Lục Vân Tiên

Các quan xe giá bộn bề,
Năm mươi thể nữ hầu kề chân tay.
Hai mươi nay đã đến ngày,
Các quan bảo hộ đưa ngay xuống thuyền.
Nguyệt Nga vội khiến Kim Liên,
Lên mời thân phụ xuống thuyền xem qua.
Công rằng: “Thật dạ xót xa,
Con đừng bịn rịn cho cha thảm sầu”.
Nàng rằng non nước cao sâu,
Từ đây xa cách con hầu thấy cha.
Thân con về nước Ô Qua,
Đã đành một nỗi làm ma đất người.
Hai phương Nam Bắc cách vời,
Chút xin gởi lại một lời làm khuây.
Hiu hiu gió thổi ngọn cây,
Ấy là hồn trẻ về rày thăm cha”.
Kiều công lụy ngọc nhỏ sa,
Các quan ai nấy cũng là đều thương.
Chẳng qua việc ở quân vương,
Cho nên phụ tử hai đường xa xôi.
Buồm trương thuyền vội tách vời,
Các quan đưa đón ngùi ngùi đứng trông.
Mười ngày đã tới ải Đồng,
Mênh mông biển rộng đùng đùng sóng xao.
Đêm nay chẳng biết đêm nào,
Bóng trăng vằng vặc bóng sao mờ mờ.
Trên trời lặng lẽ như tờ,
Nguyệt Nga nhỡ nỗi tóc tơ chẳng tròn.
Than rằng nọ nước kìa non,
Kiểng thời thấy đó người còn về đâu?”
Quân hầu đều ngủ đã lâu,
Lén ra mở bức rèm châu một mình:
“Vắng người có bóng trăng thanh,
Trăm năm xin gởi chút tình lại đây.
Vân Tiên anh hỡi có hay,
Thiếp nguyền một tấm lòng ngay với chàng”.
Than rồi lấy tượng vai mang,
Nhắm dòng nước chảy vội vàng nhảy ngay.
Kim Liên thức dậy mới hay,
Cùng quân thể nữ một bầy đều lo.
Cùng nhau lặng chẳng dám hô,
Thầm toan mưu kế chẳng cho lộ tình:
“Việc này là việc triều đình,
Đốc quan hay đặng ắt mình thác oan.
Muốn cho cẩn nhiệm trăm đàng,
Kim Liên thế lấy làm nàng Nguyệt Nga.
Trá hôn về nước Ô Qua,
Ai mà vạch lá ai mà tìm sâu?”
Tính rồi xong xả chước mầu,
Phút nghe thuyền đã đến đầu ải quan.
Đốc quan xe giá sửa sang,
Kiệu trương lọng phụng rước nàng về Phiên.
Nào hay tì tất Kim Liên,
Đặng làm hoàng hậu nước Phiên một đời.
Nguyệt Nga nhảy xuống giữa vời,
Sóng thần đưa đẩy vào nơi bãi rày.
Bóng trăng vừa khuất ngọn cây,
Nguyệt Nga hồn hãy chơi rày âm cung.
Xiết bao sương tuyết đêm đông,
Mình nằm giữa bãi lạnh lùng ai hay.
Quan âm thương đấng thảo ngay,
Bèn đem nàng lại bỏ rày vườn hoa.
Dặn rằng: “Nàng hỡi Nguyệt Nga,
Tìm nơi nương náu cho qua tháng ngày.
Đôi ba năm nữa gần đây,
Vợ chồng sao cũng sum vầy một nơi”.
Nguyệt Nga giây phút tỉnh hơi,
Định hồn mới nghĩ mấy lời chiêm bao.
Nên hư chưa biết làm sao,
Bây giờ biết kiếm chốn nào dung thân?
Một mình luống những bâng khuâng,
Phút đâu trời đã rạng hừng vừng đông.
Một mình mang bức tượng chồng,
Xảy đâu lại gặp Bùi ông dạo vườn.
Ông rằng: “Nàng ở hà phương,
Việc chi mà tới trong vườn hoa ta?”
Nàng rằng: “Trận gió hôm qua,
Chìm thuyền đến nỗi mình ra thế này.
Tối tăm sẩy bước tới đây,
Xin soi xét tới thơ ngây lạc đàng”.
Bùi ông đừng ngắm tướng nàng.
Chẳng trang đài các cũng hàng trâm anh.
Đầu đuôi han hỏi sự tình,
Nàng bèn lời thiệt việc mình bày qua.
Bùi ông mừng rước về nhà,
Thay xiêm đổi áo nuôi mà làm con.
Rằng: “Ta sanh đặng chồi non,
Tên là Bùi Kiệm hãy còn ở kinh.
Trong nhà không gái hậu sinh,
Ngày nay đặng gặp minh linh phước trời”.
Nguyệt Nga ở đã yên nơi,
Đêm đêm nghĩ lượng việc đời gần xa.
Một lo về nước Ô Qua,
E vua bắt tội cha già rất oan.
Hai lo phận gái hồng nhan,
Sợ khi bảo dưỡng mưu toan lẽ gì.(260)
Nguyệt Nga luống những sầu bi,
Xảy đâu Bùi Kiệm tới khi về nhà.
Từ ngày thấy mặt Nguyệt Nga,
Đêm đêm trằn trọc phòng hoa mấy lần.
Thấy nàng thờ bức tượng nhân,
Nghiệm trong tình ý dần lân hỏi liền:(261)
“Tượng này sao giống Vân Tiên.
