Sơ Tổ của Thiền Tông VN Khương Tăng Hội (? – 280)

NHIỀU NGƯỜI ĐỌC TAM QUỐC CHÍ DIỄN NGHĨA NHƯNG CÓ MẤY AI BIẾT ĐƯỢC THỜI ẤY NƯỚC TA ( GIAO CHỈ)ĐÃ CÓ SƠ TỔ THIỀN SƯ VN.

Tư tưởng thiền của đại sư Khương Tăng Hội âm thầm lan tỏa vào từng ngóc ngách của phật giáo Việt Nam suốt gần 20 thế kỷ nay, vì Ngài là người có công dịch Kinh An Ban Thủ Ý (Thiền quán niệm hơi thở do Đức Thế Tôn giảng dạy).

Thiền Làng Mai dùng kinh An Ban Thủ Ý làm cốt tủy ! (1)
Dựa vào chi tiết trong Thiền Uyển Tập Anh (2)
Sơ Tổ Khương Tăng Hội ra đời sau Thế Tôn 800 năm (3)
Trong Việt Nam Phật giáo sử luận,
trưng bằng chứng và xiểng dương Ngài là Sơ Tổ (4)

Hình tượng Ngài nơi chùa hải ngoại, quê nhà tìm kiếm khó !
Nhưng tư tưởng thiền đã lan tỏa âm thầm
” Lục diệu pháp môn ” căn bản giảng dạy của Thế Tôn (5)
Học về Thiền Tông hẳn bạn và tôi chiêm nghiệm ?

Như Lai Thiền, Tổ Sư Thiền nằm trong hai chữ ĐỐN, TIỆM (6) !
Như môi – răng, sữa -nước, hoà điệu tuyệt vời
Tứ niệm xứ căn bản thiền kinh nguyên thủy không rời
Phải chăng Thánh Phàm khác nhau qua biện tài nhân cách ?

Kính mời đọc lời tán dương Ngài Tăng Hội khí phách (7)
Và lời tựa kinh An Ban Thủ Ý đã Việt dịch có ghi (8)
Bậc xuất trần thượng sĩ…nhiều tác phẩm lưu trì (9)
Nhất tâm nguyện ước sẽ thực hành An Ban Thủ Ý (10)

Nam Mô Khương Tăng Hội Thiền Sư, Sơ Tổ Thiền Tông Việt Nam tác đại chứng minh

Huệ Hương – Melbourne 5/6/2021

____________________________________

(1) Trích đoạn lời dạy của Sư Ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh

Tâm Vốn Là Tấm Gương Sáng Chói: Sự Hình Thành Tư Tưởng Duy Biểu Và Tư Tưởng Hoa Nghiêm.

