Khổ đau hay hạnh phúc đều là những hậu quả tất yếu mà những hành động trước đó chúng ta đã tạo ra; dù là đồng thời hay dị thời đi nữa, thì chúng cũng bị lệ thuộc vào sự chi phối của luật tắt Nhân quả đứng về mặt hiện tượng.
Do đó vấn đề Nhân quả ở mặt nào đó, chúng được coi như là nhân tố quyết định cho mọi giá trị đánh giá về cuộc sống, mà đức Đạo sư khi còn tại thế thường dạy cho đệ tử xuất gia cũng như tại gia của Ngài, theo đó cuộc sống được thể hiện qua khổ đau hay hạnh phúc đều do hành động của chính chúng ta mang lại ngay trong hiện tại hay trong tương lai. Cũng vì vậy cho nên Tôn giả Ma-ha Mục-kiền-liên, khi còn ở đời Ngài đã lấy những lời dạy về năm pháp này của đức Phật để triển khai rộng ra trong A-tỳ-đạt-ma pháp uẩn túc luận[1]. Theo đó năm pháp này được Tôn giả liên hệ duyên khởi với ba độc tham, sân, si qua sự thể hiện nhân quả của ba nghiệp thân, khẩu, và ý, trong việc tự mình đem lại đau khổ cho chính mình, nếu phạm vào năm pháp này, và khuyên người khác phạm vào năm pháp này. Ngược lại tự mình muốn đem lại hạnh phúc cho chính mình thì bằng cách xa lìa năm pháp này, và khuyên kẻ khác cũng xa lìa năm pháp này nếu họ muốn có hạnh phúc. Theo Tôn giả, thì đức Phật đã dạy năm pháp này như sau:[2]
– “Khi đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, trong rừng Thệ-đa[3], tại Thất-la-phiệt[4], thì bấy giờ Thế Tôn bảo các Bí-sô:
– “Nếu những ai chưa dứt bặt hết được năm điều tội oán đáng sợ này, thì đối với đời sống hiện tại họ sẽ bị các vị Hiền thánh cùng quở trách, chán ghét; được gọi là những kẻ phạm giới, tự làm tổn thương mình, mắc tội, nên bị chê cười, phát sinh nhiều điều phi phước;[5] khi thân hoại mạng chung sẽ đọa vào đường hiểm ác, sinh vào trong địa ngục.
“Những gì là năm? Đó là:
– “Sát sinh; do nhân duyên sát sinh nên sanh ra tội oán sợ hãi. Không tránh xa sát sinh, đó gọi là (tội oán) thứ nhất.
– “Lấy của không được cho; do nhân duyên trộm cắp nên sanh ra tội oán sợ hãi. Không tránh xa trộm cắp, đó gọi là (tội oán) thứ hai.
– “Dục tà hạnh; do nhân duyên tà hạnh nên sanh ra tội oán sợ hãi. Không tránh xa tà hạnh, đó gọi là (tội oán) thứ ba.
– “Lời nói hư dối, do nhân duyên lời nói hư dối nên sanh ra tội oán sợ hãi; không tránh xa lời nói hư dối, đó gọi là (tội oán) thứ bốn.
– “Uống nếm các loại rượu, các trường hợp say sưa, phóng dật; do nhân duyên uống, nếm các loại rượu, các trường hợp say sưa, phóng dật[6] nên sanh ra tội oán sợ hãi; không tránh xa sự uống, nếm các loại rượu, các trường hợp say sưa, phóng dật, đó gọi là (tội oán) thứ năm.
– “Ai chưa dứt hết được năm điều tội oán đáng sợ hãi như vậy, thì đối với đời sống hiện tại, họ sẽ bị các vị Hiền thánh cùng quở trách, chán ghét; được gọi là những kẻ phạm giới, tự làm tổn thương mình, mắc tội, nên bị chê cười, phát sinh nhiều điều phi phước; khi thân hoại mạng chung sẽ rơi vào đường hiểm ác, sinh vào trong địa ngục.
– “Những ai có khả năng dứt bặt hết năm điều tội oán đáng sợ hãi này, thì đối với đời sống hiện tại, họ sẽ được các vị Hiền thánh cùng khâm phục khen ngợi; được gọi là những người trì giới, tự phòng hộ chính mình, không có tội, không bị chê cười; phát sinh nhiều điều phước thù thắng, khi thân hoại mạng chung được lên cõi an lành, sanh về cõi Thiên trung[7]. Những gì là năm? Đó là:
– “Tránh sát sinh, do nhân duyên tránh sát sinh nên diệt được tội oán sợ hãi; tránh được sát sinh, đó gọi là (trường hợp) thứ nhất.
– “Tránh không cho mà lấy, do nhân duyên tránh được trộm cắp, nên diệt được tội oán sợ hãi; có khả năng diệt được trộm cắp, đó gọi là thứ hai.
– “Tránh xa dục tà hạnh, do nhân duyên tránh xa được dục tà hạnh nên diệt được tội oán sợ hãi; vì có khả năng tránh xa tà hạnh, đó gọi là thứ ba.
