Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Tạo những nghiệp gì đọa làm ngạ-quỷ ?”

Thế Tôn nói :“Những chúng sanh ăn ở gắt gao, tiền của chẳng thí, tham mến ăn mặc, lường gạt lấy tiền của công đem thọ dụng riêng. Có người nghèo khó xin ăn, một đồng chẳng thí lại thêm mắng chửi, cứ lo cho mình no ấm không thương người đói lạnh. Đến khi chết rồi quyết đọa vào đường ngạ quỷ, chịu đói khổ mãi, cái cuống họng nhỏ như cây kim, nuốt ăn chẳng xuống, cái bụng lớn như cái trống, cái đầu lớn như hòn núi, thoảng như gặp đồ ăn uống thì đồ ăn uống ấy hóa thành sắt nóng đồng sôi, đói cho đến đỗi trong miệng ra lửa, lỗ mũi ra khói, hình thể ốm đen, đền tội đủ rồi mới hết nghiệp khổ !”.

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Tạo những nghiệp gì đọa làm súc-sanh ?”

Thế Tôn nói :“Những chúng sanh tham ăn rượu thịt, giết hại cầm thú, bày tiệc ăn chơi đàn ca vui sướng, nên trả quả làm súc sanh đền thường mạng trước. Lại có người mượn vay tiền bạc của người đoạt lấy chẳng trả, quả báo làm súc vật trả cái nợ cho người, trả cho hết cái nghiệp đó mới ra khỏi luân hồi !”.

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Sao kêu là nhứt thế Tam-Bảo ?”

Đức Phật nói :“Cái tánh là Phật-Bảo, thường thường chẳng động; cái tâm là Pháp-Bảo, tỏ sáng công chánh; cái thân là Tăng-Bảo, trai giới trong sạch”.

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Sao kêu là tam tịnh giới ?”

Phật nói :“Thứ nhất phải trừ hết tâm ác; thứ hai phải đầy đủ tâm lành; thứ ba phải độ hết chúng sanh. Đây tên là ba pháp tịnh giới của vị Bồ-Tát !”.

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Tu những phước nghiệp gì được làm người đàn ông?”

Thế Tôn nói :“Người biết cung kính Tam-Bảo, thảo nuôi cha mẹ, thường làm mười việc lành, thọ trì năm-giới, lòng ở công chánh, quí mến người hiền lương, tu những căn lành như vậy thời đặng làm người đàn ông. Nếu như trong ba-kiếp chẳng tu thời đọa làm người đàn bà, trong năm-trăm-năm làm thân đàn ông một lần, hoặc có chuyển đổi cái thân quên mất kiếp trước, gặp nhân duyên ác lại tạo việc chẳng lành, lại quên mất thân đàn ông, muôn kiếp khó trở lại đặng !

Lại nữa Văn Thù Sư Lợi ! Thân đàn ông có đầy đủ bảy báu; thân người đàn bà có năm thứ lậu. Sao tên là bảy báu ?

– Một là có cái báu chí khí, đi dạo chơi chỗ nào cũng không lo sợ.
– Hai là có cái báu làm chủ, làm việc gì cũng được nắm giữ quyền hành.
– Ba là có cái báu thành gia, tự mình sanh tài lập nghiệp.
– Bốn là có cái báu an thân, giúp việc vua quan, hiếu dưỡng mẹ cha.
– Năm là có cái báu thánh tri, hay quyết đoán sự phải quấy.
– Sáu là có cái báu an bang khắp cả, sự lý dung hòa.
– Bảy là có cái báu định tánh, được gần gũi người hiền, tôn thờ vị thánh.

Cho nên gọi là người đàn ông trong mình có bảy sự báu.

Còn sao gọi là năm thứ lậu ?

1- Chẳng đặng làm chủ cái thân.
2- Chẳng đặng làm chủ trong nhà.
3- Chẳng đặng làm chủ người khác.
4- Chẳng đặng làm chủ sản vật.
5- Chẳng đặng làm vị Thánh.

Đây gọi là năm thứ lậu của người đàn bà”.

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Có người tuổi còn nhỏ tạo nhiều nghiệp dữ, đến khi già tu hành, đặng thành Phật không ?”

