Mưu cầu hạnh phúc là một bản năng tâm ý của con người bất kể là Đông Phương hay Tây Phương, trong mọi tầng lớp giai cấp trong xã hội.
Ai trong chúng ta đều hiểu rằng: trong cuộc sống hằng ngày chính cách hành xử của chúng ta, với tác phong đạo đức sẽ là chìa khoá định đoạt cho ta các phương tiện và liên hệ tốt đẹp để tạo ra một niềm hạnh phúc vui sống.
Do vậy phải chăng chúng ta vẫn phải. cần đến một sự kiểm soát về bản thân nhất là những ai đang bị cuốn hút vào đời sống vật chất và đừng để bị vướng mắc quá nhiều về mặt tâm lý và cảm xúc ?
Thật ra ở vào niên đại mà nền văn minh phát triển khoa học kỷ thuật đang tiến xa vượt bực nhưng chúng lại không thể nào thỏa mãn được những khát vọng, hoặc tháo gỡ được những khúc mắc gì của tình cảm và đôi lúc chúng ta lại nghĩ rằng chỉ có thể dựa nhờ vào Đạo Phật may ra mới có thể tìm một lối thoát.
Gần đây sau khi kiên quyết tự hứa với mình phải tinh tấn để nghe hết trọn bộ kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật và Luận Đại Trí Độ tôi nhận thấy Thượng Tọa, các Hoà Thượng dù thuộc nhiều tông phái khác nhau nhưng dường như các Ngài cùng liễu nghĩa được các ý chỉ mà Đức Phật dạy cho nên HT Thiền Sư Viên Minh đã dạy rằng ” Chân lý sẽ luôn luôn hiện hữu bất cứ nơi đâu cho những ai có mắt để thấy, có tai để nghe và có tâm hồn để thể hội. Không có ranh giới cho người giác ngộ. Người nào có thể sống và thể nghiệm đời sông hằng ngày, chính sự trong sáng, chân thực, trọn vẹn và an nhiên tự tại của mình là ngườì ấy giác ngộ, là đi vào con đường Phật Đạo “.
Kính xin được dẫn chứng một bài thơ của TT Thích Tâm Phương và của HT thiền Sư Viên Minh như sau:
Rồi có một ngày bạn tinh thông,
Tám vạn bốn ngàn pháp môn Không
Để dưa bạn đến bờ giải thoát …
Rửa sạch rừng mê, kiến tánh Không !
Rồi có một ngày về cõi Không
Đất thiêng nước Phật cũng là Không
Nhưng tâm bất biến Chân Như hiện
Bát Nhã không rời… Tánh Tánh Không !
( trích một đoạn trong bài thơ VỀ CÕI KHÔNG của TT Thích Tâm Phương mùa Vu lan 2014 )
Bước chân vân du biết nơi nào dừng lại …
Gieo duyên rồi, Chân tính tự khai hoa.
Không – Thời gian nào cũng phải nhạt nhoà,
Nơi Tỉnh giác vẫn muôn đời bất tử !
Thế gian ơi, đời vẫn là cuộc lữ …
Bước đi… về như huyễn cũng như Chân.
Thấy Niết Bàn trong sinh tử phù vân,
Ai ngờ được bờ mê là Bến Giác !
(HT Viên Minh )
Lạt Ma Yeshe ( Thầy của Lạt Ma Zopa Rinpoche) trong ” Becoming your own Therapist “ xuất bản năm 1998 có đoạn nhận xét thật hay về Đạo Phật như sau:
” Theo cái nhìn của những vị Lạt Ma chúng tôi, giáo lý Đức Phật nghiêng về các lãnh vực triết học, khoa học, hoặc tâm lý học “ .
