Hiện Pháp Lạc Trú

Hiện Pháp Lạc Trú ( Mỗi thời điểm có một khía cạnh riêng của nó )

Tông phái nào cũng có mặt hay của tông phái họ.

Hãy tán dương điều hay của nhau.

Thật là một đại duyên cho những ai là Phật tử tại gia như tôi lại được nghe lời chỉ dạy vừa tâm tình của Sư Phụ Viên Minh vào ngày thứ bảy của khoá thiền khoá 20 ( 20/9/2020 ) tại tổ đình Bửu Long như sau:

” Ai cũng cho Thầy là người ” ba phải “ vì Thầy thường trích dẫn những ý tưởng của các Tông phái khác, nhưng đúng ra phải gọi Thầy là “ người chục phải ” vì ở mỗi Tông phái nào Thầy đều nhìn thấy những điểm hay, tốt và vì vậy Thầy chưa bao giờ phân biệt tông phái nào cả chỉ là nhập gia tuỳ tục thế thôi, vô ngại …

Con kính lễ Sư Phụ Viên Minh quả thật tinh mà nói kiếp này con rất may mắn… con đã thừa hưởng được tư tưởng này từ bao lâu rồi, có lẽ từ nhiều kiếp xa xưa… như Sư Bà của con đã trao truyền những ngày đầu nhập môn.

Trong tinh thần ấy, hậu bối kính xin được phép dâng đến HT Thích Nhất Hạnh “ Lời tri ân cảm niệm công đức hoằng pháp hơn 60 năm của Sư Ông Làng Mai “ và kính xin Chư Tôn Đức và các bạn đạo cho phép con tản mạn về “ Thời điểm nào của Phật Pháp được Sư Ông Làng Mai – Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh xiểng dương ” Pháp hiện tại và Sự sống bằng cách hít thở trong Chánh Niệm “” hạnh phúc là ở đây, ngay bây giờ “… chuyên đề này đã ảnh hưởng tích cực nhất đến Phật tử Việt Nam trong nước và Hải ngoại trong những thập niên gần đây.

Phải nói đây có thể là đề tài quá vĩ đại cho một kẻ hậu bối nhưng với mong ước thật nhỏ nhoi của hậu bối chỉ hy vọng qua bài viết này kính xin được cúng dường đến Sư Ông HT Thích Nhất Hạnh trong những năm tháng cuối đời của Ngài… khi nhận được tin sức khỏe Ngài hiện nay đang sút giảm hơn dạo trước nhiều lắm…

Nguyện cầu mười phương Chư Phật luôn hộ trì Ngài như đã từng hộ trì trong nhiều thập kỷ niên xa xưa từ 1960 có lẽ…

Kính trân trọng được ghi nhận những lời chỉ dạy của Chư Tôn Đức và nhân sĩ đọc giả sẵn sàng tha thứ cho những khiếm khuyết trong nhận xét còn thô thiển, kém cõi và sẽ cung cấp thêm những tài liệu quý giá hầu giúp cho hậu bối học được, những bài học giác ngộ mới nhờ vào lòng bao dung và độ lượng của các bậc tiên phong kiệt xuất.

Do bản tính thích nghiên cứu và sưu tầm nên tôi thường lưu trữ tất cả tác phẩm của Hoà Thượng Nhất Hạnh cũng như của các vị danh tăng trong thời đại này như Cố HT Thích Thiện Hoa, HT Thích Minh Châu, HT Thích Chơn Thiện, HT Thích Thanh Từ, HT Thích Từ Thông, HT Thích Huyền Tôn, HT Thích Thiện Siêu, Cố Ni Sư Thích Nữ Trí Hải, Sư Phụ Viên Minh, Sư Thúc Giới Đức, Ngài Hộ Pháp, HT Thích Trí Quảng, HT Thích Bảo Lạc, HT Thích Như Điển, HT Thích Duy Lực, HT Thích Thông Phương, TT Thích Nguyên Tạng, và TT Thích Nhật Từ v.v… chưa kể các Đại Sư Lạt Ma của Kim Cương thừa thuộc Tây Tạng mà các tác phẩm của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được chuyển ngữ nhiều nhất sau này trên văn đàn hải ngoại… ngoài ra tôi chỉ có thể download trên mạng các bài viết của các Ngài Tăng Thống bao gồm đệ lục Tăng Thống HT Thích Tuệ Sỹ…

Thế nên tôi bị các bạn đồng đạo thường cho rằng tôi chưa thấy Pháp vì mãi tầm chương trích cú và lượm lặt những dư thừa còn sót lại của thánh nhân, để rồi sau quá trình nhiều năm tu tập mà vẫn chưa tỏ ngộ gì…

Âu đó cũng là căn cơ của tôi và tôi chấp nhận nhận xét đó với tâm tâm niệm niệm rất thầm kín chỉ .. mong ước khi nào đó… đúng thời, đúng lúc và thuận duyên sẽ có một ngày… vì thật ra lưu trữ giáo điều trong ký ức tôi đã thành thói quen bao năm rồi.