Đức Phật nói :“Bể khổ không ngằn mé, nếu quay đầu thì thấy bờ bến ở mé sau lưng, nếu có người hồi tâm phát nguyện tu hành, bỏ việc quấy theo việc phải, cải dữ theo lành, trường-trai ngăn cấm rượu thịt, học hỏi chánh-pháp, bất kỳ già trẻ đồng thành Phật đạo”.

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật : “Có thiện-nam tín-nữ một đời trai giới, gieo trồng các căn lành, đến khi già lại sa ngã bỏ ăn chay, phạm giới cấm, sau bị quả báo chi ?”

Thế Tôn nói :“Những chúng sanh như vậy tuy có căn lành mà không có nguyện lực lớn, không có chánh tri kiến, xa lìa thầy bạn, quên hết các công lao khi trước tu hành, trở lại bị lục-tặc lôi kéo, cướp đoạt công đức của mình, tâm sanh điên đảo không thành Phật đạo ! …

Trong đó hoặc có người phạm về việc ăn thịt thời phải đọa lạc về Thần-đạo, như bực trên thì làm Quỷ-vương, bực giữa thì làm Dạ-xoa, bực dưới thì làm La-sát, chịu hưởng của người cúng tế. Đến chừng phước khí tiêu hết, theo nghiệp luân hồi trả quả, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng !

Trong đó hoặc có người phạm dâm dục thời đọa lạc làm Ma-đạo, bực trên thời làm Ma-vương, bực giữa thời làm Ma-dân, bực dưới thời làm Ma-nữ. Đến chừng phước khí tiêu hết, theo nghiệp luân hồi trả quả, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng !

Trong đó hoặc có người phạm tội uống rượu, thời đọa lạc về Quỷ-đạo, bực trên làm Hữu-tài-quỷ, bực giữa thời làm Phong-nguyệt-quỷ, bực dưới thời làm Tiêu-tán-quỷ. Đến chừng phước khí tiêu hết, theo nghiệp luân hồi trả quả, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng !

Hoặc phạm tội trộm cắp, phải đọa lạc Tà-đạo, bực trên thời làm Tinh-linh, bực giữa thời làm Yêu-quái, bực dưới thì làm người tà. Tà khí tiêu hết, tùy nghiệp luân hồi trả quả, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng !

Hoặc phạm tội vọng ngữ, chưa đặng nói là đặng, chưa chứng nói là chứng, cái lòng tự cao nên phải đọa làm loài yêu, bực trên thời làm Ly-mị, bực giữa thời làm Vọng-lượng, bực dưới thời dựa gá cỏ cây. Cái khí yêu tan hết, tùy nghiệp luân hồi trả quả, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng !

Lại có người hay sân giận, tuy có phước đức cũng đọa Tu-la ác-đạo, bực trên là A-tu-la vương, bực giữa là A-tu-la chúng, bực dưới là A-tu-la nữ, thường ham tranh đấu, chịu những lao khổ mãi mãi. Phước khí tiêu hết, theo nghiệp luân hồi trả quả, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng !

Nếu tu hành còn uống rượu mà muốn thành đạo, thì cũng như người uống thuốc độc mà muốn được an vui, không có thể được !

Nếu tu hành mà còn ăn thịt, muốn được thành đạo, cũng như nhận kẻ oán thù cho là con mình, muốn được thân yêu không có thể được !

Nếu tu hành phạm tội trộm cắp, muốn đặng thành đạo, cũng như lấy cái lu thủng đựng nước, muốn nước đầy mãi không có thể được !

Nếu tu hành còn phạm dâm dục, muốn cầu thành đạo thì như nấu cát đá muốn cho thành cơm, không có thể được !

Nếu tu hành chẳng dứt bỏ nói dối, lấy cái dối làm thiệt, muốn cầu cho thành đạo cũng như người thường dân xưng là vị Quốc-vương, muốn cầu giàu sang không có thể được !

Nếu tu hành mà tâm thường hay giận hờn, tánh thường hay tranh hơn thua, thiếu lòng từ-bi bình-đẳng mà muốn thành đạo, cũng như mình đi chiếc ghe lủng, muốn qua biển lớn thì phải bị chìm, tại nơi người muốn nên phải bị đọa, chẳng phải đức Phật chẳng cứu!

Nếu như muốn đạt kết quả tốt đẹp của đạo Bồ-đề thì phải giữ-gìn trai-giới của đức Như-Lai cho được thanh-tịnh, thà là bỏ thân mạng, nhứt định không hủy phạm; Đức Phật nhìn nhận người nầy chắc chắn sẽ được thành Phật !”.

