Thiền Sư Giác Hải

Hai bài thi kệ còn lưu lại trên thi đàn Nhà Lý của Thiền Sư Giác Hải ( 1023-1138 ) ẩn chứa Bất Nhị Pháp Môn của Ngài Duy Ma Cật và nhiều quy luật sống như định luật vô thường, luật thời gian và luật thử thách v.v….

Thiền Sư Pháp Hải – Đời thứ 10, Thiền phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Nhân Tông và Vua Lý Thần Tông).

Dù Thiền Sư Giác Hải được Vua Lý Nhân Tông (1072-1127) tặng bài thơ ca ngợi sự chứng đắc của Ngài và có những thần thông hiện bày do công phu tu tập Thiền Chỉ đạt tới mức độ thâm cao….

“Giác Hải tâm như hải
Thông Huyền đạo lại huyền
Thần thông cùng biến hóa
Một Phật, một thần tiên”.

Nhưng hai bài thi kệ còn lưu lại trên thi đàn Nhà Lý mới chứng minh đạo lý về Bất Nhị Pháp môn và Lý Duyên khởi đã được Ngài ứng dung vào thơ văn với bút pháp tuyệt diệu, huyền ảo lung linh.

Đó là Bất giác nữ đầu bạch – Ai biết má đào mà bạc tóc.

不覺女頭白
不覺女頭白,
報你作者識。
若問佛境界,
龍門遭點額。

Phiên âm

” Liễu dụng nữ đầu bạch
Báo nhĩ tác giả thức
Nhược vẫn Phật cảnh giới
Long môn tao điểm ngạch”

Dịch nghĩa

Nào ai biết rằng trong cô gái trẻ trung đã thấy mái đầu bạc;
Nói cho người học đạo hiểu,
Nếu cứ lo tìm hỏi đâu là cõi Phật,
Thì cũng như cá chép nhảy thi ở Long Môn bị “chấm trán” mà thôi
(thi trượt-không vượt qua Long Môn)

Huệ Chi và Băng Thanh dịch thơ:

Ai biết má đào mà bạc tóc,
Khuyên người cầu học hiểu cho sâu.
Ví như cõi Phật hoài công hỏi,
Cá vượt Long môn bị điểm đầu.
Lê Mạnh Thát dịch thơ:
“Gái tơ chỏm tóc bạc
Báo ngươi tác giả biết
Nếu hỏi cảnh giới Phật
Long môn gặp điểm trán”
Đỗ Quang Liên dịch thơ:
Má đào ai biết bạc đầu,
Khuyên người cầu học hiểu sâu khỏi nhầm;
Lo tìm cõi Phật mênh mông,
Ví như cá nhảy Long Môn chấm đầu!

Bài thơ này chỉ rõ là chúng ta ai ai cũng đang sinh hoạt, tồn tại trong cái tương đối, thuộc thế giới nhị nguyên hay tương đối pháp, nhưng phải nhớ rằng đứng trong lập trường kinh DUY MA CẬT phẩm chín nói về Bất Nhị pháp môn thì phải nhận xét như sau ” Qua hình ảnh một đứa trẻ còn má đào phải thấy bóng dáng của người già tóc bạc thì nhận biết đó là tương lai của mình và ngược lại Ở vị trí người già thấy trẻ, biết nó là quá khứ của mình.

Đó là một trong 16 quy luật sống chính là “luật thời gian “.

Thời gian luôn trôi đi một cách vô tình và không chờ đợi bất kỳ ai hay bất kỳ điều gì. Tất cả sự vật, sự việc đều tồn tại trong dòng chảy của thời gian. Thời gian vô hình chi phối cuộc sống của bạn và bạn cũng phải biết cách dùng khoảng thời gian trong đời mình để tạo nên những giá trị sống hữu ích cho mình và cho người. Hãy biết quý trọng thời gian vì bởi lẽ sinh mệnh con người được đo theo từng nhịp thở thời gian.

