(Bài viết về môn học Nữ Công nhân dịp Lễ Tạ ơn và Lễ Nhà Giáo 20 tháng 11: kính tặng Cô Ngọc-Khanh và những Cô giáo dạy Nữ-Công)
Khi tiễn Chị tôi về nhà chồng, Má tôi dặn dò: “…Là phận đàn bà, khi đeo chiếc nhẫn vào rồi, con nhớ luôn luôn phải ráng nhẫn nhịn để gia đình được êm ấm…” Tôi cũng lắng nghe lời nầy và nhớ mãi dù sau nầy Má tôi đã mất! Dần dà, tôi đã tự hiểu và chấp nhận rằng trong gia đình, dù người chồng cũng đeo nhẫn nhưng bản chất phái nam thường nóng tính và hiếu thắng cho nên người vợ nên nhẫn nhịn, ngoài ra còn cần tính nhẫn nại, có khi phải biết nhẫn nhục nữa… Ngoài xã hội, những đức tính nầy nhiều khi cũng rất cần thiết, nhưng làm thế nào để rèn luyện được những đức tính trên?
Tôi chợt nhớ về những giờ học Nữ Công. Trong khi nữ sinh cặm cụi trong lớp với những mẫu vải nhỏ để may hay thêu thì nhìn ra ngoài sân, những nam sinh đang chạy giỡn nô đùa thoả thích… làm đôi khi tôi đâm ra tức tối với bọn con trai và oán nhà trường là tại sao không có những lớp “Nam Công” để nam sinh cũng phải bận rộn thay vì thư thả để làm các bài nộp khác cho xong trước chúng tôi và còn được vui chơi nhiều hơn nữ sinh. Thực hiện các bài tập Nữ Công trong lớp không bao giờ xong, chúng tôi phải mang về nhà làm tiếp vì những mảnh vải nhỏ với những mũi may hay thêu thật là tỉ mĩ phải mất hàng giờ mới hoàn tất! Mỗi khi được 8 điểm thì tôi rất vui mừ ng (vì khó khi nào Nữ Công được 9, 10 điểm) nên tôi càng cố gắng thêu may cho khéo và càng vất vả nhiều hơn…Đến khi có nhiều bài vở quá thì tôi cảm thấy thật cực nhọc với môn Nữ Công vì chiếm quá nhiều thì giờ. Chuyện nhà tôi cũng rất bề bộn nên tôi phải nghĩ ra cách là cố gắng học và làm bài cho xong vào buổi tối rồi ghi lại những công thức, định lý hay tóm tắt những gì cần phải nhớ vào những tờ giấy gọn và cứng (giấy bùa của tôi) để ban ngày có thể làm bánh bán phụ mẹ tôi hoặc thêu may bằng đôi tay, còn mắt thì có thể đọc và học ôn qua những tờ “giấy bùa” trước khi vào lớp. Những tờ “giấy bùa” có lần đã làm phiền tôi vì bị Thầy Hồ Vạn Chung nhìn thấy trước khi vào thi Lý Hoá! Dù tôi thường được Thầy Chung phê vào phiếu điểm với chữ “Lanh” (cho những đứa học khá) nhưng đôi mắt Thầy đã theo dõi tôi suốt cả buổi thi mà giữa chừng còn soát chỗ ngồi của tôi hôm đó vì nghi ngờ tôi có ý “quay phim” với những mẫu “giấy bùa” làm cho tôi rất giận Thầy lúc đó! (Nhưng tới bây giờ gặp lại Thầy thì tôi rất vui mừng vì bây giờ Thầy thật hiền hoà vui vẻ, không “đáng sợ” như ngày xưa!)
