Chương IV: Đệ Tứ Yếu
Niệm Phật Phải Quyết Định Nguyện Vãng Sanh
Khải Đề:
Sân lan trời ngã bóng chiều,
Cảm thân phù thế ít nhiều ngẫn ngơ!
Tranh đời dệt mộng vẩn vơ
Say đua danh lợi, mê mờ sắc thanh.
Cánh bèo sóng vỗ bập bềnh,
Tại ai hay cũng gây nên bởi mình?
Bể trần là mấy phù sinh,
Thị phi thương ghét trong tình quẩn quanh
Mà trông chiếc lá lìa cành,
Dinh hư cõi tạm trong vành đó thôi!
Mà trông ngọn nước chảy trôi!
Mênh mang sáu nẻo biết rồi về đâu?
Kiếp người nào có bao lâu
Nắng mưa thôi cũng dãi dầu cỏ hoa!
Lầu sương nhạt ánh trăng tà
Hoàng lương một giấc tỉnh ra ngỡ ngàng!
Chi bằng về cõi Liên Bang,
Sen khoe sắc ngọc, gió đàn pháp âm.
Trời giải thoát, cảnh thậm thâm
An vui muôn kiếp tuyệt lầm lỗi xưa
Chỉ câu niệm Phật đừng thưa,
Chỉ bền tin nguyện tam thừa bước lên.
Đài vàng sẵn đã ghi tên
Cơ duyên sẵn đợi một nền đạo tâm.
Mục A. Nguyện Thiết, Động Lực Chánh của Sự Vãng Sanh
Tiết 21 Tánh Cách Trọng Yếu Của Sự Phát Nguyện
Như trên đã nói, yếu chỉ của môn Tịnh Độ là Tín, Nguyện, Hạnh. Muốn vào cửa pháp này, trước tiên hành giả phải tin cõi Cực Lạc có thật, và đức A Di Đà luôn luôn hộ niệm, sẵn sàng tiếp dẫn chúng sanh nào quy kính, niệm sáu chữ hồng danh kêu gọi đến Ngài. Lòng tin như thế gọi là Tín. Sau khi đã có lòng tin, hành giả phải phát tâm chơn thiết cầu thoát ly cõi Ta Bà đầy khổ lụy chướng duyên, mong muốn sanh về miền Cực Lạc an vui, sự thanh tịnh trang nghiêm vô lượng, để tu tiến hoàn thành mục đích tự độ độ tha. Đó gọi là Nguyện. Và khi đã phát nguyện như thế, lại cần phải thiết thật xưng niệm danh hiệu đức A Di Đà cho đến trình độ tâm Phật tương ưng, để được tiếp dẫn. Đây gọi là Hạnh. Chương trước nói “Niệm Phật phải dứt trừ lòng nghi” là thuyết minh về Tín. Chương này giảng luận về Nguyện. Chương kế sau tiếp tục đề cập đến phần hành trì, tức là Hạnh. Tín, Nguyện, Hạnh còn gọi là ba món tư lương của môn Tịnh Độ. Ví như người đi xa phải cụ bị chăn mùng thuốc men, thức ăn mặc, và tiền bạc, để có đủ sự cần dùng khi lên đường. Người tu Tịnh Độ cũng thế, thiếu lòng tin không thể phát Nguyện. Có Tín, Nguyện mà chẳng thật hành, tức tu phần Hạnh, chỉ là Tín, Nguyện suông. Và nếu Hạnh đầy đủ mà thiếu sót Tín, Nguyện thì sự thật hành đó lạc lõng, không có tiêu chuẩn, đường lối. Cho nên Tín, Nguyện, Hạnh là tư lương của kẻ đi đường xa về Cực Lạc. Đối với sự vãng sanh, ba điều này có tánh cách liên đới nhau, thiếu một, tất không thành tựu.
* Ngẫu Ích đại sư, một bậc tôn túc về Tịnh Độ đã dạy: “Được vãng sanh cùng chăng toàn do Tín, Nguyện có hay không, phẩm vị thấp cao, đều bởi hành trì sâu hoặc cạn.” Ngài lại bảo: “Nếu không Tín, Nguyện, dù trì niệm câu hồng danh cho đến gió thổi không vào, mưa sa chẳng lọt, vững chắc như tường đồng vách sắt, cũng không được vãng sanh.” Người niệm Phật tinh chuyên mà thiếu Tín, Nguyện, tùy công phu sâu cạn kết quả chỉ được hưởng phước báu nhơn thiên, khi hết phước vẫn phải bị luân hồi như cũ. Như tại Việt Nam ta, vào đời Hậu Lê, có một vị sư ở chùa Quang Minh, công hạnh niệm Phật tuy sâu mà vì Nguyện tâm không chí thiết, nên khi mãn phần chuyển sanh làm một vị đế vương triều nhà Thanh bên Trung Hoa. Về sau nhà vua nhân dùng nước giếng của chùa ấy để rửa vết chữ son ghi tiền kiếp của mình trên vai, mới cảm khái làm mấy bài thi. Trong ấy có hai câu:
Ngã bảng Tây Phương nhứt Phật tử,
Vân hà lạc tại đế vương gia?
