Ở Đời Vui Đạo Hãy Tùy Duyên

Mùa Phật đản lại đến…
Chu kỳ tuần hoàn của thời gian, do con người đặt ra hay nó vốn như thế?

Không biết.

Hai từ đó được lấy ta từ tích chuyện của Tổ Đạt-ma với Lương Võ Đế khi ông sang Trung Hoa.

Lương Võ Đế hỏi Tổ Đạt-ma:

– Trước mặt trẫm là ai?

Tổ Đạt-ma trả lời:

– Không biết.

Với cái hiểu bình thường của người đời, “không biết” diễn tả một trạng thái không hiểu gì hết đối với việc đang bàn hoặc với một người đang đối diện. Với kẻ thấu được lý đạo, “không biết” diễn tả một trạng thái mà ở đó không có gì gọi là trạng thái, không có đối tượng để nhận biết và không có chủ thể nhận biết. Vòng tròn trong mười bức tranh chăn trâu hiện ra khi trâu và người đều mất. Nó chỉ ra bản chất của tất cả mọi hiện tượng, sự vật hay con người. Nói cách khác, khi thấu được cái “không biết” ấy, ta thấu được cội nguồn chân thật của tất cả pháp, là tiền đề để sau này chúng ta có thể biết tất cả. Thể tánh ấy không thuộc ngôn từ và sự hiểu biết nên không thể dùng ngôn từ để nói về nó. Nói chỉ là ngoài da mà lướt, để nói về một chỗ không thể nói, không phải chính là chỗ trực nhận.

“Phi tất cả”mà “tức tất cả”.

Chúng sinh chỉ biết mặt “tức” mà không biết mặt “phi”, nên “tất cả” không còn là tất cả, mọi thấy nghe đều hạn cuộc trong sở tri của mình, nguyên nhân của phân biệt, phiền não, hạn cuộc và trầm luân sinh tử.

Ngoại đạo1được mặt “phi” nhưng còn chấp “phi”, nên không thấu được cái “phi” mà kinh Lăng-già đã nói, rơi vào bác không nhân quả, không thì bỏ rơi công hạnh trú ở hóa thành, chẳng thấy bảo sở.

Thấu “phi” thấu “tức” thì ngay sinh tử vẫn là Niết-bàn, ngay náo loạn vẫn là tịch diệt. Giác phần nào, an nhiên tự tại phần đó.

Phật đản sinh tại tâm là vậy.Không kể thời tiết nhân duyên mà cũng không ngoài thời tiết nhân duyên.

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền (2).

Tùy duyên được thì vui đạo được. Sự vui đạo của một dòng thiền nhập thế không thể thiếu hai chữ tùy duyên. Nó được nhắc đến cùng với cái gọi là kho báu nhà mình, là cái tùy duyên của kẻ thấu tánh, không phải tùy duyên của kẻ tùy tiện dùng biện minh cho những sai trái của mình. Tùy duyên là cái nhìn và cách sống của người đã sử dụng được kho báu của mình. Một kho báu mà ai cũng sẵn đủ. Tùy duyên được thì không phiền não, cũng không lo lắng, ngay đó là an vui. Chỉ là người dùng được, người không dùng được, lúc dùng được, lúc không dùng được, nên đời lúc thăng lúc trầm, vui buồn không hạn định, vui thì có mà an thì không.

Chúng sinh khổ vì không thấu được phần tùy duyên này. Chúng ta nhìn thế giới bằng cái nhìn chủ quan, đánh mất mặt tùy duyên mà pháp vốn có. Đó là nguồn cội của mọi phiền não.

Nhận định vấn đề một cách chủ quan là thiếu cái nhìn tùy duyên

Khi nói đến chủ quan là nói đến khách quan. Chủ là những gì thuộc về mình. Khách là những gì thuộc về người. Chủ quan là cái nhìn bị chi phối bởi quan niệm định kiến của mình, nhà Phật gọi chung thành một từ “sở tri chướng”. Nói chướng vì do có sự chấp thủ. Chúng ta nhìn con người và thế giới chung quanh bằng lăng kính sở tri của mình. Bằng sở tri của mình thì sự vật hay con người không còn đúng như chính nó, như chính cái duyên nó đang an trụ, mọi thứ trở thành hạn cuộc trong tầm thấy của mình.

Tôi được mời làm cố vấn cho một đạo tràng. Cố vấn nghĩa là không phải trưởng, không chịu trách nhiệm về thành công hay thất bại của đạo tràng, chỉ là những đóng góp khi đạo tràng cần hỏi tới, không hỏi thì không có quyền trả lời. Đó là cái duyên của tôi khi được mời làm cố vấn cho một đạo tràng.

Đạo tràng đa phần đều là thành phần trẻ, không quá tuổi 40. Nói đa phần thì trong đạo tràng vẫn có người lớn tuổi. Tôi nhấn mạnh đến thành phần trẻ, là muốn nói đến thành phần của Ban Hướng dẫn. Vì đạo tràng thì người ra người vào không cố định, riêng các em ở bộ phận chủ chốt này thì tương đối cố định. Nói tương đối vì xu hướng là luôn đưa thêm vào khi có điều kiện. Thiện cách của các em tương đối tốt, để có thể tiếp nhận công việc dễ dàng. Tư tưởng linh hoạt và biết gật đầu khi công việc cần như thế. Nói chung, các em còn trẻ và do duyên nghiệp quá khứ nên ít cố chấp.