Đôi khi vừa chăm chỉ ôn bài, vừa phải nắn nót thêu may, tôi đã đâm kim vào tay rướm máu nhiều lần nhưng từ từ tôi đã phải cẩn thận, kiên nhẫn và cố gắng hơn cũng như sẳn sàng hy sinh bỏ những buổi chơi đùa với bạn bè mới có thì giờ hoàn tất những tác phẩm nữ công thật đẹp để thấy lòng tràn ngập niềm vui vì nộp lên sẽ có điểm cao và còn có thể để dành sau nầy thực tập lại và xem như thành phẩm kỷ niệm của mình. Thời con gái của tôi cũng như nhiều nữ sinh bấy giờ khó có được những món quà quý giá, chúng tôi phải tự vui với những kỷ vật do chính mình làm ra. Tôi đã yêu thích môn Nữ Công dù có người cho là không quan trọng mà tôi cũng không ngờ là nhờ qua sự chăm chỉ học hỏi với những mũi kim đường chỉ phải cần nhiều đức tính cẩn thận, tỉ mĩ, cố gắng, kiên nhẫn và hy sinh nho nhỏ… đã dần dần rèn luyện tôi trở nên một người biết nhẫn nhịn và chịu khó để có thể thành công trong cuộc đời sau nầy. Tôi đã nhiều lần nhận thấy rằng chỉ cần sơ ý một chút hay làm cho qua loa là kết quả nữ công của tôi trở nên xấu xí ngay. Điều đó làm chính tôi phải hỗ thẹn khi nhìn lại “tác phẩm” của mình được lưu lại trước mắt vì tôi quan niệm rằng người con gái đáng yêu phải có những tác phẩm nữ công khéo và đẹp. Ngoài ra, trong đời sống thực tế, môn Nữ Công còn giúp tôi rất nhiều…
Trong nhà, tôi có thể may vá lại quần áo cho mình cũng như cho những người thân khi mà mắt Má tôi đã mờ dần theo thời gian. Tới khi vào được Đại học, tôi đã nhờ đan thêu thêm để có tiền mua sách vở. Bận rộn với thêu đan, tôi không còn thì giờ cho những cuộc vui chơi vô bổ. Tôi đã có những niềm vui cao hơn những niềm vui tầm thường. Mỗi khi vào nhà thương Đại Đồng Thủ Đức, nhìn những đứa bé sơ sinh mang những đôi vớ và chiếc nón của mình làm ra trông thật dễ thương, lòng tôi tràn ngập hạnh phúc! Trong lứa tuổi sinh viên thơ mộng, một người bạn học đã tặng cho tôi một chiếc kẹp tóc và tôi tặng lại Anh một chiếc khăn tay mà tôi đã thêu “rua” thật đẹp (từ những mũi rua chữ I mà cô Khanh đã dạy). Tôi dặn dò là “để anh lau mồ hôi” khi đi đào kinh và tôi cẩn thận xin lại anh ấy 1 đồng như đã bán cái khăn để tránh xui xẻo vì dị đoan tặng khăn là chia tay. Lúc từ giả, Anh khẻ bảo rằng Anh sẽ giữ mãi chiếc khăn bên Anh vì trong thời buổi nầy, chiếc khăn chắc là chỉ để dành cho lau những giọt nước mắt!…Thế rồi tôi đã vĩnh viễn không còn gặp người bạn học đó nữa vì Anh cũng như chiếc khăn đã vĩnh viễn biến mất trong lòng đại dương! Thỉnh thoảng nhớ về Anh, tôi có chút an ủi là chiếc khăn của tôi chắc đã chia sẻ cùng Anh “Những giọt nước mắt đàn ông” và những khốn khổ trong giây phút cuối cùng…
