Chương VII: Đệ Thất Yếu
Niệm Phật Phải Khắc Kỳ Cầu Chứng Nghiệm
Khải Đề:
Thân như bọt
Bể thương tang
Chìm nổi kiếp mênh mang!
Dưới trăng suy cạn khoảng đêm tàn
Chỉ nương Vô Lượng Quang.
Trời niệm tâm
Núi kiên quyết
Vọng tình xin cách tuyệt
Dần dà khó thể nhập Liên Bang
Khi nao thật được nhàn?
Mục A. Nên Định Kỳ Kiết Thất
Tiết 43 Sự Sống Chết Lớn Lao
Đạo lý “Cơn vô thường mau chóng, sự sống chết lớn lao” duy có Phật Giáo đề cập và giải quyết một cách rốt ráo. Thế gian chỉ nói đến vấn đề sinh hoạt sau khi sanh, trước khi chết; đến như vấn đề sanh tử trước khi chưa sanh, sau khi đã chết thì không nghiên cứu tận cùng. Đạo Nho tuy có luận bàn việc sau khi chết, nhưng với mục đích hoàn thành hiếu đạo, trọn vẹn lễ nghi. “Thờ chết như thờ sống, thờ mất như thờ còn” mà thôi. Khi xưa có một lúc thầy Tử Lộ hỏi về việc chết, đức Khổng Tử đáp: “Sống còn chưa biết, đâu đã biết chết!” Đạo Tiên giải quyết cái chết bằng cách kéo dài sự sống, gọi là trường sanh.
Nhưng trường sanh tuy có, mà bất tử thì không, vì mọi pháp tạo tác hữu vi đều ở trong vòng sanh diệt. Trong đạo lý Thập nhị nhân duyên, đức Phật đã truy nguyên cho thấy rõ “sự sanh già bịnh chết, lo thương sầu khổ”, đều do một niệm mê mờ đầu tiên, gọi là vô minh. Phá vô minh trở về bản tánh, mới đoạn hẳn nguồn sanh tử. Nhưng đó chỉ dứt phân đoạn sanh tử thuộc nhơn ngã chấp mà thôi; còn phải trừ biến dịch sanh tử thuộc pháp ngã chấp, mới đi đến chỗ toàn giác. Tuy nhiên, dứt được phân đoạn sanh tử, trụ nơi Vô Dư Niết Bàn, thoát khỏi sự khổ luân hồi trong ba cõi, đã quí hóa hy hữu lắm rồi. Và đó cũng là giai đoạn đầu tiên, mà người tu Phật cần phải giải quyết.
Như lời Phật huyền ký, thời mạt pháp bậc ngộ đạo còn ít có, huống chi là chứng đạo, và chưa chứng đạo tất còn phải chịu luân hồi. Cho nên muốn giải quyết vấn đề sanh tử ngay đời hiện tại giữa thời mạt pháp này, chỉ có phương tiện duy nhất là cầu đới nghiệp vãng sanh về Cực Lạc. Tại sao phải như thế? Vì nếu không chứng đạo mà lại không được vãng sanh, tất phải đọa luân hồi. Khi luân hồi trong cõi ngũ trược, lại ở sâu vào thời mạt pháp đạo đức lần lần suy tàn này, nghiệp dữ dễ tạo, duyên lành khó tu, kết cuộc vẫn phải đọa trong ba đường ác. Cho nên sống chết là vấn đề lớn lao, mà những vị tu hành quyết cầu giải thoát đều phải thao thức. Ngài Bát Chỉ Đầu Đà, một bậc cao tăng cận đại bên Trung Hoa, khi còn trẻ chưa xuất gia, thấy những đóa hoa héo rụng trước nhà, liền suy tư rơi lệ. Đó là vì ngài có trí huệ, biết ý thức sâu đến sự sống chết của kiếp người.
Một mảnh phương tâm không chỗ gởi.
Giàn hoa chầm chậm ánh trăng soi.
Có thể mượn hai câu này, để diễn tả tâm trạng người tu với mối tư lương thao thức ấy.
Tiết 44 Ý Nghĩa Kiết Thất
Như trên đã nói, nếu không chứng đạo, phải niệm Phật cầu vãng sanh. Muốn chắc chắn được vãng sanh, phải niệm đến trình độ nhứt tâm bất loạn. Và muốn luyện cho đến mức một lòng không loạn, lại cần phải kiết thất. Kiết thất là ở trong ngôi nhà nhỏ hay một gian phòng, tuyệt hết ngoại duyên, chỉ chuyên lo niệm Phật trong khoảng bảy ngày. Nhưng tại sao phải bảy ngày, không sáu ngày hoặc tám ngày? Kinh dạy: “Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhơn nào, nghe nói đến Phật A Di Đà, giữ niệm danh hiệu, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không loạn.” Trong kinh không nói chỉ sáu ngày, hay quá đến tám ngày, cho nên người tu Tịnh Độ xưa nay căn cứ theo kinh qui định thời gian để kiết kỳ niệm Phật trong bảy ngày.