Đức Phật nói với Văn Thù Sư Lợi rằng :“Ta cũng từ chỗ phát tâm trai-giới trong sạch mà đặng, ta cũng từ chỗ chân-thật mãi mãi không lui sụt mà đặng. Ta cũng từ chỗ lập-nguyện rộng lớn, nguyện ra khỏi thế-gian mà đặng, ta cũng từ chỗ lập chí bình-đẳng chẳng luận bà con hay là người dưng mà đặng. Ta cũng từ chỗ hạ tâm thấp hèn cầu thầy học hỏi mà đặng, ta cũng từ chỗ từ-bi nhẫn-nhục mà đặng, ta cũng từ chỗ tinh-tấn giải-thoát mà đặng. Ta cũng từ chỗ khó làm mà làm, khó bỏ mà bỏ, khó học mà học cho đến ta cũng từ chỗ học hết thảy các giống trí-huệ mà đặng !”.

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :
“Như người ở trên đời không có trai-giới mà hay làm phước huệ cho đời. Sau khi chết rồi có con hiếu thuận hoặc trai hay gái thỉnh thầy tụng kinh đại-thừa, làm thủy lục hoặc trai đàn lớn cầu siêu độ vong linh, không biết vong linh có thể siêu độ không ?”

Đức Phật nói :“Nếu như người khi sanh tiền không có công lành, chết rồi có con cháu làm công đức cầu-siêu, bố-thí bạc tiền thì mười phần công đức chỉ đặng ba phần !

Cớ sao vậy ? Vì lập công làm phước không chi qua xuất tiền bạc của mình ra làm chay bố thí, trong chúng đồng-phần người sống được phước hơn người vong.

Còn như thỉnh thầy uống rượu ăn thịt chẳng đặng trong sạch, tụng kinh lấy bạc tiền. Thiên thần chẳng giáng lâm, Phật thánh không đến trợ, lại vong linh ấy càng thêm tội lỗi!

Bằng như có con hiếu thuận chân chánh, cha mẹ chết rồi, trong mỗi tuần bảy ngày làm chay bảy thất, hoặc trong ba năm cả nhà ăn chay giữ giới, xuất tiền của trong sạch, cầu thỉnh thầy tu hành đức-hạnh, trai-giới tinh-nghiêm, tụng kinh đại-thừa, hoặc làm chay thủy-lục thiết lập nghiêm trang, thắp hương rãi hoa, y theo pháp cúng dường, có lòng thành kính thay thế cho vong hồn khỏi tội đặng phước. Nếu cầu-siêu bố-thí bạc tiền như vậy, vong linh mới đặng sanh lên cõi Trời, người sống cũng đặng phước, kẻ còn người mất đều đặng lợi-ích, đều đặng an-vui, người vui thần thánh cũng vui, như vậy mới thật là con cháu hiếu thuận !”.

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Sao kêu là minh-sư khẩu-khuyết ?”

Đức Phật nói :“Khi Như-Lai diệt độ rồi, có dạy các vị Bồ-Tát truyền Phật tâm ấn, tiếp nối huệ mạng của Phật đi giáo hóa mỗi phương, dẫn dắt những người chưa ngộ. Nếu chúng sanh nào có nhân duyên đặng nhân-quả chân-chánh, chánh-kiến, chánh-tu hàng phục tà-ma ngoại-đạo, phá trừ tà-kiến, tu công hạnh-chánh trước sau trong sạch, biết người chẳng có căn lành chẳng độ, người không phước đức chẳng truyền. Nếu có thiện-nam tín-nữ chơn chất, trí huệ sáng suốt hết lòng tầm cầu học đạo, thường thường thân cận cúng dường lâu ngày, hạ tâm tham cầu học hỏi, thầy với trò được biết với nhau rồi, chừng đó mới lấy tâm ấn tâm, lấy đạo truyền đạo, như các vị Tổ trước sau tiếp nối lưu truyền chẳng dứt, đây tên là Thiên-cơ khẩu-khuyết. Nếu người có duyên gặp đặng, không luận căn lớn hay nhỏ cũng thành Phật đạo !”.

