Triết Lý Và Thực Tiễn Của Pháp Môn Tịnh Độ

Luận niệm Phật

Phật pháp có nguồn gốc từ Ấn Độ, được lưu truyền đến Trung Quốc và các quốc gia khác trên thế giới. Mục đích của Phật pháp không ngoài việc giúp chúng sinh giác ngộ tự tâm, xa lìa khổ đau, đạt được an lạc. Danh từ “Phật” có nghĩa là “giác”, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Phật lấy từ bi làm gốc. Từ nghĩa là ban vui, bi nghĩa là cứu khổ.

Sau khi thành Phật, đức Phật thuyết pháp bốn mươi chín năm. Về sau, những lời dạy của Ngài được chúng đệ tử kết tập thành Tam tạng mười hai bộ kinh. Vì căn tánh chúng sinh bất đồng, trình độ tiếp thu Phật pháp cũng khác nhau, do đó Phật pháp truyền đến Trung Quốc từ Tam tạng mười hai bộ kinh lại được phân ra thành năm tông lớn: Giáo, Luật, Mật, Thiền và Tịnh. Sự phân chia này không phải là ý muốn của Phật. Đứng trên phương diện kinh điển thì không cái gì gọi là tông, là phái. Nhưng để thích hợp với căn tánh chúng sinh, trong xu hướng tự nhiên, người sau mới thành lập các tông phái như vậy. Trong các tông phái, Thiền tông lấy giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật. Giáo tông dạy môn hạ trước đốn ngộ sau mới tiệm tu, do tu mà chứng. Đối với Luật tông thì chuyên trì giới luật, trước giữ gìn thân, sau đó mới nhiếp tâm. Giới có thể là: Ngũ giới, 250 giới, Bồ-tát giới, Tam Tụ Tịnh giới. Do có nghiêm trì Tịnh giới, mà từ giới sinh định, từ định phát sinh trí tuệ. Mật tông chuyên trì chú, chú trọng tu Tam mật tương ưng. Bốn tông này đối với người sơ cơ học đạo khó thực hành viên mãn. Duy chỉ có Tịnh độ tông là tối đơn giản, chỉ kiên trì một câu “Nam mô A-di-đà Phật”, niệm đến nhất tâm bất loạn, liền được Phật A-di-đà tiếp dẫn vãng sinh Cực Lạc. Không luận là người độn căn hay lợi căn đều có thể thực hành và được nhiếp thọ.

Pháp môn Tịnh độ lấy việc hành trì duy nhất là thành tâm niệm Phật. Nếu có người nào hỏi: “Vì sao phải niệm Phật?”. Trước tiên xin giải thích rõ hai từ “niệm Phật”. Từ “niệm” là do hai từ “kim” (今) và “tâm” (心) hợp lại mà thành “niệm” (念). Từ “Phật” là tiếng Phạn Ấn Độ, nói cho đủ là “Phật-đà-da”. Trung Hoa dịch là “giác ngộ”, cũng còn có nghĩa là “hiểu biết”. Việc niệm Phật người người có thể thực hành được. Mục đích của việc niệm Phật là hiện tại đạt được nhất tâm bất loạn, giác ngộ và giải thoát. Một niệm của chúng ta đầy đủ Thập pháp giới, nên mới nói: “Mười đời xưa nay không lìa một niệm, hiện trong mười phương cát bụi, không cách một mảy may”. Nếu chúng ta niệm Phật thì “một niệm niệm Phật, một niệm giác ngộ; niệm niệm niệm Phật, niệm niệm giác ngộ; một niệm niệm Phật, một niệm tỉnh giác; niệm niệm niệm Phật, niệm niệm tỉnh giác”. Ai mà không muốn giác ngộ, không muốn tỉnh giác? Thế nhưng, chúng ta miệng thì nói muốn tỉnh giác, muốn giác ngộ mà tâm lại hồ đồ. Hồ đồ về cái gì? Đó là ý có ba nghiệp: tham, sân, si. Miệng có bốn: nói dối, nói lời thêu dệt, nói ác khẩu, nói lời ly gián. Thân có ba: sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Do thân, khẩu, ý không trong sạch nên hằng ngày, sáu căn tiếp xúc với sáu trần chỉ phân biệt âm thanh, hình sắc, lợi dưỡng, hơn thua, thị phi tốt xấu để rồi lấy những thứ đó làm sở tri, sở giác của mình. Niệm Phật là cải đổi, bỏ đi tất cả những phân biệt hơn thua chấp trước đó, mà khôi phục lại cái bản tri bản giác. Một khi bản tri bản giác được khôi phục hoàn toàn là thành Phật. Việc thành Phật cũng không phải việc gì ở đâu xa xôi mà chủ yếu dụng công niệm Phật, niệm được thành phiến thì những cặn bã của chân tâm dần dần bị phá vỡ, lúc đó Phật tánh sẽ hiển bày.

