Trong lịch sử nhân văn khoảng 4.000 năm trở lại, con người đã bước qua những giai đoạn thông tin và truyền thông đại chúng từ thấp đến cao về số lượng; nhưng cũng trong nhiều trường hợp, từ cao đến thấp về chất lượng.
Khoảng bốn thế kỷ trước tây lịch, cao điểm nhất là thời cổ Hy Lạp, hiện tượng thuyết trình, tranh luận công cộng của các triết gia, đạo sĩ, chính khách… đã ngày càng phổ biến. Những đại môn phái du thuyết như Platon, Socrate, Aristote… thời Hy Lạp cổ đã đưa việc thuyết trình công cộng lên thành một nghệ thuật và kỹ thuật nhào nặn cũng như phát huy ngôn ngữ ở mọi cấp độ.
Tại Ấn Độ, thời Đức Phật còn tại thế, những đạo sĩ Bà Là Môn và các môn phái Du Già Nguyên Thủy cũng là những nhà thuyết pháp đại chúng, rộn rịp một thời trên những nẻo đường xứ Ấn.
Trong nội bộ sinh hoạt đạo Phật thì việc nói hay thuyết giảng chuyện đạo cho đại chúng nghe thường được gọi là thuyết pháp.
Đã hơn 70 năm qua, là một người theo đạo Phật theo mẹ từ nhỏ, tôi thấy chưa có thời kỳ nào mà Phật sự thuyết pháp lại diễn ra rộng khắp, quy mô và đông đảo như thời kỳ nầy. Trong quan hệ thông tin hai chiều phát và thu hoặc cho và nhận… thì hầu như chùa nào cũng cũng có đủ thời khoá: lễ nghi tụng kinh và thuyết pháp. Dù được đào tạo hay trang bị phương pháp Giáo Thọ hay chưa thì quý Tu sĩ – Tăng Ni, Cư sĩ, nhất là các vị trụ trì chùa viện đều vô hình chung trở thành là những nhà thuyết pháp thường xuyên. Thông thường, một nhân vật thuyết pháp hay người thuyết pháp vừa đóng vai là một thầy dạy học, vừa là một “nghệ sĩ” trình diễn trên sân khấu. Nghĩa là dạy lý thuyết kinh điển Phật học đã đành, nhưng quan trọng hơn nữa là phương pháp sư phạm và nghệ thuật trình diễn thu hút được quần chúng tới nghe.
Với tầm phát triển tinh xảo của khoa học kỹ thuật ngày nay, phương tiện chuyển tải như hệ thống âm thanh, máy quay hình thu phát, các trang mạng xã hội, các điện thoại cầm tay… đang trở thành quá phổ biến, mọi người đều có khả năng và phương tiên thu và phát thường trực trong tầm tay, trong túi áo.
Bên cạnh phương tiện truyền thông quá dễ dàng và phong phú, phổ biến toàn cầu thì việc còn lại quan trọng nhất trong vấn đề thuyết pháp là NGƯỜI THUYẾT PHÁP.
Một vị Tăng Ni hay Cư Sĩ Phật giáo đóng vai trò liên hệ chuyện đời, thuyết giảng chuyện đạo, tìm phương hóa giải… nhằm mục đích tạo chuyển biến giải khổ, cầu vui và làm sao tạo được sự thuyết phục biện giải cụ thể nơi người nghe thật là cả một yêu cầu không dễ dàng hay đơn giản như một cuộc họp mặt bình thường, gặp nhau nói chuyện mưa năng, vui buồn.
Thuyết pháp từ bi
Gần đây, một số quý anh chị em cựu huynh trưởng, huynh trưởng GĐPT và cư sĩ Phật tử ở San Jose giới thiệu cho nhau một video về cuộc thuyết pháp của một vị Thầy mà các bạn ấy cho là: thuyết pháp từ bi. Có thể nói hình dung “thuyết pháp từ bi” là một nhóm từ hay để làm biểu tượng cho cuộc pháp thoại hoàn mãn mang được nhiều lợi lạc cho cả diễn giả, hành giả và thính giả.
Theo dõi cuộc thuyết pháp của Thầy nói về “Đạo giữa Đời thường” người nghe bình tâm thấy được những gì là hương lành Từ Bi trong đó?