Thầy Tăng Hội dạy rằng nhờ những yếu tố gọi là thiện pháp của thiền định mà chúng ta có thể đốt cháy, tiêu khử và diệt trừ được những uế ác trong tâm và khi mà những uế ác và cấu uế ở trong tâm đã được tiêu diệt thì tự nhiên ánh sáng xuất hiện ở trong tâm ta và ta thấy được những điều mà trước đó ta không thấy. Những cái thấy đó ta không cần phải đi tìm đâu xa. Cũng giống như một tấm kính bụi bám sau khi đã được lau chùi rồi thì tự nhiên khả năng chiếu sáng của nó lộ ra chứ mình không phải đi tìm ở chỗ khác. Những tư tưởng này chúng ta đã thấy ở trong kinh Tăng Chi Bộ: Kinh ấy dạy rằng tâm mình vốn là sáng chói. Ta đọc đoạn này trong bài tựa Kinh An Ban Thủ Ý: “Này quý vị tỳ kheo, tâm vốn là sáng chói nhưng vì bị những khách trần phiền não làm cho lu mờ, cho nên khi chúng ta tiêu diệt được những khách trần phiền não ấy thì tự nhiên tính cách sáng chói của tâm lại hiện ra. Lúc đó trí tuệ bừng nở, chúng ta không cần đi tìm kiếm ở chỗ khác. Vì vậy thiền tập trước hết là loại trừ, tức là khí (khử) và trong đó trước hết chúng ta nhắm tới cái đối tượng loại trừ thứ nhất tức là năm sự ngăn che và sau đó là những nội kết, những kết sử ở trong lòng của chúng ta. Thành công thì các thứ cấu uế của ba chất độc, bốn sự rong ruổi, năm sự ngăn che và sáu đường ám muội đều được tiêu diệt. Lúc bấy giờ, tâm tư bừng sáng, còn sáng hơn hạt châu minh nguyệt. Những tâm niệm dâm tà và ô nhiễm như bùn nhơ bám vào tấm kính sáng đều được gột sạch. Tấm kính giờ đây đặt trên mặt đất và ngửa mặt lên trời, thì không có cõi nào mà không chiếu tới. Trời đất rộng lớn vô cùng nhưng một tấm kính vẫn có thể thu nhiếp tất cả. Tâm ta bị các thứ cấu uế bao phủ cũng như tấm kính lấm bùn kia, nếu được gặp minh sư trau chuốt dũa mài và lau sạch hết mọi đất bùn và bụi bặm thì khi đem tâm ấy ra soi chiếu, không tơ hào nào là không hiện rõ trên mặt kính. Cáu bẩn không còn thì ánh sáng hiện ra.” Trong khi thầy Tăng Hội viết bài tựa kinh An Ban Thủ Ý này, thì giáo lý Duy Thức chưa được đem ra giảng dạy. Lúc bấy giờ đã có một số kinh đại thừa xuất hiện. Chúng ta biết chắc thầy Tăng Hội đã được đọc kinh Bát Nhã, tại vì chính thầy đã dịch Tiểu Phẩm Bát Nhã, tức là Đạo Hành Bát Nhã, có tám nghìn câu. Và thầy đã được đọc kinh Pháp Hoa. Thầy cũng đã được đọc những kinh đầu của hệ Hoa Nghiêm, ví dụ kinh Thập Địa. Thầy đã biết tới giáo lý trùng trùng duyên khởi của kinh Hoa Nghiêm. Điều này chúng ta thấy rõ khi chúng ta đọc bài tựa kinh An Ban Thủ Ý. Vào thời thầy Tăng Hội, những kinh như kinh Thắng Man, kinh Đại Niết Bàn, kinh Lăng Già… chưa xuất hiện. Chúng ta biết rằng những tác phẩm lớn như Duy Thức Luận của Thế Thân và Nhiếp Đại Thừa Luận của Vô Trước, anh ruột của ngài Thế Thân, cũng chưa có. Tại vì các vị này sống ở thế kỷ thứ V. Vì vậy chúng ta rất ngạc nhiên thấy tư tưởng Duy Thức đã có mặt trong giáo lý của thầy Tăng Hội vào đầu thế kỷ thứ IIỊ Đoạn mà chúng ta vừa đọc nói về đại viên cảnh trí, tức là trí tuệ do thức A- lại-gia trở thành, khi thức này đã gột sạch được vô minh phiền não. Khi những phiền não đã được lấy đi, đã được đốt cháy, đã được chuyển hóa thì thức A-lại-gia trở thành một tấm kính rộng lớn, có thể soi thấu được mười phương. Nếu chúng ta đọc bài này với ý thức về lịch sử thì chúng ta thấy rằng thầy Tăng Hội là một trong những người đi tiên phong về Duy Thức. Tuy thầy không sử dụng các danh từ A-lại-gia và đại viên cảnh trí, nhưng ý niệm về đại viên cảnh trí đã rất rõ ràng. Chúng ta hãy đọc lại: “Lúc bấy giờ, tâm tư bừng sáng, còn sáng hơn hạt châu minh nguyệt. Những tâm niệm dâm tà và ô nhiễm như bùn nhơ bám vào tấm kính sáng đều được gột sạch. Tấm kính giờ đây đặt trên mặt đất và ngửa mặt lên trời, thì không có cõi nào mà không chiếu tới.” Chúng ta có cảm tưởng là đang đọc kinh Hoa Nghiêm về trùng trùng duyên khởi. “Trời đất rộng lớn vô cùng nhưng một tấm kính vẫn có thể thu nhiếp tất cả.” Đây không phải là tư tưởng Hoa Nghiêm thì là tư tưởng gì ? Cái một ảnh hiện cái tất cả. “Tâm ta bị các thứ cấu uế bao phủ cũng như tấm kính lấm bùn kia, nếu được gặp minh sư trau chuốt dũa mài và lau sạch hết mọi đất bùn và bụi bặm thì khi đem tâm ấy ra soi chiếu, không tơ hào nào là không hiện rõ trên mặt kính.” Ta có thể thấy được tất cả các cõi Phật trong mười phương thế giới. “Cáu bẩn không còn thì ánh sáng hiện ra. Đó là chuyện tất nhiên. Ngược lại, nếu phiền não tràn ngập làm tâm ý tán loạn thì trong số một vạn niệm được khởi lên ta không nhận biết được một niệm. Cũng giống như ngồi ngoài chợ mà nghe lao xao một lần bao nhiêu tiếng ồn ào rồi trở về ngồi yên mà cố nhớ lại thì không thể nhớ được một lời nào. Sở dĩ tâm phóng dật và ý tán loạn là vì uế trược chưa được khai thông. Nếu tìm về chỗ thanh vắng để thực tập cho tâm lắng đọng và ý không còn bị những tà dục lôi kéo thì lúc ấy lắng tai ta có thể nghe rõ được cả vạn lời, không có lời nào bị bỏ sót. Tâm tĩnh và ý trong thì có thể làm được như vậy.” Thầy Tăng Hội đang nói về tứ thiền và quán chiếu. Ban đầu thầy nói tới sổ tức, tùy tức và chỉ. Bây giờ thầy nói về quán. Chúng ta hãy đọc tiếp thêm một đoạn nữa. “Thực tập sự vắng lặng và làm ngưng chỉ tâm ý ở đầu chóp mũi, đó gọi là tam thiền. Quay trở về để quán chiếu thân mình, từ đầu tới chân, ta lặp lại sự quán sát những yếu tố ô nhiễm trong cơ thể và thấy được rõ ràng mọi lỗ chân lông dày đặc trong toàn thân và chất loãng rịn ra từ các lỗ chân lông ấy.” Ở đây chúng ta lại có cảm tưởng là đang đọc kinh Hoa Nghiêm: quán chiếu một lỗ chân lông trong cơ thể mà có thể thấy được toàn thể pháp giới. “Từ đấy ta có thể quán chiếu được cả trời, đất, người và vật, tất cả những thịnh suy của các hiện tượng ấy và ta sẽ thấy được tính cách không còn không mất của chúng.” Không còn không mất tức là không hữu cũng không vô. Nếu chúng ta học kinh An Ban Thủ Ý với nhãn quan của một người tu tiểu thừa thì chúng ta không thể nào thấy được những điều mà thầy Tăng Hội thấy. Thầy Tăng Hội phát xuất từ truyền thống đại thừa. Thầy đã sử dụng kinh An Ban Thủ Ý như một vị bồ tát: quán chiếu một lỗ chân lông và có thể thấy được cả trời, cả đất, cả người, cả vật và tất cả thịnh suy của những hiện tượng ấy. Quán chiếu như thế, ta sẽ thấy được tính cách không mất không còn của chúng. Không có, không không, không tới, không đi, không một, không nhiều. Đó là thầy nói về quán, sau khi đã nói về chỉ.