Trong bài thơ cũng nhắc đến một ” quy luật thử thách “ qua điển tích Cá Vượt Long Môn . Đây là một bài học vô cùng quý báu – bài học về ý chí và nỗ lực của bản thân. Thời gian có thể vô tình lướt qua nhưng không thể làm mờ nhạt ý chí con người, không thể khiến con người ta gục ngã giữa sóng gió cuộc đời.

Hình ảnh Cá Chép hóa Rồng cũng được sử dụng như một lời răn dạy mọi người phải luôn luôn cố gắng phấn đấu và kiên trì đến cùng để có thể đạt được thành công.

Cá Chép là biểu tượng cho sự kiên trì, bền chí.

Một bài kệ khác của thiền sư Giác Hải ( lúc sắp tịch ) cũng được in trong tập Thơ văn Lý Trần.

Hoa diệp – hoa và bướm
春來花蝶善知時,
花蝶應須共應期.
花蝶本來皆是幻,
莫須花蝶向心持.

Phiên âm:

Xuân lai hoa điệp thiện tri thì,
Hoa điệp ứng tu cộng ứng kỳ.
Hoa điệp bản lai giai thị huyễn,
Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì.

Dịch nghĩa:

Xuân sang hoa và bướm khéo quen với thời tiết.,
Hoa bướm đều cần phải thích ứng với kỳ hạn của chúng.
Nhưng hoa với bướm vốn dĩ đều là hư ảo
Chớ nên bận tâm về hoa với bướm.
Ngô Tất Tố dịch thơ:
Xuân sang hoa bướm khéo quen thì,
Bướm lượn hoa cười vẫn đúng kỳ.
Nên biết bướm hoa đều huyền ảo,
Thây hoa, mặc bướm, để lòng chi.
Lê MạnhThát dịch thơ:
Xuân đến bướm hoa khéo biết thì,
Cần nhau hoa bướm biết nhau khi.
Bướm hoa vốn thảy đều hư huyễn,
Chớ đem hoa bướm giữ lòng chi.

Một lần nữa Thiền sư Giác Hải muốn gửi một thông điệp đến với chúng ta về quy luật vô thường của cuộc sống.

Kính xin mượn đôi dòng chú giải của những học giả nghiên cứu Phật Pháp đã bình như sau :

Ngay từ khi bắt đầu, câu thơ “Xuân sang hoa bướm khéo quen thì”, mang ý nghĩa xuân về hoa bướm rập rờn cùng nhau như tình tri kỷ.

Với câu thơ giàu hình ảnh và đậm đà chất thơ về hiện thực tự nhiên mỗi khi mùa xuân về thì trăm hoa đua nở… bướm, ong tìm đến hoa rập rìu.

Việc xuân về, hoa nở, bướm đến tìm hoa chính là sự hấp dẫn thuận theo tự nhiên và cũng là lẽ thường tình của đời sống…

Câu thứ hai… Bằng sự cảm nhận tinh tế về sự vận động thường hằng của vạn vật, thiền Sư khuyên ta hãy tiếp cận một hiện thực vốn thường có trong tự nhiên thông qua câu thơ “Bướm lượn hoa cười vẫn đúng kỳ”.

Vạn vận trong tự nhiên luôn vận động không ngừng nghỉ, tuy nhiên mỗi sự kiện trong tự nhiên được diễn ra đều có sự liên hệ với thời vận nhất định và có chu kỳ nhất định. Việc bướm lượn hoa cười… Đó là quy luật tự nhiên của tạo hóa, là Vô thường.

Ở quy luật tự nhiên đó dù việc bướm tìm đến hoa mỗi kỳ hoa nở là thuận theo tự nhiên nhưng cũng chỉ như mộng ảo.
Bởi theo Thiền sư Giác Hải, ” có đấy rồi lại không, hợp rồi lại tan, xuân cuối cùng cùng phải qua đi để đón nhận hè tới, hoa khi tàn cũng sẽ không còn bướm tới “.