Theo Mật Giáo, số bảy là số cùng cực của sự sanh hóa, nên thân Trung ấm bảy ngày phải biến thể một lần, tụng chú ít nhứt cũng bảy lượt mới sanh hiệu lực. Đạo Phật gọi điều này bằng bốn chữ “pháp nhỉ như thị”, nghĩa là theo phép của lẽ tự nhiên nó phải như thế, không thể giải thích được; cũng như không thể cắt nghĩa tại sao lửa thì nóng, băng tuyết lại lạnh. Từ số bảy làm trung tâm điểm, diễn lên ba lần thành hăm mốt, bảy lần thành bốn mươi chín; nên để hoàn thành công hiệu, Mật Giáo dạy tụng chú bảy lần, nếu tâm lực yếu chưa thể thành tựu thì tụng hăm mốt lần, hoặc bốn mươi chín lần. Vì thế người nhập thất y theo lệ đó, có khi kiết kỳ bảy ngày, hăm mốt ngày hay bốn mươi chín ngày.
Sao gọi là “Nhứt tâm bất loạn?” “Nhứt tâm” là duy có một tâm niệm Phật, không xen tạp niệm chi khác. “Bất loạn” là lòng không rối loạn duyên tưởng cảnh nào ngoài cảnh niệm Phật. Bậc thượng căn niệm một ngày có thể được nhứt tâm, bậc trung căn hoặc ba bốn ngày mới được nhứt tâm, còn bậc hạ căn phải đến bảy ngày. Cũng có ý nghĩa khác, bậc thượng căn trong bảy ngày hoàn toàn nhứt tâm, bậc trung căn chỉ nhứt tâm được ba bốn ngày, bậc hạ căn duy nhứt tâm được trong vòng một ngày. Nhưng tại sao đức Thế Tôn ước hạn trong bảy ngày có thể được nhứt tâm, mà chúng ta nhiều kẻ niệm hai ba năm hoặc nhiều năm vẫn chưa được nhứt tâm? – Điều này có ba nguyên nhân:
1. Về sự tướng, ta không y theo lời Phật dạy kiết kỳ tu hành, khi kiết thất lại tạp tu. Phải biết trong kỳ thất, muốn được nhứt tâm, nên chuyên giữ một câu niệm Phật, không được xen trì chú, tụng kinh hay tham thiền chi khác.
2. Trong bảy ngày chưa tránh được tạp duyên, dứt được tạp niệm, chuyên chú tu hành. Bởi có vị kiết thất, vì thiếu sự ngoại hộ, phải tự lo việc cơm nước, chưa yên lòng về các chuyện lặt vặt bên ngoài, cho đến chưa có tâm cầu sự tất chứng.
3. Ba căn như đã nói, chỉ là ước lược. Chẳng hạn như trong thượng căn có thượng thượng căn, thượng trung căn, thượng hạ căn; trung và hạ căn cũng thế, thành ra chín căn. Trong chín căn nếu chia chẻ ra, còn rất nhiều căn nữa.
Lại nên biết lời Phật nói chỉ là khái lược. Lệ như bậc thượng căn chỉ nó bảy ngày không loạn, mà chẳng nói tám chín ngày. Thật ra bậc ấy, chẳng những tám chín ngày không loạn, mà cho đến suốt đời cũng có thể không loạn. Và ngược lại, kẻ độn căn nghiệp chướng nặng nhiều, chẳng những bảy ngày không được nhứt tâm, mà có thể niệm suốt đời cũng chưa được nhứt tâm. Cho nên đối với tất cả kinh nghĩa phải khéo hiểu, không nên chấp văn hại lời, và chấp lời hại ý.
Tiết 45 Cách Đả Thất
Kiết thất hay đả thất, ý nghĩa cũng không xa. Đả thất là dụng công trong bảy ngày. Chữ “đả” rút từ nguyên ngữ “đả thành nhứt phiến”, nghĩa là: đánh cho thành một khối tịnh niệm. Đả thất niệm Phật, có khi nhiều người đồng tu, hoặc chỉ một người cho dễ được thanh tịnh. Người đả thất chuyên tu, phải có ba bậc thiện tri thức.
1. Giáo Thọ Thiện Tri Thức: – Đây là một vị thông hiểu Phật pháp và có kinh nghiệm về đường tu để thường chỉ dạy mình; hay mình đến thỉnh giáo trước và sau khi kiết thất. Trong trường hợp nhiều người đồng đả thất, nên thỉnh vị giáo thọ này làm chủ thất, mỗi ngày đều khai thị nửa giờ hoặc mươi lăm phút.
2. Ngoại Hộ Thiện Tri Thức: – Đây là một hay nhiều vị ủng hộ bên ngoài, lo việc cơm nước quét dọn, cho hành giả được yên tu. Theo thông từ, vị này thường được gọi là “người hộ thất.”