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật : “Hoặc có thiện-nam, tín-nữ gần thầy nghe pháp thường thường mà nửa-tin nửa-không, dường như quy-y mà chẳng y theo, thân tuy lạy Phật mà lòng nghi hoặc đã nhiều, tâm mình chẳng ngộ trở lại trách thầy không chịu chỉ dạy, những người như vậy làm thế nào hóa độ ?”

Đức Thế Tôn nói :“Đây là những người ít phước, trí huệ cũng không, nên không biết pháp vô-vi, chấp trước hình tướng, tà-kiến kiêu-mạn che lấp chơn-tâm, chẳng đặng chánh-kiến !

Cớ sao vậy ? Nếu người tu hành biết trọng thầy thời mới trọng pháp, còn như tu hành khinh dể thầy thì trong lòng cũng khinh dể pháp. Hễ trọng thầy trọng pháp thời học mới đặng, còn khinh thầy thời pháp không học, nếu khinh thầy chê pháp là người tăng thượng mạn. Tuy đồng đi với thầy mà lòng xa cách như ngàn muôn dặm, đến chừng mạng chung vào địa ngục A-Tỳ, ngàn muôn Phật ra đời cứu độ chẳng đặng, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng !”.

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Sao kêu là một thân mà có bảy báu bố-thí ?”

Đức Phật nói :“Nếu chẳng tham là bố-thí, như con mắt chẳng tham sắc tốt và các vật đẹp là sắc-bửu bố thí. Lỗ tai chẳng nghe tiếng vui đờn ca xướng hát là thinh-bửu bố-thí. Lỗ mũi chẳng tham ngửi mùi thơm vật lạ là hương-bửu bố-thí. Cái lưỡi chẳng tham vị béo ngọt ngon là vị-bửu bố-thí. Cái thân chẳng tham mặc quần áo tốt đẹp là xúc-bửu bố-thí. Ý chẳng tham danh-lợi, ân-ái dục-tình là pháp-bửu bố-thí. Tánh chẳng tham những sự dục-lạc trong thế gian là Phật-bửu bố-thí.

Nếu có người biết đặng trong thân mình có bảy-báu bố-thí thì được phước đức hơn là đem bảy báu trong thế gian như kim, ngân, lưu ly, trân châu, mã não, san hô, hổ phách, trăm ngàn muôn phần bố thí cũng chẳng bằng một phần, nhẫn đến không thể đem thí dụ gì mà so sánh được !”.

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Sao kêu là Vương-Xá-Thành ?”

Đức Thế Tôn nói :“Tâm thí dụ là “Xá”. Tánh thí dụ là “Vương”. Trai giới trong sạch thí dụ “Thành tường”. Sáu căn thí dụ sáu bộ quan lại, sáu trần thí dụ sáu mối giặc mạnh, sáu thức thí dụ sáu cái cửa ra vào. Năm dục thí dụ năm con đường hang hố. Kiến văn tri giác thí dụ trong nước có bốn Tướng đồng phò tá Tánh vương. Giống như việc nhà việc nước, khi Tánh vương ra ngồi chỗ “Tâm xá” thường cùng sáu Thần, bốn Tướng đồng nghị sự lý thưởng phạt trong nước. Nếu Tánh vương có đạo chẳng vị tình riêng, có công thời thưởng, có tội thời trừng, lấy chánh lý hành đạo; như vậy người chết cũng không oán hận, hình chánh như thế thì thành vách trai giới ở bên ngoài được bền chắc, sáu cửa đóng kín sáu giặc chẳng xâm phạm. Ở bên trong thời được sáu Thần chân chánh, bốn Tướng công bình, chẳng dám làm điều hư tệ; bên trong bên ngoài như vậy thời Tánh vương đặng thái bình. Nếu Tánh vương không có đạo, nghe lời sàm tấu, thâu dụng nịnh thần, bỏ việc công theo việc tư, thưởng phạt chẳng công bình, trên dưới nghịch lẫn nhau. Bên trong sáu Thần chống báng nhau, bốn Tướng hư tệ; ở bên ngoài sáu cửa chẳng đóng, sáu giặc nổi loạn, công phá vách thành trai giới vào trong nước cướp đoạt công đức của Tánh vương. Cái phước hết, cái pháp không còn, thân tâm phải sa ngã chìm đắm mãi mãi. Cho nên muốn trị Thân thời phải có pháp luật, muốn trị Tâm thời phải có đạo lý, nếu không công bình thời không làm, không chân chánh thời không dùng. Phải được trong ngoài như nhau, trên quan dưới dân không lỗi, chúa tôi phải đạo, tâm tánh sáng suốt, thể dụng điều hòa thì tánh vương, quan dân đều được thái bình vui vẻ, nên tên là Vương Xá Thành”.

