Từ Bi Trong Đạo Phật

Mặc dù thường được mọi người nói đến hai chữ từ bi, nhưng không ít người đã hiểu một cách sai lệch, chỉ theo quán tính của mình. Có người hiểu từ bi là một tình thương nhỏ nhặt tầm thường nông cạn; có người hiểu từ bi là một tình thương nhạt nhẽo, lãnh đạm, tiêu cực, thua xa “tình yêu” hay “bác ái”; có người cho từ bi là một hình thức biến thể của “ích kỷ”; lại có người đi xa hơn cho từ bi là một danh từ trống rỗng là “vô nghĩa”. Vậy từ bi là thế nào?

Định nghĩa theo danh từ nhà Phật, từ nghĩa là thương yêu, là làm vui cho người và vật; bi là thương xót người hay vật, khi thấy họ đau khổ, gặp hoạn nạn, và cố cứu họ ra khỏi hoàn cảnh ấy. Từ thuộc phạm vi tích cực (làm thêm vui); bi thuộc phạm vi tiêu cực (trừ cái khổ). Người mẹ thương con, muốn làm cho con được vui vẻ sung sướng khi bình thường, là Từ. Khi đứa con đau đớn về tinh thàn hay vật chất, thì người mẹ thiết tha thương xót, chăm sóc, cứu chữa cho nó thoát khỏi cơn đau khổ, là Bi.

Để vấn đề này được sáng tỏ, đầy đủ mọi khía cạnh, chúng tôi xin trình bày ý nghĩa của từ bi theo thứ tự sau đây:

– Từ bi trong đời đức giáo chủ Thích Ca Mâu Ni Phật.

– Từ bi trong giáo lý đạo Phật.

– Từ bi áp dụng trong đời sống xã hội và qua lịch sử truyền bá Phật giáo.

I.- TỪ BI TRONG ĐỜI ĐỨC GIÁO CHỦ THÍCH CA MÂU NI

Bao giờ cũng thế, đời sống của một vị giáo chủ là cái gương phản chiếu cái đạo mà mình đã phát minh. Tâm hồn, thái độ, cử chỉ, hành động của vị giáo chủ chứng minh cho những giáo lý của mình. Đó là những bài học linh động, thực hành để tín đồ nhận thấy rõ ràng cái tinh thần, cái ý nghĩa sâu xa của đạo cứu thế. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, mỗi hành động của đức Phật Thích Ca được cô động lại qua lịch sử đời ngài, thành những tượng trưng cho từ bi, trí tệ, đại hùng, đại lực. Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến vấn đề từ bi, nên chúng tôi chỉ sẽ chú mục đến những điểm nào mà trong đời ngài, đã biểu dương được tình thương rộng lớn vô biên ấy.

Trước tiên, chúng ta thấy người chép sử đời ngài đã nhấn mạnh ở điểm: lúc mới bảy tuổi, đức Thích Ca, một hôm đi xem lễ “cày ruộng” đã rơi lụy đau xót cho nỗi đau xót của chúng sanh, đã phải xâu xé, giành giựt nhau để sống, người thợ săn đang rình bắn con diều, con ó, những con này đang rình rập bắt những con gà, con chim nhỏ; những con sau này lại đang tranh nhau, giành giựt những côn trùng mà lưỡi cày đã bới lên… Sự sống bằng cái chết.

Những cảnh tượng ấy phơi bày ra trước mắt mọi người, nhưng chỉ có một mình ngài nhận thấy và đau xót, vì ngài đã hòa mình trong nỗi đau khổ của chúng sanh, đã chan hòa tình thương của mình trong mọi vật, như nước đại dương mà mỗi làn sóng, mỗi âm ba đều vang dội tận đáy lòng mình. Đấy là lý do, động lực chính thúc đẩy ngài đi tìm đạo sau này.

Rồi, trước khi rời cung điện để ra đi tìm đạo, đức Thích Ca đã nói với mình như sau:

“… Ta không muốn làm một kẻ chinh chiến, tắm bánh xe trong máu đào của muôn bãi chiến để rồi lưu lại cho hậu thế một kỷ niệm đỏ gớm ghê…

Tiếng kêu đau thương của thế giới xé rách màn tai, lòng từ bi của ta chỉ muốn xóa bỏ những cảnh khổ đau của nhân loại”.

Và ngài đã nói với tên giữ ngựa Xa Nặc như thế nào?

“- Ngươi ạ, sẽ là một thứ tình yêu giả trá nếu ta chỉ ở bên cạnh những người thân để hưởng những lạc thú ích kỷ. Ta muốn đừng bịn rịn với Tổ quốc nhỏ hẹp này để được yêu vũ trụ rộng lớn…” (1)

Và trên con đường đi tìm đạo, đức Phật đã không từ một cử chỉ nhỏ nhặt nào của tình thương.

Ngài đã bế một con cừu què chân để cho nó theo kịp mẹ nó và nói với nó: Dù con về xa đến đâu, ta cũng sẽ bồng con theo mẹ con cho đến đấy. Trong lúc ta chưa tìm ra được phương thuốc để cứu độ toàn thể chúng sanh, thì ít nữa, ta cũng cứu được một mình con khỏi đau khổ. Ừ, như thế còn hơn là ngồi trên núi như những kẻ tu hành kia để tự hành hạ thân xác và để cầu được thoát khổ với những vị thần bất lực”.

