Tản Mạn Về Sợ Hãi…

Tản mạn về Sợ Hãi… Làm sao vượt qua được nỗi Sợ Hãi ?

Trong cuộc sống con người chúng ta thường có nhiều hơn nỗi sợ tồn tại cùng một lúc: sợ thay đổi, sợ thất bại, sợ sai lầm,sợ ma, sợ tình người vô cảm, sợ bị từ chối…

Có thể nói …sợ hãi là một trong những trạng thái tinh thần tiêu cực gắn với nét tâm lý hoang mang, lo sợ của con người. Trạng thái này xuất hiện như một phản xạ tự nhiên khi chúng ta nhận ra mối nguy hại ảnh hưởng tiêu cực và đe dọa, gây ra sự nguy hiểm.

Khác với sự lo lắng thông thường, nỗi sợ hãi thường khiến con người không giữ được bình tĩnh, run sợ không dám đối diện và vượt qua.
\
Có những nỗi sợ hãi do tác động từ yếu tố khách quan bên ngoài, tuy nhiên cũng có những nỗi sợ vô hình in sâu trong tâm lý, tiềm thức của con người, chỉ cần một tác động nhỏ của ngoại lực, sự sợ hãi sẽ bộc phát và gây ảnh hưởng xấu đến cảm xúc, hành vi của con người. Nỗi sợ thường xuất phát từ những áp lực ràng buộc con người

Có những nỗi sợ khôn khoan, nhưng cũng có những nỗi sợ gọi là hèn nhát, có những nỗi sợ cứu được chúng ta, nhưng cũng có những nỗi sợ khiến chúng ta mãi mãi không ngóc đầu lên được.

Mặc khác, có những nỗi sợ giúp chúng ta an toàn, nhưng cũng chính những nỗi sợ giúp chúng ta an toàn đó lại là thứ khiến chúng ta không bao giờ có được điều mà mình mong muốn!

Tâm lý học thì định nghĩa Sợ hãi là một cảm xúc tự nhiên, mạnh mẽ và nguyên thủy của con người. Nó liên quan đến phản ứng sinh hóa phổ quát cũng như pphản ứng cảm xúc cá nhân. Nỗi sợ hãi sẽ cảnh báo chúng ta về sự xuất hiện của nguy hiểm hoặc mối đe dọa có thể gây tổn hại, cho dù mối nguy hiểm đó là thể chất hay tâm lý.. Nói ngắn gọn, sợ hãi là khả năng nhận ra nguy hiểm và chạy trốn khỏi nó hoặc chiến đấu chống lại…..

Kính mời quý bạn hữu cùng duyệt qua các danh ngôn về Sợ Hãi từ các nhà hiền triết Tây Phương …

1- Chúng ta trở nên mạnh mẽ, từng trải và tự tin nhờ nhờ từng trải nghiệm mà chúng ta thực sự dừng lại để nhìn thẳng vào mặt nỗi sợ… chúng ta phải làmv điều mà chúng ta nghĩ mình không thể.

– We gain strength, and courage, and confidence by each experience in which we really stop to look fear in the face… we must do that which we think we cannot ( Eleanor Roosevelt ).

2- Sự sợ hãi đánh bại nhiều người hơn bất kỳ thứ gì khác trên đời.
– Fear defeats more people than any other one thing in the world.
Ralph Waldo Emerson

3- Thế giới tưởng chừng như thật điên rồ mà chúng ta đang chứng kiến là kết quả của một hệ niềm tin không hoạt động. Để nhìn thế giới khác đi, chúng ta phải sẵn lòng thay đổi hệ niềm tin của mình, để quá khứ trôi qua, mở rộng nhận thức về hiện tại và làm tan chảy nỗi sợ hãi trong tâm tưởng.

– The world we see that seems so insane is the result of a belief system that is not working. To perceive the world differently, we must be willing to change our belief system, let the past slip away, expand our sense of now, and dissolve the fear in our minds ( William James ).

4- Người vượt qua được nỗi sợ của mình sẽ thực sự có tự do.

– He who has overcome his fears will truly be free ( Aristotle ).

5- Đừng sợ hãi bất cứ điều gì ngoại trừ thứ mà nỗ lực của anh có thể ngăn chặn; đừng tự tin về bất cứ điều gì ngoại trừ thứ mà số phận không thể đánh bại. Sợ hãi thứ không thể tránh cũng ngu ngốc chẳng kém gì yên tâm về thứ có thể bị tước đoạt.

– Fear nothing but what thy industry may prevent; be confident of nothing but what fortune cannot defeat; it is no less folly to fear what is impossible to be avoided than to be secure when there is a possibility to be deprived ( Francis Quarles ).