Với câu thứ ba… Nên biết bướm hoa đều huyền ảo”, Ngafi muốn nói những gì mà chúng ta biết thấy trước mắt dù là tình tri kỷ, nhưng đó cũng như là ảo mộng, nếu tham đắm, si mê thì sẽ trôi mãi theo mộng ảo hư huyễn…

Và cuối cùng… Là một Thiền sư, Ngài đã thấu rõ bướm hoa chỉ là tình đời mộng ảo nên không còn tha thiết bận lòng về tình bướm hoa đó nữa.

Thây hoa, mặc bướm, để lòng chi, nghĩa là mặc tình hoa bướm bận lòng làm gì khi biết rõ những điều đó là vô thường mộng ảo.

Dù sâu sắc tri kỷ đến đâu cũng chỉ là lẽ thường tình của cuộc đời. Nếu không mặc tình mà tham đắm si mê thì không thể tập trung tu tập giải thoát được.

Vì vậy, biết rõ tình đời là huyễn ảo vô thường thì mặc tình, đừng bận lòng nữa.

Trong khía cạnh Khoa học : Tính chất ảo của vạn vật đã được Đức Phật chỉ rõ Lý duyên khởi như sau :

“Ai thấy lý duyên khởi là thấy Pháp
Ai thấy pháp là người ấy thấy Phật, “

Tính chất ảo được khẳng định…chúng chỉ hiện hữu trong mối liên hệ nhân duyên chặt chẽ với nhau và cũng chỉ hiện hữu trong mối quan hệ đối đãi giữa chủ thể và đối tượng . và một vật ảo sẽ không tồn tại vì nó chỉ tồn tại trong nhận thức của chủ thể . theo nghiên cứu khoa học , tất cả nguyên tố vật chất trên địa cầu đều là cấu trúc ảo, . Chính vì Tâm có giác tánh, nó biết kết hợp các hạt ảo theo nhiều kiểu cấu trúc khác nhau để tạo thành các nguyên tố khác nhau như oxy, hydro, nitro, carbon, sắt, đồng, chì, kẽm v.v… Rồi nó biết kết hợp bốn nguyên tố oxy, hydro, nitro và carbon thành nước và các chất hữu cơ khác. Rồi nó biết tạo thành chất sống, thành tế bào, thành các cơ quan có chức năng chuyên môn trong cơ thể sinh vật như tim, gan, phổi, ruột, xương, thịt, mỡ, máu… để duy trì sự sống cho sinh vật. Rồi nó biết tạo thành các cơ quan để sinh vật có thể liên lạc với thế giới bên ngoài như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, bộ não.

Tuyệt tác phẩm mà Tâm tạo ra được là con người có bộ não phát triển, có lý trí, có tình cảm. Sinh vật cũng là một cấu trúc ảo có khả năng phát sinh ra nhất niệm vô minh. Nhiều nhất niệm vô minh khởi lên liên tục tạo thành dòng tâm niệm hay tâm thức, từ đó hình thành cái ta bao gồm thân ngũ uẩn và dòng tâm niệm. Con người trở thành một chủ thể biết tư duy vì nó có ký ức, biết ghi nhớ, biết liên kết những sự kiện riêng lẻ của Sự pháp giới lại thành Lý pháp giới.

Tóm lại, Tâm bắt đầu bị phân hoá thành chủ thể và đối tượng khi nó hình thành được sinh vật có cơ thể, bắt đầu hình thành cái ta. Rồi cái ta này nhận thức các vật xung quanh thành đối tượng. Khi đã xuất hiện chủ thể và đối tượng thì không gian, thời gian và số lượng cũng đồng thời hình thành. Tâm vô lượng đã phân hoá thành vô số pháp, vô số chúng sinh, vô số vũ trụ, nói chung là Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới). Chúng sinh ở cõi Vô sắc thậm chí không còn thân ngũ uẩn mà chỉ còn dòng tâm niệm.

Và có phải với bài kệ này Thiền sư, đã gửi gắm qua từng câu thơ để chỉ ra hiện tượng tự nhiên là mùa xuân, là hoa, là bướm để nói lên trí giác ngộ về lẽ vô thường của vạn vật và nếu đã đạt chân tâm thì không còn ưu phiền bận lòng về mọi vạn vật trong cuộc sống thường nhật nữa .