Trẻ nên sức khỏe tốt, rất cần cho việc tu học và tiếp người. Đối với việc thiện nguyện, không có các em không ai làm nổi. Từ việc tiếp nhận, vận chuyển quà cáp cho đến việc phân bố quà cáp đến tay người nhận, là một quá trình rất cực nhọc. Bởi quà thì chất lượng mà số lượng quà thì không nhỏ, lên đến mấy ngàn phần. Không có tinh thần và sức khỏe của tuổi trẻ, không thể làm nổi.

Ngay cả việc tiếp nhận người đi tu học ở các thiền viện và các chuyến thiện nguyện qua đêm, cũng là việc đáng nói với các em. Đứng ngoài nhìn vào, cứ nghĩ thuê xe, nhận người là xong. Các tour du lịch họ cũng làm đó thôi. Thực tế là các em phải đầu tư rất nhiều cho việc này khi số lượng người lên khá đông. Bởi các em không phải là người của tour du lịch, không được huấn luyện chuyên nghiệp, cũng không phải là nghề chính chỉ tập trung cho một việc như bên tour du lịch. Với các em, đó là một“nghề tay trái” không lương mà có khi còn phải bỏ tiền túi đóng góp các thứ. Các em phải tự mình tổ chức và làm mọi việc trên tinh thần vì người, vì đạo tràng và vì mình. Cái đáng quý ở các em là chỉ biết rút kinh nghiệm để làm sao công việc được tốt hơn, bản thân mình phục vụ mọi người được tốt hơn. Không hề thấy khoe khoang, kể công về những gì mình đã làm.

Nhưng không phải ai cũng thấy và hài lòng về những gì các em đã làm.

Tôi vẫn nhận được những lời phàn nàn về một số em, mà với cái nhìn của tôi, đó là những em có trách nhiệm với công việc, có đủ sự định tỉnh và nhã nhặn khi giải quyết một vấn đề bất ngờ phát sinh. Có sự nhận định sai khác đó, vì chư vị không cùng các em làm việc như tôi, quan trọng là không đứng ở vị trí các em đang đứng khi phải giải quyết một số công việc. Chư vị đứng ở thế chủ quan, thiếu cái nhìn tùy duyên.

Khi tôi chuyển tải những bài pháp từ trang web cũ sang một trang web mới, có những lỗi vi tính mà tôi không thể điều chỉnh theo ý mình. Đành phải đặt đề tựa vào cái chỗ mà mình không muốn. Đó là cách giải quyết tốt nhất tôi phải theo, không phải do tôi muốn. Một số người không hiểu đã phê bình “Con này điên sao đặt cái đề tựa chỗ kỳ vậy”. Tôi cũng thấy nó kỳ nhưng tôi không làm gì được vì duyên nó như vậy là như vậy. Trường hợp cậu này cũng vậy. Đó không phải là cách giải quyết cậu muốn mà chỉ là cách giải quyết tốt nhất vào lúc đó. Xe chỉ có vài chỗ trên, phải dành cho người bệnh, người già và người đang ói. Không thể giải quyết cho một người vừa trẻ lại vừa khỏe. Vì thế, cậu bị chính người đó phê bình và ta thán. Tới tai người khác là, một thành viên trong Ban Hướng dẫn đã giải quyết công việc thiếu tinh thần trách nhiệm.

Khá nhiều việc tương tự như thế xảy ra. Nói chung, những người đổ công nhiều thì thường bị tai tiếng nhiều. Bởi gánh nhiều thì thường đụng chạm nhiều. Còn người hay có thái độ phê phán thì thường là người làm ít hoặc không làm.

Có em làm việc nhiều, vác nặng quá… phát bệnh, nhưng vì việc cấp bách lại thiếu người, bản thân cậu cũng không muốn bỏ việc, nên tôi đành để cậu có mặt, nhưng chỉ phân công coi ngó tổng quát, không cho làm việc. Không hiểu được nhân duyên, một người đã phê bình “làm thiện nguyện mà chỉ thấy đi tới đi lui…”. Tướng bên ngoài có tác dụng làm dấy khởi được “Tướng vọng tưởng” bên trong, vì mình để cho “Kiến vọng tưởng” làm chủ, đánh mất cái nhìn tùy duyên3.

Tùy duyên trong trường hợp này chính là phải xét đến cái duyên mà người đang bị bủa vây. Các bậc hiền triết vẫn khuyên chúng ta “nên đặt mình vào vị trí của người…” chính là khuyên mình nên có cái nhìn tùy duyên, hãy đặt mình vào cái duyên của người mà suy nghĩ và hành động. Muốn đánh giá một vấn đề không thể chỉ dựa trên sở tri của mình, mình muốn như thế là như thế, mà phải xét đến cái duyên pháp đang an trụ. Pháp thế gian là pháp nhân duyên. Nói đúng nói sai đều phải xét đến cái duyên pháp đang an trụ. Tùy duyên mà có đúng sai. Không phải cách giải quyết ở duyên này có giá trị đúng mà qua duyên khác nó vẫn còn đúng. Có khi chúng ta phải dùng cách ngược lại mới có kết quả tốt đẹp.

