Nhiều người đi tảo mộ thường không về ngay mà tiếp tục tìm tới đền chùa cúng tế và vãn cảnh tâm linh. Dân gian cho rằng việc đi lễ đầu và cuối năm ở các quán, miếu, đền thờ quanh nghĩa trang có ý nghĩa hết sức quan trọng…
Con người có tổ có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn. Xuất phát từ tình yêu ông bà – cha mẹ, từ xa xưa dân tộc ta đã có phong tục thờ cúng tổ tiên, gồm việc lập phần mộ và cúng tế đối với người đã khuất. Khi cha mẹ mất đi, con cái đều xây dựng mồ mả để họ có chốn an nghỉ, không bị nắng mưa – gió bão, hàng năm vào các thời điểm khác nhau cũng đến thăm viếng để tri ân và cung thỉnh anh linh về chứng giám cũng như chung vui cùng gia tộc trong các sự kiện trọng đại. Tùy địa phương, người dân có thể thăm viếng mộ vào cuối hoặc giữa năm gọi là đi tảo mộ hay vào đầu năm mới, nhân dịp Xuân sang – đi thanh minh. Khi ấy, mọi nhà đều quét dọn, sửa sang mộ chí của tổ tiên thật khang trang, sạch đẹp rồi cúng tế tạ mộ, nhân đó cũng tụ tập vui chơi, vãn cảnh quê hương.
Thông thường từ 23 tháng Chạp đến 30 Tết, nhiều nơi đã đi viếng mộ mời ông bà, cha mẹ về ăn Tết. Mấy ngày này dân quê gọi là ngày chạp họ, chạp mả hay lễ chạp. Những người bận rộn không đi được thường chọn một tháng đầu Xuân để tạ mộ. Tháng ấy hay rơi vào tháng Giêng hoặc tháng ba âm. Tháng Giêng vừa đúng tiết lập Xuân, trời có nhiều mưa bụi cho cỏ cây nảy lộc. Vì mới sang Xuân nên không khí còn lạnh, đi tảo mộ ai nấy đều phải áo khăn kín mít. Mọi người thường đi tảo mộ từ mồng bốn Tết đến rằm tháng Giêng và gọi việc này là tế Xuân. Tháng ba trùng với tiết Thanh minh lúc này đã giữa Xuân, trời sáng tươi, không còn gió mưa rét mướt. Trên mặt đất cây cối đã xanh rì, chim bọ ló ra khỏi tổ ríu rít. Nói chung đến đây, mọi sự trong nhà đã cắt đặt đủ cả, công việc thư thả, ai cũng rạo rực niềm vui, hứng khởi với những dự định tốt đẹp nên muốn đi thăm mộ, cảm tạ công đức và cầu mong tổ tông ban phúc lành.
Vào dịp tảo mộ, Thanh minh mọi nhà, người đi bộ, kẻ đi xe, đều lũ lượt đổ ra ngoại thành, đồng ruộng. Tay xách, nách mang, người ta phải tự gánh gồng đồ dùng và phẩm vật cúng tế ở mộ, chứ không được thuê người khác phụ giúp nhằm thể hiện sự thực tâm với tiên tổ. Tuy nhiên, trong gia tộc cũng có sự phân công rõ rệt. Phụ lão đi trước cầm vàng hương, thanh niên đi sau đội mâm rượu thịt. Đi đầu là ông bà, cha mẹ, trưởng nam, trưởng nữ, con cháu ruột nội ngoại, sau cùng mới đến dâu rể. Đặc biệt người nào cũng phải mặc áo trắng cho sự giao hòa giữa người và trời đất, sự sạch sẽ của thân thể, trong sáng của tâm hồn với sự thanh trong của vũ trụ.
Vì các phần mộ nhiều khi cách xa, thăm viếng trọn vẹn tốn cả ngày, cả tuần nên tùy số lượng mộ chí, người dân đi từ sớm hay muộn, nhưng lúc nào cũng phải thăm mộ tổ trước, là người sinh ra ông bà, chú bác, cha mẹ mình, rồi mới tới các mộ kế cận. Khi đến nơi, không ít người xúc động khóc lóc, ôn cố tri tân hồi lâu, nhất là những người con tha hương mới về thăm quê thường quỳ lạy túc trực bên mộ hàng giờ. Khi nguôi thương tiếc, mới bắt đầu chia nhau làm công việc dọn dẹp, tu sửa. Ví dụ nam giới lấy cuốc thuổng san lấp các bờ đất, rẫy cỏ mọc um tùm quanh phần mộ; nữ giới dùng dao tỉa những cành cây lòa xòa che khuất mặt bia, các em nhỏ nhặt lá vàng rơi… Trước đó, mỗi nhà đã phải khấn thổ địa, thần linh xin được phát quang hay sửa chữa quanh mộ với niềm tin mỗi vùng đất đều có thổ thần, hà bá cai quản và vì việc làm của họ sẽ động thổ, ảnh hưởng đến nơi sinh sống của nhiều loài vật. Việc khẩn cầu là để các vị thần và sinh linh hiểu được tấm lòng hiếu thuận mà thông cảm, tạo điều kiện cho việc quét dọn dễ dàng.