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Sao gọi là Phật-pháp của mình ?”

Thế Tôn nói :“Nếu hiểu rõ chân-tánh của mình xưa nay là Phật; trong tâm có Phật, còn pháp trong thế gian và xuất thế gian đều thông biết chẳng lầm, là pháp của mình. Nên cái tâm cần phải có đạo-lý nuôi dưỡng, Phật phải nhờ có giáo-pháp phò-trì, cho nên của-vật để nuôi thân-mạng, đạo-lý để nuôi huệ-mạng, đạo gồm thông tất cả nên được thành Phật.”

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật : “Bồ-Tát Quán-Thế-Âm sao lại có đến một ngàn con mắt, một ngàn cánh tay ?”

Thế Tôn nói :“Con mắt là biểu hiệu kiến tánh, cánh tay là biểu hiệu diệu-dụng. Nếu người hiểu được rốt ráo, minh-tâm kiến-tánh thì kiến tánh nầy cũng đồng như một ngàn vị Phật kiến tánh không khác, nên tên là Thiên-nhãn đều phóng ra hào quang sáng chói. Tự tánh của mình phát sanh diệu dụng cũng đồng diệu dụng như ngàn vị Phật chẳng khác, nên tên là Thiên-thủ tác dụng đồng vậy. Thể và dụng hai pháp đều biểu lộ ra như vị Viên-Thông Giáo Chủ Quán-Thế-Âm Bồ-Tát”.

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Sao kêu là ba-độc ?”

Đức Thế Tôn nói :“Ngu-si tà-kiến là một-độc, tham-lam chẳng đủ là hai-độc, sân-nộ tật-đố là ba-độc. Ba-độc nầy còn hoài thì người ấy phải đọa trong tam-đồ, một khi mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng !”.

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Sao kêu là tứ-đại ?”

Thế Tôn nói :“Đất có tánh chắc, nước có tánh thông, lửa có tánh nóng, gió có tánh động kêu là tứ-đại. Trong thân người cũng có tứ-đại hòa-hiệp mới thành một thể, nên da thịt gân cốt hiệp thành cái thân tên là địa-đại. Nước miếng, nước tiểu và máu tươi nhuận cái thân tên là thủy-đại. Trong mình hơi ấm vận chuyển điều hòa cái thân tên là hỏa-đại. Tay chân co duổi đi đứng tới lui, chuyển động cái thân tên là phong-đại. Hễ tứ-đại điều hòa thì thân an-lạc; tứ-đại chẳng hòa ắt sanh bệnh khổ. Nên địa, thủy, hỏa, phong kêu là tứ-đại”.

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Làm sao kêu là hiếu thuận ?”

Thế Tôn nói :“Hiếu là lòng từ, thuận là chẳng nghịch chánh lý; người có hiếu từ chẳng hại sanh linh để cho mình được sống, chẳng giữ lấy việc tư làm trái sự công bình; tôn trọng ngôi Tam-Bảo, kính trọng cha mẹ, chẳng sai chẳng dối, không thương không ghét. Khuyên bảo trong nhà đồng tu phước huệ, ở trong thời thuận hòa, ở ngoài thời trên cung dưới kính, cha mẹ còn hiện tiền an vui tâm thể, cha mẹ mãn số đặng lìa tội khổ, đặng sanh cung trời mới thiệt là thế gian nam nữ hiếu thuận. Còn như mỗi ngày sát hại sanh vật cúng dưng cha mẹ ông bà, làm thêm tội nghiệp cho Tổ-tông, thiệt là người đại bất hiếu, lúc sống đồng tạo nghiệp, sau chết đồng đọa với cha mẹ, oan trái dẫn dắt với nhau chung vào một chỗ đồng đi luân hồi, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng !”

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Sao kêu rằng phương tiện ?”