Có em thắc mắc, sao cái gì tôi cũng tham gia, cũng muốn làm cho biết, trong khi đó là việc của các em. Là để tránh thói quan liêu. Hiểu sự khó khăn của người trong từng công việc thì mình mới giải quyết công việc một cách hợp lý mà không thiếu cái tình. Một nhân tố quan trọng không thể thiếu đối với một tập thể, nếu muốn nó ổn định và tồn tại dài lâu. Cũng vì đó, tôi đã đi quá vai trò cố vấn của mình, và trở thành kẻ đồng hành cùng các em. Trong Tứ nhiếp pháp mà chúng ta được học, có pháp đồng sự, là nhằm vào việc này.

Vì là pháp nhân duyên, tùy duyên mà nhận giá trị của pháp, nên dù tôi đã đặt mình vào vị trí các em, tôi vẫn muốn tiếp thu mọi ý kiến, tha thiết tiếp thu ý kiến của mọi người, dù đúng hay sai, để mà chọn lọc. Vì vị trí tôi đang đặt đó, nếu không tỉnh, có ngày cũng biến thành thứ mà kinh luận gọi là “ngã sở”. Là ngã sở thì tính khách quan không còn, đã xuất hiện tính chủ quan ở một thể vi tế hơn. Lỗi!

Chuyện đạo tràng chỉ là một ví dụ nhỏ trong muôn vàn chuyện ở thế giới này. Cái nhìn chủ quan thường tạo ra hố ngăn cách, khiến ta dễ lầm lẫn trong công việc và thường dẫn đến rạn nứt…Một tập thể, dù nhỏ như gia đình hay lớn như xã hội, nếu không có sự đồng lòng, nhất định không có thành công, không thể lâu dài.

Ưu đi liền với khuyết…

Pháp nhân duyên, nếu cứ nhìn nó ở dạng thể tánh thì không nói tốt nói xấu, còn khi đã thấy pháp có mặt tốt thì cũng có nghĩa là ta đã bước vào thế giới nhân duyên (duyên khởi), một thế giới mà trong đó giá trị của pháp được lập thành nhờ duyên, và cặp nhị biên phân biệt là sự sinh khởi tối thiểu trong thế giới này. Tốt và xấu, dài và ngắn v.v… có tốt thì có xấu, có dài thì có ngắn. Không thể có tốt mà không có xấu, có dài mà không có ngắn. Có tốt thì xấu đã liền kề, chỉ là đủ duyên thì hiện, chưa đủ duyên thì ẩn. Ít hay nhiều mà thôi.

Một khi ta đã thấy mặt tốt của pháp thì cũng có nghĩa là ta đã khiến cho mặt xấu của pháp xuất hiện, thấy pháp dài thì khi đủ duyên sẽ thấy pháp ngắn v.v… Song trong cái duyên còn đối đãi, nhất là trong môi trường giáo hóa, việc nhận định xấu tốt là cần thiết. Vì không thấy được mặt ưu khuyết điểm của người thì không thể hướng người quy thiện bỏ ác. Chỉ là khi xét đến một vấn đề, không nên bỏ qua mặt duyên khởi của pháp. Được vậy thì mọi thứ vẫn hài hòa.

1- Tình yêu và hôn nhân

Cái khuyết đầu tiên tương ưng với cái ưu mà các em đang có là vấn đề tình yêu và hôn nhân. Nó là thứ có thể làm ảnh hưởng đến việc tu học và thiện nguyện của ác em rất nhiều nếu trí tuệ và định lực của các em không đủ.

Tình yêu và tình dục là thứ mà Phật nói nếu có cái thứ hai như nó, không ai có thể tu đạo. Cho thấy lực của ái dục mạnh thế nào. Ái dục lại phát triển mạnh ở khoảng tuổi các em. Khi một loại tình cảm mang tính chấp thủ xuất hiện, mọi thứ trở nên hạn cuộc hơn. Đó là việc tất nhiên.

Tôi tu Phật, trải qua cái khổ của sự dính mắc không phải ít, đủ để hiểu thứ mà thiên hạ ưa thích tán thán chỉ là bể khổ trần gian, thành tôi không hề tán thán hay ủng hộ việc yêu đương. Nhưng đó chỉ là ý muốn của tôi. Nó thuộc về tôi, không phải trong cái duyên các em đang an trụ. Quan trọng là các em thế nào. Nghiệp tập về ái dục của các em có khả năng khiến các em đánh mất lý tưởng cao cả của mình không? Ái dục và lập gia đình là việc chính, tu học và tham gia thiện nguyện chỉ là việc phụ cho những khoảng thời gian trống?

Ngoài nghiệp tập hiện tại của các em, đạo tràng lại là một đạo tràng cư sĩ, không phải của Tăng nhân. Giới luật của các em không cấm các em yêu thương và lập gia đình. Chỉ là phải có trách nhiệm và bổn phận với tình yêu đó.

