Tháng mười hai ở Úc bắt đầu của mùa hè cũng là mùa holiday, trường học và các cơ sở được nghĩ ngơi. Ngày dài ra vì mặt trời lên rất sớm nhưng nắng chiều lại trể tràng, 9 giờ đêm vẫn còn sáng chói với bầu trời trong xanh cùng những đám mây bềnh bồng thơ mộng.
Nhân dịp cuối năm 2017 chùa Quang Minh tổ chức khóa tu xuất gia gieo duyên ngắn hạn, giới luật như người xuất gia thật sự trong 3 tuần lễ để chia phước hồi hướng đến thân nhân của mình.
Từ ngày được ngồi trên chiếc A1 SKYRAIDER bay trên bầu trời Nhatrang để nhận lời cầu hôn của Dọng, khi máy bay vừa đáp các anh chạy ào ra đỡ xuống và chúc mừng tôi đã gia nhập vào gia đình Thiên Lôi, tôi đã tự hứa phải sống thật xứng đáng với tình cảm các anh sắp đặt, giúp đỡ cho cuộc tình chúng tôi thật nên thơ lãng mạn.
Để trọn vẹn với tình yêu của chồng và lòng tin của các anh, tôi là người đàn bà Việt Nam truyền thống, xem các anh trong phi đoàn Thiên Lôi 524 là người thân. Những lúc các anh ở trong tù, chúng tôi đã thay các anh làm việc hết sức mình, vì chúng tôi cũng là con cháu hai bà Trưng Triệu, nên giặc đến nhà đàn bà phải đánh.
Nhìn hình ảnh các anh trong phi đoàn 524 mà anh chị Ngô Đức Cửu mới gởi cho tôi, những khuôn mặt thân quen ngày đó, nay có người đã nằm xuống, có người vẫn còn mạnh khỏe. Lúc xưa các anh đều trẻ đẹp oai hùng trong bộ đồ bay, khăn quàng cổ, súng dao đầy đủ, miệng cười toe toét, phần đông chưa lập gia đình.
Nhớ đến những kỷ niệm xưa, không biết ngoài bay bổng ra, anh Cửu có nhận thêm chức vụ gì trong Phi đoàn không, vì một hôm anh Cửu và anh Thời qua nhà tôi đem 2 con cá lóc to và nhiều cua lắm, tất cả đều còn sống. Tôi là dân biển, chỉ ăn cá biển còn tươi nhưng đã chết. Giờ nhìn thấy cá sống, tôi rất sợ.
– Báu nướng trui cá hay hấp cũng được, cua thì rang muối, chiều anh em ra ăn.
Hai anh đi rồi tôi than thầm: “Đúng là các anh Thiên Lôi! Các anh có biết con gái rất sợ những con vật còn sống, làm sao dám giết đây!”
Tôi đem đến tiệm chú Ba Mập người miền Nam có quán ở đường Hoàng tử Cảnh rất quen thân, nhờ chú lo dùm.
Rồi một lần anh Nhị đến, anh cười rất tươi, anh đưa một bao to, mở ra tôi hét lên:
– Thịt gì mà máu không vậy?
– Thịt nai, bên trực thăng cho phi đoàn mình.
Anh đi cùng với anh Nhị lên tiếng:
– Báu xào lúc lắc là được.
Tôi nhìn anh Nhị, anh hiểu ý tôi:
– Người miền Nam nói là xào lúc lắc, nhưng dân Nhatrang mình thì là xào với củ hành.
– Ồ, thì ra vậy.
Lần này không dám đem đến tiệm chú Ba Mập nữa, vì lần trước chú không lấy tiền. Tôi đem đến tiệm Dân Thiên, đó là tiệm ăn tàu nổi tiếng, gần rạp ciné Tân Tân, đường Độc Lập.
Rồi đến phiên Dọng, hôm đó anh không bay đến rủ tôi đi ăn trưa, vừa lúc ấy chú Thái người làm vườn của gia đình tôi đem đến một quầy chuối.
Dọng vui mừng nói:
– Chuối vừa chín tới, Báu xào dừa cho các bạn cùng ăn.
Nhatrang lúc đó ít ai bán món này, chuối chỉ biết luộc, ăn chín hay ép làm chuối khô.
Lần này tôi đem đến tiệm Song Oanh ngay trên đường Trần Quí Cáp nhờ làm, bà người Nam rất dễ thương và đẹp người.