(2) Thiền uyển tập anh (chữ Hán: 禪苑集英), còn gọi là Thiền uyển tập anh ngữ lục (禪苑集英語錄), Ðại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục (大南禪宛傳燈集錄), Ðại Nam thiền uyển truyền đăng (大南禪宛傳燈), Thiền uyển truyền đăng lục (禪苑傳燈錄) là một tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Hán ghi lại tương đối hệ thống các tông phái Thiền học và sự tích các vị Thiền sư nổi tiếng vào cuối thời Bắc thuộc cho đến thời Đinh, Lê, Lý và một số ít vị lớp sau còn sống đến đầu triều Trần; tức từ cuối thế kỷ 6 đến thế kỷ 13. Ðây là tài liệu lịch sử cổ nhất của Phật giáo Việt Nam hiện có [1].

Được biết HT Thích Nhất Hạnh quyết rằng chính thiền sư Thông Biện là người bắt đầu biên tập Thiền uyển tập anh. Sau đó, tập tài liệu này truyền qua các thiền sư là Ðạo Huệ (? – 1073), Minh Trí (? – 1196), Thường Chiếu, Thần Nghi (? – 1216) và cuối cùng là Ẩn Không (? – ?). Và cũng theo giáo sư, chắc hẳn là mỗi vị khi nhận được sách đã ghi chép về những gì mình nghe thấy về đạo Phật trong thời đại mình. Vậy ta có thể kết luận là tác giả “Thiền uyển tập anh” gồm nhiều người, trong đó những vị sau đây là quan trọng nhất: Thông Biện, Thường Chiếu, Thần Nghi và Ẩn Không [5].

Tương tự, trong Lời Tựa cho lần in năm 1990, Thượng tọa Thích Thanh Tứ cũng đã viết rằng: Tuy cuốn Thiền uyển tập anh không ghi rõ tên soạn giả, nhưng qua các tài liệu tham khảo chúng ta có thể xác định tác phẩm này đã được ngài Thông Biệnthiền sư khởi thảo từ thời Lý đến ngài Biện Tài, Thường Chiếu, Thần Nghi… Trải qua một quá trình biên soạn rồi đến thiền sư Ẩn Không là người hoàn tất việc biên soạn cuối cùng [6].