Thế Tôn nói :“Hai chữ phương tiện có nhiều nghĩa, nay ta lược nói có đến mười lăm nghĩa :

– Phương tiện thứ nhất chẳng nuôi chẳng giết.
– Phương tiện thứ hai chẳng ăn thịt uống rượu.
– Phương tiện thứ ba không nấu rượu.
– Phương tiện thứ tư không giết hại nhau.
– Phương tiện thứ năm đừng chỉ sai đường cho người.
– Phương tiện thứ sáu chẳng nên đốt rừng.
– Phương tiện thứ bảy đừng oán trời trách đất.
– Phương tiện thứ tám đừng khinh khi thần thánh.
– Phương tiện thứ chín đừng nói những lời thô tục.
– Phương tiện thứ mười chứa nhân bố đức.
– Phương tiện thứ mười một cần kiệm biết đủ đừng tham.
– Phương tiện thứ mười hai kính người già cả, thương kẻ nghèo đói.
– Phương tiện thứ mười ba phải cứu giúp nhau khi hoạn nạn.
– Phương tiện thứ mười bốn tu nhơn chứng quả.
– Phương tiện thứ mười lăm : người oán thù hoặc kẻ bà con thân cận cũng đều bình đẳng tế-độ giúp nhau.

Nếu người làm đặng mười lăm phương tiện nầy thì được mười lăm phước báo thanh tịnh. Thường sanh làm người hoặc được về cõi Trời, thọ hưởng những điều khoái-lạc tiêu-diêu”.

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Sao kêu rằng hảo tâm ?”

Thế Tôn nói :“Hai chữ hảo tâm ít người làm được, nếu có lòng hảo tâm, làm việc lợi ích cho người chẳng cầu trả ơn, làm việc giúp người chẳng cầu quả báo, cúng dường cho người chẳng cầu phước-báo, làm lợi ích cho người chẳng cầu ân-báo, những đến hạ tâm mình xuống, làm cho lòng muốn của người được đầy đủ. Khó bỏ xả mà bỏ xả đặng, khó nhịn mà nhịn đặng, khó làm mà làm đặng, khó cứu mà cứu đặng, chẳng luận bà con hay người dưng, lấy tâm bình-đẳng cứu giúp làm đúng sự thật. Chẳng phải miệng nói mà lòng không làm, con người cái miệng nói hảo-tâm mà lòng không làm từ-thiện; người hiền tâm thường làm những việc tốt mà miệng chẳng khoe khoang. Ý nghĩ giúp ích cho người mà thôi, chẳng cầu danh vọng cho mình như vậy mới thật là hảo-tâm. Không phải như những người bỏ ra có một tấc mà muốn lấy vô được một thước, gieo giống ít mà muốn đặng trái nhiều, như vậy đâu phải là người hảo-tâm”.

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật : “Sao kêu là người trí, sao kêu là người ngu, sao kêu là người mê, sao kêu là người ngộ. Xin đức Phật từ bi giảng dạy cho chúng con được biết ?”

Đức Phật nói :“Chữ trí là biết, người trí biết có Đạo-Phật cần phải tu, biết có thánh-giáo cần phải học, biết có minh-sư cần phải cầu. Biết có phước cần phải làm, biết có tội cần phải sám-hối, cho đến biết rõ pháp thế-gian, pháp xuất thế-gian và sự luân-hồi quả-báo như trên trời có mặt-nhật, như đêm tối có đèn. Được hiểu biết, được nghe thấy sự báo ứng của việc lành việc dữ, hễ hiểu biết nghe thấy rồi liền bỏ dữ theo lành, cải-tà quy-chánh. Việc phi lý không bao giờ nói, ngoài phận sự không bao giờ làm, không phải đạo chơn-chánh không theo, không phải vật của mình không lấy. Tư tưởng trung chánh mỗi mỗi chơn thật, tích đức nêu danh lưu truyền đời sau, như vậy gọi là người trí thức !

Ngu là tối, người ngu cái lòng tối tăm, chẳng biết cao thấp lớn nhỏ, chẳng biết thiên-đàng địa-ngục, chẳng tin có tội-phước luân-hồi. Một bề tham luyến tửu-sắc, sát-sanh hại mạng để cung cấp cho cái miệng hay bao tử. Trong một đời sát-sanh trăm ngàn súc-vật, gây cái nợ oan trái trăm ngàn muôn ức tánh mạng, luân hồi gặp gỡ ăn nuốt lẫn nhau, không biết bao giờ thôi dứt. Hết thảy các loại trâu, dê, heo, ngựa đều là đời trước hoặc kẻ thân-nhân, hoặc người thù-oán, sau khi luân hồi thay hình đổi dạng làm thân súc-sanh. Người si mê không biết giết hại mà ăn, cũng như giết cha mẹ của mình, hay ăn thịt bà con dòng họ của mình. Cha bị con giết, con bị cháu giết, trên đường luân hồi cha con chẳng biết nhau, giết nhau ăn nhau không bao giờ dứt, một khi mất thân người muôn kiếp khó phục hồi đặng !

