Ngồi trong lớp suốt 2 giờ toán chăm chú học, trống trường vừa báo hiệu ra chơi, tôi và Thảo muốn vận động cho đầu óc thanh thản nên chơi trò mèo bắt chuột. Vì chạy nhanh quá nên Thảo va phải một người đang đi đến, lỡ trớn tôi không dừng lại được nên 2 đứa té nằm dài trên đất, còn người đó thì sách vỡ rơi tung tóe. Vừa mắc cở vừa biết lỗi mình, hai đứa lật đật ngồi dậy luôn miệng xin lỗi và thu nhặt phụ sách vỡ cho anh ta.
Tôi lễ phép đưa hai tay trao trả lại những gì lượm được, miệng nở nụ cười cầu hoà. Không biết lúc ấy mặt mũi tôi ra sao và nụ cười như thế nào, mà anh kia lại khen tôi cười có duyên với má lúm hai đồng tiền.
Tan trường, anh cứ đạp xe theo sau chúng tôi. Ngày nào Thảo cũng phải đưa tôi về tận nhà rồi mới quay lại nhà mình, Thảo nói: “Hai đứa mình giả bệnh để được nghĩ học”. Tôi không dám giả bệnh, vì lúc trước có một lần cô thư ký ở phòng mạch của anh tôi nghĩ việc nên tôi ra thay thế 1 ngày, chỉ tìm hồ sơ bệnh nhân cũ, và lập hồ sơ cho bệnh nhân mới đến lần đầu. Ngồi đó, nghe những người bệnh bàn chuyện cùng nhau, triệu chứng nào của họ tôi cũng vướng hết. Chiều về, tôi cảm nhận dường như mình bệnh nặng lắm, ăn cơm không được, chỉ muốn nằm thôi. Khi anh tôi biết nội vụ, anh cười và nói: “May quá! Các chứng bệnh em có, ở phòng mạch anh mới có loại thuốc từ Pháp gởi về, chích một mũi là hết, nếu không hết ngày hôm sau chích 2 mũi, không hết nữa thì ngày thứ ba chích 3 mũi là hết ngay, mai em ra phòng mạch, cô y tá sẽ chích cho em”.
Ngày mai tôi ra với điệu bộ người bệnh nặng lắm, như đã được dặn trước, cô y tá vui vẻ và cứ nhìn tôi cười hoài. Cô kêu tôi nằm xuống và chích vào mông tôi. Khi mũi kim vào mông đã thấy đau rồi, nhưng khi cô bôm thuốc vào, từng thớ thịt như bị xé rời, tôi hét to: “Em hết bệnh rồi!”
Anh biết tôi bị bệnh tưởng tượng nên trị bằng cách đó, giờ thì tôi tởn luôn, không dám khai bệnh để nghĩ học đâu.
Thảo dặn tôi đừng cười với con trai, gặp họ thì lúc nào cũng phải mặt nghiêm và buồn, chính vì nụ cười làm cho chúng tôi thật sự mệt mỏi. Chiều nào tan học cũng có người đạp xe lẽo đẽo theo sau, dù không nói tiếng nào.
Thường ngày, tan trường là chúng tôi ghé ăn một ly chè đậu đỏ, hay uống ly nước mía, có hôm hai đứa ăn bò khô. Là khách hàng quen của xe bò khô ở bãi biển, nên thấy 2 đứa vừa rè lại là chú Tư làm ngay 2 đĩa đu đủ bào, bỏ đầy những lát bò khô được cắt nhỏ thêm ít rau răm, đậu phụng rang và nước nắm rưới lên, tuy có màu đỏ tươi nhưng không cay lắm, vị chua mà lại ngọt. Ăn rồi còn thêm một chén đậu hủ nước đường. Đậu hủ ở đây nổi tiếng với nước đường thật kẹo, mùi gừng thơm ngát, hai đứa có khiếu …. thưởng thức những thú ăn hàng của con gái. Bây giờ thì như con chim lúc nào cũng lo sợ thợ săn. Chiều nay Thảo nói: “Bạn ráng đạp xe về nhà một mình, Thảo thấy hơi nhức đầu, không đưa bạn về nhà được”.
Còn một mình, tôi đạp xe như lúc trường tổ chức cho thi đua xe đạp vậy. Vì đạp quá nhanh, gió mạnh lật nón lá ra sau, dây quai nón làm tôi ngộp thở. Tôi với tay lấy nón, định mốc ở gidong xe nhưng gió mạnh quá làm bay nón nhưng tôi vẫn không dám ngừng xe. Sao đường về nhà xa quá! Ồ, đã thấy hàng rào nhà rồi! Vì xe chạy nhanh nên khi nhảy xuống chân bị đau, tôi không thể vừa đi vừa nhảy nữa. Anh tôi hay nói con gái lớn nên đi đứng nhẹ nhàng, em vừa đi vừa nhảy như con sáo.
