ có kết quả.
Hơn nữa trong kinh đã từng ghi lại nếu ba nghiệp chúng ta không thanh tịnh, cách Phật đến mười muôn ức, xa quá, không kết nối được, nhưng nhờ chúng ta thanh tịnh hóa tâm mình, thì chắc chắn sẽ được Phật gia bị.
” Hãy lắng nghe ánh sáng trong nội tâm, nó sẽ dẫn đường cho bạn.
Hãy lắng nghe sự bình yên trong nội tâm, nó sẽ nuôi dưỡng bạn.
Hãy lắng nghe tình yêu trong nội tâm, nó sẽ thay đổi bạn, nó sẽ thần hóa bạn, nó sẽ khiến bạn trở nên bất tử ”. — Sri Chinmoy.
Nhân ngày lễ vía Đại Thế Chí Bồ Tát kính dâng bài viết được sưu tầm và được học hỏi đến các bạn cùng chia sẻ pháp môn Niệm Phật rất vi diệu này …
Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát Ma Ha Tát
Huệ Hương – Mùng 13 tháng 7 âm lịch năm Kỷ Hợi ( 2019 )