Thiền sư Ẩn Không, trong Thiền uyển tập anh không có truyện, nên không biết gì về ông. Tuy nhiên, nhờ một câu chú thích do người sau thêm vào sau truyện Thiền sư Thần Nghi, mà biết được ông là người ở tại Lượng Châu, huyện Na Ngạn (khi ấy bao gồm miền đất thuộc Lục Nam, Lục Ngạn và một phần huyện Yên Dũng của tỉnh Bắc Giang ngày nay), nên còn được đời gọi là Na Ngạn đại sư, thuộc thế hệ thứ 14 của phái thiền Vô Ngôn Thông. Ông được thầy trao truyền tập sử liệu vào năm 1216. Đến năm 1225, nhà Trần thành lập. Rất có thể sau năm này ông hoặc đệ tử của ông cho khắc in Thiền uyển tập anh (hoàn thành từ tập sử liệu vừa kể), cho nên Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú đều chép là “do người đời Trần soạn”[7].

(3) Ngài thuộc dòng dõi quyền quý ở nước Khương Cư (Iran ngày nay). Để tránh vấn đề tranh chấp xảy ra ở Khương Cư, cha mẹ Ngài đã rời bỏ quê hương, sang Giao Chỉ (Việt Nam) lập nghiệp. Với vốn liếng sẵn có, lại thêm tài giỏi, chẳng bao lâu gia đình Ngài tạo được một tài sản đáng kể ở nơi vừa đến sinh sống.

Vừa tạo dựng được sự nghiệp nơi đất lạ quê người, thì cha mẹ Ngài liền lâm trọng bệnh và lìa đời. Bấy giờ mới 10 tuổi đầu, Ngài đã cảm nhận sâu sắc ý nghĩa cuộc sống vô thường. Với căn lành sâu sày từ bao kiếp gieo trồng nơi Phật pháp, đã thúc đẩy chú bé thơ hành động sáng suốt như một người trưởng thành nhiệt tình hộ đạo. Thật vậy, Ngài đem dâng tất cả tài sản của cha mẹ để lại cho Trung tâm phiên dịch kinh điển Luy Lâu. Và hơn thế nữa, cùng lúc với việc xả ái tài, Ngài xuất gia tu học ở Luy Lâu.

Là một bậc siêu phàm, chẳng bao lâu tài đức của Phương Tăng Hội vang danh khắp chốn. Bấy giờ Giao Chỉ lệ thuộc Đông Ngô. (Ngô Tôn Quyền ) lúc ấy uy danh Ngài lừng lẫy, được dân chúng hết lòng kính trọng. và sau năm 229, khi nhà Hán sụp đổ, thì nội thuộc vào nước Đông Ngô, một trong ba nước của đời Tam Quốc. Kinh đô Đông Ngô là Kiến Nghiệp, tức là Nam Kinh bây giờ.

Thầy đã thiết lập đạo tràng, huấn luyện đồ chúng và phiên dịch kinh điển tại Giao Chỉ. Trung tâm hành đạo của thầy có thể đã được thiết lập ở chùa Diên Ứng, còn gọi là chùa Dâu hay chùa Pháp Vân, ở thủ phủ Luy Lâu, tức phủ Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Chùa Pháp Vân dựng gần nha môn của quan thái thú Sĩ Nhiếp, đã là một trung tâm hành đạo phồn thịnh cho đến triều nhà Lý, dù rằng sau đó Luy Lâu không còn là thủ phủ của Giao Châu nữa. Tăng sĩ người Giao Châu cư trú đông đảo ở đây và tu tập hành đạo dưới sự hướng dẫn của thiền sư Tăng Hội. Tại trung tâm này cũng có hai vị cư sĩ từ kinh đô Lạc Dương tỵ nạn chạy về, đó là Trần Tuệ và Bì Nghiệp. Cả hai đều là đệ tử tại gia của thiền sư An Thế Cao ở Lạc Dương. Thầy An Thế Cao là người An Tức (Parthia) cũng Bắc Ấn. Hồi đó bên nhà Hán, người Hán chưa được phép xuất gia làm tăng sĩ. Chỉ ở Giao Châu mới có tăng đoàn địa phương, ngoài một số ít tăng sĩ người Ấn độ. Hai vị cư sĩ này đã mang theo về Luy Lâu một số kinh thiền do thiền sư An Thế Cao dịch. Thầy Tăng Hội đã mời các vị này gia nhập vào ban nghiên cứu phiên dịch và chú giải kinh điển của trung tâm Luy Lâu. Cư sĩ Trần Tuệ đã chú giải kinh An Ban Thủ Ý. Thầy Tăng Hội đã đọc lại bản chú giải, thêm bớt, và viết bài tựa. Bài tựa của kinh An Ban Thủ Ý, theo tài liệu chắc chắn, đã được viết tại Giao Châu, và nhiều kinh khác mang tên thầy là dịch giả chắc hẳn cũng đã được dịch tại Giao Châu.