Khi đến xứ người bước đầu còn bỡ ngỡ, phải ở nhà giữ con nhỏ không được đi học nhưng để tận dụng thì giờ quý báu, nhờ biết may chút đỉnh, tôi đã mua vải vụn để may cho cả mẹ lẫn con những chiếc jupe xinh xắn. Ngoài ra còn lãnh đồ xưởng may mang về nhà nên có thêm chút phụ trội để sau nầy có thể ra ngoài học hỏi thêm. Có lần khi cùng một người bạn đến cửa hàng Macys sang trọng của Mỹ để tìm mua cho Cô một chiếc áo cưới vì chú rễ còn ở tận nơi xa; thấy Cô bạn cứ đi tới đi lui vì tìm mãi không ra một cái áo đúng với túi tiền, tôi cũng phải lăng xăng tìm giúp cho Cô. Tôi trông thấy một chiếc áo thật đẹp nhưng treo ở chỗ onsale và giá chỉ còn phân nửa. Tôi đề nghị Cô bạn thử áo thì rất đẹp và khít khao chỉ có khuyết điểm là tà áo quá dài và hơi bị te tua! Tôi hứa với Cô bạn là tôi có thể sửa lại chiếc áo đó nên Cô ấy mua ngay và đã có một chiếc áo vừa đẹp vừa rẻ cho ngày cưới! Thấy Cô bạn vui thì tôi cũng vui lây! Từ đó tôi có kinh nghiệm để có thể mua cho mình những chiếc áo đẹp đắt tiền với giá rẻ chỉ cần sửa lại chút đỉnh mà thôi! Ngày xưa vì bận rộn sinh kế, mẹ tôi không có thì giờ để chỉ dạy cho tôi từng mũi kim, xin cảm ơn những cô giáo Nữ Công đã cho tôi cũng như những nữ sinh khác cái khéo tay từ tuổi trẻ để có những niềm vui âm thầm như có thể làm đẹp lại những chiếc áo tưởng chừng phải bỏ đi hay chỉ có thể ấp ủ được tình cảm trong trắng của mình qua từng mũi thêu li ti trên chiếc khăn tay…(Thời con gái của chúng tôi tình cảm chỉ là một sự e ấp chứ không biểu lộ dạn dĩ như con gái bây giờ). Dần dần, tôi đã rèn luyện được tính kiên nhẫn và cần mẫn qua những đường kim mũi chỉ tỉ mĩ cho tới khi lập gia đình và cả khi tới xứ người để giúp đỡ được chính mình, cho gia đình và bạn bè ở nơi mà nhân công quá đắt so với vật liệu…Trong thời gian phải ở nhà suốt ngày, ngày qua ngày, thỉnh thoảng đan cho chồng hay cho con chiếc áo len với từng mũi đan nhỏ bé và rắc rối kết hợp nhau cho tới khi hoàn tất chiếc áo là nhờ ở sự nhẫn nại và tình yêu thương thâm trầm, tôi đã trau dồi thêm tính nhẫn nhục để cho những buồn bực giận hờn từ từ tan biến theo từng mũi đan và một niềm vui khó tả dâng lên khi chiếc áo được mặc lên thật đẹp. Những vật phẩm làm bằng tay (handmade) tại xứ người luôn là những món quà quý giá. Sau nầy, khi tôi tốt nghiệp, người Thầy hướng dẫn luận án phải từ giả đi bang khác để phổ biến ngành học mới, nhiều người phân vân không biết tặng ông Thầy vi tính đáng kính mến nầy món quà gì cho thật ý nghĩa. Riêng phần tôi, tôi suy nghĩ nên tặng cho Thầy một chiếc áo sơ mi trắng để Thầy mặc lên Giảng đường. Trên túi áo, dùng mũi nổi mà Cô Khanh đã dạy, tôi tự tay thêu thật đẹp và rõ chữ IMet (Internet Master Education Technology). Khi mở quà ra, ai nấy đều ồ lên làm Thầy cũng giật mình và Thầy đã nói cho mọi người cùng nghe: “Tôi chưa bao giờ nhận được món quà đặc biệt như thế nầy! Tôi rất ngạc nhiên và cảm động vì được chính sinh viên thêu tay tên ngành cao học mà chúng ta đã thành công và tôi sẽ mang đi khắp nơi trên nước Mỹ để truyền dạy”.