Ngài đã khuyên vua Tần Bà Sa La đừng giết súc vật để tế thần. Như thế, đâu phải chỉ vì mình mà đức Phật đi tìm đạo? Đâu phải vì chán ngán cõi đời như nhiều nhà nghiên cứu Phật học Âu châu thường nói, mà đức Thích Ca lìa bỏ cõi đời, xuất gia tìm đạo? Cái đạo của ngài là đạo vì đời, đạo của tình thương. Đại nguyện của ngài là cứu độ cho toàn thể chúng sanh thoát vòng đau khổ. Cho nên sau khi đắc đạo dưới gốc Bồ dề, mặc dù nhận thấy cái đạo của mình thâm huyền, khó nói, khó bàn, ít người hiểu thấu, đức Phật cũng không nề khó khăn lao nhọc, đem ra truyền bá cho đời. Ngài đã tự nhủ: ”Ta vì đời, mà tìm đạo. Không lẽ bây giờ thấy cái đạo thâm huyền, khó nói, khó bàn mà giữ riêng cho ta, không truyền bá cho đời sao?” Do đó, ngài đã chế ra không biết bao nhiêu phương pháp tu hành để có thể thích hợp với mọi hạng người, mọi căn cơ, mà ngài nhận thấy đều có khả năng thành Phật.

Cái đại nguyện vì đời mà hành đạo, vì tình thương mà san bằng bể khổ đã được đức Phật Thích Ca theo đuổi từng ngày, từng giờ, trong suốt bốn mươi lăm năm đi truyền bá giáo lý của ngài, cho đến phút cuối cùng, khi ngài nhập Niết Bàn.

Tóm lại, lịch sử đức Phật Thích Ca chính là lịch sử của lòng từ bi và của trí tuệ, đã tiếp diễn một cách dũng mãnh, không một phút giây thối chuyển. Do đó, người đời gọi ngài bằng những danh hiệu: đấng giác ngộ hay đấng đại từ, đại bi vậy.

II.- TỪ BI TRONG GIÁO LÝ ĐẠO PHẬT

Như chúng ta đã thấy ở trên, từ bi là động lực chính, là thúc đẩy đức Phật đi tìm đạo giải thoát để cứu độ chúng sanh. Đức Phật không thể ngồi yên nhìn sự đau khổ hoành hành trong đời sống, như người mẹ không thể ngồi yên khi nhìn thấy con đau. Càng thương con bao nhiêu, lại càng nỗ lực tìm thầy chạy thuốc, quyết dứt trừ bệnh hoạn cho con. Sức lực của người mẹ chính là ở tình thương. Nghị lực, sức chịu đựng dẻo dai, bền chặt của đức Phật trong khi vượt bao gian lao khổ cực để tìm đạo cũng chính vì thình thương lớn lao đối với chúng sanh vậy.

Dựa trên kinh nghiệm bản thân, đức Phật đã dạy: “Người tu hạnh Bồ tát phải lấy từ bi làm gốc. Cây Bồ đề lớn mạnh nhờ bám sâu gốc rễ trong đất, kẻ tu hành lấy từ bi, lợi lạc hữu tình làm lẽ sống”.

Giáo lý đức Phật tuy không kể xiết, tựu trung đều nhắm đến ba điểm chính: Bi, Trí, Dũng, mở rộng tình thương, mở rộng trí tuệ, mở rộng nghị lực. Mở rộng cho đến khi nào không còn thấy có biên giới nữa là thành Phật. Thiếu một trong ba điểm ấy, không bao giờ có thể thành chánh quả. Người Phật tử có câu hát:

Trí không bi là trí điêu xảo, Bi không trí là bi mù lòa.

Bi và trí cần được trau dồi, phát triển đồng đều với nhau: trí làm cho bi sáng suốt, bi làm cho trí thuần lương. Trí và Bi như hai bánh của một chiếc xe. Một trong hai bánh rời ra là xe trút đổ. Tình thương ấy lại cần phải vô biên, không hạn cuộc. Nếu còn thấy giới hạn của tình thương, thấy có người hay vật mình không thương được, thấy có kẻ thù, thì chưa phải là từ bi. Cho nên trong pháp quán từ bi, người ta thường luyện hai cách: hoặc mở rộng tình thương tuần tự đi từ những người thân trong gia đình, cha mẹ, vợ con, dần dần đến thân thuộc, bạn bè, rồi đến hàng xóm láng giềng, đến những người không thân, cuối cùng đến kẻ thù; và phải tập thế nào cho đến khi mình thấy thương kẻ thù như người thân nhất mới thôi; hoặc người ta trở ngược lại đi từ kẻ thù ghê gớm nhất dần dần đến kẻ thân nhất; khi thấy không còn phân biệt giữa kẻ thù và người thân nhất mới thôi.

Tình thương ấy cũng không chỉ hạn cuộc trong phạm vi nhân loại, mà còn lan đến muôn vật, cỏ cây, nghĩa là toàn thể chúng sanh, những gì có sự sống. Vì sao lại phải thương yêu chúng sanh? Chúng chúng sanh luân hồi, lăn lộn trong sáu cảnh giới: thiên, nhân, A tu la, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục; tiếp nối không ngừng, khi làm trời, khi làm người, khi xuống địa ngục. Từ muôn triệu kiếp, chúng sanh đối với nhau đã từng làm cha mẹ, ông bà, anh chị em, thân bằng quyến thuôc của nhau, cho nên phải thương yêu nhau.

Mặc dù hình thức có khác nhau, nhưng sự sống chỉ là một. Sự sống đã là một, thì tình thương sao lại phân chia! Làm đau khổ một phần nào, trong khía cạnh nào của sự sống, tất cũng làm đau khổ sự sống của mình, vì sự sống của mình và của chúng sanh là một. Trái lại, thương yêu một sinh vật nào đó, cũng chính là thương yêu mình.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.