Tình thương vô điều kiện
Một hôm khi tôi gần tròn 13 tuổi, cha tôi kéo tôi ra một chỗ và nói riêng với tôi một điều mà sau này sẽ thay đổi cả cuộc đời của tôi.
Lúc đó chỉ có hai cha con ngồi trên chiếc xe hơi cà tàng của ông đậu trên một con đường nhỏ trong một khu ngoại ô nghèo nàn của Luân Đôn. Cha xoay người về phía tôi và nói rằng: “Con à, dù con có làm bất cứ chuyện gì trong đời thì hãy nhớ rằng cánh cửa nhà ba luôn luôn mở rộng với con.”
Vào lúc ấy tôi chỉ là một đứa trẻ. Tôi không hiểu rõ điều cha tôi muốn nói, nhưng tôi biết đó là một điều quan trọng, vì vậy tôi ghi nhớ câu nói ấy. Ba năm sau đó cha tôi qua đời.
Khi tôi trở thành một tu sĩ ở vùng Đông bắc Thái Lan, tôi suy đi nghĩ lại những lời nói ấy của cha tôi. Nhà của chúng tôi dạo ấy là một căn hộ nhỏ do chính phủ trợ cấp trong một khu phố nghèo ở Luân Đôn – không phải là một căn nhà có cửa ra vào đàng hoàng để mở rộng. Nhưng tôi nhận ra rằng đó không phải là điều cha tôi muốn nói. Điều ẩn đằng sau câu nói ấy, giống như một viên ngọc quý bọc trong một mảnh vải, là cách diễn đạt tình thương rõ ràng nhất mà tôi từng được nghe: “Con à, dù con có làm bất cứ chuyện gì trong đời thì hãy nhớ rằng cánh cửa của trái tim ba luôn luôn mở ra với con.”
Cha tôi đang ban tặng cho tôi tình thương vô điều kiện. Không có một điều kiện ràng buộc nào kèm theo. Tôi là con trai của ba, thế là đủ. Tình thương đó rất đẹp. Rất thật. Cha tôi muốn nói như vậy.
Phải có cam đảm và trí tuệ mới nói được những điều như thế với một người khác, để mở của trái tim của bạn cho người khác, mà không có từ “nếu”. Có người e ngại rằng nếu họ làm như vậy thì người khác sẽ lợi dụng, nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì không có chuyện ấy. Khi bạn được một người trao tặng tình thương như thế thì giống như được tặng một món quà quí giá nhất. Bạn sẽ trân quí nó, giữ gìn nó trong lòng để nó khỏi bị mất đi. Mặc dù vào lúc ấy tôi chỉ hiểu được một phần lời nói của cha tôi, tôi không bao giờ dám làm tổn thương một người như thế. Nếu bạn nói những lời như thế với một người thân, nói bằng tấm lòng chân thật, thì người ấy sẽ bước lên chứ không bao giờ bước xuống để tiếp nhận tình thương của bạn.
Mở cửa trái tim của bạn
Cách đây mấy thế kỷ, có bảy nhà sư sống trong một hang động trong rừng đâu đó ở châu Á. Họ đang thiền quán về tình thương vô điều kiện mà tôi đề cập trong câu chuyện vừa rồi. Các nhà sư gồm một vị sư cả, người em trai của vị ấy và người bạn thân thiết nhất của sư. Người thứ tư là một người thường chống lại sư, một người rất khó gần gũi. Người thứ năm là một vị sư già, già đến độ có thể ra đi bất cứ lúc nào. Người thứ sáu là một người đang bị bệnh – nặng đến nỗi cũng có thể chết bất cứ lúc nào. Và người cuối cùng, người thứ bảy là một người vô dụng. Khi ngồi thiền thì ông sư này ngáy, khi tụng kinh thì lại quên trước quên sau, nếu nhớ thì tụng lạc điệu. Sư mặc áo cũng không đúng cách. Nhưng những người khác cũng chịu đựng và cám ơn sư vì nhờ sư mà họ học được hạnh kham nhẫn.
Một hôm có một băng cướp phát hiện ra hang động. Nó rất xa xôi và kín đáo cho nên bọn cuớp muốn dùng để làm nơi trú ẩn. Họ quyết định giết hết mấy vị sư. May thay, vị sư cả là một người có tài ăn nói. Sư thuyết phục được bọn họ – đừng hỏi tôi sư nói cách nào để họ bằng lòng cho các sư ra đi, chỉ giết một người nhằm cảnh cáo những người khác đừng tiết lộ vị trí hang động. Sư không thể yêu cầu họ làm gì tốt hơn.