6- Chỉ khi nào không còn sợ hãi, ta mới bắt đầu sống hết từng trải nghiệm, dù nếm trải đau thương hay vui sướng, sống với thái độ biết ơn trong từng khoảng khắc, sống hết mình.

– Only when we are no longer afraid do we begin to live in every experience, painful or joyous, to live in gratitude for every moment, to live abundantly ( Dorothy Thompson ).

7- Chúng ta không thể xóa đi nguy hiểm, nhưng chúng ta có thể xóa đi nỗi sợ. Chúng ta không được hạ thấp sự sống bằng việc đứng choáng ngợp nhìn cái chết.

– We cannot banish dangers, but we can banish fears. We must not demean life by standing in awe of death( David Sarnoff ).

8- Bạn có thể chinh phục bất cứ nỗi sợ hãi nào nếu trong thâm tâm bạn kiên quyết làm như vậy. Hãy nhớ, nỗi sợ không tồn tại ở bất cứ đâu ngoại trừ trong tâm trí.

– You can conquer almost any fear if you will only make up your mind to do so. For remember, fear doesn’t exist anywhere except in the mind( Dale Carnegie ).

9- Vấn đề lớn nhất trong đời sống con người là nỗi sợ hãi. Chính nỗi sợ hãi cướp đi hạnh phúc. Chính nỗi sợ hãi khiến ta chấp nhận thấp hơn nhiều điều ta có khả năng. Chính nỗi sợ hãi là nguồn gốc của những cảm xúc tiêu cực, bất hạnh và các rắc rối trong quan hệ giữa người với người.

– The greatest problem of human life is fear. It is fear that robs us of happiness. It is fear that causes us to settle for far less than we are capable of. It is fear that is the root cause of negative emotions, unhappiness and problems in human relationships ( Brian Tracy ).

10- Sợ hãi? Người ta phải làm gì với nỗi sợ hãi? Sự tình cờ chi phối cuộc sống của chúng ta, và tương lai tất cả đều không biết trước. Hãy sống tốt nhất như ta có thể, sống từng ngày.

– Fear? What has a man to do with fear? Chance rules our lives, and the future is all unknown. Best live as we may, from day to day ( Sophocles ).

Trong khi khi học Phật chúng ta sẽ thấy chính ba độc ( Tham, Sân, Si ) đã , chi phối và tác động và ảnh hưởng trục tiếp trong việc chế ngự và đào luyện Tâm trở nên thanh tịnh qua con đường Bát Chánh ….

Nỗi sợ hãi đến từ nội tâm và ngoại cảnh
” Tham sinh uý tử ” chiếm ưu tiên hơn
Trầm cảm phát sinh từ cô độc, cô đơn
Tất cả cảm xúc tiêu cực … nguồn gốc 5 triền cái (1)

Phật dạy :
Đi biển, sông sâu có 4 điều ngư dân sợ hãi (2)
Cũng thế … xuất giai, tại gia tương tự những âu lo
Sân nhuế tồn tại, vướng mắc ngũ dục, đói no
Không thu thúc lục căn được … nên thường bị cám dỗ

Do Phước Vật, Phước Đức, Phước Trí chưa đủ lượng số !
Vững tin vào Tam Bảo… đối diện thực tại bản thân
QUẢ đang hứng chịu … phái chăng kiếp trước NHÂN ?

Kính xin nguyện …
Học từ Đức Thế Tôn cách chính phục nỗi sợ hãi !!! ( thơ của Huệ Hương )

_______________________________

(1) 5 triền cái ràng buộc : tham dục, sân, hôn trầm , trạo củ, hoài nghi.

(2) 4 điều sợ của ngư dân : Sóng Tổ làm vỡ thuyền – Thủy quái – Lốc xoáy, vực sâu – con người hại nhau để tranh giành.

Ni Sư Thích Nữ Trí Hải đã từng tán dương Đức Phật như sau :