Truyền thống của thầy Tăng Hội thành lập đã trở nên một thiền phái vững mạnh, tồn tại mãi tới đời Lý và sau đó đến đời Trần mới hòa nhập cùng các thiền phái như Tỳ Ni

(4) Khi học về truyền thống sinh động của thiền tập đạo Bụt, chúng ta đã bắt đầu từ Ấn Độ rồi sang Việt Nam. Khi nói về thiền Việt Nam, chúng ta có cơ hội xét lại thiền tông ở Trung Quốc.

Chúng ta làm khác với cách thông thường là từ Ấn Độ đi sang Trung Quốc, rồi từ Trung Quốc mới về Việt Nam. Lý do là vì ở Việt Nam chúng ta có thiền phái Tăng Hội, được thiết lập vào thế kỷ thứ 3, tức 300 năm trước ngày tổ Bồ-Đề Đạt-Ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa để dạy thiền.

Sau khi thiết lập tông thiền này tại Giao Chỉ, thiền sư Khương Tăng Hội đã sang nước Ngô để dạy thiền. Như vậy sơ tổ của thiền tông Việt Nam đã sáng lập một tông phái thiền ở Việt Nam, và đã sang Trung Quốc để thiết lập tông phái đó ở Trung Quốc, gọi là thiền Tăng Hội.

Thiền Tăng Hội không phải chỉ là thiền của một thiền sư dạy mà là cả một tông phái. Sách Thiền Uyển Tập Anh có bằng chứng tông phái đó đã kéo dài hàng ngàn năm. Trong câu chuyện về thiền sư Thông Biện, sách Thiền Uyển Tập Anh có câu: “Đại diện cho tông phái của thiền sư Tăng Hội là thiền sư Lôi Hà Trạch đang sống trong thời đại của chúng ta”. Thời đại đó là đời nhà Lý.

Như vậy nghĩa là từ thế kỷ thứ 3 cho đến thế kỷ thứ 12, tông phái thiền gọi là tông phái Tăng Hội vẫn sống, vẫn truyền thừa, và nhờ tác phẩm đó mà chúng ta biết rằng người nối giỏi cho tông phái thiền Tăng Hội là thiền sư Lôi Hà Trạch.

Chúng ta không chịu ghi chép đàng hoàng, cho nên chúng ta thiếu tài liệu. Điều đó không có nghĩa là các thiền phái ở đất nước ta không được truyền thừa liên tục.

Chỉ cần một câu trong Thiền Uyển Tập Anh là chúng ta biết rằng phái thiền Tăng Hội không phải chỉ có mặt trong thời Tăng Hội còn tại thế, mà sau khi thầy Tăng Hội đã sang Tàu để dạy thiền, thì phái thiền Tăng Hội vẫn tiếp tục. Bằng cớ hùng hồn nhất là chúng ta có một thiền sư đại diện cho phái thiền Tăng Hội trong đời nhà Lý, tên là Lôi Hà Trạch.

(5) Lục Diệu pháp môn chính là :SỔ, TUỲ , CHỈ , QUÁN, HOÀN, TỊNH

(6) Như Lai Thiền chính là đường lối tiệm tu

Tổ Sư Thiền là đốn ngộ.

Nhưng hai pháp môn này đều không thể tách rời vì căn cứ vào tích sử của các vị Tổ Sư Thiền từ Ấn Độ Trung Hoa và Việt Nam đã minh chứng

(7) ( Bài kệ tán thán công hạnh Thiền Sư Khương Tăng Hội của Tôn Xước, một người trí thức trong hoàng gia Đông Ngô kính dâng Ngài )
Lặng lẽ, một mình,
đó là khí chất
tâm không bận bịu
tình không vướng mắc
đêm đen soi đường
lay người thức giấc
vượt cao, đi xa
thoát ngoài cõi tục.