Trong những cái duyên như vậy, dù không muốn tôi cũng không thể lên tiếng cấm các em yêu thương, cũng không thể để lộ ra rằng tôi không thích việc đó. Tôi phải ở cái thế gọi là trung đạo, không cấm cũng không khuyến khích. Nếu tôi khuyến khích, tôi đi sai con đường mình đã chọn, là giúp mình và người thoát khỏi khổ đau. Nếu cấm, các em sẽ xa rời đạo tràng, vì cảm thấy ở đó không ai chấp nhận mình. Năng lực của ái dục là vậy. Khi đã dính vào nó, người ta dễ quên hết mọi chuyện, chỉ biết lấy nó làm mục đích hướng tới. Tăng nhân tu bao năm trong chốn già lam còn không thoát được vòng vây của ái dục, huống là các em chưa có công phu biết vọng bao nhiêu, chỉ có một tấm lòng yêu thích thiện nguyện, lại ở trong môi trường phân tán, dễ giúp ái dục phát triển.

Không cản cũng không ủng hộ, là để khi đủ duyên có thể cản hoặc ủng hộ. Với những em, mà việc ngăn cản có thể giúp các em thăng tiến trên đường đạo thì tôi giải thích và cản. Với những em mà ái dục mạnh, việc ngăn cản chỉ khiến chúng xa rời đạo tràng thì ủng hộ để chúng có thể tiếp tục ở đạo tràng. Tôi không thể cấm chúng yêu đương, tôi chỉ có thể giúp chúng nhận ra rằng, tình yêu vẫn có thể đi chung với việc học Phật. Hôn nhân chỉ tồn tại lâu dài khi nó được nuôi dưỡng bằng con đường tu tập và thiện nguyện. Tu tập giúp chúng ta biết bớt cái riêng hòa vào cái chung, là điều kiện để gia đình hạnh phúc, nuôi nấng dạy dỗ con cái tốt hơn. Thiện nguyện sẽ giúp công việc trôi chảy, gia đình sung túc. Việc mà tôi yêu cầu lúc này là dù thế nào cũng không nên rời đạo tràng. Đạo tràng là chỗ dựa để các em thấy hạnh phúc hơn cho gia đình nhỏ của mình, sẽ là chỗ dựa khi các em gặp khó khăn v.v…

Có người, phải nói là rất thiếu cái nhìn tùy duyên. Đám cưới rồi, ngồi dự đám cưới mà vẫn không ngớt luyến tiếc cho một cặp đôi, mà đáng nhẽ với cái nhìn của họ là phải xuất gia, không thể đám cưới. Tôi cũng là nạn nhân có liên quan, như thể tôi đã không có chánh kiến cho vấn đề đó, không chịu cản ngăn v.v… nên cớ sự mới ra như vậy.

Nếu chúng xuất gia được thì xuất gia rồi, đâu xảy ra đám cưới để mình ngồi đó mà sinh tâm. Nghiệp ái dục chúng mạnh nên chúng thích ái dục hơn xuất gia. Cha mẹ cản, có khi còn bỏ luôn cha mẹ, nói gì là bạn đạo. Lực ái dục đã lôi chúng theo đường đó khi chúng chưa đủ công phu và trí tuệ để nhận ra bản chất đầy khổ nhọc của ái dục. Chúng chỉ đủ năng lực để giải quyết những nhu cầu của tuổi trẻ.

Nếu chỉ cần một lần phản quan tự hỏi “Sao mình còn ngồi đây dự đám cưới mà không xuất gia?” thì chắc chư vị sẽ hiểu vì sao chúng như thế. Tập nghiệp. Khi nhắc đến hai từ này, nhiều người nói “lại đổ thừa”. Nói “đổ thừa” vì không hiểu ý nghĩa của hai từ “tập nghiệp”. Tập nghiệp là những tư tưởng và hành vi đã được tích tụ nhiều trong tạng thức, nó có lực khiến người theo nó khi đủ duyên. Ái dục tích tụ nhiều nên có lực dẫn chúng đi con đường đó khi chúng chưa đủ trí tuệ để nhận rõ bản chất của ái dục, cũng như chưa đủ định lực để dừng lại nghiệp tập của mình.

Việc của chúng ta là làm sao giúp chúng trong điều kiện chúng đang an trụ, không phải là theo ý mình muốn. Mình muốn mà chúng không làm được thì cũng chịu. Thứ chúng ta có thể làm là nương vào những gì chúng đang trải qua, từ đời đến đạo, hy vọng giúp chúng nhận rõ mặt khổ lo của ái dục, để phát nguyện và dứt bỏ từ từ, cho một kiếp sau huy hoàng hơn.

Thực tế thì sau đám cưới, mọi thiện nghiệp cô dâu vẫn giữ trọn, chú rể thì chuyển qua ăn chay trường, tu học và thiện nguyện đều đặn hơn trước rất nhiều, thêm buổi công phu sớm. Cậu là cánh tay đắc lực của đạo tràng từ trước đến giờ. Hỏi tại sao? Vì có con, bỗng nhiên thấy sợ, phải lo tu để phước cho con, thiện nguyện tăng để công việc được trôi chảy và có tư lương để hồi hướng cho con đường tương lai, không lề mề như trước.