Gần đây HT Viên Mình khi giải đáp cho một Phật tử về câu hỏi có nên lưu trữ những thông tin trong ký ức như sau :

“ Lưu trữ là luật tự nhiên của Tâm do đó Đức Phật vẫn nhớ được quá khứ đúng, sai, tốt, xấu “.

Nhưng quan trọng hơn hết là thái độ của con đối với những lưu trữ đó như thế nào, nếu qua sự lưu trữ đó mà con học được những lợi ích cho sự tu tập của con và lúc nào con cũng giữ được Chánh niệm tỉnh giác thì sự lưu trữ ấy sẽ tốt hơn.

Tại gia hay xuất gia
Mỗi người do duyên nghiệp
Tu chính là nhận ra
PHÁP CHÂN NHƯ THỰC TẠI ( HT Viên Minh )

Chân lý chính là Thực Tế, là Cuộc Sống.

Đức Lạt Lai Lạt Ma đã từng dạy “ Giá trị của cuộc sống sẽ tăng trưởng khi năng lượng của việc học được thể hiện và thâm nhập vào căn tính của ta nghĩa là lúc đó Ta đã được khai mở và hạnh phúc an lạc sẽ đến gần hơn bằng cách điều khiển những ý nghĩ trong đầu mình “.

Cuộc đời là một vị Thầy
Dạy biết bao chân lý
Chính nước mắt vơi đầy
Là những lời khai thị ( HT Viên Mình )

Với những diều chỉ dạy trên đã cho phép khả năng tôi để riêng một bên những tác phẩm vĩ đại về lịch sử Phật Giáo được ghi lại với ngòi bút Nguyễn Lang ( bút hiệu khác của HT Thích Nhất Hạnh ) đó là VIỆT NAM PHẬT GIÁO SỬ LIỆU 1, 2,3 do Lá bối xuất bản từ 1973 và nhiều năm sau đó 1977, 1982, 1994, … và hàng trăm tác phẩm best seller khác khi sự học của mình chỉ là giọt nước trong biển pháp mênh mông!!!

Trong nhiều bài giảng, HT Nhất Hạnh có dạy Cuộc đời quá nhiệm mầu, quá tuyệt diệu, thế mà mọi người cứ đi tìm Niết Bàn để rồi tự đánh mất cái Niết Bàn đang có sẵn nơi ta.

Bài viết này chỉ kính xin được mạn phép tán dương “ CHỈ CÓ PHÁP HIỆN TẠI, TUỆ QUÁN CHÍNH LÀ ĐÂY “SỐNG MỘT CÁCH THẬT GIẢN DỊ nhưng Ý Thức rõ rệt rằng MÌNH ĐANG THỰC SỰ SỐNG “ hiển hiện qua biết bao tác phẩm của Ngài đã xuất bản : Ước hẹn với Sự Sống , Đi như một dòng sông, An lạc từng bước chân, Kinh quán niệm hơi thở, Hiện pháp lạc trú ( thơ ) …

Hoặc, nhân dịp trong một cuộc triển lãm về các bức tranh thư pháp Ngài đã phát biểu như sau:

“ Khi tôi viết ‘Hãy tươi đẹp, hãy là chính mình’, tôi muốn chia sẻ cái nhìn của tôi là để xinh đẹp thực sự bạn không cần phải là một người khác. Giống như một hoa sen, bạn không cần phải chuyển đổi thành một bông hồng. Bạn không cần tô điểm mỹ phẩm để được đẹp. Nếu bạn cho phép chính mình là người bạn thực sự là, thì bạn là một bông hoa trong vườn hoa của nhân loại ”.

“ Khi tôi viết ‘ Hạnh phúc là ngay bây giờ hoặc không bao giờ ’, tôi muốn chia sẻ cái nhìn sâu sắc của tôi rằng hạnh phúc có thể đến ngay lúc này. Chỉ cần buông đi đau khổ, giận dữ, sợ hãi hay thậm chí khái niệm hạnh phúc. Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta cần điều này điều nọ để được hạnh phúc nhưng ý tưởng này là một trở ngại cho hạnh phúc. Nếu bạn có can đảm buông bỏ ý niệm về hạnh phúc, bạn sẽ thấy rằng hạnh phúc là ở đây và ngay bây giờ ”.

“ Khi tôi viết ‘Một đám mây không bao giờ chết’, tôi muốn chia sẻ cái nhìn của tôi rằng không có sinh, không có tử. Khi bạn chạm vào Mẹ Thiên nhiên, bạn sẽ chạm được vào Niết-bàn không sinh không tử ”.

Thiền sư cũng đưa ra lời khuyên về cách để cảm thông được với các tác phẩm của mình. “ Cách tốt nhất để xem triển lãm này là hãy hít thở trong chánh niệm. Bạn chỉ cần một vài giây để có mặt đầy đủ ở hiện tại. Trong sự hiểu biết, có những hạt giống của niềm vui, hạt giống của cái nhìn sâu sắc và hạt giống của sự giác ngộ. Nếu bạn cho phép các bức thư pháp chạm vào những hạt giống bên trong, bạn có thể được đánh thức ”.( Trích đoạn một bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng )

Và đó cũng là Thông diệp mà Đức Dalai Lama muốn trao truyền cho ta :

Sự tu tập Pháp là sự nương tựa thật sự trong cuộc sống.