Họ cho sư cả ít phút để suy nghĩ và đưa ra quyết định ai sẽ là người hy sinh để cho những người khác được tự do.
Khi tôi kể câu chuyện này cho thính chúng, tôi thường ngừng lại và đặt câu hỏi: “ Theo bạn thì sư cả chọn người nào?” Những câu hỏi như thế thường làm cho những người buồn ngủ khỏi thiếp đi, còn người ngủ rồi phải tỉnh dậy. Tôi nhắc lại rằng có vị sư cả, người em sư, người bạn thân, người ghét sư, vị sư già, vị sư bệnh gần chết và vị sư vô dụng. Bạn nghĩ xem sư cả chọn ai?
Có người nêu ý kiến cho rằng sư chọn người ghét sư. Tôi nói, “Không phải.”
“Người em”.
“Sai”.
Vị sư vô dụng luôn luôn được thính chúng nhắc đến – chúng ta thật thiếu độ lượng biết bao! Sau khi đùa vui một chút, tôi cho họ biết rằng sư cả không thể nào chọn ai.
Tình thương của sư dành cho người em cũng không hơn, không kém tình thương dành cho người bạn thân, cũng ngang với tình thương dành cho người ghét sư, cho vị sư già, vị sư bệnh, và cho cả vị sư vô dụng. Trong lòng sư đã chan hòa tình thương vô điều kiện. Lúc ấy sư cũng đang điễn đạt thông điệp: “Cánh cửa trái tim tôi luôn luôn mở ra với tất cả các bạn, dù các bạn làm gì, dù các bạn là ai.”
Cánh cửa của trái tim sư cả mở rộng cho tất cả mọi người, với một tình thương không điều kiện, không phân biệt, tuôn chảy mênh mang. Và điều đáng chú ý là tình thương dành cho người khác cũng ngang với tình thương sư dành cho chính mình. Cánh cửa của trái tim sư cũng rộng mở cho chính mình. Vì vậy sư không chọn ai được.
Tôi nhắc nhỡ những người Do Thái giáo và Thiên chúa giáo trong thính chúng rằng sách của họ có nói “ Hãy yêu thương người hàng xóm như yêu chính mình”. Không yêu mình nhiều hơn, mà cũng không ít hơn, yêu người ngang với yêu mình. Có nghĩa là yêu người như yêu mình, yêu mình như yêu người.
Tại sao hầu hết các thính giả của tôi đều nghĩ rằng sư cả nên chọn mình là người bị giết? Tại sao trong nền văn hóa của chúng ta lại luôn khuyên nên hy sinh mình cho người khác và xem đó là điều tốt? Tại sao chúng ta lại đòi hỏi ở mình, tự phê bình hay trừng phạt mình nhiều hơn bất kỳ ai khác? Tất cả vì một lý do thôi: Chúng ta chưa học cách làm thế nào để yêu thương chính mình.
Nếu bạn thấy khó mà nói với người khác: “Cánh cửa của trái tim tôi luôn rộng mở đối với bạn, dù cho bạn làm gì đi nữa,” thì lại càng khó khăn gấp vạn lần khi tự nói với mình rằng, “Cái tôi ơi, người thân thiết nhất đời của tôi, cánh cửa của trái tim thôi luôn mở rộng ra với chính mình, bất kể tôi đã làm gì đi nữa. Xin mời vào.”
Đó là điều tôi muốn nói khi nói hãy yêu thương chính mình, nó được gọi là dự tha thứ. Đó là cất bước ra khỏi nhà tù của mặc cảm tội lỗi; đó là hòa giải với chính mình. Và nếu bạn đủ cam đảm để nói những lời ấy với chính mình, một cách thành thật, trong thế giới riêng tư của chính mình, thì bạn sẽ vươn lên để đón nhận tình thương cao quý. Một ngày nào đó, tất cả chúng ta phải tự nói với chính mình những lời ấy, hay những lời tương tự, với lòng thành, không hề đùa giỡn. Khi làm như thế, một phần trong con người của chúng ta, phần bị từ khước, phần sống trong ghẻ lạnh bấy lâu, sẽ như được trở về nhà. Chúng ta sẽ cảm thấy được đoàn tụ, được trọn vẹn, được tự do hưởng hạnh phúc. Chỉ khi nào chúng ta yêu thương chính mình theo cách như vậy chúng ta mới thật sự biết yêu thương người khác, không hơn, không kém.