Bản tâm của chúng ta xưa nay vốn thanh tịnh, bình đẳng giác ngộ, quang minh rực rỡ, bao trùm khắp Pháp giới hư không. Chỉ vì vô minh vọng động mà bị sáu trần dẫn dắt, do đó sự hiểu biết của chúng ta bị hạn hẹp, chỉ nhận thức được sắc thân Tiểu ngã mà không thể nhập tánh giác Đại ngã vốn có xưa nay. Mọi người không ngờ thân thể mà chúng ta cho là “cái ta” chỉ là bảy đại: đất, nước, gió, lửa, không, căn, thức hợp lại mà thành. Nếu đem phân chia ra từng phần thì thân thể không tồn tại được. Thí như thịt da là thuộc về phần đất; máu mủ, mồ hôi, nước mắt… là nước; hơi ấm là lửa; sự chuyển động của không khí và hơi thở trong thân thể và bên ngoài không trung là thuộc về phần không khí. Ngoài ra, còn có sáu căn là Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn và Ý căn là thuộc Căn đại. Trong mỗi căn lại có mỗi thức, sáu thức thuộc về phần Thức đại. Nếu đem tất cả những phần trên phân ra từng phần, một người không thể nào tồn tại. Vậy cái gì làm “cái ta” đây? Chúng ta xưa nay mê lầm, cho bảy đại là ta, nhưng trên thực tế nó chỉ là một đãy da dơ bẩn, tanh hôi được trang hoàng bên ngoài bởi một lớp da nên chúng có ta khó nhận thức được.

Thí dụ chúng ta đang nghe pháp như vậy, tự nhiên có một người nào đó đem một túi đựng đầy phân tiến lại, chắc chắn mọi người cho đó là dơ dáy và hôi thối. Người thì bịt mũi lại hoặc người thì đem nó mà bỏ, xem nó hết sức khinh rẻ. Thật ra, chúng ta ai ai cũng có một cái túi đầy dơ dáy như vậy, nhưng nó không lộ rõ ra bên ngoài như bao phân kia, mà được tiết ra bên ngoài thông qua chín lỗ. Nên nói: “Chín lỗ thường bất tịnh” là vậy. Mọi người lại nhận lấy cái đãy da dơ bẩn làm cái ta, rồi yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ. Nếu lấy nhãn quan Phật mà nhìn thì chúng ta thật ngu si biết chừng nào. Do đó, mọi người cần phải quán chiếu cái thân mà bấy lâu nay nhận làm “cái ta”, nó chỉ là vật đầy bất tịnh. Đứng trên phương diện định nghĩa “cái ta”, nếu nói thân thể này thật là ta, thì chúng ta có thể sai khiến nó làm theo ý muốn của mình, khi cần thì dùng, không cần có thể bỏ đi. Nếu không sai khiến được nó thì “cái ta” là cái gì đây?

Theo tập quán phổ thông, mọi người đều cho thân thể là ta, từ chỗ có ta lại có người, từ nhiều người hợp lại có chúng sinh, mỗi một chúng sinh đều ham muốn sống trường thọ… Thật ra, đó là điều hoàn toàn giả danh giả tướng. Vì “ta” và “người” là hai tướng đối đãi (tướng đối đãi là ở chỗ do có ta mà có người, do có người mà có ta). “Chúng sinh” là nhân hư giả (do vay mượn nhiều nhân duyên mà thành). “Thọ giả” cũng là tướng đối đãi không thực (Ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, tướng trạng của chúng vốn biến đổi không ngừng). Như vậy, nếu ly khai tất cả những tướng hư vọng giả danh ấy thì có một cái ngã thật phải không?