Trộm nghĩ :

Là đệ tử của Ngài Lôi Hà Trạch ( một Thiền Sư nổi tiếng của thiền phái Vô Ngôn Thông ) mà chúng ta chỉ được nghe Quốc Sư Thông Biện giới thiệu với Thái Hậu Ỷ Lan , và cũng vừa là huynh đệ và đệ tử nối pháp của Thiền Sư Không Lộ nên sự thành tựu đạo nghiệp của Ngài vẫn còn mang dấu ấn lịch sử chính vì thế mà ngày giỗ hằng năm được dân chúng địa phương cử hành trọng thể nơi có đền thờ của Ngài .

** (Ngày 4 tháng Giêng hàng năm giỗ sư Giác Hải, làng Yên Vệ (Ninh Bình) nơi có chùa Phúc Long lại tổ chức lễ hội làng, sau khi tế thánh có thi đấu vật.

Ngài quả thật là một danh tăng đáng để chúng ta ngưỡng mộ và quý kính như Vua Lý Nhân Tông , Lý Thần Tông và văn quan trong triều đã xưng tán và ban bổng lộc …

Kính trân trọng,

Kính ngưỡng Thiền Sư Giác Hải …
Huynh đệ kiêm Đệ tử nối pháp Ngài Không Lộ (1)
Noi gương người xưa …xuất gia từ bỏ nghề nuôi thân (2)
Một lần thi triển thần thông cùng Thông Huyền ( đạo nhân ) (3)
Chứng tỏ.. ” Lập Địa Thành Phật ” Vua ngợi khen … bài kệ (4)
Diệu dụng Thiền Chỉ , tám phép chân thần túc …thật dễ (5)

Thượng đường bài kệ nổi tiếng trên thi đàn (6)
Bài Bất giác Nữ đầu bạch
 … Bất Nhị Pháp Môn giáo pháp… vàng (7)
Muốn biết Nhị Nguyên là gì , xem Kinh Duy Ma phẩm chín (8)
Câu cuối còn chỉ rõ …
Trong thế gian tương đối, gương Cá Vượt Long Môn…kiên định (9)
Đừng tìm cầu Phật tại chốn sâu mầu
Việc phi thường… bình thường hằng nhật bắt đầu
Hành thiện bố thí… pháp thứ nhất diệu dụng của Lục Độ (10)

Bài kệ trước giờ thị tịch… định luật Vô Thường… tỏ ngộ (11)
Y báo, Chánh báo… ngoại cảnh và người
Hoa, Điệp chỉ là huyễn ảo trong đời
Đạt chân tâm …
 … thoát khỏi ưu phiền bận lòng chi cuộc sống !!! .

Nam Mô Thiền Sư Giác Hải tác đại chứng minh.

Huệ Hương – Melbourne 12/10/2021

_____________________________

Chú thích:

(1) Ban đầu, Sư cùng Thiền sư Không Lộ đồng thờ thầy Hà Trạch ở chùa Diên Phước, Hải Thanh. Sau, Sư lại kế thừa dòng pháp của Không Lộ và trụ trì luôn chùa này.

(2) Sư họ Nguyễn, quê làng Hải Thanh, thuở nhỏ làm nghề chài lưới, thường dùng một chiếc thuyền con làm nhà, sống lênh đênh trên khắp sông hồ. Năm hai mươi lăm tuổi, Sư dứt bỏ thế nghiệp xuất gia làm Tăng.

(3) Đời vua Lý Nhân Tông (1072-1127), Sư cùng Thông Huyền bị triệu vào hầu. Bỗng đâu có hai con cắc kè cất tiếng kêu chát tai. Vua bảo Thông Huyền làm cho nó đừng kêu. Thông Huyền thầm niệm thần chú, một con rơi xuống. Thông Huyền cười nhìn Sư, bảo: “Để lại một con cho Sa-môn.” Sư chú mắt nhìn nó, chốc lát nó cũng rơi xuống. Nhà vua kinh dị, làm thơ tặng:
Giác Hải tâm như biển,
Thông Huyền đạo lại huyền.
Thần thông gồm biến hóa,
Một Phật, một thần tiên.
(Giác Hải tâm như hải,
Thông Huyền đạo hựu huyền.
Thần thông kiêm biến hóa,
Nhất Phật nhất thần tiên.)
Sư nổi tiếng khắp thiên hạ, tăng tục đều quí kính. Vua Nhân Tông mỗi khi ra chơi hành cung Hải Thanh đều ghé chùa thăm Sư.

