Trong các giai thoại về Trạng Quỳnh (1677-1748), tôi thích nhứt chuyện ông Tú Cát. Tú Cát thuộc loại “đỉnh cao trí tuệ loài người”, xem trời bằng vung, đi đâu cũng khoe chữ và chẳng xem ai ra gì. Một hôm Quỳnh đang đứng xem một lũ heo ăn cám thì Tú Cát tình cờ đi qua. Nghe người ta đồn đãi về thần đồng này, lại không chấp nhận có người giỏi hơn mình, cho nên Tú Cát mới gọi cậu bé lại và nói: “Ta nghe thiên hạ đồn mày là đứa thông minh, ứng đáp rất giỏi. Bây giờ ta ra cho mày một vế đối, nếu mày không đối được thì sẽ biết tay ta. Nhứt định ta sẽ đánh đòn cho chừa cái tật láo khoét, nghe chưa”. Nói xong, ông Tú Cát liền gật gù đọc: “Lợn cấn ăn cám tốn”. Đây là một câu đối rất hóc búa, bởi vì chữ “Cấn” và “Cám” vừa chỉ con heo lại cũng vừa chỉ thức ăn của heo, lại vừa là hai quẻ trong Kinh Dịch. Người có học chưa chắc đã đối được. Nhưng nhanh như chớp, cậu bé Quỳnh nói ngay: “Chó khôn chớ cắn càn”. “Khôn” và “Càn” cũng là hai quẻ trong Kinh Dịch. Quỳnh có ý chửi xiên ông Tú Cát đừng cậy tài mà “sủa như chó” hay bắt nạt người khác. Bị thằng nhỏ chơi lại một đòn đau, Tú Cát tức lắm liền dọa: “Được, để coi mày thông minh đến cỡ nào. Tao còn một câu nữa.” Nói xong Tú Cát liền ngạo nghễ ra câu đối: “Trời sinh ông Tú Cát”. Lần này, cũng chẳng cần phải suy nghĩ lâu, Quỳnh chỉ vào lớp phân heo có đùn lên những ụ nhỏ và đáp: “Đất nứt con bọ hung”.
So sánh kẻ kiêu căng với một con bọ hung thì chẳng có hình ảnh nào chính xác hơn. Lúc nhỏ tôi thường đi đào dế cơm về nuôi sáo cưỡng và chích chòe. Mấy loại chim này chỉ thích ăn côn trùng. Dế cơm là món chúng hảo nhứt. Trong vườn nhà hay hàng xóm, hễ chỗ nào có hang dế cơm là tôi xách cuốc tới ngay. Cũng may thời đó, dế cơm chưa bị “phát hiện” là một món ăn khoái khẩu và đặc sản của dân nhậu, cho nên tìm được dế cơm cho chim ăn mỗi ngày không có gì là khó khăn và nhọc nhằn cho lũ nhóc chúng tôi lắm. Nhưng cũng có những ngày thay vì tìm được dế cơm, tôi chỉ muốn nôn ọe khi đào lộn hang của một con bọ hung. Bất kể là phân người hay phân heo, phân trâu bò, hễ là phân thì bọ hung làm tổ và sống chui rúc dưới đó. Với tôi, bọ hung là giống côn trùng dơ bẩn, “gớm ghiếc” nhứt. Tôi không biết hiện nay bọ hung đã có vinh dự được nằm trên thực đơn của dân nhậu ở Việt nam chưa. Hồi đó, cứ mỗi lần có người Thượng từ trên núi xuống đồng bằng để đổi gạo lấy muối, lũ nhóc chúng tôi cũng thường gạ gẫm đến gần để nghe kể chuyện “Ó ma lai”. Tôi chưa hình dung được con “ó ma lai” ra làm sao, chỉ biết rằng người Thượng tin rằng đây là một loại ó sống về đêm; cứ đêm đến là đầu lìa khỏi thân để đi tìm phân người mà “xơi”. Người nào vô tình “đi đồng” mà không lấp phân lại, lỡ bị con ó ma lai chiếu cố thì coi như tiêu đời: bệnh lên bệnh xuống cho đến chết mà thôi. Nghe câu chuyện rùng rợn này, tôi không thể không liên tưởng đến loài bọ hung. Đúng là một thứ sâu bọ gớm ghiếc!