Và xin hãy nhớ rằng bạn không cần phải hoàn hảo, không tỳ vết thì mới ban tặng tình thương cho mình như thế. Nếu bạn chờ cho tới khi hoàn hảo thì việc ấy không bao giờ đến. Chúng ta phải mở cửa trái tim mình để đón nhận chính mình, cho dẫu mình đã làm bất cứ chuyện gì đi nữa. Một khi vào bên trong rồi, chúng ta mới hoàn hảo.
Người ta thường hỏi tôi chuyện gì xảy ra cho bảy nhà sư đó khi sư cả nói với băng cướp đó không thể chọn ai. Câu chuyện mà tôi nghe cách đây đã lâu không cho biết rõ đoạn kết. Nó ngừng ở đó, ở chỗ tôi ngưng lại. Nhưng tôi biết chuyện gì xảy ra tiếp theo; tôi hình dung rất rõ kết quả. Khi sư cả giải thích cho băng cướp lý do vì sao sư không thể chọn lựa giữa sư và người nào khác, và nói rõ ý nghĩa tình thương và sự tha thứ mà tôi vừa trình bày với các bạn thì băng cướp rất cảm kích và hứng khởi đến độ không những họ để cho các nhà sư được sống mà chính họ cũng trở thành các nhà sư!
Gà và vịt
Đây là một câu chuyện mà thầy tôi, ngài Ajahn Chah ở vùng Đông bắc Thái Lan, rất ưa ý.
Một cặp một vợ chồng mới cưới nọ một hôm đi dạo trong rừng sau buổi ăn chiều vào một buổi tối mùa hè. Họ có một quãng thời gian tuyệt diệu bên nhau cho đến khi thình lình có một âm thanh từ xa vọng lại: “Cạp, cạp”.
Chị vợ nói: “Hãy nghe kìa, có tiếng gà gáy”.
Anh chồng nói: “Không phải đâu, đó là tiếng vịt kêu”.
Chị vợ cãi: “Không mà, rõ ràng là tiếng gà.”
“Không phải đâu, gà thì gáy ò ó o ò, vịt thì kêu cạp cạp. Đó là con vịt em à!” Giọng chồng có vẻ hơi giận.
Lại có tiếng kêu vang lên : “Cạp, cạp”.
“Thấy chưa ? Đó là con vịt”.
“Không phải anh à. Đó là con gà. Rõ ràng mà.” Chị giậm chân khẳng định. “
Nghe đây này ! Đó là c-o-n v-ị-t. V-ị-t, v-ị-t ! Hiểu chưa ?” Anh chồng nói một cách giận dữ.
Chị vợ cãi : “Nhưng đó là con gà !”
“Đó là một con vịt trăm phần trăm, đúng là cái đồ, đồ…”
Đúng lúc đó con vật kêu lên : “Cạp, cạp” trước khi anh chồng buông ra lời không nên nói.
Chị vợ nước mắt lưng tròng, “Nhưng đó là con gà mà !”
Anh chồng thấy nước mắt của chị vợ đã tràn mi mới nhớ lại lý do vì sao lấy chị. Sắc mặt anh dịu đi và anh nói một cách nhỏ nhẹ : “Anh xin lỗi, có lẽ em nói đúng. Đó là con gà”.
“Cám ơn anh”. Chị vợ bóp mạnh tay chồng.
“Cạp, cạp”. Âm thanh vang vọng cả khu rừng khi cặp vợ chồng tiếp tục đi dạo trong tình yêu thương.
Điều mà cuối cùng anh chồng nhận thức được là như thế này : Bận tâm làm chi chuyện con vật là gà hay vịt ? Cái quan trọng hơn là sự hòa thuận giữa hai người, và nhờ thế họ hưởng được một cuộc đi dạo êm đềm trong một buổi tối mùa hè đẹp đẽ như thế này. Bao nhiêu cuộc hôn nhân đã tan vỡ vì những chuyện nhỏ nhặt như thế này ? Có bao nhiêu chuyện ly hôn vì những chuyện vịt gà ?
Biết ơn
Cách đây một vài năm tại Singapore, sau kễ cưới cha cô dâu kéo chú rể mới ra riêng để đưa ra vài lời khuyên giúp cho cuộc hôn nhân được bền vững và hạnh phúc.