(8) Hành giả đã thành tựu được pháp An Ban thấy tâm thức mình sáng ra. Lấy cái sáng ấy mà quán chiếu thì không có chỗ tối tăm nào mà không soi tới. Người ấy có thể thấy được những gì đã xảy ra từ vô số kiếp về trước và cũng có thể thấy được các cảnh giới trong hiện tại cùng với người và vật trong các cảnh giới ấy, trong đó có các vị Bụt đang giáo hóa và các giới đệ tử đang học hỏi và thực tập. Lúc bấy giờ không cảnh nào mà không thấy, không tiếng nào mà không nghe, người ấy đạt tới cái tự do lớn, không còn bị trói buộc bởi ý niệm còn, mất, thấy được cái vô cùng lớn như núi Tu Di trong cái vô cùng nhỏ như lỗ chân lông, chế ngự được trời đất, làm chủ được thọ mạng. Thần lực bây giờ trở nên dũng mãnh, người ấy có thể đánh bại cả thiên binh, chuyển động được thế giới tam thiên, xê dịch được muôn ngàn cõi nước, thể nhập được vào cõi bất khả tư nghị, năng lực này đến cả Phạm Thiên cũng không lường được. Thần đức của người ấy trở nên không hạn lượng, chỉ vì người ấy đã thực hành được sáu hạnh (ba la mật) vậy. Trước khi Bụt thuyết kinh này, hai cõi nhân thiên đều chấn động và thay đổi màu sắc. Suốt trong ba ngày Bụt an trú trong an ban, không ai được tiếp xúc với Người. Rồi Bụt hóa hiện làm hai thân, một là báo thân, một là ứng thân để diễn bày chân nghĩa. Các vị đại sĩ và thượng nhân trong giới sáu đôi và mười hai hạng, không ai là không chấp hành theo lời dạy của Bụt.

Có vị bồ tát tên An Thanh hiệu là Thế Cao, con đích của vua nước An Tức, sau khi nhường ngôi cho chú đã lánh sang nước này, sau khi chu du nhiều nơi mới về tới kinh sư. Là người học rộng biết nhiều, uyên bác trong mọi lĩnh vực, ngài có kiến thức giàu có về bảy môn học đương thời. Những thuật phong khí, những điềm lành dữ, những thiên tai như núi dời đất động, những y thuật như thấy mặt biết bệnh, ngài đều nắm vững. Ngài lại biết được cả âm thanh của các loài chim thú và ôm được vào lòng cả sự rộng rãi của âm dương. Thấy lê dân sống trong mờ tối, ngài cảm thấy xót thương, muốn mở rộng tầm thấy nghe của họ, để giúp cho họ thấy rõ, nghe cho thông, cho nên đã vì họ mà giảng bày con đường lục độ chân chánh, và phiên dịch pho bí áo An Ban Thủ Ý này. Không ai học theo với ngài mà không khử bỏ được uế trược vô minh và đạt tới mức sống sáng tỏ và trong sạch.

Tăng Hội tôi, sinh ra mới tới tuổi vác nổi bó củi thì cha mẹ đã qua đời. Bậc tam sư cũng đã theo nhau khuất núi. Mỗi khi ngước nhìn mây trời thường không khỏi cảm thấy xúc động, buồn thương rơi lệ. May thay, nhờ phước duyên kiếp xưa chưa hết nên đã may mắn gặp được ba vị hiền giả là Hàn Lâm người Nam Dương, Bì Nghiệp người Dĩnh Xuyên và Trần Tuệ người Hội Khể. Cả ba đều có niềm tin vững chãi, chí đức cao siêu, cả ba đều tinh cần đi tới trên con đường phục vụ đạo pháp, không biết mệt mỏi là gì. Từ lúc có dịp thân cận và đàm đạo với ba vị, tôi nhận ra rằng giữa chúng tôi, lề lối làm việc và tâm ý phối hợp nhau một cách hoàn toàn, không có chỗ nào mâu thuẫn. Cư sĩ Trần Tuệ làm việc chú giải và thích nghĩa còn tôi thì giúp đỡ bằng cách gạn lọc, thêm chỗ này, bớt chỗ kia. Tuy nhiên những điều mà đại sư không truyền thừa thì chúng tôi không dám tự do thêm thắt. Nói bao nhiêu cũng không cạn được ý Bụt, vì vậy chúng tôi kính mời các bậc hiền giả minh triết cùng nhau tham cứu. Hễ thấy có điểm nào còn sơ sót, xin vui lòng bổ chính để cùng nhau làm sáng tỏ thêm ra thánh ý của Bụt.