3. Đồng Tu Thiện Tri Thức: – Đây là những người đồng tu một môn với mình, để nhìn ngó sách tấn lẫn nhau. Vị đồng tu này có thể là người đồng kiết thất chung tu, hoặc có một ngôi tịnh am tu ở gần bên mình. Ngoài sự trông nhìn sách tấn, vị đồng tu còn trao đổi ý kiến hoặc kinh nghiệm, để cùng tiến bước nhau trên đường đạo. Lời tục thường nói: “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn” là ý nghĩa này.
* Ngài Sơn Kỳ, một bậc thạc đức bên Thiền Tông đã dạy: “Bản sắc người tu, là phải lấy mười phương làm đạo tràng viên giác, không cuộc hạn sự kiết kỳ dài ngắn. Nếu một năm không tỏ ngộ thì tham đến mười năm; mười năm không tỏ ngộ, tham cứu hai hoặc ba mươi năm, cho đến trọn đời, trước sau không dời đổi.” Người niệm Phật cũng thế. Đả thất là phương tiện để cho mau được nhứt tâm; nếu một kỳ chưa nhứt tâm, nên kiết thất nhiều kỳ, chí tiến tu không hề thối chuyển.
* Có kẻ hỏi: “Muốn được vãng sanh, phải niệm Phật cho được nhứt tâm bất loạn. Nhưng các hành giả đời nay mấy ai đi đến trình độ ấy, thế thì công tu chẳng thành luống uổng hay sao?” – Đáp: “Lời này trước đã có đề cập qua, nay xin nhắc lại để gây thêm sự chú ý. -Niệm Phật cần được nhứt tâm hoặc chứng Tam Muội, là sự khuyến tấn hay mức kỳ vọng, mà các hành giả phải đi đến. Song, môn Tịnh Độ có điểm đặc biệt là “Trên đến một lòng không loạn, dưới chỉ mười niệm thành công.” Bậc thượng căn hiện tiền niệm đến nhứt tâm bất loạn, quyết được vãng sanh. Kẻ hạ căn khi lâm chung mười niệm không loạn cũng được về Cực Lạc. Cho nên vấn đề “nhứt tâm bất loạn được vãng sanh.” là nói khi lâm chung, không phải chỉ cho lúc hiện tiền. Bởi bình thời dù được nhứt tâm bất loạn, song nếu đổi ý tu qua môn khác, khi lâm chung cũng không được vãng sanh.”
Được mười niệm không loạn lúc sắp mãn phần, thật ra không phải chuyện dễ. Vì khi ấy có một sức nghiệp do đời này hoặc từ kiếp trước phát hiện, gọi là Cận Tử Nghiệp. Nếu lúc bình thời không cố gắng niệm Phật cho thuần thục, khi sắp chết bị sức Cận Tử Nghiệp lấn át, chánh niệm không hiện, tâm thức tùy nghiệp rối loạn, làm sao mà được vãng sanh? Có một vị cư sĩ tên là Hoàng Hậu Giác cũng tu Tịnh Độ, ưa làm Phật sự nhưng bình thời công khóa lơ là, nay có mai không. Lúc sắp chết ông ghét nghe tiếng niệm Phật, không chịu theo lời khuyến tấn của các bạn cư sĩ đồng tu. „n Quang pháp sư đã phán định: “Đó là do những nghiệp ác từ nhiều kiếp trước tập hợp nhứt là nghiệp bỏn sẻn lời nói, thấy người đi đến chỗ chết mà làm lơ không khuyên ngăn. Khi tướng ấy hiện ra, tất phải đọa vào loài ngạ quỉ.”
Thuở xưa, đức Phật nói với A Nan: “Có người suốt đời làm lành mà khi chết lại đọa địa ngục, có kẻ suốt đời làm ác, lúc chết được sanh lên cõi trời; ngươi có biết tại sao chăng?” Ngài A Nan thưa: “Dạ, kính xin nhờ Thế Tôn chỉ dạy.” Phật bảo: “Kẻ làm lành bị đọa địa ngục, là do nghiệp lành đời nay chưa thuần thục, mà nghiệp ác đời trước đã tới lúc chín mùi. Người làm ác được sanh thiên cung, là bởi nghiệp ác đời nay chưa chín mùi, mà nghiệp lành kiếp trước tới thời kỳ thuần thục. Nghiệp quả lành dữ nhiều đời xen nhau mà phát hiện, như mối nợ nào mạnh nó kéo đi trước. Vậy người tu lúc bình thời phải tinh tấn chớ nên lơ là biếng trễ.”
Xem đây suy gẫm, người tu Tịnh Độ muốn được vãng sanh, lúc bình thời phải siêng năng chuyên cần niệm Phật, để khi lâm chung dễ phát hiện cảnh nhứt tâm bất loạn. Vì thế, nếu tịnh niệm chưa thuần, nên ước hạn nhiều kỳ đả thất.