Do mưa nắng nhiều ngày làm đất đai sụt lở, cây cỏ mọc chen chúc trên mộ, với mộ mới đắp bằng đất, để mộ cứng cáp, trụ vững được trong khí hậu khắc nghiệt, người ta sẽ đắp đất cho mộ thêm cao, nhổ bỏ hết những bụi cỏ dại và xua đuổi rắn mối quanh quẩn. Ngoài ra, nhiều người cũng đắp mộ với tâm ý để mộ ngày càng to, mộ phát thì gia cảnh thịnh vượng, cửa nhà bề thế. Thường họ dọn sạch minh đường là phần đất thấp phía trước mộ cho bằng phẳng, tiện đường đi lại – bày biện và tôn cao ụ huyền vũ (gò đất hình rùa) phía sau mộ, tạo thành một ngọn núi nhỏ làm chỗ dựa cho mộ. Với mộ đã xây bao, nhiều nhà cũng sơn vẽ lại và tu sửa những phần đổ nát. Một số người còn lập mộ giả cho bản thân, vợ chồng chưa mất làm sẵn mộ đặt đó và dọn dẹp sạch đẹp mong khi còn sống nhà cửa an khang, khi mất được mồ yên mả đẹp. Dân quê thường sơn mộ màu đỏ hoặc hồng phấn về ý nghĩa là màu của mặt trời đem lại vẻ sáng tươi, ấm áp; dán ở mộ người sống những mảnh giấy đỏ và người khuất giấy ngũ sắc mang lại vượng khí, sự tốt lành cho thân quyến. Cũng trồng trên mộ nhiều loài hoa như đỗ quyên, mẫu đơn, trạng nguyên, nguyệt quế… vừa để trang trí cho mộ phần thêm đẹp vừa là mong ước về tuổi trẻ, hạnh phúc, tài lộc. Ở quanh khu mộ và nghĩa trang cũng trồng những hàng liễu với niềm tin về sự hồi sinh cho cả người khuất lẫn gia tộc còn sống vì liễu biểu thị cho mùa Xuân, sức sống, sự giải thoát và phổ độ chúng sinh.
Dọn dẹp xong, mọi nhà mới bày lễ cúng bái. Người dân sửa soạn một lúc khá nhiều mâm cổ, dù nghèo khó cũng phải có ít nhất hai mâm cúng. Một mâm đặt ở ban thần linh hay miếu âm phần để cúng các vị sơn thần, thổ địa, thủy bá, linh thú, linh xà, linh điểu cai quản vùng đất và nghĩa trang. Tùy tâm, mỗi người dâng lễ vật khác nhau, nhưng thường có tiền vàng, rượu, trà, hoa, oản, quả. Mâm thứ hai cúng tại mộ là phẩm vật do con cháu dâng lên tiên tổ nên khá đa dạng, người ta làm được bao nhiêu, sắm được bao nhiêu đồ vật thì đều dâng cả, thường thấy một bộ đồ mã bằng giấy gồm áo quần, giầy dép, mũ nón… nhằm nếu trần sao âm vậy thì ông bà, cha mẹ sẽ có cái mặc ấm áp, sang trọng. Đặc biệt luôn có những món ăn, đồ uống mà ngày thường khi sống tổ tiên chưa được dùng thì nay con cháu mang ra tiến cúng. Chúng cũng có ý nghĩa tượng trưng và là mong muốn của gia quyến đối với người quá cố như cúng thủ lợn để mong vong hồn được sung sướng – an nhàn, thịt gà được minh mẫn – nhanh nhẹn, thịt cá được che chở – dư dật nơi chín suối…
Bày lễ xong, trưởng nam hoặc người già nhất trong họ sẽ đứng ra dâng hương, cúng tế anh linh trước, sau đó tới con cháu trong dòng tộc. Cũng có khi cả nhà cùng đồng tâm khấn vái tại mộ. Người ta thường đọc sớ ghi sẵn lời văn khấn, trong đó có những câu xưng danh và hứa hẹn của người sống sẽ làm theo những lời trăn trối hay mong mỏi của người mất, cuối cùng là mong ước tổ tiên phù hộ cho con cháu thành công trong sự nghiệp và gia thất.