Nhìn về nội dung cũng như hình thức thì bài thuyết pháp nói về đề tài “Đi tìm hạnh phúc giữa cuộc đời” không có gì màu mè, cuốn hút hay những hiện tượng mới lạ, độc đáo hơn rất nhiều bài thuyết pháp khác đã được “post” lên các trang mạng xã hội.
Đêm nay về nghe lại, tôi như khám phá ra một điều “đặc biệt” ở bài thuyết pháp là toàn khung cảnh cũng như ngôn từ, chất giọng và nội dung bài pháp thoại của Thầy tuy không có gì “thiện xảo” hơn các bài giảng của quý Thầy, Sư Cô khác. Nhưng có 3 điều khiến tôi tán thán và thanh thoát bị “chinh phục” từ bài thuyết pháp của Thầy là:
1- Vắng bóng cái tôi đáng ghét.
Thật ra, cái “Tôi đáng ghét” là tên canh cửa sừng sõ nhất trong sự giao tiếp hai chiều. Một bài nói chuyện, nhất là nói pháp mà mở màn đã thấy cái tôi đứng từ cửa ngõ vô tới tiền đình là một phần ba cảm tình của người nghe đối với diễn giả bị ghét oan! Nào là: tôi tiến sĩ, tôi giảng sư, tôi viện chủ, tôi trưởng ban, tôi tuyên bố, tôi nhận thấy… là cả một đội canh tuần gác cổng chưa thấy chủ nhân mà chỉ thấy toàn gươm giáo.
Ở đây, trong suốt bài pháp, hầu như vắng bóng cái tôi của Thầy. Người nghe có cảm tưởng như cái ngã sở, ngã chấp, ngã mạn của Thầy đã được chế ngự và nhốt kín. Cái Tôi của Thầy đã thuần hóa (thánh hoá?) để tô điểm cho lời nói pháp của Thầy nhẹ nhàng bay cao. Bởi không có chủ thể khống chế làm cho khung cảnh bị dính mắc vào cái Tôi (ngã mạn) đáng ghét nên lời pháp của thầy thông thoáng đi vào từng ngõ ngách tâm hồn của người nghe.
Sự vắng bặt những xác định hay gợi ý, khoe mẽ cá nhân như say sưa nói về kinh nghiệm, học vị, chứng đắc… của mình đã làm cho lời của Thầy thoát vòng tục luỵ phù phiếm mà không ít thì nhiều, quý vị lên diễn đàn thường mắc phải.
2- Rỗng rang hỷ xả.
“Rỗng rang thanh tịnh ắt an định nội tâm!”
Cũng như nhiều cuộc pháp thoại khác, Thầy cũng phải vận dụng những sự kiện lịch sử và xã hội trong nhiều hoàn cảnh nghiệt ngã. Đồng thời, nhận định và phủ nhận hay chấp nhận những con người và hành vi tương ứng thường được xem là ngọn lửa thử vàng cái bản lĩnh và đạo lực của nhà thuyết giảng. Thầy không đặt con người và hành tung của họ lên đấu trường tương tác tay đôi để khen chê, nhiệt tình ca ngợi hay chua chát mà có vẻ như luôn luôn dang tay mình nắm lấy tay người và đặt mình trong vị thế của các nhân vật thiện cũng như bất thiện. Không đánh đổ, tiêu diệt mà hóa giải, hồi phục mới là ánh sáng của Từ Bi. Lời nói như từ tâm phát ra, không qua những cong quẹo gập ghềnh của theo gót và thị phi mới đúng là chánh ngữ.
3- Uy nghi trong ngôn ngữ.
Uy nghi trong ngôn ngữ khác với cách kiểu nói lạnh lùng, đanh thép, xuống lệnh hay biểu tỏ quyền uy. Trong ngôn ngữ nhà Phật, lấy pháp uy nghi là trọng. Nhưng uy nghi là dùng lời nói như một phương tiện hợp với hoàn cảnh, vị trí phù hợp với tinh thần Bát Chánh Đạo, Lục Hòa và ái ngữ. Im lặng sấm sét như chánh pháp. Tiếng vọng uy vũ như hải triều âm, sư tử hống. Nụ cuời trọn đầy ý nghĩa sâu xa như niêm hoa vi tiếu… Ngôn ngữ nói cho cùng là phương tiện chuyển tải những thông điệp giữa hai đối tượng nói và nghe.