(4) Nương theo câu chuyện của TS Từ Nghiệp bao năm làm đồ tể bổng một ngày chợt tỉnh ngộ buông daoan đến chùa sám hối qui y…
Phút trước còn mê lầm, phạm sai lầm, như là làm nghề hàng ngày sát sinh, thế nhưng nếu phút sau, biết tận tình ăn năn hối lõi, giác ngộ, thì chỉ ném cái dao xuống đất là có thể chứng đạo. Như, cái nhà bị bóng tối bao phủ hàng trăm năm, hàng nghìn năm, nhưng nếu rọi đèn vào thì phút chốc trở nên sáng.
Từ đó có câu “Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật”, ném cái đao hàng thịt xuống, thành Phật ngay lập tức.

(5) Sư nổi tiếng khắp thiên hạ, tăng tục đều quí kính. Vua Nhân Tông mỗi khi ra chơi hành cung Hải Thanh đều ghé chùa thăm Sư.
Một hôm Vua hỏi:
– Phép chân thần túc có thể được nghe chăng?
Sư liền hiện tám phép thần biến: Thân vọt lên hư không cách đất vài trượng, chợt lại trở xuống…
Vua và quần thần vỗ tay khen ngợi. Từ đó Vua ban cho Sư tự do ra vào cung vua.

(6) Có vị Tăng hỏi:
– Phật và chúng sanh ai khách ai chủ?
Sư dùng bài kệ đáp:
Gái để chỏm đầu bạc,
Bảo ông, tác giả biết.
Nếu hỏi cảnh giới Phật,
Long môn bị điểm trán.
(A giác nữ đầu bạch,
Báo nhĩ tác giả thức.
Nhược vấn Phật cảnh giới,
Long môn tao điểm ngạch.)

(7)  Trong Kinh Duy Ma, Bồ Tát tên là Pháp Tự Tại nói rằng: Sinh với diệt là hai. Các pháp xưa vốn chẳng sinh, nay tất nhiên chẳng diệt. Được pháp nhẫn vô sinh ấy là vào pháp môn “Chẳng phân hai”. Pháp môn “Chẳng phân hai” (Bất nhị pháp môn) dịch nghĩa là “chẳng hai” hoặc “không hai”, nhưng hàm ý ở đây nói đến sự phân biệt, chia chẻ trong nhận thức. “Bất nhị” không ngụ ý nói đến số lượng tính đếm, mà nhấn mạnh vào sự phân biệt đối với các pháp.
Phật học tiểu từ điển giải thích “bất nhị” là “không phân biệt đối với tất cả mọi hiện tượng”, siêu việt trên mọi phân biệt. “Bất nhị” là không phải cái này, cũng không phải cái kia. “Bất nhị” còn được gọi là “chân như”, “pháp tính”. “Bất nhị” chỉ trạng thái siêu việt tuyệt đối, vượt khỏi mọi đối lập tương đối. Bất nhị là không hai. Không hai là không lạc vào hai cực đối đãi của một vấn đề, bản chất sự việc như to-nhỏ, cao-thấp, đi-về, một-nhiều… “Bất nhị” thường được xem như là phương pháp thuộc lĩnh vực nhận thức.
“Pháp môn Bất nhị” là pháp môn nhằm làm rõ chân lý tuyệt đối không phân chia. Chương Nhập Bất Nhị Pháp Môn (Chương IX trong 14 chương của Kinh Duy Ma) chuyên thuyết giảng về vấn đề này:Bất nhị tức là không hai, không hai chứ không phải một. Mới nghe tưởng như là chơi chữ nhưng đó là cách diễn đạt con đường buông xả đầy diệu dụng. Thông thường, thế giới được nhận thức qua lăng kính nhị nguyên, nghĩa là luôn có chủ thể và đối tượng, thế giới luôn được phân hai: thiện – ác, tốt – xấu, được – mất, hơn – thua, cao – thấp, trên – dưới, trong – ngoài, ta – người… Không có hai thì thế giới không tồn tại. Tư tưởng kinh Duy Ma cho rằng cái hai ấy không phải là hai vì chúng là song lập, cùng tồn tại bất khả phân ly; nói cách khác, chúng tồn tại trong thế duyên khởi.
Do vậy không thể nhìn riêng bất cứ pháp nào, mà nên nhìn với cái nhìn toàn diện của một pháp. Kinh Duy Ma được xây dựng trên nền tư tưởng Bát Nhã và Hoa Nghiêm: các pháp không có tự tính, không sinh không diệt, vô tướng, bất khả thuyết… Bất nhị là đúc kết lý thuyết chân không diệu hữu mà Bát Nhã và Hoa Nghiêm đã triển khai.
Ngài Duy Ma dạy: “Sắc và không là hai nhưng sắc là không, không phải sắc diệt mới không mà là sắc tính tự không; cũng vậy, thọ, tưởng, hành thức…”. Rõ ràng tư tưởng Bất nhị có sắc thái Nhất nguyên luận. Tuy nhiên ngài Duy Ma không dừng lại ở triết lý siêu việt mà đưa tư tưởng Bất nhị vào đời sống thực nghiệm tâm linh hiện thực rằng: “Nhãn và sắc là hai, nhưng nếu biết nhãn đối với sắc không tham, sân, si thì đó là tịch diệt… cho đến ý với pháp là hai, nhưng ý đối với pháp không tham, sân, si thì đó là tịch diệt, sống trong ấy là nhập vào pháp môn Bất nhị”.