Hơn nữa, nghĩa “cái ta” là phải có chủ thể. Mọi người thường cho thân thể là ta, nhưng nào có sai khiến nó được đâu. Ví như lúc đói không ăn chịu không được, lúc khát không uống không thể làm gì, ngay cả sinh mạng khi hơi thở đã tắt, không chết cũng không được. Thậm chí, mắt thấy sắc đẹp không nhìn cũng không được, gặp hoàn cảnh Ngũ dục sung túc, không thọ nhận cũng không xong. Như vậy, nếu mọi người không làm chủ được những vấn đề nói trên thì “cái ta” làm gì mà có. Tất cả những cái ăn, uống, thọ nhận là thuộc phần sinh mạng. Sinh mạng thì có sinh có diệt. Ngoài sinh mạng ra, mỗi chúng ta đều có một tuệ mạng, tuệ mạng thì không sinh cũng không diệt. Như vậy, tuệ mạng là cái gì mà không sinh không diệt? Đó là tri giác tánh. Tri giác tánh tuy là vô hình vô tướng nhưng lại bao trùm khắp hư không Pháp giới, không nơi nào là không có. Cái được gọi là: “Không trung sinh Đại Giác, như bọt nước đại dương”. Niệm Phật chính là nuôi dưỡng tuệ mạng pháp thân của chính mình, nhờ vào tha lực và tự lực, cầu sinh thế giới Cực Lạc, khai mở Phật tri kiến, phục hồi lại bản giác tự thân. Chư Tổ như Thiên Thai Trí Giả đại sư, Vĩnh Minh đại sư, Long Thọ thiền sư, Ngẫu Ích đại sư, Triệt Ngộ thiền sư… các Ngài đều quy hướng Tịnh độ, chuyên môn niệm Phật. Vì tu các tông khác thường thường căn khí không thích hợp, hoặc khi tu gặp các cảnh tướng mà không người hướng dẫn sẽ gặp nguy hiểm, mang bệnh vào thân. Người niệm Phật chỉ cần Tín–Hạnh–Nguyện đầy đủ, niệm chắc chắn thiết thực, đã có sự trợ giúp của tha lực, lại có sự tu hành của tự lực, thì tuyệt không bao giờ gặp sai lầm. Cho nên, nói pháp môn niệm Phật là pháp môn tối thắng mau thành Phật là vậy. Tu các pháp môn khác hoàn toàn dựa vào tự lực, phải đoạn trừ hết tham sân si, các lậu hoặc mới trực chứng. Nói thì dễ dàng như vậy, thực tế việc đoạn trừ tham sân si nào có dễ, vì nó đã được huân tập từ nhiều kiếp. Tu pháp môn Tịnh độ có một điểm đặc biệt là Đới nghiệp vãng sinh. Sau khi được vãng sinh về thế giới Cực Lạc, nhờ vào năng lực không thể nghĩ bàn của Phật A-di-đà, Đại Thế Chí Bồ-tát và Quán Thế Âm Bồ-tát, cùng chư Thánh chúng, được họ dẫn dắt huân tu, trong tương lai dần dần nghiệp dứt tình không. Từ nơi Phàm Thánh Đồng Cư Độ, rồi tu tiến đến Phương Tiện Hữu Dư Độ, kế tiếp tiến lên Thật Báo Trang Nghiêm Độ, cuối cùng đạt được chân thân của Phật. Đó là giai đoạn tiến tu của người có căn cơ hạ liệt. Đối với người có căn tánh Đại thừa, dù sinh đến bất kỳ quốc độ nào trong bốn quốc độ trên đều có thể thấy các quốc độ còn lại.

Niệm Phật cầu vãng sinh là pháp môn tối thắng, được vãng sinh đến thế giới Cực Lạc thì không còn tái sinh đọa lạc, hoàn toàn không còn tạo nghiệp, tự mình gia công tiến tu cho đến ngày thành Phật độ chúng sinh. Tu hành các pháp môn khác cố nhiên cũng tốt. Nhưng công phu tu không đạt đến cứu cánh tất nhiên sẽ bị đọa lạc. Như thuở quá khứ có ba vị Bồ-tát là Thế Thân, Vô Trước, Sư Tử Giác cùng tu tập Duy thức quán. Ba vị phát nguyện sinh Nội viện Đâu-suất thấy Bồ-tát Di-lặc. Các vị cam kết với nhau rằng, nếu ai sinh về đó trước thì quay trở lại báo cho những người khác biết. Đầu tiên, Sư Tử Giác viên tịch, trải qua ba năm không thấy trở lại báo. Ba năm sau Thế Thân lại viên tịch. Lúc Thế Thân sắp lâm chung, Vô Trước bảo với Thế Thân rằng: “Sau khi ông đến cõi trời Đâu-suất, dù bất kỳ lý do gì ông cũng phải trở lại đây báo cho tôi biết”. Thế Thân qua đời, đúng ba năm sau Ngài quay trở lại. Vô Trước hỏi Thế Thân: “Vì lý do gì mà ông trở lại đây muộn thế?”. Thế Thân đáp: “Tôi đến Nội viện Đâu-suất chắp tay đảnh lễ tam bái, nhiễu quanh Bồ-tát Di-lặc một vòng là quay trở lại liền”. Vô Trước lại hỏi: “Hiện nay, Sư Tử Giác đang ở đâu? Vì sao không thấy trở lại?”. Thế Thân đáp: “Ông ấy sinh vào cõi trời Ngoại viện Đâu-suất, không có trong Nội viện. Do sinh vào cõi trời Ngoại viện, đang bị Ngũ dục trói buộc nên không thấy Bồ-tát Di-lặc, chính vì lý do đó mà không thể trở lại đây được”. Vô Trước sau khi nghe nói sinh thiên rất nguy hiểm, nên phát nguyện không sinh thiên mà phát nguyện sinh Tịnh độ (theo Tịnh Độ Thập Nghi Luận của Đại sư Trí Giả). Thiết nghĩ, ngài Sư Tử Giác là một vị Bồ-tát Đại thừa, sinh thiên còn bị Ngũ dục dẫn dắt, hà huống gì là phàm phu chúng ta! Qua đó cho thấy rằng, sinh thiên là điều nguy hiểm vô cùng! Đối với người tu Thiền định, nếu công phu chưa đạt đến trình độ siêu xuất Tam giới, không luận sinh lên một cõi trời nào, sau khi hưởng hết phước sẽ bị đọa lạc, rồi tùy theo nghiệp mà thọ báo. Lời này đã được Phật nói cho A-nan trong Kinh Lăng-nghiêm. Đúng là tu Tịnh độ không có nguy hiểm, nên nói: “Nhiều người tu đến Phi Phi Tưởng, không bằng quy hướng Tây Phương”. Ý nói sinh đến Tứ không của Phi Phi Tưởng, khi tuổi thọ tận, phước hết đều bị đọa lạc, không bằng sinh về cõi Cực Lạc, dù có sinh nơi Hạ Hạ phẩm cũng có thể dần dần chứng đến Thượng phẩm, so với việc sinh về cõi trời Phi Phi Tưởng tốt hơn nhiều.