Thuyết pháp hay diễn thuyết tự bản chất là dùng lời nói để thuyết phục người nghe và xây dựng luận điểm mình muốn nói ra với một mục đích nào đó. Do vậy, nhiều vị diễn thuyết đã dùng những lý luận, phân tích để tấn công nhằm phủ định hay bẻ gãy luận điểm của người khác bằng lời nói gay gắt phê phán, cười cợt, chụp mũ, dán nhãn hiệu. Đấy là tiểu xảo ngôn ngữ của lối hùng biện duy lý phương Tây chứ không phải tinh thần uy nghi trong ngôn ngữ chân ngôn của nhà Phật.
Trong bài thuyết pháp của Thầy, có đủ những mẫu chuyện đạo, đời, xưa nay minh họa. Nhưng những cảm xúc vui buồn do chính ý nghĩa của câu chuyện nói lên chứ không phải Thầy “cười trước cái cười của thiên hạ hay trĩu giọng buồn trước cái buồn của nhân vật ví von”. Thầy tạo cảm xúc mà không dấy động cảm xúc bằng thân ngữ (body language).
Nghe hết bài Thầy giảng, quả nhiên tôi thất tâm đắc với nhận xét: “Thuyết pháp từ bi” bởi cái tâm Thầy an tịnh như một dòng song trong vắt. Lời giảng pháp của Thầy phát ra như tiếng nói khi trầm khi lắng của Bà mẹ Thiên nhiên.
Khi nói đến khái niệm Thuyết pháp Từ bi, có bạn hỏi tôi thế thì trường hợp Robot (người máy) Phật giáo Android Kannon của Nhật sáng chế có thể thuyết pháp kinh tạng Phật pháp bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau thì sao. Robot không có Ngã, luôn luôn rỗng rang hỷ xã, chính xác uy nghi trong ngôn ngữ thì có đạt được chất lượng “thuyết pháp từ bi” không?
Tôi đã xin thưa: Từ bi là cảm xúc từ trái tim, rỗng rang là trạng thái từ cân não, uy nghi ngôn ngữ là sự kết hợp của trí tuệ và sự thấu cảm nhân văn. Tất cả những tinh túy tạo ra lòng từ bi, niềm thấu cảm trí tuệ và sự uy nghi ngôn ngữ đều hoàn toàn không tìm thấy từ nơi con Người Máy Kannon. Thuyết pháp Robot là một hiện tượng thóc mách kỹ thuật, là sự ứng dụng thoái trào trong sinh hoạt hoằng dương Phật Pháp bởi ngôn ngữ là phương tiện tạm thời. Tạm dùng tiếng nói để hướng đến tầm cao diệu lý của đạo Phật là rỗng lặng vô ngôn. Robot sẽ không bao giờ tới được “Kim Cang vô tự thị chân kinh” (Kim Cang chân nghĩa là kinh không lời)!
Một hướng thuyết pháp Từ Bi
Là một thầy giáo dạy Ngữ Văn bậc trung học ở Việt Nam và đại học ở Mỹ, tôi hết lòng cảm thông cũng như chia sẻ sự khó khăn và nhạy cảm của người thuyết giảng trước quần chúng. Người có kiến thức rộng, sở học cao chưa hẳn là người nói hay, nói giỏi. Tuy nhiên, lịch sử ngữ học chứng minh rằng: Tài hùng biện là một thiên khiếu nhưng đồng thời nhà hùng biện cũng là kết quả của một quá trình cần mẫn học hỏi và khổ luyện lâu dài. Bởi vậy, tôi có cái biên kiến là rất ngưỡng mộ những người thuyết trình hay, các vị tu sĩ (của bất cứ tôn giáo nào) giảng đạo thu hút hay thuyết pháp tài năng.
Đã nhiều năm qua, trong 37 năm ở Mỹ, tôi thường ráng sắp xếp cho mình mỗi năm ít nhất cũng dự được một vài khóa tu học hay tham gia các cuộc thuyết trình về những đề tài thích hợp. Và tính đến nay cũng đã hơn mười lần, tham gia thường trú hay bán trú các khóa tu học ở Thiền viện Diệu Nhân trong các khóa tu theo mùa. Năm nay, tôi tham dự bán trú khóa Tu Học Mùa Thu năm 2019. Tôi vẫn “chuẩn bị ưu tiên” cho các buổi pháp thoại trong các khóa Tu Học. Được theo dõi các buổi thuyết pháp của các Ni Sư tu theo Thiền Tông Việt Nam, thuộc phái Trúc Lâm Yên Tử là cả một nguồn vui tinh thần và hạnh phúc tín tâm.