Chiều nay sao anh tôi về sớm vậy? Thấy anh, tự nhiên tôi tủi thân, cảm thấy nhớ mẹ tôi kinh khủng. Chắc anh cũng nhìn thấy vẻ xơ xác của con chim sáo, tiếng mà anh ưa gọi đùa tôi vì lúc nào tôi cũng hát, dù là hát rất dở! (?)
Vừa đến bực tam cấp, anh vỗ vỗ đầu tôi, tiếng khóc bật ra như bị ai bắt nạt, anh nói: “Em vào sửa soạn mình cùng về thăm mẹ, lâu rồi anh chưa gặp mẹ”.
Ta nhớ mẹ quá chiều ơi!
Giọt rơi ướt má giọt bời ướt tim!
Tôi nghĩ anh lớn rồi cũng nhớ mẹ sao, Tôi cứ tưởng con gái và còn nhỏ mới nhớ mẹ.
Hay cuộc đời và những mối tình làm anh mệt, anh cũng cần một nụ cười của mẹ, cũng cần một chỗ tựa lưng, một dòng suối mát để ngâm mình trong đó.
Tôi không thích tánh quen nhiều người con gái của anh, nhưng không dám nói. Nhiều cô đến tìm anh, tôi hẹn các cô cùng ngày giờ để đến nhà một lượt. Anh tái mặt nhưng không biết anh nói gì mà tất cả các cô đều vui vẻ chuyện trò. Khi các cô ra về anh nói với tôi: “Chỉ có em mới dám làm việc đó, nếu ai mà chơi anh như vậy, anh không để yên đâu!” Rồi anh coi như chẳng có việc gì xảy ra.
Thương mẹ quá! Ba mất rồi công việc làm ăn của ba, mẹ phải thay ba quản lý tất cả. Mẹ rất vất vả, phải di chuyển đủ nơi, tuỳ theo mùa, lúc xứ lạnh cao nguyên, đồng bằng, có khi vùng biển nắng cháy sạm da. Hồ Dzếnh đã xúc cảm dâng tràn nên những câu thơ trở thành bất hủ:
Cô gái viêt nam ơi
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Viêt Nam tươi.
Thầy Nhất Hạnh thì ví mẹ là chuối ba hương, là xôi nếp một, là đường mía lau.
Có người ví tình mẹ là đồng cỏ, ánh trăng, biển, núi, sông.
Tình mẹ mênh mông nội cỏ ngàn cây
Mẹ là ánh trăng tròn, là hương đồng gió mát.
Tôi chỉ muốn ôm mẹ, nhin thấy mẹ, tối nay được ngủ với mẹ, vùi đầu vào lòng mẹ là đủ rồi.
Tôi sẽ kể cho mẹ nghe tất cả những chuyện xảy ra với chúng tôi trong mấy ngày nay. Mẹ rất hay! Mẹ sẽ có cách nào đó để làm tôi vui trở lại, đã nhiều lần mẹ làm bà tiên như vậy rồi.
– Trên đường về mình ghé tiệm nem nướng Ninh Hoà, mua về cả nhà cùng ăn, em chịu không? Chắc mẹ vui và ngạc nhiên khi thấy anh em mình về thăm mẹ.
– Anh cũng nhớ mẹ sao?
– Ồ anh là con, không nhớ mẹ được sao?
– Để em coi lúc gặp mẹ, anh cũng sẽ còn nhỏ như em. Dưới mắt mẹ các con của mẹ đều nhỏ cả.
– Mẹ sẽ thương anh hơn em, mẹ sẽ hỏi công việc có làm con mệt lắm không? Con muốn ăn gì mẹ làm cho. Con đi tắm đi, khăn mẹ để sẵn ở phòng con rồi.. v.v…
– Còn em, mẹ nói gì?
– Ồ, mẹ sẽ nói con gái lớn rồi mà còn nhõng nhẽo, không thương nữa, rồi anh cười to.
Niềm vui lại đến! Những phiền lo không còn nữa! Chỉ nhắc đến mẹ, chỉ sắp gặp mẹ thôi mà đã vui rồi!
Mẹ! Mẹ! Tiếng gọi muôn đời không thấy chán! Con thương mẹ và cần mẹ. Dù còn nhỏ như con hay khôn lớn giàu sang như anh con, chúng con đều cần mẹ!
Diệu Ngọc