Nói chung, trong cái thế đối đãi ở thế gian này, thứ mình cho là tốt, nó vẫn ẩn điều xấu trong đó. Thứ mình nghĩ xấu, nó vẫn có mặt tốt của nó. Vấn đề là mình phải biết vận dụng cái gọi là tốt trong điều kiện xấu và tránh cái gọi là xấu trong điều kiện tốt. Đời sống của các em là đời sống tự do, tuy cùng là đạo tràng nhưng không quy tụ như Tăng nhân, thói đời vẫn mạnh, thành có khi những cái nhọc ở đời lại chính là động lực giúp các em chịu tu hành. Trong cái mình nghĩ họa, vẫn ẩn chứa điều phúc. Trong cái mình nghĩ phúc, chưa chắc không có cái họa. Phúc họa đâu có lìa nhau.

Thành cách nhìn của tôi trong vấn đề này là gì? Giải quyết vấn đề không phải theo ý mình muốn mà theo điều kiện chúng ta đang có, sao cho việc được tốt nhất. Khuyến khích thiện nghiệp và hạn chế dần những bất thiện nghiệp bằng cái nhìn hiểu biết và yêu thương. Hạn chế không có nghĩa là chăm bẳm vào thói xấu của người. Chỉ là làm sao để những thói xấu thiếu điều kiện phát huy. Bởi nếu không có điều kiện phát huy thì thói xấu cũng sẽ giảm bớt lực của nó. Thói xấu hay thói tốt đều do huân tập mà có. Huân tập, nên huân nữa thì nghiệp sẽ mạnh, không huân nữa thì nghiệp sẽ dần mất lực. Còn bằng cách nào thì … tùy duyên. Cách nào khiến việc có kết quả thì làm.

Cũng chẳng có gì buồn khi mình đã làm hết sức mà việc vẫn xấu đi. Quan trọng là sẵn sàng nhận sai lầm nếu có, và rút kinh nghiệm về những sai lầm đó. Tất cả đều là kho tàng quý báu cho những ngày kế tiếp và cho việc lưu giữ trong tạng thức. Lại, do thế gian được thành lập từ thế đối đãi, nên trong công việc, chúng ta không thể đòi hỏi chỉ toàn thành công, không có thất bại. Vấn đề được xem là tốt khi thành công nhiều mà thất bại ít. Trong mọi vấn đề, cần phải thấy được điều này để mà bình thân trước được mất.

Chuyện nói đây chỉ là một trong vô vàn nhân duyên xảy ra ở thế giới này. Không có môi trường nào gọi là tốt hoàn toàn. Tốt xấu đều tùy duyên. Trong tốt có xấu. Trong xấu có tốt. Vấn đề là chúng ta có đủ thiện nghiệp để nhận ra điều đó không. Nhầm lẫn giữa các phạm trù, nói theo Phật giáo là dụng pháp không đúng duyên, là bệnh của người thời nay, là nhân duyên khiến mọi khổ đau xảy ra. Kẻ tu giải thoát thì dụng pháp trời người. Kẻ chỉ muốn tu phước thì áp cho pháp giải thoát. Khả năng chỉ làm công nhân thì đưa lên làm giám đốc v.v… Không thể có kết quả tốt đẹp khi chúng ta dụng pháp không đúng duyên.

2- Trẻ người thì thường Phật tưởng chưa già

Cái khuyết thứ hai tương ưng với cái ưu trẻ người là về vấn đề tư tưởng.

Tôi tạm mượn từ “Phật tưởng” để nói về những tư tưởng mang tính Phật đạo. “Chưa già Phật tưởng” là hiện đời các em chưa có điều kiện huân sâu Phật pháp. Đây cũng là thứ mà chúng ta phải chấp nhận đối với các thành viên trẻ của một đạo tràng, dù là đạo tràng tu Phật.

Với một con người, việc trang bị Phật tưởng nhiều chỉ có giá trị khi những tư tưởng ấy trở thành ý tưởng chủ đạo chi phối mọi hành vi của họ, không thì nó chẳng có giá trị gì, thậm chí còn nguy hại khi nó chỉ mang tính cách trang hoàng như một loại tri thức làm đẹp, chỉ khiến con người tăng trưởng ngã tướng và cao mạn. Coi như học Phật mà vô tình đi ngược với tinh thần Phật học đã đề ra. Vì thế, việc trang bị kiến thức Phật học nhiều cho các em, không tốt bằng kiến thức được trang bị đi đôi với hành động. Giới, chính là tiêu chuẩn. Định tỉnh, ôn hòa, sẵn sàng nhận lỗi… là tiêu chuẩn. Thấy khó không nản, hết mình vì việc chung, thuận theo những gì người trên đã quyết là tiêu chuẩn. Đó chính là Phật pháp mà các em được trang bị. Trên nền tảng đó, các em mới nên tiếp thu những Phật tưởng cao hơn, loại Phật tưởng giúp các em nhận rõ những gì đang xảy ra ngay trong các em.