Trong thời khóa niệm Phật, mỗi ngày chúng ta nên đọc Kinh Di-đà, thường nên đọc vào công phu chiều. Đọc một lần là một lần bạn đã huân tập cảnh giới thanh tịnh trang nghiêm vào trong tàng thức. Giống như bạn xem phim, một lần xem là một lần những hình ảnh trong phim đã huân tập vào tàng thức của bạn. Cũng vậy, bạn đọc Kinh Di-đà lâu ngày, cảnh giới thù thắng trang nghiêm của cõi Cực Lạc sẽ dần dần huân tập vào trong tàng thức của bạn. Tuy hiện tại bạn chưa sinh Cực Lạc mà trong tâm đã được bao vây bởi cảnh giới Tây Phương. Trong tương lai, đến giây phút lâm chung của bạn, ngoài công đức trì niệm danh hiệu Phật mà hằng ngày bạn huân tập, sẽ được Phật và Thánh chúng hiện ra tiếp dẫn. Lại còn những cảnh giới trang nghiêm thanh tịnh mà hằng ngày bạn đọc Kinh A-di-đà đã được huân tập, cũng từ trong tâm thức hiện ra trợ giúp cho bạn vãng sinh nhanh chóng hơn.

Điều được gọi là: “Tự tánh Di-đà duy tâm Tịnh độ”. Chúng sinh chính là Phật, Phật cũng là chúng sinh. Phật và chúng sinh Phật tánh vốn bình đẳng như nhau. Tâm tức là độ, độ tức là tâm, tất cả đều do tâm sở hiện. Vậy, người niệm Phật nên có công phu như thế nào? Nếu Tín–Hạnh–Nguyện kiên cố không thay đổi, tự tánh và Phật tức là một. Tự tánh tức là Phật, Phật tức là tự tánh. Phật vốn đầy đủ Vô lượng thọ, chúng sinh cũng vốn đầy đủ Vô lượng thọ. Phật vốn đầy đủ Vô lượng quang, chúng sinh cũng vốn đầy đủ Vô lượng quang. Phật A-di-đà có thế giới Cực Lạc, Y báo, Chánh báo, tướng hảo trang nghiêm; chúng sinh cũng có Nhị báo, tướng hảo trang nghiêm. Trong kinh Di-đà có nói: “Tất cả đều do Phật A-di-đà muốn cho pháp âm chan hòa khắp nơi, mà biến hóa ra như vậy”. Từ câu kinh này, có thể chứng minh rằng các cảnh giới của thế giới Cực Lạc đều tùy theo nghiệp tướng phước đức của Phật A-di-đà, duy tâm mà sở hiện. Trong khi đó, Phật tánh của chúng sinh vốn đầy đủ như Phật, mà chúng sinh lại không thể hiển hiện được những cảnh giới như đức Phật Di-đà hay sao? Cho nên, nói tự tánh Di-đà, duy tâm tức Tịnh độ là vậy. Tự tánh không nằm ngoài Phật và chúng sinh, Tịnh độ cũng không ngoài tâm mà có. Tây Phương Di-đà và tự tánh Di-đà, Tây Phương Tịnh độ và duy tâm Tịnh độ đều là một. Cần phải hiểu đúng chữ “duy tâm”. Duy tâm nói đây không phải là tâm điên đảo vọng tưởng duyên theo sáu trần hằng ngày, mà gọi “pháp pháp duy tâm”. Nói duy tâm là để hiển bày tự tánh vốn bao trùm chu biến khắp Pháp giới hư không, để thấy thân Tứ đại chỉ là giả hợp. Từ đó, người niệm Phật mỗi ngày khi đọc tụng kinh Di-đà cần hiểu rõ như vậy để lòng tin phát khởi kiên cố. Kinh Di-đà là kinh Vô vấn tự thuyết. Trong kinh miêu tả về Y báo, Chánh báo trang nghiêm của cõi Cực Lạc và pháp môn niệm Phật sinh Tây Phương. Ý nghĩa của kinh Pháp Hoa và kinh Di-đà giống nhau. Vì kinh Pháp Hoa Phật cũng nói cho Tôn giả Xá-lợi-phất, cũng không ai hỏi mà tự nói. Sau khi Phật nói kinh Vô Lượng Nghĩa xong, Ngài ngồi xếp bằng nhập vào Chánh Định Vô Lượng Nghĩa Xứ tam-muội, thân và tâm của Phật đều không lay động, từ nơi lông trắng giữa chặng mày phóng ra một luồng hào quang, chiếu khắp cả một muôn nghìn cõi ở phương Đông, hiện ra vô số tướng trang nghiêm, khiến cho hàng đại chúng vô cùng nghi nan. Sau khi đại chúng được Bồ-tát Văn-thù và Bồ-tát Di-lặc giải quyết các nghi ngờ, lúc bấy giờ, đức Thế Tôn từ chánh định an lành mà dậy, không có người nào thưa hỏi mà bảo với ngài Xá-lợi-phất rằng: “Trí tuệ của Phật rất sâu vô lượng, môn trí huệ đó khó hiểu khó vào. Tất cả hàng Thanh văn cùng Bích-chi Phật đều khó biết được… thành tựu pháp Vị tằng hữu thậm thâm… Tóm yếu mà nói, vô lượng vô biên pháp Vị tằng hữu, đức Phật thảy đều thành tựu”. Tôi thường nói: “Kinh Pháp Hoa là nói rộng kinh Di-đà, kinh Di-đà lược nói kinh Pháp Hoa”. Hai bộ kinh này đều lần lượt đi từ Sự đến Lý. Không như các kinh khác nói rất nhiều danh từ pháp tướng dẫn dắt người tu ngộ Lý rồi tu Sự, hoàn toàn nói đến cảnh Hiện lượng và Tâm hiện lượng. Nếu mọi người để tâm nghiên cứu, so sánh hai bộ kinh này chắc chắn sẽ thấy rõ hơn.