Và Ngài cũng dạy rằng: ” Khi ta học về Đạo Phật, có nghĩa là ta học về con người của chính ta và phải làm thế nào để biết cách phát triển mình hơn. Chính giáo pháp của Đức Phật đã chỉ cho ta thấy BẢN CHẤT TIÊU BIỂU của TIỀM NĂNG CON NGƯỜI, TẦM KHẢ NĂNG của TÂM TRÍ CON NGƯỜI “, do vậy thay vì nhấn mạnh vào một hệ thống tin tưởng Đâng Siêu Nhiên nào đó, các phương pháp tu tập trong Đạo Phật đã dạy ta phát triển một sự hiểu biết sâu sắc về bản thân và tất cả những hiện tượng khác “ .
Quả thật vậy những ai đã từng xem qua ” ĐỨC PHẬT VÀ PHẬT PHÁP “ của Ngài NARADA Maha Thera do Phạm Kim Khánh dịch ( quyển sách mà Phật Giáo Nguyên Thủy dạy rằng mọi người Phật tử cần đọc ) và tôi đã may mắn được nghiền ngẫm từ năm 1996 cho đến nay để thấy rằng Đạo Phật chỉ nhấn mạnh vào những vấn đề thực tế đúng như lời chỉ dạy của Lạt Ma Yeshe.
Thí dụ như làm cách nào để hướng dẫn đời sống của chúng ta, làm thế nào để hợp nhất với tâm trí của chúng ta, làm cách nào để duy trì cuộc sống hằng ngày của chúng ta một cách bình an và khỏe mạnh… hay nói một cách khác Đạo Phật luôn nhấn mạnh vào một Tuệ Giác được chính mình thử nghiệm hơn là cái nhìn dựa vào giáo điều. ( Kính xin được chú thích Tuệ Giác dịch từ nghĩa của knowledge wisdom ) .
Cũng kính xin được ghi nhận từ những lời dạy của các Chư Tôn Đức thường giảng dạy qua các bài pháp thoại rằng: Khi Đức Phật dạy về Sự Khổ đau, Ngài đã không chỉ một cách giản dị để nói về những vấn đề hời hợt bên ngoài như các chứng bịnh hay tại sao bị thương mà Ngài đã chỉ ra BẢN CHẤT KHÔNG THOẢ MÃN CỦA TÂM. Đây chính là sự đau khổ …Lòng ham muốn không ngừng nghĩ chính là sự đau khổ . Bản chất của sự đau khổ này là cảm giác thất vọng và bực minh.
Lạt Ma Yeshe đã khuyên thêm như sau: ” khi bạn hiểu cái nhìn của tâm trí bạn hoặc nhận thức về thế giới, bạn sẽ nhận ra rằng BẠN ĐÃ KHÔNG CHỈ LUÔN NẮM BẮT LẤY THẾ GIỚI CẢM XÚC BÊN NGOÀI VÀ NHỮNG GÌ BẠN NẮM BẮT CHỈ LÀ SỰ TƯỞNG TƯỢNG”.
Biết chỉ là biết vậy mà thôi nhưng hiện nay có nhiều người vẫn vô tư và giản dị nghĩ rằng: HỌ CÓ THỂ MUA CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ GIẢI QUYẾT BẤT CỨ VẤN ĐỀ NÀO MÀ HỌ ĐANG GẶP, chính họ không biết rằng đây là một quan niệm sai lầm hoàn toàn ngay cả những người đã có một đức tin cũng cần phải hiểu rõ tâm mình .
Chính Lạt Ma Yeshe trong quyển sách trên đã nhấn mạnh rằng ” Đức tin tự nó không thể giải quyết được vấn đề mà chính Trí Tuệ mới có thể làm được việc đó. Và cũng chính Đức Phật thường nhắc nhở chúng ta rằng ” con người nên dùng tâm trí của mình để cố gắng và khám phá ra được bản chất thật sự của mình “.
Trong những câu nói thật có tác dụng tâm linh còn ghi lại của HT Thiền Sư Thích Nhất Hạnh như sau:
• Đẹp là khi bạn là chính mình, không cần được ai đó công nhận, bạn chỉ cần chấp nhận bản thân mình.