Thuận duyên của đạo tràng là các em trong Ban Hướng dẫn đáp ứng hầu hết các tiêu chuẩn được đề ra đó trong môi trường của đạo tràng. Những vấp váp luôn được nhận lỗi và rút kinh nghiệm để bản thân và việc chung được tốt hơn. Còn hỏi các em về tánh, về tướng, về thiền pháp sâu xa, các em không biết đường trả lời. Đó là lỗ hổng hiện nay của các em. Tuy là “hổng” nhưng mình vẫn có thể nhận ra mặt “đầy” trong đó. Ít kiến giải, nên các em không nương đâu mà chấp, như thể ta là kẻ học Phật đã lâu, để trở thành khó hòa hợp, khó nghe lời v.v…

Có em đối với môi trường Phật pháp thì xả thân, công việc được giao luôn hoàn thành tốt, sẵn sàng nhận lỗi khi được chỉ ra, được mọi người quý kính v.v… nhưng với nghịch duyên gia đình thì không giải quyết được. Né cho yên chính là pháp. Cũng có người thắc mắc với tôi về điểm này, như thể đã đứng trong Ban Hướng dẫn sao không bắt em phá bỏ nghịch duyên của mình. Đã tu Phật thì trước sau gì cũng hóa giải được các nghịch duyên. Nhưng vào lúc nào là còn tùy duyên. Không thể chỉ vì một nghịch duyên đó mà không tạo điều kiện để các em sinh hoạt Phật pháp được tốt hơn. Việc tu tập và thiện nguyện hiện tại đang là động lực để các em thay đổi. Việc thay đổi cũng đã hiện rõ. Sự thay đổi khi đã chín muồi thì nghịch duyên sẽ được giải quyết. Nếu chỉ vì vài việc không tốt ở quá khứ mà phá bỏ điều kiện sinh hoạt Phật pháp của các em, thì lấy gì để các em làm tư lương cho con đường đang đi của mình? Không có tư lương thì biết nương đâu phá bỏ các nghịch duyên? Một sự hiểu biết và cảm thông trong những trường hợp tương tự là cần thiết.

Có em đến với Phật pháp rồi thì chuyển hóa luôn được gia đình, nhưng cũng có em chưa thể. Dù không muốn, một vài tập tục không tốt vẫn xảy ra. Bởi chuyển hóa một tư tưởng được huân tập nhiều đời không phải là việc dễ làm khi bản thân họ chưa nhận rõ vấn đề, trong khi các em chỉ là duyên hỗ trợ bên ngoài, chỉ mới biết đến Phật pháp vài ba năm. Đó là những khuyết điểm mà nếu thiếu cái nhìn tùy duyên, chúng ta dễ sinh tâm chê bai, không thấy được mặt chúng đã cố gắng để khuyến khích. Chê không đúng việc đúng thời, với người có hàm dưỡng công phu không ảnh hưởng gì, nhưng lại gây tác hại không nhỏ đối với những kẻ mới vào đạo. Thành thứ gì cũng phải tùy duyên.

Chuyện của đạo tràng chỉ là một ví dụ nhỏ trong vô vàn chuyện ở thế giới này. Sai lầm xảy ra, khi tư tưởng chúng ta luôn muốn một cái toàn triệt mà quên mất mặt nhân duyên của pháp. Không thấy con người chỉ là sở hiện của một tàng thức với đủ các loại chủng tử. Thành tựu thánh nhân, chính là do thanh tịnh dần các chủng tử bất thiện, không phải “thánh” được cái này là “thánh” luôn cái khác, giỏi môn này thì phải giỏi luôn môn khác…

Kinh Bách dụ kể câu chuyện: “Một người nuôi 250 con trâu, thường thả ra đồng ăn cỏ. Một hôm đàn trâu bị cọp vồ thịt mất một con. Bấy giờ anh chủ trâu liền nghĩ “Mất một con rồi thì đàn trâu còn làm gì được nữa…”. Nghĩ vậy, anh liền lùa hết đàn trâu xuống vực sâu”. Nghe chuyện thì thấy thiên hạ ngu nhưng có khi mình đang vướng vào đó mà không biết. Chúng ta quý kính một người, không phải vì người đó có nhiều điểm thánh hơn chúng sinh, mà vì người đó là một bậc toàn thánh. Thế gian này không có bậc toàn thánh khi nó được soi rọi qua lăng kínhcủa chúng sinh. Mình không biết điều đó nên “thần tượng sụp đổ” xảy ra khi đủ duyên. Mình đang lùa hết đàn trâu xuống vực chỉ vì mất có vài con. Trong công việc, không nên gạt phăng tất cả chỉ vì một vài điểm yếu của người khác. Nếu ưu điểm không được tận dụng thì khuyết điểm không có cơ hội bị đẩy lùi.

Tốt nhất thay vì toàn triệt

Có người thấy tôi thường tán thán một em, đã nêu ý kiến “làm như thế em sẽ sinh ngã, sau này không dùng được nữa”.

Không tán thán thì không thể giúp hắn phá bỏ mặc cảm, cũng không thể khiến hắn thể hiện khả năng hiện có của hắn. Cái ngã của hắn vốn đã dư thừa (được thể hiện qua mặt tự ti), đang làm trở ngại cho hắn và chẳng lợi ích gì cho đạo tràng, trong khi khả năng tiềm ẩn của hắn thì nhiều. Tán thán là phương cách tốt nhất trong hiện thời giúp đánh bạt lớp bụi đó. Khi nào tán thán trở thành tai hại thì tôi đổi pháp. Đổi pháp rồi mà không xong thì coi như nhân duyên kiếp này chỉ thế thôi, kiếp sau tiếp tục. Không có gì để bận lòng.