Kinh Pháp Hoa gồm 7 quyển 28 phẩm. 14 phẩm đầu là khai Quyền hiển Thật, 14 phẩm sau là khai mở việc gần để nói việc sâu xa, tất cả đều nói pháp Tối thượng thừa. Ví như trong kinh Di-đà có nói: “Nếu có người Thiện nam Tín nữ nào được nghe danh hiệu A-di-đà Phật, rồi niệm danh hiệu đó, trong một ngày, hay hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, hay là bảy ngày được nhất tâm bất loạn. Thế là người ấy vào phút lâm chung, Phật A-di-đà cùng chư Thánh chúng hiện ra trước mặt. Người ấy lúc chết tâm không điên đảo, tức được vãng sinh về nơi Cực Lạc”. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Dược Vương Dược Thượng Bồ-tát Bổn Sự quyển thứ 6 có nói: “Nếu có người nghe kinh này, đúng như lời mà tu hành, đến lúc mạng chung liền qua cõi An Lạc, chỗ trụ xứ của Phật A-di-đà, cùng chúng đại Bồ-tát vây quanh mà sinh trong tòa báu hoa sen”. Hai đoạn kinh nói trên ý nghĩa hoàn toàn giống nhau. Kinh Di-đà nói về sự trang nghiêm thanh tịnh, thọ mạng, quang minh và sự hộ niệm của sáu phương chư Phật… Tuy kinh Pháp Hoa dùng văn tự để nói rộng có khác, thế nhưng về mặt cảnh giới và ý nghĩa hoàn toàn giống kinh Di-đà. Vì vậy, một câu A-di-đà Phật là pháp Tối thượng thừa, bao quát vô lượng pháp môn.

Một câu A-di-đà Phật niệm được tương ưng, lập tức Lục căn được thanh tịnh. Ví dụ, quý vị hiện tại đang niệm Phật, mắt thường thấy Phật đó là Nhãn căn thanh tịnh, tai nghe âm thanh niệm Phật của mình và đại chúng là Nhĩ căn thanh tịnh, mũi ngửi hương trầm là Tỷ căn thanh tịnh, lưỡi đang co giãn phát ra danh hiệu Phật là Thiệt căn thanh tịnh, thân thể đang ở trong đạo tràng thanh tịnh, ngày ngày hướng Phật lễ bái đó là Thân căn thanh tịnh, niệm Phật lạy Phật, tâm nhớ Phật là Ý căn thanh tịnh. Lục căn thanh tịnh thì ba nghiệp thanh tịnh, ba nghiệp thanh tịnh thì thân không trộm cắp, sát sinh, tà dâm; miệng không nói hai lưỡi, ác khẩu, nói dối, nói lời thêu dệt; ý không tham, sân, si đó là tu Thập thiện. Người tu hành không dễ gì mà đối trị được Tam nghiệp, chỉ có niệm bốn chữ A-di-đà Phật mới có thể thu nhiếp, làm chủ được nghiệp, dần dần lâu ngày, niệm Phật thành phiến, Tịnh nhân tăng trưởng, đến lúc lâm chung nhất định được vãng sinh Cực Lạc.