Mấy ngày sau thì anh Ninh đến, anh móc tiền từ túi áo bay ra, để trên bàn.
– Báu nấu dùm nồi chè bà ba, lâu không được ăn, thèm quá!
Tôi chưa bao giờ ăn loại chè này, đang suy nghĩ không biết nhờ ai nấu dùm. Hôm trước bà chủ Song Oanh biết nấu cho các anh Không Quân, bà cũng không lấy tiền nay làm sao dám nhờ.
Anh Ninh nhìn tôi cười cười, tay hốt lại số tiền trên bàn.
– Không biết nấu phải không? Để anh nhờ người khác.
Không biết các anh bay bổng giỏi ra sao mà được thưởng. Cấp trên cho trực thăng chở tất cả các anh trong phi đoàn vào Ba Ngòi ăn gỏi cá và đi Đà Lạt ăn sáng, những đặc ân đó đều có tôi dựa hơi tháp tùng.
Nhớ lại ngày đó hai anh Dọng và Nhị ra nhà tôi buổi sáng, nhờ đi hỏi các shop Ấn Độ ở đường Độc lập những mặt hàng nào có thể mua vô, vì các anh trong phi đoàn phải đi Nhật thử độ cao, muốn mua vài thứ đem về kiếm chút lời. Tất cả shops ở Nha Trang đều trả lời chỉ khi nào thấy đồ đẹp thì họ mới nhập vào.
Tôi nhờ anh Dọng mua dùm mấy cái khăn quàng cổ, vì mỗi lần đi cởi ngựa hay đi ra các hòn đảo, tôi muốn điệu một chút, sẵn làm quà tặng cho má tôi và bà vú luôn. Anh Nhị mua toàn đồ bật lửa phụ tùng xe Honda, vì có người quen nhờ, anh tưởng đó là hàng quý hiếm. Anh Dọng mua toàn là khăn quàng cổ. Và ông Lạc chỉ huy phi đoàn 524 mua luôn hai loại đó.
Các anh đem về Sài Gòn, có hai cửa tiệm không nhận hàng vào nên mắc cở không đi hỏi thêm nữa, đem về Nhatrang. Nhìn các món hàng tôi thương các anh quá, tháng ngày chỉ lo đánh giặc, lo tiếp cứu quân bạn, lo giữ gìn bờ cõi quê hương, có dịp đi nước ngoài cũng muốn kiếm tí tiền cho vui nhưng các anh thật vụng về và thiệt thà quá đỗi!
Bao nhiêu năm nay tôi muốn cảm ơn các anh đã một thời cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp, giúp tình yêu chúng tôi, cũng như chỉ bày cho tôi thưởng thức nhiều món ăn miền Nam.
Bây giờ tuổi đã xế chiều. Sẵn dịp chùa mở khóa tu, tôi muốn đem chút công đức tu hành chia phước đến các anh, những người còn trên đời thì được mạnh khỏe hạnh phúc. Những người đã nằm xuống trở về nơi an lành, một cõi bình yên thật sự.
Chùa Quang Minh nằm trên đồi cao, cách xa nhà tôi một giờ lái xe, do một số kiến trúc sư của trường đại học Victoria Úc Châu thiết kế. Chùa rất lớn được xây kiểu hình tròn với nhiều mái cong lớn nhỏ khác nhau góp lại, bên ngoài dưới hầm còn thêm ba tầng nữa.
Tôi có mặt ở chùa Quang Minh 7 giờ sáng, được các sư cô đọc những lời ban phước trong lúc cạo tóc cho, rồi chỉ cách đắp y và học những bài kệ.
Lễ truyền giới vào buổi tối ở chánh điện lầu hai. Hai bên tượng Phật Thích Ca Mâu Ni thật to là tượng Quán Thế Âm và tượng Địa Tạng nhỏ hơn, cả ba tượng đều được phết vàng sáng rực. Chung quanh trong chánh điện trên những cái bệ sát vách, tượng Bồ tát rất nhiều.
Chúng tôi được truyền giới trong không khí trang nghiêm, đèn mở sáng ngời. Nhiều bình hoa to được trang trí mỹ thuật bên những dĩa trái cây thơm ngát. Chuông trống Bát Nhã cùng nhiều loại khí cụ hòa nhau tạo thành âm thanh vi diệu với sự có mặt của 13 vị Tăng truyền giới.