(9) ngài chuyên tâm phiên dịch kinh điển. Các bộ kinh Ngài đã dịch như: A Nan niệm di, kinh Diện Vương, Sát Vi Vương, Phạm Hoàng kinh, tiểu phẩm (Bát Nhã), Lục độ phẩm (Sáu pháp Ba La Mật), tạp thí dụ (phẩm thí dụ trong kinh Pháp Hoa)… Mỗi bộ kinh đều được giải thích tường tận, chuẩn xác.

Thiền sư Khương Tăng Hội là người rất thông minh, có biện tài, chuyên trì giới luật, tinh làu Tam tạng Thánh điển, được Tăng chúng tại Trung tâm Phật giáo Luy Lâu vô cùng ngưỡng mộ. Đại sư còn tinh thông cả Tứ thư Ngũ kinh (Nho giáo), giỏi thiên văn, toán số, đồ thư, văn chương lưu loát, lại hay biện luận về chính trị.

Đặc biệt, Thiền sư Khương Tăng Hội đã có công đức viết bài tự cho kinh An ban thủ ý, quyển kinh Thiền căn bản của Phật giáo Nguyên thủy, và viết bài giới thiệu Lục độ tập kinh. Từ đó mà địa vị của Thiền Sư Khương Tăng Hội trong Thiền học Phật giáo Việt Nam không còn có ai có thể phủ nhận được nữa. Địa vị đó là: Thiền Sư Khương Tăng Hội chính là Sơ tổ của Thiền tông Việt Nam, tức thuộc Quán tông (pháp hành).
Những tác phẩm được xem có liên quan đến thiền sư Khương Tăng Hội [1]:

1. An Ban Thủ Ý, An Thế Cao dịch, Tăng Hội và Trần Huệ chú sớ, Tăng Hội đề tựa.
2. Pháp Cảnh Kinh, An Huyền dịch, Tăng Hội chú sớ và đề tựa.
3. Ðạo Thọ Kinh, Chi Khiêm dịch, Tăng Hội chú sớ và đề tựa.
4. Lục Ðộ Yếu Mục, Tăng Hội biên tập (không còn).
5. Nê Hoàn Phạm Bối, Tăng Hội biên tập (không còn).
6. Ngô Phẩm (Ðạo Hành Bồ Tát), Tăng Hội dịch (không còn).
7. Lục Ðộ Tập Kinh, Tăng Hội biên tập.

(10) Căn bản của thiền pháp này vẫn là sự thực tập hơi thở ý thức và pháp quán chiếu về bốn lĩnh vực hiện hữu, gọi là tứ niệm xứ và các pháp quán tưởng căn bản đã được nêu ra trong các thiền kinh nguyên thủy.

An Ban là đại thừa của chư Phật để cứu chúng sanh trôi nổi. Nó có sáu việc để trị sáu tình. Tình có trong ngoài. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm gọi là trong. Sắc, tiếng, hương, vị, mịn trơn, tà niệm gọi là ngoài. Kinh nói: “Các biển mười hai việc”. Đó là sáu tình. Trong ngoài nhận lấy hạnh tà, như biển nhận sông, kẻ đói mơ cơm, vì không no đủ.
Tâm no tràn trề, không nhỏ gì không thấm, nhanh chóng phảng phất, vào ra không ngớt, trông không có hình, nghe không có tiếng, đón không có trước, tìm không có sau, vi tế mầu sâu, hình không tơ hào, phạm thích tiên thánh cũng không thể rọi soi, lặng gieo ở đây, hoá sinh nơi kia, phàm chẳng thể thấy, gọi nó là ấm. Như lúc im trời, kẻ gieo cuốc sâu, vung tay lấp hạt, có đến vạn ức. Người bên không thấy hình chúng, kẻ gieo không biết số chúng. Một hạt mục dưới, vạn cây mọc lên. Trong khoảng búng tay, tâm chuyển chín trăm sáu mươi lần, một ngày một đêm, mười ba ức ý. Ý có một thân, tâm không tự biết, như kẻ gieo kia. Vì thế, hành tịch cột ý bám sổ tức một cho đến mười. Mười đếm không sai, ý định tại đó. Định nhỏ ba ngày, định lớn bảy ngày, lặng không niệm khác, vắng yên như chết, gọi nó nhất thiền. Thiền bỏ là bỏ mười ba ức ý niệm.

Đã được định sổ (tức), chuyển niệm bám tùy, bỏ hết tám ý, chỉ có hai ý. Ý định ở tuỳ, do tại sổ tức, bẩn dơ tiêu hết, tâm hơi trong sạch, đó gọi nhị thiền.