Phật và chúng sinh đều có chung quan niệm công phu mà thành. Phật một niệm đầy đủ Thập pháp giới, chúng sinh một niệm cũng đầy đủ Thập pháp giới. Nếu tâm khởi một niệm tham đó là ngạ quỷ, tâm khởi một niệm sân là địa ngục, tâm khởi một niệm si là súc sinh, khởi một niệm mạn nghi là A-tu-la. Một niệm vui ở Ngũ thường, Ngũ giới chuyển vào cõi người, một niệm vui ở Thượng phẩm Thập thiện thì sinh vào cõi Trời, nếu lấy Tứ đế làm quán niệm đó là Thanh văn, lấy mười hai nhân duyên làm quán niệm, đó là Duyên giác, lấy Lục độ làm quán niệm là Bồ-tát, lấy tự lợi lợi tha, vạn hạnh bình đẳng làm quán niệm đó là Phật. Lại như trong nhân gian có các quan niệm: sĩ, nông, công, thương, quân, chánh, cảnh, học sinh, đều là do quan niệm từ ban đầu mà hình thành. Vậy quan niệm là gì? Đó là do nhận thức của mọi người. Người niệm Phật cũng giống như vậy. Mỗi ngày mắt thấy Phật, miệng niệm Phật, thân lễ lạy Phật, tâm nhớ Phật, tai nghe danh hiệu Phật, từng giây từng phút lấy việc siêu sinh Tịnh độ làm quan niệm, cứ như thế cho đến ngày thọ mạng hết, nhất định vãng sinh Tịnh độ và quyết định thành Phật. Như tôi đã nói ở trên, Phật giáo Trung Quốc để thích hợp với xu thế tự nhiên, người sau mới phân chia thành một số tông phái như: Thiên Thai tông, Hiền Thủ tông, Pháp Tướng tông (cũng gọi Từ Tư tông hoặc Duy Thức tông), Tịnh Độ tông, Chân Ngôn tông, Thiền Tông, Luật tông v.v… đều do quan hệ truyền bá và học tập chuyên môn mới thành lập ra như vậy. Trong các tông phái trên, chỉ có Tịnh Độ tông và Luật tông, việc hành trì cũng như giáo nghĩa thâm nhập vào các tông phái khác, được các tông phái kiêm tu, đồng thời cũng được bảy chúng đệ tử Phật tu tập. Thí dụ như Thiên Thai tông, Hiền Thủ tông, Tam Luận tông, Pháp Tướng tông… Phán giáo và tu quán hoàn toàn khác nhau. Nhưng tóm lại mà nói, tất cả họ đều lấy pháp môn Tịnh độ làm phương tiện cứu cánh, đều lấy việc niệm Phật để thành Phật. Như Thiền tông trong tham thoại đầu cũng lấy câu: “Người niệm Phật là ai?” để tu tập. Chẳng những vậy, bạn thấy không luận là một người xuất gia hay tại gia, cũng không luận là người học Phật vì động cơ như thế nào, song mục đích duy nhất của người học Phật là không ngoài việc niệm Phật thành Phật, đồng thời trong quá trình học Phật đó cần phải giữ gìn giới luật thanh tịnh. Thí dụ như không luận Bắc tông, Nam tông hay một tông phái nào, hiện nay tại Trung Quốc, mỗi lúc mọi người lên chánh điện lạy Phật hay nhiễu quanh Phật đều niệm Nam mô A-di-đà Phật. Lúc nói chuyện hay trả lời người khác, mọi người đều niệm Nam mô A-di-đà Phật. Tuy nhiên, mục đích tối hậu là không ngoài việc vãng sinh Tịnh độ thấy Phật thành Phật. Điều đó cho thấy rằng, pháp môn niệm Phật rất phương tiện lại còn phổ biến. Giới luật cũng không kém quan trọng. Phật pháp có hưng thịnh hay không cũng từ chỗ đệ tử của Phật có giữ gìn giới luật thanh tịnh hay không. Mọi người có giữ gìn giới luật thì Phật pháp trụ thế, ngược lại thì Phật pháp sẽ diệt vong.

Thời Phật còn tại thế, xứ xứ mọi người đều lấy Phật làm thầy. Sau khi Phật diệt độ, tất cả mọi người đều lấy giới luật làm thầy. Vào giờ phút Phật nhập diệt, bốn chúng đệ tử đều thỉnh Phật trụ thế, vây quanh mà khóc lóc thảm thiết. Lúc bấy giờ, Tôn giả Vô Bần, lòng đầy bi thương, suy nghĩ: “Lúc Phật còn tại thế, mọi người lấy Phật làm y chỉ. Nay Phật nhập diệt rồi, muốn cho Phật pháp cửu trụ thế gian phải làm gì? Cần phải thưa hỏi Phật cho rõ”. Lúc đó, Tôn giả A-nan cũng đang khóc lóc thảm thương. A-nan là thị giả Phật, đồng thời mỗi khi Phật thuyết pháp, A-nan đều có mặt bên Phật. Do đó mà Tôn giả Vô Bần nhờ A-nan hỏi Phật bốn việc. Trong đó có hai điều: Thứ nhất, lúc Phật còn tại thế mọi người an trú vào Phật, nay Phật diệt độ nên an trú vào đâu? Thứ hai, lúc Phật còn tại thế mọi người lấy Phật làm thầy, khi Phật diệt độ rồi, lấy ai làm thầy? Phật dạy: “Sau khi Ta diệt độ, các thầy nên an trú vào Tứ niệm xứ, lấy giới luật làm thầy”. Lời di giáo sau cùng đó cho chúng ta thấy giới luật thật quan trọng biết chừng nào.