” Đức Phật trình bày rốt ráo nguyên nhân nỗi sợ hãi âm thầm đè nặng trên tâm thức con người muôn thuở. Chúng ta sợ đủ thứ: sợ chết, sợ khốn khổ, sợ đói rét, sợ uy quyền, sợ cô độc, sợ bị chê bai chỉ trích, và trên tất cả, hình như chúng ta rất sợ sự thật. Vì sợ hãi chúng ta lao mình vào công việc làm ăn, vào các thú tiêu khiển, lập gia đình, gia nhập các đoàn thể, nỗ lực tạo mãi tiền của, danh vọng, tri thức, tài khéo, cốt làm sao để chứng minh mình không phải là một con số không dưới mắt mọi người và nhất là dưới mắt mình. Nhưng cảm giác khó chịu về số không vẫn còn mãi đấy. Càng lao tâm lao lực, cuộc sống chúng ta càng bận rộn chừng nào, với càng nhiều bạn bè sở hữu, quyến thuộc chừng nào, chúng ta càng thấy rõ sự nghèo nàn cô độc vô vị trống rỗng của nó chừng nấy, khi mà chúng ta bắt buộc một mình đối diện với cuộc tử sinh của chính mình. Vì sợ hãi, chúng ta tạo ra những thần linh bất diệt để có thể đặt niềm tin tưởng của chúng ta vào đấy để có chỗ bám víu ở giữa một thế giới đầy dẫy những lọc lừa tráo trở. Rồi chúng ta gán cho thần linh ấy đủ các tính xấu của chúng ta, nghĩa là cũng đầy ngã chấp nhỏ nhen, có thể rất từ bi với một tín đồ trung kiên, nhưng cũng có thể rất độc ác với kẻ nào phản bội. Tuy vậy, chúng ta thà có một tín ngưỡng bất toàn hơn không có gì cả. Voltaire: “Nếu Thượng đế không thật có, thì cũng cần phải tạo ra Thượng đế“. Như những con cừu nằm xích lại gần nhau để tìm hơi ấm,chúng ta cũng ưa quần tụ, gia nhập hội này đoàn nọ, vì không thể chịu được mặc cảm cô đơn. Chúng ta nói tiếng nói của tập thể, ưa thích và lựa chọn giống như sự ưa thích và chọn lựa của mọi người, để khỏi bị xem là “không giống ai“. Quả thế, vì sợ hãi cô độc, chúng ta thà làm một con cừu ngoan ngoãn trong bầy cừu ấm áp hơn là làm một vì sao cô độc trên nền trời giá băng.

Đức Phật không chấp nhận những giải pháp tạm bợ mà chúng ta thường dùng để đối trị nỗi sợ hãi âm thầm ngự trị trong ta. Ngài đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, tìm những nguyên nhân sâu xa của nó để có thể nhiếp phục sợ hãi. Những nguyên nhân ấy theo lời Phật dạy, là những thói xấu cố hữu trong ta như tham, sân, si, hôn trầm, thụy miên, giao động, hoài nghi, khen mình chê người, lười biếng thất niệm, ham danh lợi, thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp không thanh tịnh, mạng sống không thanh tịnh. “Này các tỷ kheo, những vị Sa môn, Bà la môn nào có thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp không thanh tịnh, có mạng sống không thanh tịnh, những Tôn giả Sa môn hay Bà la môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi khiếp đảm, bất thiện khởi lên. Ta không có mạng sống không thanh tịnh… Ta tự quán sát mạng sống hoàn toàn thanh tịnh này, cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn khi sống trong rừng núi.

Này Bà la môn, những Sa môn hay Bà la môn nào có tâm sân hận, ác ý, sống tại các trú xứ xa vắng trong rừng núi hoang vu… những Tôn giả Sa môn hay Bà la môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi khiếp đảm bất thiện khởi lên… Những Sa môn hay Bà la môn nào giao động, tâm không an tịnh, những Sa môn, Bà la môn nào còn ham muốn lợi danh, tiếng tăm… những Sa môn, Bà la môn nào thất niệm, không chú ý… những Sa môn, Bà la môn nào không có tâm định tĩnh, tâm bị tán loạn mà sống tại các trú xứ xa vắng trong rừng núi hoang vu… những Tôn giả Sa môn, Bà la môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi khiếp đảm bất thiện khởi lên…” (Kinh Sợ hãi và Khiếp đảm, TBK I).

Một trong những phản ứng thông thường của chúng ta trước sự sợ hãi là chạy trốn: “ tẩu đào vi thượng sách“. Sự chạy trốn mang nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta trốn vào trong những cuộc vui, trốn vào những công việc, hội hè đình đám, đoàn thể, bạn bè, để khỏi phải đối mặt với hư vô và với chính mình: ngồi thiền sở dĩ rất khó khăn là vì thế, chúng ta phải đối diện với chính mình trong khi độc cư thiền tịnh. Chỉ có những bậc giác ngộ mới có thể sống hoàn toàn cô độc,đối diện với chính mình mà không phát sinh cảm giác khó chịu, trái lại cảm thấy một lạc thọ, hạnh phúc thuần túy “.

