Nhân Quả , Nghiệp & Luân Hồi – Chương II

IV. CÁC LOẠI NGHIỆP

Đứng về phương diện thời gian, kinh “Nhân quả” có chia các nghiệp như sau:

1. Thuận hiện nghiệp: Đời nay tạo nghiệp, đời sau thọ quả.

2. Thuận sinh nghiệp: Đời nay tạo nghiệp, đời sau chịu quả.

3. Thuận hậu nghiệp: Đời nay tạo nghiệp, cách mấy đời sau mới chịu quả.

4. Thuận bát định nghiệp: Nghiệp quả xảy đến không nhất định thời nào, có khi trong đời này, có khi đời sau, có khi nhiều đời sau.

Đứng về phương tiện tính chất, trong các kinh thường phân loại các nghiệp như sau:

i. Tích lũy nghiệp: Là những nghiệp tạo tác trong nhiều đời trước chất chứa lại.

iiTập quán nghiệp: Là những nghiệp tạo trong đời hiện tại, luôn luôn tiếp diễn, nên thành thói quen, thành tập quán, thành nếp sống riêng biệt.

iii. Cực trọng nghiệp: Là những nghiệp quan trọng có năng lực tác động mãnh liệt hơn cả các nghiệp khác và chi phối tất cả. Nó phát hiện nghiệp quả ngay trong đời hiện tại, hay trong đời kế tiếp. Nó có thể là kết quả của những hành vi tốt đẹp nhất như hành vi của kẻ tu hành chân chính, nó cũng có thể là kết quả của những hành vi xấu xa, vô đạo nhất như tội ngũ nghịch: giết cha, giết mẹ, giết A la hán, làm hại Phật và chia rẽ Tăng chúng.

iv. Cận tử nghiệp: Là những nghiệp lực gần lúc lâm chung, cũng rất mãnh liệt và chi phối rất nhiều trong sự đi đầu thai.

Đứng về phương diện nặng nhẹ, lớn nhỏ của các nghiệp, thì trong các kinh cũng chia chẻ một cách rất khoa học và hợp lý, Không phải rằng hành động nào có hình thức giống nhau thì nghiệp nhân và nghiệp quả đều giống nhau. Sự khinh trọng, lớn nhỏ của quả báo đều có căn cứ nơi ý để thành lập. Kinh Ưu bà tắc, trong khi nói về sự nặng, nhẹ, lớn nhỏ của nghiệp nhân và nghiệp quả, có phân chia làm bốn trường hợp:

a. Việc nặng mà ý nhẹ: như khi quăng đá để dọa người, mà lỡ tay giết phải người.

b. Việc nhẹ mà ý nặng: như khi thấy một tượng đá, tưởng là kẻ thù của mình, nắm dao đến đâm, kết quả của việc làm vì tượng đá bị sứt mẻ, nhưng ý thì nặng là muốn giết người.

c. Việc và ý đều nhẹ: như vì không thích một người nào, nên dùng lời để châm biếm người ấy.

d. Việc và ý đều nặng: như vì thù, cố ý giết người và đã giết thật.

Cũng  trong kinh Ưu bà tắc, có sự phân chia tội báo nặng nhẹ thành tám loại như sau:

a) Phương tiện nặng nhưng căn bản và thành dĩ nhẹ: như lấy dao dọa người, chẳng may động đến họ, họ bị thương. Phương tiện (cầm dao) thì nặng, nhưng căn bản (dọa người, chứ không phải ác ý) thì nhẹ và thành dĩ (bị thương) cũng nhẹ.

b) Căn bản nặng, nhưng phương tiện và thành dĩ nhẹ: như muốn giết người, nhưng chỉ lấy đá ném và vì thế, họ chỉ bị thương thôi. Căn bản (muốn giết) thì nặng, nhưng phương tiện (lấy đá ném) và thành dĩ (vết thương) đều nhẹ.

c) Thành dĩ nặng, nhưng căn bản và phương tiện nhẹ: như ném đá chơi, chẳng may vỡ sọ người ta. Thành dĩ (vỡ sọ) nặng mà căn bản (chơi) và phương tiện (ném đá) đều nhẹ.

d) Phương tiện và căn bản nặn, thành dĩ nhẹ: như muốn giết người, chém một nhát mạnh vào yết hầu, nhưng người ấy chỉ bị thương xoàng thôi. Phương tiện (cầm dao chém) và căn bản (muốn giết người) đều nặng, nhưng thành dĩ (vết thương xoàng) nhẹ.

e) Phương tiện và thành dĩ nặng, căn bản nhẹ: như vô ý để xe cán người chết. Phương tiện (xe cán) và thành dĩ (người chết) đều nặng, nhưng căn bản (vô ý) thì nhẹ.

f) Căn bản và thành dĩ nặng, nhưng phương tiện nhẹ: như ác ý nói láo, đến nỗi kẻ kia phải bị tù tội. Căn bản (ác ý) và thành dĩ (tù tội) đều nặng, nhưng phương tiện (nói láo) thì nhẹ.

g) Căn bản, thành dĩ và phương tiện đều nặng: Muốn giết người và đã dùng dao chém người đến chết. Căn bản (muốn giết người) thành dĩ (người chết) và phương tiện (chém) đều nặng.

h) Căn bản, thành dĩ và phương tiện đều nhẹ: như giả giết bằng cách quơ dao làm người kia sợ trong chốc lát. Căn bản (giả giết) thành dĩ (làm sợ hãi) và phát triển (quơ dao) đều nhẹ.

Sự phân chia rõ ràng trên đây đủ cho chúng ta thấy được sự sai khác nặng nhẹ của nghiệp nhân vá quả. Theo đó, chúng ta có thể kết luận rằng sự khinh trọng của nghiệp báo đều dựa căn bản ở ý. Và như thế, chúng ta đừng lấy làm lạ tự hỏi tại sao hai người cùng làm một việc giống nhau mà thọ quả báo lại khác nhau, hành động giống nhau là bên ngoài, chứ tác ý ở bên trong làm sao chúng ta biết được? Vì thế, chúng ta không nên nhìn bên ngoài mà phê phán được.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.