Bấy lâu thờ có linh thiêng điều gì?”
Nàng rằng: “Làm phận nữ nhi,
Một câu chánh tiết phải ghi vào lòng.(262)
Trăm năm cho vẹn đạo tòng,
Sống sao thác vậy một chồng mà thôi”.
Kiệm rằng: “Nàng nói sai rồi,
Ai từng bán đắt mà ngồi chợ trưa.
Làm người trong cõi gió mưa,
Bảy mươi, mất mặt người xưa thấy nào?
Chúa xuân còn ở vườn đào,
Ong qua bướm lại biết bao nhiêu lần!
Chúa đông ra khỏi vườn xuân,
Hoa tàn nhụy rữa như rừng bỏ hoang!
Ở đời ai cậy giàu sang,
Ba xuân mòn hết, ngàn vàng khôn mua.(263)
Hay chi như vãi ở chùa,
Một căn cửa khép bốn mùa lạnh tanh?
Linh đinh một chiếc thuyền tình,
Mười hai bến nước biết mình vào đâu?
Ai từng mặc áo không bâu,(264)
Ăn cơm không đũa ăn trầu không cau?
Nàng sao chẳng nghĩ trước sau,
Giữ ôm bức tượng bấy lâu thiệt mình”.
Nàng rằng: “Xưa học sử kinh,
Làm thân con gái chữ trinh làm đầu.
Chẳng phen thói nước Trịnh đâu,(265)
Hẹn người tới giữa vườn dâu tự tình”.
Kiệm rằng: “Đã biết sử kinh,
Sao không soi xét, để mình ngồi không?
Hồ Dương xưa mới goá chồng,
Còn mơ nhan sắc Tống công cũng vừa.(266)
Hạ Cơ lớn nhỏ đều ưa,
Sớm đưa Doãn, Phủ tối ngừa Trần Quân.(267)
Hớn xưa Lữ Hậu thanh xuân,
Còn vừa Cao Tổ mới đành Dị Ki.(268)
Đường xưa Võ Hậu thiệt gì,
Di Tôn khi trẻ Tam Tư lúc già.(269)
Cứ trong sách vở nói ra,
Một đời sung sướng cũng qua một đời!
Ai ai cũng ở trong trời
Chính chuyên, chắc nết, chết thời cũng ma.(270)
Người ta chẳng lấy người ta,
Người ta đâu lấy những là tượng nhân?
Cho nên tiếc phận hồng nhan,
Học đời Như ý vẽ chàng Văn Quân”.(271)
Nguyệt Nga biết đức tiểu nhân,
Làm thinh toan chước thoát thân cho rồi.
Bùi ông ngon ngọt trau dồi,
Muốn nàng cho đặng sánh đôi con mình:
“Làm người chấp nhứt sao đành,(272)
Hễ là lịch sự có kinh có quyền.(273)
Tới đây duyên đã bén duyên,
Trăng thanh gió mát cắm thuyền đợi ai?
Nhớ câu xuân bất tái lai,
Ngày nay hoa nở e mai hoa tàn.
Làm chi thiệt phận hồng nhan,
Năm canh gối phụng màn loan lạnh lùng?
Vọng Phu xưa cũng trông chồng,
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phui pha.
Thôi thôi khuyên chớ thở ra,
Vầy cùng con lão một nhà cho xuôi”.(274)
Nguyệt Nga giả dạng mừng vui,
Thưa rằng: “Người có công nuôi bấy chầy.
Tôi xin dám gởi lòng này,
Hãy tua chậm chậm sẽ vầy nhơn duyên.(275)
Tôi xin lạy tạ Vân Tiên,
Chay đàn bảy bữa cho tuyền thỉ chung”.
Cha con thấy nói mừng lòng,
Dọn nhà sửa chỗ động phòng cho xuê.
Chiếu hoa gối sạch bộn bề,
Cỗ đồ bát bửu chỉnh tề chưng ra.(276)
Xảy vừa tới lúc canh ba,
Nguyệt Nga lấy bút đề và câu thơ.
Dán trên vách phấn một tờ,
Vai mang bức tượng một giờ ra đi.
Hai bên bờ bụi rậm rì,
Đêm khuay vắng vẻ gặp khi trăng lờ.
Lạ chừng đường sá bơ vơ,
Có bầy đom đóm sáng nhờ đi theo.
Qua truông rồi lại lên đèo,
Dế kêu dắng dỏi sương gieo lạnh lùng.
Giày sành, đạp sỏi thẳng xông,(277)
Vừa may trời đã vừng đông lố đầu.
Nguyệt Nga đi đặng hồi lâu,
Tìm nơi bàn thạch ngõ hầu nghỉ chân.
Người ngay trời phật cũng vâng,
Lão bà chống gậy trong rừng bước ra.
Hỏi rằng: “Nàng phải Nguyệt Nga,
Khá tua gắng gượng về nhà cùng ta.(278)
Khi khuya nằm thấy Phật bà,
Người đà mách bảo nên già tới đây”.
Nguyệt Nga bán tín bán nghi,
Đành liều nhắm mắt theo đi về nhà.
Bước vào thấy những đàn bà,
Làm nghề bô vải lụa là mà thôi.
Nguyệt Nga đành dạ ở rồi,
Từ đây mới biết nổi trôi chốn nào.
Hỏi thăm ra chốn Ô Sào,
Quan san mấy dặm đi vào tới nơi.(279)

This entry was posted in Sách Truyện, Thơ Văn. Bookmark the permalink.