Sự huấn luyện tâm thức này sẽ mang an lành không những cho Tâm của chúng ta mà còn đêm lại an lành cho người khác.

Khi bạn được an lành , sống hoà hợp bạn sẽ không thấy có một trở ngại nào đến cho cuộc sống mình hay người khác, có nghĩa là ta cần tu tập pháp dù chỉ để được bình yên trong cuộc đời này trong từng giây phút.

Hãy phát tâm và kiên trì sự quyết tâm không cho bất cứ vọng tưởng nào được choán chỗ trong Tâm ta.

Chắc hẳn chúng ta ai cũng công nhận với chủ đề “ Sống an lạc thảnh thơi trong giây phút hiện tại” của HT Thích Nhất Hạnh từng là bước khởi đầu và sau này cho nhiều học giả, các thiền sinh tu tập Thiền Chánh niệm va chương trình giảng dạy của Ngài kín mít, dầy đặc xuyên suốt từ hơn mấy chục năm qua nơi hải ngoại từ 1992 với những khoá tu học dặc biệt có nhiều ngôn ngữ Việt, Anh, Phá .

Lời kết

Điều con tâm đắc nhất khi được đọc được đâu đó lời dạy của Sư Ông trong bài pháp thoại nhiều năm trước:

” Chỉ biết đau khổ thôi thì không đủ.

Cuộc sống đôi khi tuy đáng sợ nhưng cũng có Cả tuyệt vời . Làm thế nào mà con có thể mĩm cười khi lòng mình đang tràn ngập nỗi buồn ? Và con ơi, điều đó con cần phải tập cho đến khi nào trở thành tự nhiên

Con cần phải mĩm cười với nỗi buồn của mình vì con đâu phải là nỗi buồn đó.

Kính bạch Sư Ông, con cũng muốn viết lên một bài thơ để xưng tán Ngài nhưng nhìn lại những bài thơ quá tuyệt diệu của Sư Ông con đành phải dẹp ý nghĩ đó và kính xin trích lại vài đoạn trong bài thơ “ Hiện Pháp Lạc Trú “ để mọi người đều có thể chiêm nghiệm và học hỏi từ Sư Ông.

Thành kính chúc Sư Ông vạn điều cát tường trong những ngày cuối đời vì con được học “ Người Giác Ngộ “ là người đã trọn vẹn tỉnh thức ( Chánh niệm tỉnh giác ) trong hiện tại đang là… nên sống trong tục đế thế gian mà rất ung dung thong dong vô ngại, tự tại “ Bậc Giác Ngộ không bị pháp thế gian chi phối dù vẫn sống trong pháp thế gian.

HIỆN PHÁP LẠC TRÚ

Đức Thế Tôn từng dạy
“ Quá Khứ đã đi qua
Và tương lai chưa tới
Đừng để tâm chìm đắm
Đừng tiếc thương quá khứ
Trong lo lắng tương lai”
Bụt bảo “ Con có thể
Sống an lạc thảnh thơi
Trong phút giây hiện tại “
Nay con nghe lời Đức Bổn Sư
Buông bỏ ưu sầu lo lắng
Trở về an trú nơi thiện pháp
Học nhận diện
Những điều kiện hạnh phúc
Đã có mặt trong con
Và có mặt quanh con

Con được nghe tiếng chim hót
Và tiếng thông reo
Con nhìn thấy núi xanh
Thấy mây bạc trăng vàng
Tịnh độ đang có mặt
Trong giây phút hiện tiền
Con có thể thích ý rong chơi
Hằng ngày trong cõi Bụt
Mỗi hơi thở
mỗi bước chân Chánh niệm
Đưa con về Tịnh Độ
Và làm hiển hiện
Những mầu nhiệm Pháp Thân

…….

Con nguyện nuôi lớn
Tâm hiểu biết, lòng xót thương
Để có khả năng cứu độ
Chúng sanh mười phuong
Đang chìm đắm ngoài kia
Trong biển đời tham dục

Con cúi xin mười phương Chư Bụt
Bảo hộ soi sáng
Và nâng đỡ con
Trên bước đường thực tập
Để con có thể hằng ngày
Sống thảnh thơi an lạc
Mà hoàn thành ước nguyện
Của một người đệ tử
Tin cậy và yêu quý
Của Đức Như Lai ( HT Nhất Hạnh )

Kính bạch Sư Ông Con kính đảnh lễ Sư Ông từ phương xa và nguyện sẽ noi gương Sư Ông mãi mãi, nguyện xứng đáng hoàn thành nhiệm vụ một người đệ tử …

“ Tin cậy và yêu quý của Đức Như Lai “ như đoạn cuối bài thơ trên.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Cung kính đảnh lễ Sư Ông HT Thích Nhất Hạnh

Hậu bối Huệ Hương – Melbourne 24/9/2020

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.