Người mê muội tham mến tửu sắc, muốn được khoái lạc, buông lung sáu căn tham mến sáu trần, tà-mị nhiều cách, điên đảo đủ điều, chỉ nhớ sự thọ dụng hiện tiền, không ngó lại thân sau chịu khổ, mê muội chơn linh đuổi theo huyễn vọng, bỏ xa tánh giác phối hợp trần duyên. Ví như có gặp được bậc thánh hiền cũng không cứu độ được, chìm sâu biển khổ mất hẳn tánh linh, một khi đã vào luân hồi muôn kiếp khó phục hồi đặng !

Chữ ngộ là giác, người ngộ rồi tự hiểu biết tâm mình là Phật, mộ đạo tu-hành, ba-nghiệp không còn, sáu căn thanh-tịnh. Phương-tiện đủ cách, không có ngã-nhơn, độ mình độ người đều thành Phật đạo. Tuy ở thế-gian mà chẳng nhiễm thế-gian, ở trong trần-lao mà vẫn chuyển pháp-luân, giáo hóa Ta-bà đổi thành Cực-Lạc, biến địa-ngục thành thiên-đường. Chỉ dẫn những người mê đặng thấy Phật-tánh, làm các việc Phật-pháp, độ thoát chúng hữu-tình, chẳng bỏ lòng từ-bi, thệ nguyện cứu-độ. Nếu chúng sanh nào biết cúng dường người nầy thì đặng phước đức như cúng dường các Phật ba đời, công đức như nhau không khác !

Cớ sao vậy ? Nghĩa là mình giác tỉnh rồi, độ người cùng giác tỉnh gọi là chánh-giác, thuyết pháp lợi sanh, diệu dụng thần thông cùng Phật không khác. Hay mở bày chỉ rõ cho chúng sanh ngộ Tri-Kiến-Phật, hay dẫn dắt cho chúng sanh nhập Tri-Kiến-Phật, hay tìm xét cho chúng sanh tánh Tri-Kiến-Phật !

Tại sao ? Nếu có người biết tỉnh ngộ thì đặng danh hiệu Bồ-Tát, đặng thông các pháp bí mật của Phật, chơn chánh truyền thọ cho người. Nếu có thiện-nam tín-nữ đặng thấy đặng nghe, tin theo giáo pháp của người nầy chỉ dạy, đều là chánh-nhơn, đều đặng chánh-quả. Cho nên người còn nhỏ tu hành đặng chánh-pháp, liền thành Phật-đạo; hai mươi tuổi tu hành đặng chánh-pháp cũng thành Phật-đạo; ba mươi tuổi tu hành đặng chánh-pháp cũng thành Phật-đạo; bốn mươi tuổi tu hành đặng chánh-pháp cũng thành Phật-đạo; năm mươi tuổi tu hành đặng chánh-pháp cũng thành Phật-đạo; sáu mươi tuổi tu hành đặng chánh-pháp cũng thành Phật-đạo; bảy mươi tuổi tu hành đặng chánh-pháp cũng thành Phật-đạo; tám mươi tuổi tu hành đặng chánh-pháp cũng thành Phật-đạo. Người thiện-nam tu hành đặng chánh-pháp cũng thành Phật-đạo; người tín-nữ tu hành đặng chánh-pháp cũng thành Phật-đạo. Người giàu sang tu hành đặng chánh-pháp cũng thành Phật-đạo; người nghèo khổ tu hành đặng chánh-pháp cũng thành Phật-đạo. Đế-vương tu hành đặng chánh-pháp cũng thành Phật-đạo; Tể-quan tu hành đặng chánh-pháp cũng thành Phật-đạo; cho đến loài người và không phải loài người tu hành đặng chánh-pháp cũng thành Phật-đạo !”