Người Âu Mỹ (không phải như Á Đông) rất quý trọng người phụ nữ cũng như những công việc phụ nữ làm bằng tay. Họ cũng sẳn sàng chia sẻ những công việc nội trợ khó khăn nên mới có kinh nghiệm và sáng chế được máy may, máy đan, máy thêu…và đưa cả vào công nghiệp; nhờ vậy người phụ nữ Âu Mỹ đỡ vất vả và họ cũng ít làm những món đồ đan thêu tại nhà do đó mà những vật phẩm làm bằng tay luôn được quý chuộng. Khi trở vể Việt Nam, được người bạn gái sau 40 năm tặng cho chiếc áo len do chính bạn đan tay thật là xúc động bất ngờ vì từ trước tới giờ tôi thường bỏ công làm những tặng vật để “cho” chứ chưa hề được “nhận”. Lần đầu tiên tôi có cảm giác lạ lùng của một người phụ nữ lại được nhận một món quà do công lao nữ công hàng giờ tạo nên! Những trường trung học ở Mỹ không có môn Nữ Công cho học sinh nên tôi cảm thấy đó là một điều thật thiếu sót! Khi nhìn thấy đứa con trai đã bỏ đi chiếc quần còn mới vì chỉ bị sứt đường may nên tôi phải vừa giúp nó vừa thấy cần chỉ dạy cho con tôi cả trai lẫn gái để chúng biết tập tành may vá và có thể tự lo cho mình khi đi học xa nhà! Hơn nữa, từ lúc trẻ cho đến bây giờ, tôi đã thấy ảnh hưởng quan trọng của môn Nữ Công là rèn luyện sự khéo léo cho đôi tay và phát triển những tính tốt như tiết kiệm, chịu khó và nhẫn nại.. . Dĩ nhiên, sự chỉ dạy của tôi cho chúng chỉ là những phần căn bản cần thiết không thể nào đầy đủ như tôi đã được học từ các Cô giáo Nữ Công ngày xưa nhưng quả thật cũng mang lại ít nhiều lợi ích cho bọn trẻ: Tôi đã góp phần bổ túc kỹ năng và đức tính cho các con sau những giờ học tại trường.
Đến giờ nầy, khi mà tay tôi chưa bị run và mắt tôi còn chưa bị mờ, tôi vẫn thấy môn học Nữ Công đã giúp cho tôi rất nhiều trong đời sống thực tế lẫn tinh thần cho suốt cả cuộc đời. Tôi đã gầy dựng được một cuộc sống gia đình êm đẹp như lời má tôi dặn dò. Cũng qua Nữ Công mà chữ “nhẫn” đã rèn luyện tôi đến bây giờ và cần cho đến cả đời người! Theo ông Robert C. Oaks qua bài giảng về Quyền Năng của tính Kiên Nhẫn đã nói: “Tính kiên nhẫn có thể được nghĩ là một đức tính mà đưa đến các đức tính khác và đóng góp sự tăng trưởng và sức mạnh cho các đồng đức tính khác của nó là đức tính tha thứ, khoan dung và đức tin”. Đạo Phật cũng dạy tính nhẫn qua “Nhẫn có nghĩa là nhịn, chịu đựng những cảnh trái mắt, nghịch lòng”. Nhẫn nhẫn nhẫn (thân nhẫn, khẩu nhẫn, tâm nhẫn). Có vị Tỳ-kheo hỏi Phật: “Cái gì mạnh hơn cả?” Phật dạy: “Nhẫn nhục mạnh hơn cả.”(Kinh Tứ Thập Nhị Chương). “Thật vậy, chỉ có người nhịn chịu được mọi khó khăn, vượt qua mọi trở ngại mới mong lập được sự nghiệp vĩ đại trên đời” (Chùa Hoằng Pháp, Bài viết về Tuổi Trẻ với Hạnh Nhẫn Nhục).
Đối với tôi, khi người con gái bắt đầu học nữ công là bắt đầu trau dồi thiên chức của mình, và cũng là bước đầu để tập tành những tính nết cần thiết của phụ nữ mà trong đó, “nhẫn” là đức tính mà phái nữ cần rèn luyện cho đến suốt đời để xứng đáng được gọi là phái đẹp với nét đẹp cả bên trong lẫn bên ngoài, nhất là người con gái Á Đông với những sắc thái riêng của chân thiện mỹ.
HỒNG-NHUNG (K4)
http://www.trunghocthuduc.com/doanvan/monhoccanthiet.html