Chúng ta cần tránh hai cực đối nghịch. Hoặc, chỉ biết đến hiện tại theo cách vị kỷ điên dại. Hoặc, chỉ nghĩ đến tương lai mà bỏ mất hiện tại. Một tương lai theo cái nhìn của mình, chưa chắc pháp đã như thế. Vì lo quá xa mà không làm được việc gì trong hiện tại, lại biến tương lai thành mờ tối. Tôi đã từng vấp phải chuyện này đủ để rút kinh nghiệm cho bản thân. Chuyện chưa tới nhưng vì mình lo xa quá, nên thay vì đặt niềm tin vào một người, mình lại để lộ ra sự e ngại. Rốt cuộc, chính cái e ngại của mình khiến người bị tổn thương và sự việc thành xấu đi. Không ai thích làm việc với một người không tin tưởng mình.

Cũng đừng tính đến một cái toàn triệt. Hãy nghĩ đến cái tốt nhất. Nếu biết thế gian này tương đối thì việc một Tăng nhân rời khỏi thiền viện không phải là vấn đề to tát để mình trách cứ hay luyến tiếc. So với người ngoài đời, không phải anh ta đã có một thời gian an bình và nề nếp sao? Đó là cái nhân hứa hẹn cho những điều tốt đẹp sau này khi anh ta thấy chông chênh trên đường đời khổ nạn. Một thành viên trong Ban Hướng dẫn không còn ở đạo tràng cũng là việc bình thường, vì nhân duyên chỉ thế mà thôi. Ít nhất thì chư vị đã có một khoảng thời gian tu tập và thiện nguyện tốt đẹp, là cái nhân hứa hẹn cho một tương lai tốt đẹp sau này. Chúng ta làm hết mình, nhưng còn nhân duyên tập nghiệp của mỗi người. Thành đừng nghĩ đến cái toàn triệt, hãy nghĩ đến cái tốt nhất, vào thời điểm tốt nhất của một con người.

Nói vậy, không có nghĩa là để mặc mọi thứ. Thành tựu hay thất bại đều không lìa nhân duyên.Ngoài thiện duyên quá khứ, còn thiện duyên hiện tại,nó góp phần không nhỏ cho việc thành công hay thất bại của một đạo tràng. Vì thế, chúng ta phải làm hết mình những gì cần làm.Không phải nói tùy duyên rồi há miệng chờ sung. Không phải thấy khó rồi bỏ cuộc khi nhân duyên chưa tàn.

Chuyện của đạo tràng chỉ là một ví dụ nhỏ trong vô vàn các việc ở thế giới này. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy một cái tốt nhất, không thể tìm thấy một cái toàn triệt trong một thế giới tương đối. Đã là tốt nhất thì thứ tốt nhất ở người này không hẳn là thứ tốt nhất ở người kia. Thứ tốt nhất ở thời điểm này không hẳn là thứ tốt nhất ở thời điểm khác v.v… Chỉ là tốt nhất trong cái duyên nó đang an trụ. Mọi thứ trở nên hài hòa khi chúng ta ứng dụng được cái thấy này vào đời sống của mình. Sẽ xuất hiện nhân duyên tốt đẹp cho từng thời điểm. Đủ duyên thì ở, hết duyên đi. Dòng đời vẫn trôi đó.

Quan niệm mà không quan niệm

Lý không thì không có gì để bàn, muốn bàn cũng không bàn được, vì nó là chỗ “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”. Cái có thể bàn là ở mặt Sự. Cũng chính từ mặt Sự này mà có khổ đau hay hạnh phúc, thành công hay thất bại. Duyên quyết định cho việc này chính là ba nghiệp ở mỗi người, trong đó ý nghiệp nắm thế chủ đạo. Chúng ta hình thành nên những quan niệm định kiến và theo đó mà sống. Quan niệm định kiến nào tương ưng với lý đạo thì có thành công và hạnh phúc, không tương ưng với lý đạo thì có khổ đau và thất bại. Chỉ nói ý nghiệp, vì ý nghiệp là chủ đạo, thật là nói đến ba nghiệp.

Tùy duyên, là một cách sống phù hợp với lý đạo. Nhưng không phải ai cũng dụng được nó vào đời sống của mình, vì chúng ta bị tư kiến chi phối nhiều quá. Tư kiến (kiến hoặc) khiến chúng ta trở thành đông cứng, không thể ở bình thì tròn, ở ống thì dài… Ngay cả khi tư kiến đã thay đổi thì chúng ta vẫn còn bị trói buộc bởi thói quen (tư hoặc), nên hai chữ tùy duyên, hiểu đó mà trên Sự vẫn còn vấp váp.

Vì ai cũng sở hữu lý tánh ấy, nên có người tuy không ý thức rõ về lý này, vẫn có khả năng tận dụng được mặt tùy duyên trong đời sống của mình, để mọi việc được tốt đẹp.

