Cái Gì Là Lõi Cây

Nhân sự kiện Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) chạy theo danh lợi lôi kéo 500 Tỷ-kheo trẻ ra đi thành lập hội chúng riêng, Đức Phật triệu tập chúng Tăng và thuyết bài kinh Đại kinh Thí dụ lõi cây (Mahàràropamasutta) nhằm nhắc nhở các Tỷ-kheo về lý tưởng và mục đích cao cả của chí nguyện xuất gia – đoạn tận khổ đau – mà chư vị  cần phải nỗ lực theo đuổi cho tới cùng, quyết không để cho danh vọng lợi dưỡng hay các mục đích tầm thường khác mê hoặc lôi kéo vào con đường sa ngã. Bài kinh dùng hình ảnh người đi tìm lõi cây để ám chỉ người xuất gia sống đời sống Phạm hạnh với mục đích tìm kiếm cứu cánh giải thoát và nêu ra năm hạng Phạm hạnh tương ứng với năm thành quả của sự tu tập mà người xuất gia có được nhằm nhấn mạnh đến kết quả cuối cùng là sự thành  tựu phi thời giải thoát  (asamayavimokkha) hay tâm giải thoát bất động (akkupà-cetovimutti), được xem là mục đích cứu cánh, là lõi cây của đời sống Phạm hạnh. Năm hạng Phạm hạnh gồm:

1. Phạm  hạnh  cành  lá (sàkhàpalàsa): nói về việc người xuất gia được lợi dưỡng, cung kính, danh vọng (làbhasakkàrasiloka) rồi sinh tâm hoan hỷ tự mãn, khen mình chê người, trở thành kẻ mê say, tham đắm, phóng dật, rơi vào khổ đau.

2. Phạm hạnh vỏ ngoài (papatikà): ngụ ý sự tu tập thành tựu giới đức (sìla) khiến người xuất gia sinh tâm hoan hỷ tự mãn, khen mình chê người, trở thành kẻ mê say, tham đắm, phóng dật, rơi vào khổ đau.

3. Phạm hạnh  vỏ trong (taca): ngụ ý sự thành  tựu thiền định  (samàdhi) khiến người xuất gia sinh tâm hoan hỷ tự mãn, khen mình chê người, trở thành  kẻ mê say, tham đắm, phóng dật, rơi vào khổ đau.

4. Phạm hạnh giác cây (pheggu): ngụ ý sự thành tựu tri kiến (nànadassana) khiến người xuất gia sinh tâm hoan hỷ tự mãn, khen mình chê người, trở thành kẻ mê say, tham đắm, phóng dật, rơi vào khổ đau.

5. Phạm hạnh lõi cây (sàra): nói về việc người xuất gia tu tập  lần lượt đạt  đến  mục đích cứu cánh, tức thành tựu thời giải thoát (samayavimokkha) và phi thời giải thoát  (asamayavimokkha) hay còn gọi là tâm giải thoát  bất  động  (akkupà-cetovimutti), chấm dứt hoàn toàn mọi khổ đau.

Có thể xem bài kinh là bài học lớn cho người xuất gia. Ngoài ý nghĩa lưu nhắc các Tỷ-kheo về lý tưởng và mục đích cứu cánh của đời sống xuất gia, bài kinh còn chỉ rõ thái độ lệch lạc trong việc tu tập khiến cho người xuất gia dễ rơi vào các mục đích tầm thường, nhầm lẫn giữa đường  hướng và mục tiêu, giữa phương  tiện và cứu cánh. Đó là thái độ tự mãn; khen mình, chê người; mê say, tham đắm đối với các thành quả tạm thời trên bước đường tu tập dẫn đến lối sống phóng dật sa đọa. Chính thái độ lệch lạc này khiến cho người xuất gia trở nên mê muội, điên đảo, rơi vào các mục đích thường tình, như tự bằng  lòng với danh  vọng lợi dưỡng, hài lòng với giới đức, thỏa mãn với thiền định, cao ngạo với tri kiến, không còn nỗ lực cầu tiến, không đạt được cứu cánh giải thoát như chí nguyện xuất gia buổi ban đầu. Tương tự một người tha thiết đi tìm lõi cây, nhưng thay vì nỗ lực lấy cho được lõi cây, lại chỉ bằng  lòng mang về cành lá, vỏ ngoài, vỏ trong hay giác cây. Sau đây là toàn bộ nội dung lời Phật thuyết giảng1:

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị thiện nam tử do lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: ‘Ta bị chìm đắm trong sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể, toàn bộ khổ uẩn này có thể được chấm dứt’. Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Do lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, vị ấy hoan hỷ, mãn nguyện. Do  lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, vị ấy khen mình, chê người: ‘Ta được lợi dưỡng như vậy, được danh vọng như vậy. Còn các Tỷ-kheo khác ít được biết đến, ít có uy quyền’. Vị ấy, vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ. Chư Tỷ-kheo, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: ‘Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này không đạt mục đích mà lõi cây có thể thành tựu’… Chư Tỷ-kheo, như vậy vị ấy được gọi là Tỷ-kheo đã nắm lấy cành lá của Phạm hạnh. Và do vậy, vị ấy đã dừng lại ở đây.

“Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình… Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, khen mình, chê người. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn. Do thành tựu giới đức này, vị ấy khen mình, chê người: ‘Ta là người trì giới, theo thiện pháp. Các Tỷ-kheo khác phá giới, theo ác pháp’. Do thành tựu giới đức này, vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ. Chư Tỷ-kheo, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: ‘Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng đó là lõi cây. Và người này không đạt mục đích mà lõi cây có thể thành tựu’… Chư Tỷ-kheo, như vậy vị ấy được gọi là Tỷ-kheo đã nắm lấy vỏ ngoài của Phạm hạnh. Và do vậy, vị ấy đã dừng lại ở đây.

“Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình… Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, khen mình, chê người. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức này, vị ấy hoan hỷ, nhưng không tự mãn. Do thành tựu giới đức này, vị ấy không khen mình, chê người. Do thành tựu giới đức này, vị ấy không trở thành  mê say, tham  đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu thiền định. Do thành tựu thiền định này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn. Do thành tựu thiền định này, vị ấy khen mình, chê người: ‘Ta có thiền định nhất tâm. Các Tỷ-kheo khác không có thiền định, tâm bị phân tán’. Do thành tựu thiền định này, vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ. Chư Tỷ-kheo, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, chặt vỏ trong, lấy chúng mang đi, tưởng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy, bèn nói: ‘Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng,  có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, chặt vỏ trong mang đi, tưởng đó là lõi cây. Và người này không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu’… Chư Tỷ-kheo, như vậy vị ấy được gọi là Tỷ-kheo đã nắm lấy vỏ trong của Phạm hạnh. Và do vậy, vị ấy đã dừng lại ở đây.

“Lại nữa, ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình… Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, khen mình, chê người. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức, vị ấy hoan hỷ, nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này, khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu thiền định. Vị ấy do thành tựu thiền định này, nên hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu thiền định này, khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu thiền định này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu tri kiến. Vị ấy vì tri kiến này, nên hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy do tri kiến này, khen mình, chê người: ‘Ta sống, thấy và biết. Các Tỷ-kheo khác sống, không thấy và không biết’. Vị ấy do tri kiến này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ. Chư Tỷ-kheo, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, chặt giác cây mang đi, tưởng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: ‘Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, chặt giác cây và mang đi, tưởng đó là lõi cây. Và người ấy không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu’… Chư Tỷ-kheo, như vậy vị ấy được gọi là Tỷ-kheo đã nắm giữ giác cây của Phạm hạnh. Và do vậy, vị ấy đã dừng lại ở đây.

“Lại nữa, ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình… Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, khen mình, chê người. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này, khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu thiền định. Do thành tựu thiền định, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu thiền định này, khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu thiền định này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu tri kiến. Do thành tựu tri kiến này, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu tri kiến này, khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu tri kiến này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu thời giải thoát, phi thời gian giải thoát. Chư Tỷ-kheo, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, mang đi và biết đó là lõi cây. Một người có mắt thấy như vậy, có thể nói: ‘Người này biết lõi cây, biết giác cây, biết vỏ trong, biết vỏ ngoài, biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, mang đi và tự biết đó là lõi cây. Và người ấy đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu’… Chư Tỷ-kheo, như vậy vị ấy được gọi là Tỷ-kheo đã nắm giữ lõi cây của Phạm hạnh.

“Như vậy, này các Tỷ-kheo, Phạm hạnh này không phải vì lợi ích lợi dưỡng, danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu thiền định, không phải vì lợi ích thành tựu tri kiến. Và này các Tỷ-kheo, tâm giải thoát bất động chính là mục đích của Phạm hạnh này, là lõi cây, là mục tiêu cuối cùng của Phạm hạnh.”

Trong Kinh tạng Pàli có câu nói “Cái gì là lõi cây, cái ấy sẽ tồn tại lâu dài” (Yo sàro so thassati)2, nhấn mạnh mục đích thuyết pháp của Đức Phật là nhằm huấn luyện các học trò mình đạt đến cứu cánh giác ngộ, đạt đến tâm giải thoát kiên cố, không dao động, không thối chuyển, vững chắc, cứng rắn như lõi cây. Vì theo lời Ngài thì chỉ có lõi cây (sàra) – tâm  giải thoát  bất  động  (akkupà- cetovimutti)– mới là cứu cánh, mới an trụ vững bền

NGUYÊN ĐỨC – Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo

http://vanhoaphatgiaoblog.com/phatphap/cai-gi-la-loi-cay.html

_____________________________________________

Chú thích:

1. Đại kinh Thí dụ lõi cây, Trung Bộ.

2. Kinh Đại không, Trung Bộ

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.