Sáng nay, thứ Năm 3-10-2019, tôi dậy lúc 3 giờ rưỡi sáng, uống một bình nước trà xanh Bắc Thái thường lệ như mọi sớm mai cho tỉnh người và tới 4:30 am, lái xe một mình lên Thiền Viện Diệu Nhân ở thành phố Rescue, California. Nhà tôi ở cách chùa 55 miles (94 km), cũng ngót nghét xa gần bằng từ Huế vào Đà Nẵng và lái xe cũng mất gần 1 giờ trên xa lộ 99 N và 50 E South Lake Tahoe.
Các Ni sư – Những vị “thuyết pháp Từ bi” trong khoá Tu Học Mùa Thu 2019 tại Thiền viện Diệu Nhân, Rescue – California – Hình ảnh khai mạc khóa tu.
Đêm gần sáng mùa Thu lạnh (49 độ F = 9.5 độ C), xe chạy quá 80 miles một chút (non 130 Km/giờ). Tôi phải ghi xuống tỉ mỉ như thế vì càng lên hướng Bắc, bốn bề càng vắng lặng, nên tôi rất “hiện sinh” với chiếc xe, tay lái và con đường. Tôi nghĩ đến các Ni Sư thiền viện Diệu Nhân và quý Ni Sư từ Việt Nam mới sang hôm qua. Tôi đã được nghe quý Ni Sư thuyết pháp nhiều lần; nhưng lần nầy tôi mỉm cười tẩn mẩn với ý nghĩ “thuyết pháp từ bi”.
Quý Ni Sư viện chủ và phó viện chủ thiền viện Diệu Nhân: Ni sư Thuần Tuệ và Ni sư Thuần Bạch là hai vị thuyết pháp đã tạo được ảnh hưởng tích cực trong dòng hoằng pháp hải ngoại. Ni sư Thuần Bạch là một nhà nghiên cứu và dịch giả Phật học với trên 10 tác phẩm biên khảo và dịch thuật đã xuất bản, Đặc biệt, Ni sư Thuần Tuệ được cả hai giới Phật tử già và trẻ – nói tiếng Việt và tiếng Anh quý mến gọi là nhà “thuyết pháp từ bi” vì bên cạnh những phẩm chất nêu trên, Ni sư còn một ưu điểm mà các vị thuyết pháp khác thường không quan tâm là “giáo án”, là bài soạn cẩn trọng cho đề tài thuyết pháp.
Khoá Tu Học Mùa Thu Diệu Nhân hôm nay có duyên lành được quý Ni sư Như Đức, Hạnh Huệ, Hạnh Như, Giải Thiện… là những giáo thọ, giảng sư thời danh khả kính trong sinh hoạt hoằng pháp của Thiền tông Việt Nam tham dự và thuyết pháp.
Đến thiền viện Diệu Nhân lúc 5:20 sáng, đúng lúc buổi tọa thiền buổi sáng bắt đầu, tôi tìm được một chỗ để đặt bồ đoàn tọa cụ cho cá nhân mình. Thiền đình đã chật ních thiền sinh. Sáu mươi phút tĩnh tâm thiền tọa, chỉ cần vài phút giữ cho ý nghĩ và xúc cảm như như rỗng lặng thì cũng đã đạt lắm rồi. Tôi có cảm tưởng như mình cảm ứng được với nguồn năng lượng của đại chúng. Xả thiền, 06:30 sáng trời còn sương mù. Buổi tọa thiền kết thúc. Khoá Tu học Mùa Thu khai mạc. Thiền cũng là một sự khai mở… luôn luôn khởi sự mà không bao giờ chấm dứt. Thuyết pháp từ bi cũng thế: Mở ra cánh cửa Thiền không khép lại cho tới khi qua được Bờ Bên Kia.
TV Diệu Nhân, Rescue California, Thu 2019
Trần Kiêm Đoàn ( Theo thuvienhoasen.org )