Từ ngày rời khỏi Việt nam, tôi tưởng hình ảnh của con bọ hung đã được hoàn toàn xóa khỏi bộ nhớ của tôi. Nhưng mới đây, nó lại xuất hiện và xuất hiện với một “dung nhan” hoàn toàn mới mẻ: nó không còn là một con vật “gớm ghiếc” nữa, mà là một “nhân công” cần mẫn rất cần thiết cho việc bảo vệ sinh thái. Tôi đã bắt đầu thay đổi cái nhìn về con bọ hung sau khi xem một số chương trình “Bite Me with Dr. Mike Leahy” được chiếu trên Đài Truyền Hình SBS. Đầu tiên, tôi thấy lại con bọ hung trong một vùng sa mạc bên Phi Châu. Bác sĩ Leahy theo dõi một con bọ hung đang dùng hai chân sau của nó để đẩy một cục phân nặng gấp hai lần trọng lượng của nó. Bác sĩ Leahy đã thi vị hóa cử chỉ của con bọ hung đực này khi nói rằng nó đang mang quà về tặng cho “bồ” của nó; với “kho tàng” này, đôi uyên ương sẽ làm tổ và chuẩn bị cho những đứa con sẽ chào đời. Nhưng quan trọng hơn, cục phân này sẽ được “chế biến” không những để làm ra thức ăn mà còn để góp phần cải tạo vùng đất khô cằn giữa sa mạc.
Trong một chương trình khác, bác sĩ Leahy đưa khán thính giả vào tận vùng “nội địa” (outback) của Úc đại lợi. Tại đây, các nông gia đã hướng dẫn ông đi xem một trong những căn bệnh rất thường thấy nơi gia súc, đặc biệt là bò và cừu. Trong đường ruột của chúng thường có một loại ký sinh trùng mà thủ phạm không ai khác hơn là chó. Thật vậy, trứng của loại ký sinh trùng này lẫn trong phân chó và được truyền sang cừu bò qua cỏ. Để giải quyết vấn đề, các nông gia đã đưa bọ hung tới. Các “công nhân” này sẽ làm sạch phân và như vậy cũng diệt trừ được ký sinh trùng.
Tôi đọc được trên Wikipedia, tiếng Việt, rằng vào “thế kỷ 18, dân Châu Âu di cư đến lục địa này (Úc đại lợi) phải kinh ngạc, thấy nơi đây có một thảo nguyên mầu mỡ nhưng động vật ăn cỏ rất ít, họ bèn chở gia súc đến. Mấy chục triệu trâu bò một ngày thải ra mấy chục triệu đống phân. Phân nhiều quá không có cách nào dọn sạch, làm cho môi trường thảo nguyên ô uế, ruồi nhặng sinh sôi nảy nở quá nhiều, ảnh hưởng đến đàn súc vật. Các nhà khoa học đem loài bọ hung từ khắp nơi đến. Số bọ hung này giải quyết được nạn phân tai hại ấy cho nước Úc.
Có người đã tính rằng một đôi bọ hung chỉ cần 30 giờ đã có thể vần đi được 1000 milimet khối phân tươi vùi xuống.”
Từ sự biến chuyến trong hình ảnh tôi có về con bọ hung, tôi học được một số bài học. Trước hết, tôi nhận thấy rằng trong cái vũ trụ bao la kỳ bí này, dường như mọi loài đều hiện hữu theo một mục đích và trật tự nào đó. Có tin một Đấng Hóa Công đã tạo dựng mọi sự hay dựa trên thuyết tiến hóa để chối bỏ bàn tay tạo dựng của Ngài, ai cũng phải chấp nhận rằng vũ trụ này hiện hữu theo một trật tự, chứ không hoàn toàn rơi vào hỗn mang vô tận. Trong vòng trật tự ấy, muôn loài muôn vật đều hiện hữu theo một mục đích nào đó. Có những loài như con bọ hung chẳng hạn, hiện hữu là để không ngừng góp phần cải tạo và tái sinh những thứ bị xem là thừa thãi. Có biết bao nhiêu cây cỏ mà dược tính hữu ích đã được loài người khám phá. Có biết bao nhiêu động vật mà sự hiện hữu góp phần giữ cho sinh thái được cân bằng. Như con cá mập chẳng hạn. Mới đây, tôi có theo dõi một chương trình truyền hình về những bãi biển đẹp tại thành phố Durban, Nam Phi. Mỗi năm các bãi biển này thu hút không biết bao nhiêu du khách từ khắp thế giới. Để bảo đảm an toàn cho người tắm biển, dĩ nhiên với mục đích khai thác du lịch, chính quyền địa phương đã ra lệnh bằng mọi cách triệt hạ cá mập. Kết quả, theo các nhà bảo vệ thiên nhiên, sự vắng mặt của cá mập trong vùng biển này đã khiến cho sinh thái mất cân bằng. Do đó, vấn đề không phải là loại trừ một giống thú nào đó, mà chính là biết cách sống chung “hòa bình” với chúng để bảo tồn thiên nhiên. Trong vũ trụ này chẳng có một loài vật nào là vô tích sự cả. Nó không ích lợi về chuyện này thì cũng hữu dụng về chuyện khác.