Phàm là người đệ tử Phật, cần phải giữ gìn giới luật Phật dạy. Tuy nhiên, không giữ được trọn vẹn, cũng phải giữ những giới quan trọng. Vì giữ bao nhiêu giới thì có lợi ích bấy nhiêu, nếu giữ được trọn thì sẽ có định lực rất lớn. Các Đại Tòng lâm Nam tông cũng như Bắc tông đều có quy củ và gia phong. Quy củ và gia phong đó chính là mọi người đồng tu cùng giữ gìn giới luật. Thử hỏi một Tự viện, một Am thất, một Tịnh xá, một Niệm Phật đường mà không giữ gìn giới luật thì Phật pháp sẽ ra sao? Đó là những nơi mọi người thường vãng lai, ứng nhân tiếp vật, do đó cần phải có giới luật. Điều đó cho thấy rằng, niệm Phật và trì giới quan trọng như nhau. Hiện tại, Luật tông có Luật sư Hoằng Nhất. Ngài tuy là người chuyên hoằng truyền giới luật, thế nhưng lại cũng chuyên niệm Phật và khuyên người khác niệm Phật. Ngoài Luật sư Hoằng Nhất ra, còn có lão Pháp sư Đế Nhàn, lão Hòa thượng Hư Vân v.v… không người nào là không chú trọng niệm Phật. Cho nên, cổ đức có nói: “Giáo diễn bổn tông, tu hành Tịnh độ” là vậy.

Thông thường, đệ tử Phật có bảy chúng. Một là Tỷ-kheo Tăng, là người nam xuất gia thọ Cụ túc giới. Hai là Tỷ-kheo-ni, là người nữ xuất gia thọ Cụ túc giới. Ba là Thức-xoa-ma-na được giải thích là người nữ học pháp, tức là Sa-di-ni muốn thọ giới Cụ túc, từ mười tám đến hai mươi tuổi, học sáu pháp (không dâm dục, không trộm cắp, không sát sinh, không nói dối, không uống rượu và không ăn phi thời). Trải qua sự học tập đó mới có thể thọ Cụ túc giới làm Tỷ-kheo-ni. Bốn là Sa-di, là người nam hậu xuất gia thọ trì mười giới. Năm là Sa-di-ni, là người nữ hậu xuất gia cũng trì giữ mười giới. Sáu là Ưu-bà-tắc, là người nam tại gia gần gũi Tam Bảo. Bảy là Ưu-bà-di, cũng là người nữ tại gia gần gũi Tam Bảo.

Người tại gia niệm Phật, trước tiên phải quy y Tam Bảo, thọ trì Ngũ giới. Tam Bảo là gì? Là Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. “Phật” bao gồm Phật Thích-ca Mâu-ni hiện thân ở cõi Ta-bà, cho đến chư Phật hiện tại, quá khứ và vị lai. “Pháp” có nghĩa là quy tắc, đó là lời dạy của chư Phật. “Tăng” có nghĩa là hòa hợp, là những người xuất gia thay Phật hoằng dương chánh pháp, làm mô phạm cho thế gian. Tam Bảo gồm có Tự tánh Tam Bảo, Biệt tướng Tam Bảo và Trụ trì Tam Bảo. Tự tánh Tam Bảo ở mỗi chúng sinh vốn có đầy đủ, chẳng hướng ngoại mà tìm cầu. Như Linh Minh Giác Chiếu là Phật bảo, Tịch Thường Viên Tịnh là Pháp bảo, Cách Hòa Diệu Lạc là Tăng bảo. Biệt tướng Tam Bảo gồm những gì? Bao gồm pháp, nhân, quả, tánh, tướng, thể, dụng. Như Diệu giác và Tam thân đều gọi là Phật, chân như lý thể và tất cả các pháp môn phương tiện, đều gọi là Pháp, năm mươi địa vị Thánh Hiền được gọi là Tăng. Trụ trì Tam Bảo gồm những gì? Trụ trì Tam Bảo ở thế gian, chủ yếu là muốn cho Phật pháp được lưu truyền, đồng thời làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Tượng Phật, Xá-lợi… đó là Phật bảo, Tam tạng Kinh, Luật, Luận là Pháp bảo, đồ chúng xuất gia vì sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh đó là Tăng bảo.