– “Tránh xa lời nói hư dối, do nhân duyên tránh xa lời nói hư dối nên diệt được tội oán sợ hãi; có khả năng diệt được lời nói hư dối, đó gọi là thứ bốn.
– “Tránh xa sự uống, nếm các loại rượu, các trường hợp say sưa, phóng dật, vì tránh xa sự uống, nếm các loại rượu, các trường hợp say sưa, phóng dật nên diệt được tội oán sợ hãi; vì có khả năng tránh xa sự uống, nếm các loại rượu, các trường hợp say sưa, phóng dật, đó gọi là thứ năm.
– “Ai có khả năng dứt hết năm điều tội oán sợ hãi như vậy, thì người đó đối với đời sống hiện tại được các vị Hiền thánh đồng khâm phục khen ngợi, được gọi là những người trì giới, tự phòng hộ chính mình, không có tội, không bị chê cười; phát sinh nhiều điều phước thù thắng, khi thân hoại mạng chung được lên cõi an lành, sanh về cõi Thiên trung. Sau đó Thế Tôn liền nói kệ để tóm lại nghĩa trên rằng:
Các hành sát, đạo, dâm,
Nói dối, ham các rượu;
Bị năm tội oán trói,
Bị Thánh hiền chê trách.
Là phạm giới tự hại,
Có tội, chiêu phi phước;
Chết rơi đường hiểm ác,
Sinh vào các địa ngục.
Tránh các sát, đạo, dâm,
Hư dối, các thứ rượu;
Thoát năm oán đáng sợ,
Thánh hiền đều khen phục.
Là trì giới, tự giữ,
Không tội, cảm nhiều phước;
Chết về đường an lành,
Sanh vào trong Thiên giới.”
– Đó là năm pháp được đức Phật thuyết giảng cho các hàng cư sĩ tại gia vào lúc bấy giờ, và được tôn giả Ma-ha Mục-kiền-liên lập lại trong: ‘A-tỳ-đạt-ma pháp uẩn túc luận.’ của ngài. Trong năm pháp này, đứng về mặt muốn đạt đến hạnh phúc mà nói, thì bốn cấm giới đầu thuộc về tánh giới[8], còn giới thứ năm chỉ là giá giới[9], được đức Phật thiết lập, làm nền tảng cơ bản cho cả hai hàng xuất gia và tại gia trong việc thanh tịnh hóa cuộc sống qua sự thể hiện thân và tâm, để từ đó làm nhân cho cuộc sống hạnh phúc ngay trong hiện tại, hay trong tương lai cho cõi Nhân-Thiên sau này. Cũng chính vì điều này mà ngũ giới cũng còn được gọi là ngũ đại thí[10]. Ngược lại nếu không thực hành năm điều cấm giới này mà phạm vào chúng thì coi như hậu quả theo sau đó sẽ đưa đến cuộc sống khổ đau trong hiện tại, hay sẽ rơi vào cuộc sống khổ đau trong đường hiểm ác nơi địa ngục trong tương lai. Trong năm giới này tuy bốn giới đầu chúng thuộc về tánh giới, nhưng đối với hàng tại gia thì có khác với hàng xuất gia trong việc khai-giá-trì-phạm[11], và cũng có thể tùy theo hoàn cảnh sống, và duyên nghiệp của mọi người tại gia mà theo đó có thể gia giảm trong việc trì phạm, hay theo khả năng của mỗi người mà áp dụng theo giới mà mình đã nguyện thọ trì trong khi truyền giới và nhận giới của họ, chứ không bắt buộc phải giữ hết năm giới;[12] trường hợp nếu nguyện thọ trì hết năm giới thì tốt. Trong năm giới đối vời hàng cư sĩ tại gia chỉ có một giới thứ ba là khác một chút đối với năm giới của các hàng xuất gia là, chỉ khi nào vượt qua giới hạn chức năng làm chồng hay làm vợ mà thôi, vì giới này chỉ cấm tuyệt hẳn dành cho hàng xuất gia, còn tại gia thì vì chức năng làm vợ làm chồng, và chức năng kế tục giữ gìn nòi giống, nên chỉ cấm việc tà dâm mà thôi. Do đó, người nam hay người nữ thuộc hàng tại gia chỉ bị giới hạn trong tà dâm (tà hạnh). Đây là năm cấm giới đối với hàng cư sĩ tại gia, nếu người nào áp dụng và thực hành trọn vẹn thành tựu năm pháp này thì mới đưa đến hạnh phúc một cách trọn vẹn, và thật sự sẽ được sinh về cõi trời sau khi qua đời, còn nếu không thì phải tùy theo giới mà mình đã trì giữ nhiều hay ít, có trọn vẹn giới ấy hay không mà có kết quả theo việc làm của mình là có hạnh phúc ít hay nhiều trong hiện tại hay trong tương lai nơi cõi người, hay cõi trời.