(8) Nếu những ai còn thắc mắc muốn tìm hiểu Nhị Nguyên là gì kính xin mời xem trích đoạn phẩm chín Kinh Duy Ma đã có ghi chú trên câu 7.

(9) Tích điển Cá vượt long môn cũng nằm trong câu cuối của bài kệ thượng đường.

Truyền thuyết kể rằng khi trời đất mới hình thành chính trời đã tạo ra mưa, gió, giông, sấm sét. Nước có từ mưa hình thành nên sông biển và những sinh vật sống trong nước được trời tạo ra tự nhiên và từ đó hình thành nên mọi thứ trên trái đất.
Vì bận bịu với công việc tạo ra loài người và vạn vật nên trời không có thời gian làm mưa mà sai Rồng là con vật của cõi trời bay lượn trên không trung và phun nước xuống nhân thế làm mưa tưới mát cho cây cối và các loài sinh vật dưới nơi đây.
Số lượng Rồng trên trời không đủ để mang mưa đến khắp nơi nên trời tổ chức một cuộc thi kén chọn các con vật lên làm Rồng với tên gọi là thi Rồng. Khi có chiếu thị ban xuống dưới thủy cung thì các con vật đều tranh nhau đi thi với hi vọng sẽ được hóa Rồng. Cuộc thi gồm ba kỳ, mỗi kỳ phải vượt qua một đợt sóng, con vật nào đủ sức, đủ tài, vượt qua cả ba đợt thì mới đậu để được hóa Rồng.
Trong thời gian khá lâu, một tháng trôi qua, có biết bao nhiêu loài thủy tộc đến tham gia thi đều bị loại, vì không con nào vượt qua được cả ba đợt sóng. Có con Cá Rô nhảy qua được một đợt, đợt sau thì bị rớt. Có con Tôm nhảy qua được hai đợt, ruột gan vây vẩy râu đuôi đã gần hóa Rồng. Khi đến đợt ba, đuối sức bị té nên lưng cong lại. Đến lượt Cá Chép tham gia vào cuộc thi, con cá này trong miệng lại ngậm một viên ngọc trai. Thấy điều lạ, thần gió tó mò bay đến để xem sự lạ lùng này. Khi thần gió bay đến thì gió, mây ào ạt kéo đến, sấm sét ầm trời, và những đợt sóng cao trổi dậy…Cá Chép nhờ đợt sóng cao đưa lên, vượt luôn một lần qua ba đợt sóng, nhả ngọc vượt qua Vũ Long Môn và hóa Rồng.