Ông nói với chàng thanh niên : “Chắc con yêu con gái của ba lắm”.
“Dạ, vâng ạ”. Chú rể thở dài đáp.
“Chắc con nghĩ rằng nó là người tuyệt vời nhất thế giới”, ông già nói tiếp.
“Dạ, em là người hoàn hảo về mọi mặt”, chàng trai tán dương.
Ông già nói, “Tình hình là như vậy khi con mới cưới. Như sau một vài năm con sẽ bắt đầu thấy một vài khuyết điểm ở con gái của ba. Khi con bắt đầu thấy thiếu sót, ba muốn con nhớ điều này. Nếu như nó không có các thiếu sót đó thì con à, nó sẽ lấy một đứa tốt hơn con nhiều”.
Bởi vậy chúng ta nên biết ơn những khuyết điểm ở người hôn phối, bởi vì nếu như họ không có những khuyết điểm đó, thì họ đã cưới người nào đó tốt hơn ta nhiều.
Chuyện tình lãng mạn
Khi chúng ta đang yêu, chúng ta chỉ thấy ” những viên gạch tốt” trên bức tường của người bạn đời. Đó là điều mà chúng ta muốn thấy, thế cho nên đó là tất cả những gì chúng ta thấy. Chúng ta không muốn thấy điều mình không thích. Sau đó, khi đi đến luật sư để nhờ nạp hồ sơ xin ly dị, chúng ta chỉ thấy “những viên gạch xấu” trên bức tường của người bạn đời. Chúng ta nhắm mắt trước những phẩm chất cao vời. Chúng ta không muốn thấy, cho nên cũng không thấy các phẩm chất ấy. Một lần nữa chúng ta từ chối thấy những điều mình không muốn.
Tại sao chuyện tình lãng mạn thường diễn ra trong một câu lạc bộ đêm đèn mờ hay tại một bữa ăn thân mật bên ánh nến lung linh, hoặc vào ban đêm dưới ánh trăng ? Bởi vì trong những tình huống ấy bạn không trông thấy những mụt mụn của nàng hay chiếc răng giả của chàng. Bởi vì dưới ánh sáng mờ ảo, trí tưởng tượng của chúng ta được tự do vẽ vời biến cô gái đối diện thành một siêu mẫu hoặc chàng trai mang dáng dấp của một ngôi sao điện ảnh. Chúng ta yêu thích mơ mộng và chúng ta mơ mộng yêu đương. Chúng ta nên ý thức một chút mình đang làm gì.
Nhưng các tu sĩ Phật giáo thì không tham gia vào các cuộc tình lãng mạn dưới ánh nến. Họ bật sáng những ngọn đèn để soi rõ thực tại. Nếu bạn muốn mơ mộng thì đừng viếng thăm một tu viện.
Một hôm, vào năm đầu tiên tôi xuất gia tại vùng Đông bắc Thái Lan, tôi đang ngồi ở băng sau của một chiếc xe hơi cùng với hai nhà sư người phương Tây khác nữa. Cùng đi có Ajhan Chah, thầy tôi, ngồi ở ghế trước. Ajhan Chah chợt ngoái đầu lui nhìn sư chú người Mỹ ngồi cạnh tôi và nói một câu gì đó bằng tiếng Thái. Nhà sư phương Tây thứ ba, rất giỏi tiếng Thái, phiên dịch cho chúng tôi rằng : “Ajahn Chah nói là chú đang nhớ đến cô bạn gái ở quê nhà L.A.”
Hàm của sư chú người Mỹ hả ra gần đụng sàn xe. Ajahn Chah đã đọc được ý nghĩ của chú – một cách chính xác.
Ajahn Chah mĩm cười nói tiếp và lời ngài được dịch ra là : “Đừng có lo. Chúng ta có thể xử lý chuyện đó. Lần tới khi viết thư cho cô ấy, hãy yêu cầu cô gửi một cái gì đó riêng tư, một cái gì đó rất gần gũi, mà chú có thể mang ra khi nhớ tới nàng, để nhắc nhỡ chú về nàng.”
Sư chú ngạc nhiên hỏi : ” Một nhà sư cũng được phép làm như vậy sao ?”
Qua phiên dịch, Ajhan Chah trả lời : “Được chứ”.
