Nhân Quả , Nghiệp & Luân Hồi – Chương IV

III.- MỘT CHUYỆN LUÂN HỒI Ở PHÁP

Một Bác sĩ Pháp, ông Maurice Delarry, vốn là người hoài nghi về thuyết luân hồi, nhưng sau một thời gian khảo cứu rất công phu, đã viết trong tạp chí “Thần linh học” xuất bản hồi năm 1748 về sự luân hồi như sau:

Ban đầu ông không tin có kiếp luân hồi, nhưng sau một thời gian thí nghiệm bằng cầu cơ, ông phải công nhận kiếp luân hồi có thật. Đây là lời ông Maurrice Delarry kể:

– Một hôm tôi và vợ tôi đang cầu cơ thì bỗng chiếc xe lay động lần lượt chỉ vào 5 chữ F.E.L.I.X rồi ngừng lại, tức là kẻ khuất mặt tên Félix đã nhập vào cơ, chúng tôi liền hỏi:

– Ông Félix muốn gì?

Trả lời:

– Tôi cho ông bà hay tôi sẽ trở lại trong họ hàng ông bà trong một ngày gần đây.

Hỏi:

– Tại sao vậy? Tại sao trở lại trong họ hàng chúng tôi.

Trả lời:

– Phải! trong gia đình ông bà.

– Họ hàng chúng tôi đông đảo quá, đi ở rải rác mỗi người một nơi. Vậy ông có thể cho biết chắc chắn ông sẽ xuất hiện ở xứ nào không?

Trả lời:

– Tại xứ P. (Bác sĩ Maurrice vì một lẽ riêng, không muốn nói rõ xứ này) và trong gia đình ông Y. (Ông Y đây là bà con với bà vợ Bác sĩ Maurrice, nhưng Bác sĩ cũng giấu tên, vì sợ động chạm đến đời tư không hay của gia đình khác).

Hỏi:

– Chắc chắn ông sẽ vào gia đình ông Y bà con chúng tôi?

Trả lời:

– Phải! Hiện nay gia đình ông Y có hai đứa con gái.

Hỏi:

– Ông có biết tên chúng không?

Trả lời:

– Có! (Rồi kẻ vô hình nói đúng tên hai đứa con gái của người bà con bà Maurrice, nói đúng cả ngày sinh tháng đẻ của chúng nữa).

Hỏi:

– Ông có thể cho biết chắc chắn ngày nào ông sẽ ra đời trong gia đình ông Y không?

Trả lời:

– Ngày 24 tháng 9 năm 1924 vào buổi mai.

Hỏi:

– Nhưng làm thế nào để biết chính ông đã đầu thai làm con trong gia đình ông Y?

Trả lời:

– Cô J. (tức là tên vợ của Bác sĩ Maurrice mà ông cũng giấu tên luôn) sẽ được biết khi nhìn thấy tai bên mặt của tôi, vì chính tôi là Félix, đứa tớ trung thành của ông bà thân sinh của cô J. đây.

Cuộc đối thoại giữa Bác sĩ maurrice và kẻ khuất mặt tên Félix được Bác sĩ biên chép kỹ càng từng câu một để sau này xem có đúng không.

Bấy giờ vào khoảng tháng 5 DL vợ chồng Bác sĩ Maurrice không mảy may hay biết người chị họ (của bà Bác sĩ) có thai.

Cho đến ngày 24 tháng 9 năm 1947 nghĩa là cách đó bốn tháng, vợ chồng Bác sĩ tiếp được điện tín từ xứ P. đánh về cho hay người chị họ vừa hạ sanh một trai hồi 8 giờ sáng ngày nói trên.

Thế là rất đúng với lời của kẻ khuất mặt Félix. Nhưng Bác sĩ không muốn cho vợ chồng người chị họ biết rằng chính ông bà đã biết trước việc này.

Ba tháng sau, vợ chồng Bác sĩ Maurrice vừa đến nơi thì vợ chồng người chị họ liền đưa ông bà vào phòng để xem mặt đứa bé. Khi bà bác sĩ đến gần chiếc nôi thì thằng bé nhìn bà mĩm cười, mà nước mắt cứ tuôn ra, rồi nó đưa tay về phía bà Bác sĩ đòi ẵm. Vợ chồng người chị họ rất đỗi ngạc nhiên, vì thường khi không bao giờ con chịu người lạ, thế mà lần này, mới gặp bà Bác sĩ nó lại đòi ẵm.

Vợ chồng Bác sĩ Maurrice thì không lạ gì với thằng bé, nhưng không dám nói sự thật ra cho vợ chồng người chị biết về kiếp luân hồi của tên lão bộc Félix, sợ rằng gia đình người chị họ cho mình quá tin dị đoan chăng.

Khi nhìn thấy miếng vải băng ngang đầu đứa bé, vợ chồng Bác sĩ đã đoán biết một phần nào đúng như lời lão bộc Félix dã nói trong lúc cầu cơ, nên Bác sĩ giả vờ hỏi:

– Tại sao lại băng đầu nó? Chắc lại sanh ghẻ chứ gì?

Người chị họ trả lời:

– Không, vì lúc sinh nó ra, nó có tật nơi tai, vành tai chỉ dính vào da đầu có chút xíu, nên tôi có nhờ Bác sĩ chữa, bác sĩ bảo xức thuốc băng lại trong một thời gian thì liền lại.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.