Muôn loài muôn vật đều hiện hữu vì một mục đích nào đó. Duy chỉ có con người mới hiện hữu như một cứu cánh mà thôi. Phải trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh, tốn bao nhiêu xương máu nhân loại mới nhận ra được cái “cứu cánh nội tại” và phẩm giá cao trọng của mỗi một con người. Đẹp hay xấu, thông minh hay đần độn, khỏe mạnh hay bệnh tật, lành mạnh hay tàn tật, giàu sang hay nghèo hèn, quyền thế hay cô thế…mọi người đều bình đẳng. Bình đẳng như nhau chớ không “có những người bình đẳng hơn và những ngưới ít bình đẳng hơn” như ông chủ tịch Heo đã tuyên bố trong truyện “Trại thú vật” (Animal Farm, xuất bản 1945, chuyện ngắn mô tả một cách chính xác về thiên đường cộng sản) của nhà văn George Orwell. Chính vì sự bình đẳng ấy mà không một ai có quyền xử dụng người khác như một phương tiện cho bất cứ một mục đích nào. Tựu trung, con người không thể bị xem như một thứ tài sản, tư bản, hay văn hoa hơn, như một “vốn quý” của bất cứ một tổ chức nào, dù tổ chức ấy có cao quý như tổ quốc đi nữa.
Nhưng khi chiêm ngắm hình ảnh của con bọ hung, tôi lại nghĩ đến một nghịch lý lớn đối với con người: là một cứu cánh, con người lại chỉ có thể đạt được cứu cánh ấy bằng sự hiến thân cho người khác mà thôi. Tư tưởng này được gợi lên cho tôi từ truyện ngắn “Rừng Mắm” của nhà văn Bình Nguyên Lộc (1914-1987). Cuộc đối thoại giữa ông cháu thằng Cộc nghe thật dễ thương và có một ý nghĩa thật thâm sâu.
Chỉ vào thứ cây mọc đầy trong nước mặn, nó hỏi ông nội:
“- Cây gì mà lạ vậy ông nội? Trổ bông ngay dưới gốc?
-Bông trổ trên đầu những cái rễ ăn lên mà nguời ta gọi là rễ gió. Cây nầy là cây mắm. Đây là rừng mắm đây.
-Cây mắm? Sao tui không nghe nói đến cây mắm bao giờ?
-Con không nghe nói vì cây mắm không dùng được để làm gì hết, cho đến làm củi chụm cũng không được.
– Vậy chớ trời sanh ra nó làm chi mà vô ích dữ vậy ông nội, lại sanh hằng hà sa số như là cỏ ấy?
– Bờ biển này mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước. Phù sa là đất bùn mềm lún và không bao giờ thành đất thịt được để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một khi kia cây mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được”
Thấy thắng cháu nội ngơ ngác chưa hiểu, ông cụ vịn vai nó mà tiếp:
-Ông với lại tía của con là cây mắm, chơn giẩm trong bùn. Đời con là tràm, chơn vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau.
Đời cây mắm tuy vô ích, nhưng không uổng, như là lính ngoài mặt trận vậy mà. Họ ngã gục cho kẻ khác là con cháu của họ hưởng.
Con, con sắp được hưởng rồi, sao lại muốn bỏ mà đi? Vả lại con không thích hi sinh chút ít cho con cháu của con hưởng hay sao”.
Với truyện ngắn này, nhà văn Bình Nguyên Lộc hẳn muốn gói ghém một chân lý nền tảng của cuộc sống: sống là hy sinh và có hy sinh con người mới tìm được cứu cánh và ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Mà hy sinh thì chẳng có ai mà không làm được. Như cây tràm, tưởng là vô tích sự và vô ích, nhưng nếu không có cây tràm thì làm gì có nền đất chắc để cho các loại cây khác có thể đua nhau mà mọc lên. Chẳng có con người nào có mặt trên trái đất này là vô tích sự và vô ích cho người khác cả.
Albert Einstein sẽ vẫn mãi mãi là nhà bác học vĩ đại nhứt trong lịch sử nhân loại. Nhưng có lẽ ông còn vĩ đại hơn nữa khi tuyên bố như sau: “Vị trí của chúng ta trên trái đất này thật là kỳ lạ. Mỗi người chúng ta đến để làm một chuyến viếng thăm ngắn ngủi, không biết tại sao, nhưng đôi khi xem ra cũng đoán được một mục đích. Tuy nhiên, từ cái nhìn của cuộc sống hằng ngày, chúng ta biết một điều: con người có mặt ở đây là vì người khác, nhứt là tất cả những ai mà nụ cười và niềm vui sống mang lại hạnh phúc cho chúng ta” (trích trong Richard Dawkins, The God Delusion, Random House Australia, 2006, trg 209).
Ngày nhỏ tôi ghét con bọ hung bao nhiêu, bây giờ tôi khâm phục nó bấy nhiêu. Ít ra nó hơn tôi ở chỗ không thấy điều gì là “gớm ghiếc”. Từ con ong, con bọ hung, cho đến cây mắm cây tràm, tôi thấy mình
học được những bài học “làm người” vô giá, nhứt là về lòng vị tha. Đối với tôi, thiên nhiên huyền diệu trước mắt chúng ta là vị thày tuyệt hảo nhứt.
Chu Thập