Đức Phật đối trị sợ hãi bằng cách nhìn thẳng vào nó, không trốn chạy vào một việc làm khác, một tư thế khác, một thái độ khác như đối xử sự thông thường của chúng ta, “Này Bà la môn, trong bất cứ hành vi, cử chỉ nào của ta mà khiếp đảm sợ hãi xảy đến, thì ngay trong hành vi cử chỉ ấy, ta diệt trừ nỗi sợ hãi khiếp đảm… Trong khi ta đi kinh hành qua lại, mà sợ hãi khiếp đảm đến, thì ta không đứng, không ngồi, không nằm mà ta diệt trừ sợ hãi khiếp đảm ấy ngay trong khi ta đang kinh hành qua lại.” (Kinh Sợ hãi và khiếp đảm)

Trong khi Sư Ông Làng Mai đã từng nói :
“Con người luôn gặp khó khăn trong việc buông bỏ đau khổ. Với nỗi sợ hãi về những điều bất định, họ chọn chịu đau khổ trong những thứ quen thuộc.”
Thích Nhất Hạnh

Thật thú vị làm sao khi nhận ra Đông Và Tây đã gặp nhau vè việc chế ngự sợ hãi sau nhiều thế kỷ từ lời dạy của Phật qua bài kinh SỢ HÃI VÀ KHIẾP ĐẢM ” bài kinh thứ 4 trong Trung Bộ Kinh

Và Kinh đã liệt kê các hạng người sẽ bị sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên khi sống độc cư nơi vắng vẻ, (theo đại ý kinh ) nếu như:
1., thân nghiệp không thanh tịnh…
2.khẩu nghiệp không thanh tịnh…
3-ý nghiệp không thanh tịnh
4.nghi hoặc, do dự…
5.tham dục, có ái dục cường liệt…
6. tâm sân hận ác ý…
7.bị hôn trầm thụy miên chi phối…
8..dao động, tâm không an tịnh…
9.phóng dật
10.khen mình, chê người…
11.run rẩy, sợ hãi…
12.ham muốn lợi dưỡng, cung kính, danh vọng…
13.biếng nhác, kém tinh tấn…
14.thất niệm, không tỉnh giác…
15.không định tĩnh, tâm bị tán loạn…
16. liệt tuệ, đần độn…

Lời kết :

Có lẽ Giáo pháp cần được hướng dẫn từng bước, từng bước…cẩn thận và chắc chắn .

Do một đại duyên tôi đã cố gắng học lại, nghe pháp thoại từng bài một trong Trung bộ kinh theo thứ tự của 152 bài mới biết được cái hay khi học kinh theo thứ tự !

Điều này Giảng Sư Thích Sán Nhiên đã cho rằng chỉ có hai bài đầu tiên là Đức Thế Tôn đưa ra tiêu đề đó là Pháp Môn căn bản và Tất cả Lậu Hoặc , còn lại 150 bài khác đều do các nhà chú giải đã sắp xếp một cách thật liên tục với lời trùng tuyên trong các kỳ kết tập kinh điển và cho tiêu đề.

Quả thật vậy, có đi sâu và chiêm nghiệm từng bài kinh , bạn sẽ thấy một sự liên kết chặt chẻ giữa bài Thừa Tự Pháp và bài Sợ Hải và Khiếp đảm khi ta phải tự thanh lọc Thân, Khẩu Ý,làm cho nó thanh tịnh với 16 pháp mà trước đó Phật dạy hãy thùa tự …

Và người viết kính xin được tâm sự … Chỉ với bốn bài đầu tiên trong Trung Bộ kinh thôi, tôi đã tâm đắc với lời tán dương Đức Phật của Ni Sư Trí Hải …. đã quá đủ để cho chúng ta thấy rằng : ” Không một lời dạy nào của Phật là không liên hệ trực tiếp đến việc tìm hiểu con người chúng ta, thân tâm chúng ta, với những vấn đề của nó. Bản chất của dục vọng, nguyên nhân của dục, con đường thoát ra khỏi dục được đề cập một cách chi ly. Sự sống sở dĩ là khổ chính vì con người vốn đã đau khổ vì già, bệnh, chết, lại còn đi chuốc thêm vào mình những cái phải chịu sự chi phối của già, bệnh, chết:đó là sắc đẹp, danh vọng, tài sản. Nếu chúng ta biết ngay trong đời sống khổ đau này, với thân xác khả hoại này, đi tìm, gần gũi, thân cận những cái không già, bệnh, chết, thì đó là ta đã đạt được Niết bàn, bất tử ngay trong sinh tử. Cái đó là chánh pháp tối thượng ” ( Thích Nữ Trí Hải ).

Hy vọng những điều sưu tầm này góp phần nhỏ cho những ai có hứng thú khi bắt đầu học kinh Trung Bô và cũng là phương cách … sách tấn, khuyến khích cho chính bản thân người viết.

Kính trân trọng,

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.