Ý nói: Ta vốn là con của Phật A Di Đà ở Tây Phương, cớ sao lại lạc vào nhà đế vương như thế này? Tuy vua biết kiếp trước mình là vị sa môn niệm Phật ở chùa Quang Minh, nhưng vì trong ngôi vị đế vương, cảnh phước lạc quá nhiều, nên cũng không tu hành được. Niệm Phật mà thiếu Tín, Nguyện kết quả là như thế! Cho nên, xét kỹ lại lời của Ngẫu Ích đại sư, ta thấy phẩm vị cao thấp không phải là vấn đề, mà vấn đề chính là: “được vãng sanh cùng chăng.” Mà muốn được vãng sanh, Tín Nguyện là điều kiện phải có, và điểm cần yếu nhất lại là chữ Nguyện. Đại sư lại nhấn mạnh: “Nếu Tín Nguyện bền chắc, khi lâm chung, chỉ xưng danh hiệu mười niệm hay một niệm, cũng quyết được vãng sanh. Trái lại, công hành trì tuy vững như vách sắt tường đồng, mà Tín Nguyện yếu, kết quả chỉ hưởng được phước báo nhơn thiên mà thôi.” Lời này chỉ rõ: thà Tín, Nguyện bền chắc, dù phần Hạnh kém ít cũng được vãng sanh giải thoát. Xem đây ta thấy, đối với người tu Tịnh Độ, tâm Nguyện chơn thiết có tánh cách trọng yếu là dường bao!
Tiết 22 Kinh Văn Khuyên Phát Nguyện
Về động lực hướng dẫn của chữ Nguyện, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện trong Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Người này khi sắp mạng chung, trong khoảng sát na rốt sau, tất cả các căn thảy đều tan hoại, tất cả quyến thuộc thảy đều lìa bỏ, tất cả oai thế thảy đều lui mất. Duy có nguyện vương này chẳng rời bỏ nhau, trong tất cả thời, nó đều dẫn dắt ở trước. Và trong khoảng một sát na, kẻ ấy liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc.”
Bởi thấy rõ công dụng cần yếu của sự phát nguyện, nên trong Kinh A Di Đà, đức Thích Tôn cứ mãi nhắc đi nhắc lại điểm ấy, qua các đoạn văn như sau:
* “Lại nữa, Xá Lợi Phất! Chúng sanh về cõi nước Cực Lạc đều là hàng A Bệ Bạt Trí. Trong ấy có nhiều bậc Nhất Sanh Bổ Xứ, số lượng rất đông, không thể dùng toán số tính biết được, chỉ có thể lấy số không lường không ngằn a tăng kỳ để nói mà thôi. Xá Lợi Phất! Chúng sanh nghe rồi, phải nên phát nguyện cầu sanh về cõi kia. Bởi tại sao? Vì được cùng các bậc thượng thiện nhơn như thế đồng họp một chỗ.
… Xá Lợi Phất! Ta thấy sự lợi ích đó, nên nói lời này. Nếu có chúng sanh nào nghe lời nói đây, phải nên phát nguyện cầu sanh về quốc độ ấy.
… Xá Lợi Phất! Nếu có người đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện, muốn sanh về nước Phật A Di Đà, những người đó hoặc đã sanh, hoặc đang sanh, hoặc sẽ sanh, đều được không thối chuyển nơi quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề ở cõi nước kia. Cho nên Xá Lợi Phất! Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn nếu có lòng tin, phải nên phát nguyện cầu sanh về quốc độ ấy.”
Như trên, ta thấy đức Thích Tôn mãi nhắc đi nhắc lại hai chữ “phát nguyện” lời ý đều khẩn thiết. Cho đến phần kết cuộc của kinh văn, Ngài cũng vẫn đôi ba phen bảo phải phát nguyện cầu sanh. Tại sao thế? Vì nếu về cõi Cực Lạc, sẽ được ở cảnh giới vô cùng mầu đẹp trang nghiêm, được thân kim cương đủ ba mươi hai tướng tốt, dứt hẳn nỗi khổ sanh già bịnh chết; được gần gũi Phật, chư đại Bồ Tát và hội họp với các bậc thượng thiện nhơn; được thần thông Tam Muội, không còn thối chuyển nơi quả vô thượng Bồ Đề. Bởi trí huệ của Phật nhìn thấy rất nhiều sự lợi ích như thế, Ngài mới vận lòng từ bi vì cứu độ loài hữu tình mà khuyên phát nguyện vãng sanh. Lòng bi mẫn của đức Thích Ca Thế Tôn, thật là vô lượng.