Mọi người cần biết, người quy y Tam Bảo, ngoài việc quy y Tam Bảo ra, cần phải quay về quy y Tam Bảo tự tánh vốn có của bản thân. Chữ “Phật” được giải thích là giác. Người người đều có tánh giác. Vì vậy, quy y Phật, đó là quy y tánh giác của mình. Người người đều có thể tự lực làm hiển lộ tánh giác thù thắng đó. Quy y Pháp là quy y chân như diệu lý vốn có, mọi người đều có khả năng tiếp tục phát huy chân tánh của tự thân. Quy y Tăng là quy y pháp thân thanh tịnh, tỉnh thức của tâm. Đã quy y Phật rồi, bạn không nên quy y bất kỳ một tôn giáo nào khác, vì các tôn giáo đó phần lớn đều ca ngợi, tôn sùng các vị thần linh, họ không đề cao vai trò và năng lực của con người, họ cho rằng con người chỉ vĩnh viễn làm nô lệ cho thần linh. Điều đó, hoàn toàn trái ngược với tinh thần bình đẳng mà Phật thường dạy: “Các pháp vốn bình đẳng, không có cao thấp”. Người người có tánh giác, người người có khả năng niệm Phật thành Phật. Tuy nhiên, theo quan niệm phổ thông, khi nói đến quy y, người ta thường nghĩ rằng chỉ quy y Thế gian Trụ trì Tam Bảo. Điều đó chẳng qua nhằm dẫn đạo cho người, mục đích chính là hướng dẫn cho bạn quay về nương tựa Tự tánh Tam Bảo vốn có của chính mình. Người niệm Phật cần hiểu biết tường tận. Việc thành Phật không phải người khác thay thế, cũng chẳng ai mang đến cho ta mà phải chính ta nỗ lực niệm Phật để tự tánh hiển lộ mới có khả năng thành Phật.

Ngoài quy Tam Bảo, mọi người cần giữ gìn năm giới để làm trợ hạnh cho việc niệm Phật. Ngũ giới bao gồm: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Không sát sinh là nhân, không trộm cắp là nghĩa, không tà dâm là lễ, không nói dối là tín, không uống rượu là trí. Bạn giữ Ngũ giới tức là đã giữ Ngũ thường của thế gian. Vì thế gian thường xem trọng nhân nghĩa. Không tàn nhẫn là đạo nghĩa, không cường bạo là lễ nhượng, không tà nhu là thật tín, không dối trá là lý trí, là không ngu si. Người niệm Phật trì Ngũ giới là đã nuôi dưỡng nhân nghĩa, đạo nghĩa, lễ nhượng, thật tín, lý trí vừa là chánh nhân quân tử, lại có thể làm tư lương cho Tịnh độ.

Ngoài Tam quy Ngũ giới ra, người niệm Phật còn phải tu tập quán niệm Tứ niệm xứ và Bát chánh đạo trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo.

“Tứ” là bốn, “xứ” là nơi, là chốn, là vị trí, là đối tượng, là sở tri, là sở quán. Tứ niệm xứ là bốn cái mà người niệm Phật cần phải nhớ và quán niệm.

Quán niệm thân thể này từ gót chân cho đến đỉnh đầu nơi nơi đều bất tịnh. Thân thể là xác thịt do tinh cha huyết mẹ hợp lại mà thành. Tất cả những gì làm nên và chứa đựng trong thân thể (như: thịt, máu, mủ, phân, nước tiểu, mồ hôi, nước mắt, lông, móng, da v.v…) đều dơ bẩn, hôi hám, không có gì là trong sạch, tất cả đều bất tịnh.
Khổ nói tóm có tám loại: sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, thương yêu chia ly là khổ, muốn không được là khổ, thù nhau mà sống chung là khổ, năm ấm bất hòa là khổ. Còn nói đến những khổ nhỏ thì trong thế gian này có vô lượng vô biên. Bạn nghĩ xem, từ một người cho đến một gia đình, xã hội nào mà không có những điều khổ? Do đó, người niệm Phật hãy quán niệm rằng, dù cảm thọ có vui có khổ, nhưng ở thế gian không có niềm vui chân thật, còn khổ đau thì đầy dẫy. Nếu có vui cũng là cái vui tạm bợ và chỉ có cái khổ trá hình, rốt cuộc cái vui là nguyên nhân của cái khổ. Vì thế, mọi cảm thọ đều là khổ đau.

Người niệm Phật phải quán chiếu rằng, tâm niệm chúng ta luôn thay đổi trong từng Sát-na sinh diệt, không có một ý nghĩ nào là bền vững chắc chắn, niệm này qua niệm khác lại đến. Sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà sinh ra vọng tưởng điên đảo, không có một ý nghĩ nào là bền vững, chắc chắn.

Phải quán niệm vạn pháp trong thế gian đều do nhân duyên hòa hợp mà làm nên, không vật gì là có bản tánh độc lập, là chân thật. Tất cả đều là giả danh giả tướng, không có cái gì là có thực ngã. Đó là nói lược về Tứ niệm xứ. Người niệm Phật phải thường trực tỉnh giác quán niệm như thế, thì tâm niệm Phật mới được vững vàng.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.