Thế thì…

Khi mọi hành vi của mình được quy định theo cái gọi là “sống tùy duyên”, thì “sống tùy duyên” đã được mặc định như một quan niệm sống? Đã có quan niệm thì ắt có chướng ngại, lấy gì để vui đạo?

Nó cũng được xem là một quan điểm, nhưng là quan điểm mà không quan điểm. Vì muốn sống tùy duyên, chúng ta phải biết tùy duyên mà ứng xử, không trụ chấp vào bất cứ ý tưởng nào.Sẵn sàng thay đổi tư duy, nếu trong cái duyên hiện tại nó mang lại lợi ích cho mình và người nhiều hơn.

Giới luật được coi là việc trọng yếu của người tu Phật. Nói đến đạo Phật cũng là nói đến nhẫn nhục. Hai chỗ chứng quan trọng trong Phật đạo đều có chữ “nhẫn” trong đó. Vô sinh nhẫn và Vô sinh pháp nhẫn. Vì thế, với người học Phật thì giới và nhẫn là hai thứ không thể thiếu trong đời sống của mình. Nhưng khi Tổ Trúc Lâm hỏi Tuệ Trung thượng sĩ về việc tu hành: “Chỉ như giữ giới hạnh trong sạch, không chút xao lãng thì thế nào?”, Tuệ Trung trả lời: “Giữ giới cùng nhẫn nhục/ Chiêu tội chẳng chiêu phước/ Muốn biết không tội phước/Chẳng giữ giới nhẫn nhục…”. Nói rồi dặn Trần Nhân Tông “Đừng nói cho kẻ không ra gì biết”4. Tùy duyên là như thế. Là tùy duyên mà có pháp và sử dụng pháp đúng duyên. Không trụ chấp cố định vào một ý tưởng nào. Chỉ là ý tưởng nào hợp duyên làm lợi ích cho người lúc đó thì ý tưởng đó xuất hiện. Không, thì không hiện. Thành tuy mang tính chất là quan niệm mà thật không có quan niệm. Một ý tưởng không mang tính cố định thì không còn là quan niệm nữa. Chỉ là tùy duyên mà có tư tưởng và hành động xuất hiện sao cho việc lợi ích được tốt nhất. Cho nên, người chấp ác hay chấp thiện đều khó mà sống với lý tùy duyên.

Tùy duyên, mà không được rời lý bất biến thì cái tùy duyên ấy mới là vui đạo. Không thì chỉ là hình thức của tập nghiệp. Người còn cố chấp vào việc cúng sao giải hạn thì đành phải mượn pháp cúng sao giải hạn mà thu nhiếp người, nhưng đó chỉ là phương tiện giáo hóa lúc đầu, sau phải tiến dần dạy người lý nhân quả v.v… Nếu hiểu tùy duyên như việc thả lỏng tham, sân, si thì đó là tùy tập, không phải tùy duyên. Kết quả không tránh khỏi khổ đau, khó mà vui đạo được.

Kết luận

Lý thì không thể nói, chỉ có thể mượn Sự mà hiển bày. Nói về duyên khởi mà không lấy thực tế làm thí dụ thì khó mà rõ được đầu đuôi, nên phải mượn Sự để hiển Lý. Phạm vi bài viết này, cũng chỉ đưa tạm vài ví dụ để nói về cái gọi là sống tùy duyên trong đời sống thường nhật. Khai triển rộng còn khối thứ để nói.

Phần duyên khởi quan trọng làm nền tảng cho hạnh phúc và thành công, là gieo cái duyên thiện nghiệp. Gia đình có thiện nghiệp nhiều thì hạnh phúc nhiều. Đất nước thiện nghiệp nhiều thì đất nước phồn vinh vững mạnh. Có những vị bố thí cúng dường rất nhiều, nhưng do thiếu trí tuệ, tham sân nhiều, nên khi thiện phúc tới lại không nhận được, vì bị tham sân của mình phá mất. Cho nên, đến với đạo Phật, ngoài việc gieo cái nhân sung túc, chúng ta nên tập phá dần tham, sân, si, củng cố định tuệ của mình. Có định tuệ thì trong thiện phúc không tạo ác nghiệp, trong bất hạnh vẫn tự tại an vui.

Nhân mùa Phật đản, nguyện mong tất cả chúng sinh đều sống được với ông Phật của mình, thể hiện qua sự hiểu biết, thông cảm, tha thứ, làm việc gì cũng đặt mình vào tình thế của người… để mình và người cùng an vui. Cuối cùng, nguyện tất cả chúng sinh trong mười phương pháp giới đều trọn thành Phật đạo.

Chân Hiền Tâm – Theo hoavouu.com

________________

(1) Chỉ chung cho người được phần không của tự tâm nhưng chưa thấu đạt tánh Phật.

(2) Trần Nhân Tông – Cư trần lạc đạo phú – Thiền sư Việt Nam – HT.Thanh Từ biên soạn.

(3) Thấy cảnh khởi tâm thì gọi những gì đang khởi đó là Tướng vọng tưởng. Tướng vọng tưởng khởi được là do sẵn có kiến chấp về việc đó. Kiến chấp này gọi là Kiến vọng tưởng.

(4) Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục, HT.Thanh Từ giảng & giải

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.