An là thân. Ban là hơi thở. Thủ ý là đạo. Thủ là cấm, cũng gọi là không phạm giới. Cấm cũng là giữ. Gĩư là giữ hết tất cả, không chỗ phạm. Ý là hơi thở, ý cũng là đạo.

An là nhận năm ấm. Ban là trừ năm ấm. Thủ ý là hiểu nhân duyên, không theo thân, miệng, ý. Thủ ý, không chỗ bám víu là thủ ý. Có chỗ bám víu là không thủ ý. Tại sao? Vì ý dấy lên lại diệt mất. Ýùkhông còn dấy lên là đạo. Đó là thủ ý. Thủ ý là chẳng khiến ý sinh. Sinh nhân có tử là không thủ ý, chẳng khiến ý chết. Có chết nhân có sinh, ý cũng không chết. Đó là đạo.

Thiền bỏ là bỏ mười ba ức ý niệm dở, đã đạt được định bằng đếm, chuyển niệm qua tùy, vứt bỏ tám món thì chính có hai ý. Ý định ở tùy do việc đếm số. Bẩn dơ tiêu hết, tâm hơi trong sạch gọi là nhị thiền.

Lại vứt đi một ý, chú ý vào đầu mũi, thì gọi là chỉ. Hành thiền đạt chỉ thì ba độc, bốn đường, năm ấm, sáu tối, mọi dơ đều dẹp. Tâm sáng rõ ràng hơn chân minh nguyệt, dâm tà dơ tâm, như gương ở bùn, cấu dơ quấy bẩn, đưa lên chiếu trời, úp xuống thấy đất, thông suốt thấy rõ tới muôn cõi. Tuy trời đất có lớn, thì không một cái to lớn nào có thể thấy. Sở dĩ như vậy là do nó bị bẩn dơ. Cái bẩn làm dơ tâm, còn hơn gương kia. Nếu có được thầy giỏi cạo gội lau chùi đến nổi bụi mỏng hơi che cũng sạch không còn, thì cầm lên để soi, lông tóc nét mặt không nhỏ gì là không thấy ấy là vì bẩn hết cho nên khiến được sáng vậy. Tình tràn thì ý lan, niệm muôn, mà không biết một, giống như ở chợ buông lòng nghe theo rộng thấu mọi tiếng nói, lui về ngỏ mà nhớ lại, không biết lời nói của một người. Tâm buông ý tan thì bẩn che chỗ thông. Nếu mình ở chỗ vắng, tâm lặng lẽ suy, chí không ham tà, nghiêng tai lắng nghe thì muôn câu không sót, một lời vẫn nhớ. Ấy là do tâm lắng, ý trong. Thiền định ngừng ý treo ở đầu mũi, đó gọi là tam thiền.

Trở lại thân, từ đầu đến chân, xét kỷ nhiều lần, đồ dơ trong thân, lông tóc xồm xoàm, như thấy mủ chảy, theo đó xem rõ hết trời đất người vật, thịnh cũng như suy, không gì tồn tại mà không tiêu vong, tin Phật ba báu, mọi tối đều sáng, ấy gọi tứ thiền.

Đưa tâm về niệm, các ấm đều diệt, ấy gọi là hoàn. Dục dơ vắng sạch, tâm không còn tưởng, ấy gọi là tịnh.

Người đạt được hạnh an ban, thì tâm họ sáng, đưa mắt xem trông thì không gì tối mà không thấy, việc xưa vô số kiếp và sắp tới cùng người vật hiện tại đang đổi thay ở các cõi, trong đó có đức Thế Tôn giáo hoá đệ tử đọc theo, không xa gì là không thấy, không tiếng gì là không nghe, nhanh nhẹn nhẹ nhàng, còn mất tự do, lớn sánh tám phương, nhỏ gom đầu lông, ngăn trời đất, giữ mạng sống, hiếp đức thần, phá lính trời, rung vũ trụ, dời các cõi, có tám bất tư nghì, trời chẳng thể lường, thần đức vô hạn. Ấy do sáu hạnh vậy.

Đức Thế Tôn, xưa sắp giảng kinh này thì vũ trụ rung chuyển, trời người đổi nét mặt, ba ngày “an ban”, không ai có thể hỏi. Do đó, đức Thế Tôn hoá ra hai người, một người hỏi, một vị tôn chủ diễn thuyết, kinh này mới ra đời. Đại sĩ thượng nhân cử sáu chúng mười hai nhóm, không ai là không chấp hành.

This entry was posted in Sách Truyện, Thơ Văn. Bookmark the permalink.