Cuối cùng các nhà sư có lẽ hiểu được thế nào là chuyện tình lãng mạn.
Những lời của ngài Ajahn Chah vị sư kia phải mất nhiều phút mới dịch được. Nhà sư phiên dịch phá ra cười ngất và phải cố nín lắm mới có thể nói được.
“Ajhan Chah nói… ” Ông sư đấu tranh dữ lắm để nói ra những từ ấy, lau vội nước mắt chảy vì cười. “Ajahn Chah nói chú hãy nhắn cô ta gửi một lọ cứt. Khi nào chú nhớ tới cô nàng thì lấy lọ ra mà mở nắp.”
Cứt là một cái gì đó riêng tư. Phải chăng khi bày tỏ tình yêu chúng ta thường nói anh yêu tất cả mọi thứ thuộc về em ? Lời khuyên tương tự cũng nên được đưa ra cho một tu nữ đang nhớ đến bạn trai.
Như tôi đã nói, nếu bạn thích mơ mộng yêu đương, hãy tránh xa tu viện của chúng tôi.
Tình yêu chân thật
Cái rắc rối của tình yêu lãng mạn là khi ảo tưởng vỡ tan, nỗi thất vọng tiếp theo sau đó làm cho chúng ta bị tổn thương nặng nề. Trong tình yêu lãng mạn (trái ngược với tình yêu chân thật), chúng ta không thật sự yêu người kia, chúng ta chỉ yêu cái cảm giác họ đem lại cho ta. Chúng ta yêu thích cái cảm giác hưng phấn khi có sự hiện diện của họ. Đó là lý do tại sao khi họ không có mặt chúng ta cảm thấy thiếu vắng và nhắn gửi cho ta một lọ… Nhưng cũng giống như bất kỳ một cảm xúc nào khác, cảm xúc ấy rồi cũng phôi pha.
Tình yêu chân thật là tình yêu không có sự vị kỷ. Chúng ta chỉ quan tâm đến người khác. Chúng ta nói với họ : “Cánh cửa của trái tim tôi luôn rộng mở ra với anh, dù anh làm gì đi nữa” và chúng ta nói với lòng thành thật. Chúng ta chỉ muốn họ hạnh phúc. Tình yêu chân thật rất hiếm hoi.
Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng mối quan hệ đặc biệt của chúng ta là tình yêu chân thật, không phải là tình yêu lãng mạn. Đây là một bài kiểm tra để cho bạn xem thử tình yêu của mình thuộc loại nào.
Hãy nghĩ đến người yêu của mình. Hãy hình dung ra người ấy trong đầu. Hãy nhớ lại ngày các bạn đến với nhau và các ngày tháng các bạn vui vẻ bên nhau. Bây giời hãy tưởng tượng bạn nhận được một bức thư từ người yêu ấy nói rằng đã phải lòng một người bạn thân nhất của bạn. Hai người đã đi xa để sống bên nhau. Bạn cảm thấy thế nào ?
Nếu là tình yêu chân thật thì ắt là bạn phải rất vui vì người ấy bây giờ đã tìm được một người tốt hơn bạn và hiện đang sung sướng hơn. Bạn ắt là vui mừng vì cả người yêu và người bạn thân đều đang cùng nhau vui hưởng hạnh phúc. Bạn ắt là vui mừng vì họ yêu nhau. Phải chăng hạnh phúc của người yêu là điều quan trọng nhất trong tình yêu chân thật ?
Như tôi vừa nói, tình yêu chân thật rất hiếm hoi.
Ngày xưa có một vị hoàng hậu nhìn qua cửa sổ và thấy Đức Phật đi khất thực ngang qua. Nhà vua nhìn hoàng hậu và nổi cơn ghen khi thấy ánh mắt của hoàng hậu dành cho vị Sa môn vĩ đại. Nhà vua hạch hỏi hoàng hậu rằng giữa ta và Đức Phật khanh yêu ai nhiều hơn. Hoàng hậu là một đệ tử thuần thành của Đức Phật, nhưng vào thời ấy người ta phải cẩn thận khi chồng là một vị hoàng đế. Nếu không tỉnh táo thì có thể mất đầu. Hoàng hậu giữ được cái đầu của mình bằng một câu trả lời hết sức thành thật : “Thiếp yêu quý bản thân thiếp hơn cả hai ngài”.
Ajhan Brahm
Theo phatphapchanthat.blogspot.com.au