Nên Đức Thế Tôn nói bài kệ như vầy :

“Bằng có nam hay nữ
Đặng gặp chơn minh sư
Tu hành đặng chánh pháp
Tất cả đều thành Phật !”

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật : “Hết thảy chúng sanh đều có Phật-tánh, vì sao không tu thì chẳng thành Phật ?”

Thế Tôn nói :“Không phải là không thành Phật, chỉ vì nghiệp chướng rất nhiều !

Tại sao ? Hết thảy chúng sanh mê-muội điên-đảo từ đời vô-thỉ đến nay, chẳng trồng căn-lành chỉ tạo ác-nghiệp, oan oan buộc nhau, nghiệp nghiệp kéo nhau, bên nầy chẳng chịu buông bên kia, bên kia chẳng chịu tha bên nầy, kết thành cái lưới nghiệp dẫy đầy trong thế gian, cho nên thường vào ra ba-đường, sáu-nẻo, gặp gỡ nhau ăn nuốt lẫn nhau, báo ứng xoay vần không bao giờ dứt. Vả như oan trái trả đủ, được sanh trong loài người, không có căn-lành thì cũng không gặp chánh-pháp, ví như có gặp chánh-pháp đi chăng nữa mà các căn mờ tối, ma-chướng chập chồng, đường đạo khó phát triển nên chẳng đặng thành chánh-quả !”

Đức Phật nói với Văn Thù Sư Lợi :“Nếu người không giữ giới sát-sanh ăn-thịt thì đoạn dứt hột giống từ-bi; người không giữ giới trộm-cắp, của người không cho mà mình lấy là đoạn tuyệt hột giống giàu-sang; người không giữ giới tà-mị dâm-dục là đoạn tuyệt hột giống thanh-tịnh; người không giữ giới nói dối, nói thêu-dệt là đoạn tuyệt hột giống thành-thật; người không giữ giới say rượu mê-man là đoạn tuyệt hột giống thông-minh trí-huệ. Cho nên không giữ năm-giới là tuyệt đường nhơn-thiên, còn năm-giới mà giữ được thời đoạn tuyệt ba đường dữ; lành dữ tại mình tạo ra mình chịu lấy !

Tại làm sao ? Bởi ông tu ông đặng, bà tu bà đặng, tu nhiều đặng nhiều, tu ít đặng ít, đồng tu đồng đặng, chẳng tu chẳng đặng, ai tu đặng công nấy, người khác chia chẳng đặng. Nếu người nào gây tạo tội ác thì người ấy phải tự chịu lấy, người khác chịu thế chẳng đặng; cho nên muốn tránh khỏi địa-ngục, trước phải trừ cái lòng dữ; muốn tránh khỏi ngạ-quỷ, trước phải đoạn dứt lòng khắc-bạc tham-lam; muốn tránh khỏi súc-sanh thì đừng ăn thịt súc-vật; muốn đặng làm người phải học các hạnh hiếu-thuận từ-bi, giữ-gìn năm-giới; muốn sanh cõi Trời phải tu thập-thiện; muốn thành Phật-đạo trước phải minh-tâm. Hễ đặng minh-tâm thời nhân-quả chẳng mờ tối, nhân-quả không còn mờ tối thì tự nhiên kiến-tánh thành Phật, không còn nghi ngờ gì nữa !”

Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi than rằng :

“Lành thay ! Lành thay ! Thân người khó đặng, trung độ khó sanh, chánh-pháp khó gặp, tri-thức khó gần. Thân người khó đặng, nay đã đặng; trung độ khó sanh, nay đã sanh; chánh-pháp khó gặp, nay đã gặp; tri-thức khó gần, nay đã gần. Việc việc đầy đủ, mỗi mỗi sẵn sàng, nếu chẳng phát tâm tu hành, Phật cũng khó cứu đặng !”

Bấy giờ trong pháp hội các vị Tỳ-kheo mới phát tâm và chúng Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, vô lượng Thiên-long Bát-bộ đều ngộ bổn lai Phật tánh của mình. Hết thảy công đức do nơi tâm mình mà sanh. Huệ thân viên mãn cũng do nơi tâm mình mà có.

Sau khi tứ chúng nghe đức Phật nói :“Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận” nầy rồi, đều vui mừng hớn hở tin chịu vâng làm.

Tác giả bài viết: Cư Sĩ Nhứt Như dịch Việt

Nguồn tin: chuavn.orgfree.com

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.