Chúng tôi vừa đắp y miệng vừa đọc bài kệ:
Đại tai giải thoát phục
Vô tướng phước điền y
Phi phụng trì giới hạnh
Quảng độ chư quần sanh
Nam mô cà sa tràng bồ tát
Nghĩa là:
Lành thay áo giải thoát
Là ruộng phước không tướng
Mặc kính đúng giới hạnh
Rộng độ hết chúng sanh.
Bây giờ những tu sinh mang dáng dấp của tu sĩ đầu tròn áo vuông, quỳ xuống nhận giới luật.
Trước mặt cũng như chung quanh đều có Phật và Bồ tát vô hình chứng minh, tạo thành oai lực thánh thiện tôn nghiêm cho nước mắt tôi rưng rưng thành giọt. Trong 13 vị Tăng (ở Úc và trên thế giới đến) gồm có 5 vị hòa thượng. Đặc biệt, có một vị hòa thượng đã từng đi tù cải tạo 12 năm ở miền Bắc, đã từng chia xẻ khổ đau cùng những người lính các anh.
Giới luật của một sadi phải giữ thật nghiêm ngặt. Sáng mới thức dậy là phải đọc thầm những bài kệ như đánh răng, thay áo, đi đứng, uống ăn, chào hỏi, nhất nhất đều đúng và đều nghĩ đến cứu độ chúng sanh. Sống chánh niệm trong tứ oai nghi, nên khi vọng tưởng nổi lên là hay biết liền thì vọng tưởng biến mất, còn có nghĩa là một chúng sanh đã được độ.
Đúng 5 giờ sáng vào công phu và 10 giờ đêm mới được về phòng nghỉ. Trong một ngày, thời khóa khít khao như tụng kinh, kinh hành, ngồi thiền, học giáo lý, nghe giảng pháp, ăn cũng phải đúng cách và im lặng, chỉ được nghĩ 1 giờ giữa trưa.
Tôi nghĩ đến các anh, ngày vào lính, các anh cũng phải cắt tóc ngắn, phải giữ luật, tập đi đứng, ăn uống, cách chào. Các anh cũng qua thời kỳ huấn nhục để trở thành người lính của Việt Nam Cộng Hòa có tư cách lẫn trách nhiệm và bổn phận đạo đức với một trái tim biết yêu thương đồng bào.
Để những tu sinh có thể vượt qua những khó khăn theo chương trình tu học, các thầy dạy cho chúng tôi Phát Bồ Đề Tâm. Đó là một năng lượng rất mạnh để chính mình thoát ra sự lười biếng. Bồ Đề Tâm như gió lớn, không sợ chướng ngại khó khăn, vì mình và vì người thân mà tu.
Đạo Phật là đạo từ bi tri huệ, con đường của quả Phật, cứu vớt chúng sanh hữu duyên bằng trí huệ và từ bi và bằng tâm vô ngã đời đời.
Những buổi chiều tu sinh thiền hành ở những con đường trên khắp khuôn viên chùa, nhìn thấy toàn cảnh Melboure bên dưới, từng bước chân thảnh thơi nhẹ nhàng an lạc khoan thai thong thả trong chiếc áo tu, nắng vẫn còn hòa nhập không gian chiếu soi từng bước chân đi mà không đến, những bài hợp ca vô ưu đượm mùi thiền vị có Phật trong tâm đang nhoẻn nụ cười vi tiếu.
Hạnh phúc trong thực tại thật giản đơn khi ta biết buông xã vạn duyên. Những người tu sống thật an nhiên tự tại, phải chăng vì họ đã hiểu có sợi dây liên hệ vô hình giữa mình và vũ trụ bao la.
Khóa tu đã kết thúc. Tôi không biết đã chia phước, trả ơn cho các anh được những gì hay là mang thêm ơn nữa. Các anh là một động lực mạnh mẻ cho tôi cố gắng dự khoá tu dù tuổi đã già, nhưng sau những ngày tu tôi học được nhiều và tìm ra nhiều điều hữu ích.
Tuổi già của tôi không cô đơn vì tôi đã có bạn bè xưa luôn quan hệ thân mật như ngày nào, chúng ta luôn là duyên thuận thảo giữa biển đời uyên náo. Tôi xin trân quý những giây phút tôi còn hiện diện trên thế gian này, vì các bạn đã cho tôi niềm vui hồn nhiên thời trẻ dại.
Diệu Ngọc