• Cuộc sống chỉ hiện hữu ở giây phút hiện tại.
• Vì bạn còn sống mọi chuyện đều có thể xảy ra.
• Niềm hy vọng rất quan trọng vì nó có thể làm cho hiện tại bớt khó khăn hơn ? Nếu chúng ta tin vào ngày mai tươi sáng, ta có thể dương đầu với thử thách của hôm nay.
• Tôi hứa với chính mình tôi sẽ tận hưởng từng giây phút mà mình có được để sống.
• Quá khứ đã qua đi, tương lại vẫn chưa đến và nếu ta không quay lại với hiện tại ta không thể bắt nhịp với cuộc sống.
• Nếu bạn yêu ai đó, món quà quý nhất mà bạn có thể tặng họ chính là sự có mát của mình.
Do vậy việc sống tỉnh thức hằng ngày rất là quan trọng và đấy chính là hạnh phúc đích thực mà chúng ta đang tìm cầu ( an bình và hỷ lạc ).
Tôi rất thích đoạn kết mà Lạt Ma Yeshe đúc kết như sau : ” Bạn không cần phải bắt nắm một niềm vui ở tương lại, chỉ cần bạn đi theo đúng con đường Bát Chánh Đạo nghĩa là có được chánh tri kiến và chánh tư duy rồi đi theo đúng chánh nghiệp với khả năng của bạn thì kết quả sẽ đến ngày lập tức cùng với hành động “.
Bạn không nên nghĩ rằng: ” Nếu tôi hành động đúng trong kiếp này, kiếp sau tôi sẽ được hưởng quả tốt ( dù rằng luật nhân quả không bao giờ sai chạy ) nhưng bạn đừng nên bị ám ảnh quá nhiều về việc sẽ được hưởng quả gì cho kiếp sau và chỉ nên nhớ rằng CHỈ CẦN BẠN HÀNH ĐỘNG TRONG HIỆN TẠI VỚI CÀNG NHIỀU SỰ HIỂU BIẾT BAO NHIÊU THÌ TRONG MỘT THỜI GIAN KHÔNG BAO LÂU BẠN SẼ NGHIỆM RA ĐƯỢC SỰ AN LÀNH VĨNH VIỄN BẤY NHIÊU “.
Lời kết :
Kính xin mượn lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong bài viết ” Vướng mắc vào vật chất “ … .Vì con người không thể có khả năng tiên đoán được tương lai nên lúc nào cũng phập phồng lo sợ … con người phụng thờ vật chất để che đậy sự sợ hãi của nội tâm. Khi can đảm vứt bỏ cái mặt nạ mưu cầu hạnh phúc bằng cách phụng thờ vật chất ra thì con người sẽ trở về bản tính chân thật của mình và sống với sự nhạy cảm của tâm hồn.
Lúc đó con người mới có thể thể nghiệm được sự linh thiêng mầu nhiệm của cuộc sống mà Phật Giáo gọi là Chân Tâm ( một người sống được với Chân Tâm thì tâm hồn luôn cảm thấy an ổn và hạnh phúc ).
Có phải em đang tìm cầu hạnh phúc ?
Mở rộng lòng hơn … hoà nhập thiên nhiên.
Tâm hồn lạc quan … thu hút mọi duyên,
Từ trường ấy … người đối diện nhiều thiện cảm !
Hành xử khôn ngoan tránh bao đụng chạm,
Nỗi khổ, niềm vui … đâu mãi vĩnh hằng !
Tâm hồn thiện lương … giúp vượt khó khăn,
Nhẹ nhàng cảm thông tình người … chẳng khó.
Thành thật chính mình, dám nhìn thật rõ.
Lợi ích nên làm, kết quả dài lâu …
Trí tuệ, từ bi hoà hợp cùng nhau,
Chuyển hoá hành vi … nhận thức ra tất cả !!!
Mưu cầu hạnh phúc … nhiệm mầu …hứa khả.
Huệ Hương – 27/10/2019