Đợi hết hương, gia đình hạ mâm cổ cúng, thụ lộc và ăn uống tại mộ với ý nghĩa cả nhà đoàn kết, cùng ăn, cùng làm, cùng xây dựng đại sự. Nhiều người thường để lại bên mộ một số thức ăn không mang về, trong đó có gạo, muối như thể một nghi lễ phúng sinh cho chim thú, côn trùng cũng được hưởng lộc chung vui. Cũng luôn có vài thẻ hương và bao diêm đặt trên mộ cho ai đó đi tảo mộ nếu lỡ không mang lửa hoặc thiếu hương thơm lấy đó mà thắp, nhân tiện hảo tâm thắp cho phần mộ gia chủ. Cũng gửi biếu ban quản lý nghĩa trang một phần quà, cảm ơn những người hàng ngày đã cất công dọn dẹp, chăm nom phần mộ gia tộc. Ngoài ăn cơm tại mộ, khi về phần lớn các gia đình còn tổ chức cổ ở sinh từ, nhà thờ họ. Mỗi người đóng góp một chút, làm mâm cổ mặn thịnh soạn cúng trên ban thờ, rồi chia đều cho con cháu lấy lộc và đem biếu hàng xóm, thể hiện tình cảm ruột rà, tình nghĩa xóm giềng.
Nhiều người đi tảo mộ thường không về ngay mà tiếp tục tìm tới đền chùa cúng tế và vãn cảnh tâm linh. Dân gian cho rằng việc đi lễ đầu và cuối năm ở các quán, miếu, đền thờ quanh nghĩa trang có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhiều người đến đó để cầu xin trời đất, thần Phật phù hộ cho âm trạch gia tiên vững bền, phát tiết cho con cháu được nhờ, an bình vạn đại. Những người khác thích vui chơi thì lần đến các tụ điểm giải trí. Riêng trẻ em suốt ngày hôm ấy, trong khi người lớn lúi húi nguyện cầu, cũng tìm được rất nhiều trò chơi lý thú cho mình, như thả diều, đuổi bắt, chộp cào cào châu chấu… quanh lối đi vào nghĩa trang. Thân hữu, bạn bè nhân dịp này cũng gặp gỡ, hò hẹn, chuyện trò tít tíu. Người ra kẻ vào đông vui như hội.
Về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Thanh minh, tảo mộ dân gian cho rằng do đời sống nông nghiệp, đầu năm và cuối năm khi mọi nơi đã cấy trồng xong, để việc chăn nuôi, trồng trọt thuận lợi nông dân đều chọn một ngày lành ra đồng cúng tế, cầu mong trời đất phù trợ. Còn đối với sinh hoạt cộng đồng, đây là thời điểm vừa qua Tết Nguyên Đán hay vào dịp nghỉ phép, thảnh thơi nên nhiều người du ngoạn, tiện đường thăm mộ thỉnh hương hồn nội, ngoại, bạn bè, thân hữu về ăn cổ hay chung vui cùng gia đình. Với những người nặng đức tin, nó giống như một ngày xá tội vong nhân, cho người mất và người sống có thể tiếp xúc thần giao cách cảm. Âm linh có thể trở về dương thế gặp vợ chồng con cái, nhìn lại cảnh quan nhà cửa, làng xóm. Đây cũng là ngày lễ tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ có công với đất nước và xót thương những người quá cố có số phận bất hạnh. Vào ngày này, ngoài thân quyến, người dân cũng thắp hương, vun đắp cho những ngôi mộ vô chủ hoặc của hàng xóm xung quanh, có những ngôi mộ cả năm vắng lạnh thì giờ khói nhang ấm áp. Tảo mộ, Thanh minh cũng là ngày giỗ chung của mọi nhà hướng tới người quá cố nhằm báo hiếu trả nghĩa. Dù đi làm ăn xa đến đâu, đầu hoặc cuối năm ai nấy cũng cố gắng về chăm sóc bằng được sinh phần của tổ tiên và sum họp gia đình. Là dịp để cha chú kể lại những kỷ niệm về người xưa, dạy bảo cháu con, dâu rể, biết về mộ phần, tên tuổi, vai vế của người nằm dưới đất và chứng tỏ cho làng xóm biết dòng họ mình vẫn còn người phụng thờ. Với nhiều gia tộc, việc tảo mộ được quy định rất rõ ràng trong gia phả, cứ đến thời gian ấy con cháu phải về phụng sự, và đó là một sợi dây vô hình nối kết dòng họ.
Có thể nói tảo mộ, Thanh minh là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của dân tộc, biểu thị cao độ tính chất nhân văn và đạo lý làm người. Một mùa lễ hội thiêng liêng, có tính chất chu kỳ, đi vào tiềm thức người Việt, nhắc nhở mỗi người con trở về với quê hương nguồn cội, thực hiện đạo hiếu và xây dựng cuộc sống đoàn kết, thủy chung, thắm đượm nghĩa tình.
Chu Mạnh Cường
http://www.daophatngaynay.com