Từ câu chuyện dân gian đó, mà hình tượng Cá Chép hóa Rồng đã trở thành biểu trưng cho sự can đảm, may mắn, trót lọt, thành công, chiến thắng của con người cho đến ngày nay.
(10) Trích đoạn lời mở đầu trong Tập Sách “Tìm hiểu Phước Bố Thí “của Sư Hộ Pháp.
Con người chúng ta có nhiều cơ hội tạo mọi phước thiện nhất là phước bố thí, không những đem lại sự lợi ích cho mình, mà còn hồi hướng đến cho thân bằng quyến thuộc: ông bà, cha mẹ, thầy tổ, bà con, bạn bè… cùng các chúng sinh đang sống trong cảnh khổ, họ đang mong đợi, trông chờ phần phước thiện mà bà con mình hồi hướng. Khi họ hoan hỉ phần phước thiện ấy, ngay tức khắc, giải thoát khỏi cảnh khổ, được tái sanh cảnh thiện giới: cõi người, cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc.
Như vậy, con người chúng ta chớ nên bỏ lỡ cơ hội làm phước bố thí, bởi vì phước bố thí mà thí chủ đã tạo xong rồi, sẽ cho quả an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai, dầu tái sanh kiếp nào, là người hoặc chư thiên cũng hưởng được quả báu của phước bố thí ấy, được an lạc lâu dài. Thậm chí, dầu tái sanh làm loài súc sanh, thì loài súc sanh ấy cũng hưởng được quả báu ấy, kiếp súc sanh được an lạc hơn hẳn các loài súc sanh khác. Như chúng ta thường thấy có những con chó, con mèo, con ngựa, con voi… chúng được săn sóc chu đáo, có đầy đủ vật thực ngon lành, còn được trang sức đẹp đẽ nữa. Ðó là do quả báu của phước bố thí ở tiền kiếp mà chúng đã tạo.
Đức Phật dạy:
Annado balado hoti,
Vatthado hoti vaṇṇado.
Yānado sukhado hoti,
Dīpado hoti cakkhudo.
So ca sabbadado hoti.
Yo dadati upassayaṃ,
Amataṃdado ca so hoti,
Yo dhammamānusāsati”.
[Bộ Saṃyuttanikāya – Sāgathavagga, kinh Kiṃ Dadasutta.]
Đức Phật trả lời câu hỏi của chư thiên trong bài kinh Kiṃ Dadasutta, như sau__
“Bố thí những vật thực,
Là bố thí sức mạnh.
Bố thí những y phục,
Là bố thí sắc đẹp.
Thí phương tiện đi lại,
Là thí sự an lạc.
Bố thí đèn thắp sáng,
Là bố thí đôi mắt.
Người bố thí chỗ ở,
Là bố thí tất cả.
Bậc giảng dạy chánh pháp,
Là thí pháp bất tử”.
Con hết lòng thành kính
Đảnh lễ ngôi Tam bảo:
Phật bảo, Pháp, Tăng bảo
Cùng các bậc Thầy Tổ.
Con biên soạn tập sách:
“Tìm Hiểu Phước Bố Thí”.

(11) Lúc sắp tịch, Sư gọi chúng nói kệ:
Xuân về hoa bướm gặp nhau đây,
Hoa bướm phải cần họp lúc này.
Hoa bướm xưa nay đều là huyễn,
Giữ tâm bền chặt bướm hoa thây.
(Xuân lai hoa điệp thiện tri thì,
Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ.
Hoa điệp bản lai giai thị huyễn,
Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì.)
Đêm ấy có ngôi sao lớn rơi xuống góc Đông Nam thất Sư, Sư ngồi ngay thẳng an nhiên thị tịch. Vua hạ chiếu quyên ba mươi hộ để cúng hương hỏa. Hai đứa con Sư cũng được ân thưởng làm quan.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.