Người Ngu Ăn Muối

Kinh Bách Dụ ghi :

Thuở xưa, có người ngu đến thăm nhà người bạn, chủ nhà dọn cơm mời, anh chê thức ăn lạt không ngon. Chủ nghe vậy liền nêm thêm chút muối. Ăn xong, cảm thấy ngon miệng, anh tự nghĩ “Sở dĩ thức ăn ngon là nhờ có muối. Dùng ít còn ngon như vậy, huống là dùng nhiều”. Nghĩ vậy rồi, chàng ngu ấy liền lấy muối ăn không. Ăn xong, anh liền bị dộp miệng mà bệnh.

Anh chàng trong câu chuyện này được Phật gọi là ngu. Ngu là không có trí tuệ, không được sáng suốt. Cái ngu nằm ở chỗ nào? Không nắm được qui luật Nhân Duyên đang chi phối thế giới này. Nên không biết NGON hay DỞ là tùy duyên. Cái ngon đó không phải do muối có tánh ngon, cho vô tô canh mà tô canh thành ngon. Tô canh trở nên ngon là do nhiều duyên hợp lại mà thành ngon. Duyên thứ nhất là do tô canh lạt. Duyên thứ hai là lượng muối cho vô vừa đủ bù đắp cái lạt. Hai cái duyên như thế hợp lại mà tánh NGON xuất hiện. Với cái duyên là tô canh mặn, thêm muối vào, tô canh càng dở. Tô canh phải lạt, lượng muối cũng phải phù hợp với cái lạt ấy, tô canh mới ngon. Không phải muối nhiều là ngon. Ngon hay dở là tùy duyên, còn bản chất của muối thì không ngon cũng không dở. Tất cả pháp ở thế gian đều như vậy.

Cái nhầm của chàng ngu là không thấy được cái NGON đó là do nhiều duyên hợp lại, lại lấy cái ngon đó làm tánh của muối. Vì cho ngon là tánh của muối nên bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu muối cũng ngon, càng nhiều càng ngon, mà không cần quan tâm đến điều kiện chung quanh. Vì thế hậu quả là chàng ta dộp miệng và phát bệnh.

Với mọi pháp ở thế gian cũng vậy, khi ta nói ĐẸP là phải nói đẹp trong trường hợp nào. Cái áo này đẹp đối với cái nhìn của mình, với người khác chưa hẳn. Cái đẹp đó hình thành bởi 2 duyên là cái áo và mình. Nói chính xác là lệ thuộc vào cái nhìn của mình. Do quan niệm của mình như thế nên cái áo thành đẹp. Với những quan niệm khác cái áo chưa hẳn đẹp. Cũng vậy, trái cây TỐT đối với người này nhưng chưa hẳn TỐT với người kia v.v… Có cái nhìn như thế thì đời này bớt… giận nhau.

Chị đọc báo thấy nói cà phê tốt. Thế là ngày nào cũng làm cho anh 3 cữ cà phê. Anh không thích cũng bắt anh uống. Thời gian sau, cũng tờ báo ấy nói cà phê không tốt. Chị vừa hoảng vừa chửi, bắt anh phải ngừng ngay thứ tai hại ấy. Anh nào chịu. Nghiện rồi. Ngừng thì sổ mũi, nhức đầu, uể oải trong người, không ngừng được nữa. Biết tai hại cũng đành thua.

Pháp hiện tánh xấu, tốt, hay, dở v.v… đều tùy trường hợp, tùy điều kiện, không phải bản chất của pháp là như thế. Nói cà phê tốt là do thí nghiệm trên một số người nào đó đủ duyên với nó. Nói không tốt vì thí nghiệm với những người không đủ duyên với nó. Thể trạng có khác mà cà phê thành tốt hay xấu. Đó là chưa tính đến liều lượng một người có thể dùng hằng ngày để gọi là tốt. Không phải bản chất cà phê là tốt hay xấu mà dùng thật nhiều như chàng ăn muối kia. Khi không duyên, tức cà phê được đặt vào tủ cất đó, thì cà phê là cà phê không tốt cũng không xấu, không mặn cũng không lạt… Nhưng khi đặt nó vào trong duyên thì nhờ cái duyên đó mà tính chất của nó xuất hiện. Thứ nào đa phần, ta lấy thứ đó làm tính chất của nó. Vậy thôi. Chúng ta phải có cái nhìn như thế đối với tất cả pháp ở thế gian, trong tất cả mọi lãnh vực từ y tế, chính trị, khoa học, giáo dục cho đến công nghiệp, nông nghiệp v.v…

Vì vậy làm thứ gì mình cũng phải xét đến điều kiện chung quanh. Muối ngon trong điều kiện nào. Cà phê tốt trong trường hợp nào. Không phải thấy người ta nói ngon nói tốt là mình cắm đầu cắm cổ làm theo cho đến chết. Người ta nói tốt mà phải coi xem với trường hợp mình, nó còn tốt không. Tốt thì dùng, không thì thôi. Nếu mình ăn vô không tốt là do cái duyên của mình không phù hợp, không phải người ta nói dóc hay gạt mình. Vì sao? Vì với người ta nó tốt thật. Chỉ tại qua tới mình nó hết tốt mà thôi. Tốt xấu là do duyên. Duyên của mình khác với duyên người ta nên có tốt xấu khác nhau.

Ngược lại, mình thấy thứ gì tốt, khuyên người ta dùng là đương nhiên. Nhưng người ta không dùng được cũng là chuyện đương nhiên. Đừng giận! Chẳng qua vì pháp thế gian là pháp Nhân Duyên. Duyên như thế thì pháp như thế. Duyên không như thế thì pháp không như thế nữa. Hiểu được như thế phiền não giảm thiểu rất nhiều.

Hiểu được qui luật đang chi phối thế gian này, mọi thứ sẽ hài hòa yên vui. Tránh được tai họa cho mình mà cũng không có tâm giận tức người. Vì thế, Tổ Trúc Lâm nói “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên!”. Thế giới này là thế giới Nhân Duyên. Mọi thứ đều hình thành từ duyên. Hình thành từ duyên thì pháp chỉ có giá trị trong duyên đó thôi. Với các duyên khác thì chưa hẳn. Nó không mang tính chân lý phổ quát. Hiểu được như thế là hiểu được phần nào qui luật đang chi phối thế giới này. Hiểu được và sống được với cái nhìn đó là mình đang hài hòa với đạo. Đạo thì thường, lạc, ngã, tịnh. Vì thế “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên!”. Tùy duyên được là vui đạo được.

Chân Hiền Tâm
– nguồn thuvienhoasen

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.